Mỹ sẽ duy trì hiện diện quân sự tại Afghanistan ngay cả khi đạt thỏa thuận với Taliban
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/8 cho biết Washington sẽ duy trì sự hiện diện quân sự ở Afghanistan ngay cả khi đạt thỏa thuận với phiến quân Taliban nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 18 năm qua.
Binh sĩ Mỹ tham gia một buổi diễn tập quân sự ở tỉnh Helmand, Afghanistan ngày 27/8/2017. Ảnh: AFP/TTXVN
Trả lời phỏng vấn Đài Fox News, ông Trump nói: “Chúng ta sẽ duy trì sự hiện diện (quân sự) tại đó (Afghanistan). Chúng ta sẽ giảm đáng kể (quân số) và sẽ luôn phải hiện diện. Chúng ta sẽ có (những thông tin) tình báo quan trọng”.
Theo ông Trump, quân số Mỹ đồn trú tại Afghanistan sẽ được giảm xuống còn 8.600 binh sĩ. Ông cũng cảnh báo rằng nếu xảy ra một vụ tấn công nhằm vào Mỹ xuất phát từ Afghanistan, “chúng tôi sẽ trở lại với một lực lượng lớn hơn trước”.
Video đang HOT
Mỹ đã tham chiến tại Afghanistan kể từ sau loạt vụ khủng bố bằng máy bay nhằm vào Tòa tháp Đôi và Lầu Năm Góc ngày 11/9/2001. Khoảng 20.000 binh sĩ nước ngoài, chủ yếu là quân nhân Mỹ, hiện đang đồn trú tại Afghanistan như một phần trong sứ mệnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO), do Mỹ đứng đầu, để huấn luyện, hỗ trợ và cố vấn cho các lực lượng an ninh nước này. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ còn thực hiện sứ mệnh chống khủng bố.
Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford khi đề cập tới các cuộc hòa đàm giữa đại diện Mỹ và Taliban, cho rằng hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để bàn về tương lai của lực lượng chống khủng bố của Mỹ tại Afghanistan, và lực lượng Taliban phải đảm bảo rằng Afghanistan không trở thành nơi ẩn náu của những phần tử cực đoan trước khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á này.
Từ cuối năm ngoái, Mỹ và Taliban đã tiến hành các cuộc đàm phán tại Doha ( Qatar) nhằm chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng tại Afghanistan. Vòng đàm phán thứ 9 đã diễn ra từ tuần trước. Các cuộc đàm phán hướng đến một thỏa thuận hòa bình gồm 4 vấn đề chính: phiến quân Taliban đảm bảo sẽ không cho phép các tay súng nước ngoài sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tiến hành các cuộc tấn công bên ngoài lãnh thổ; các lực lượng Mỹ và NATO rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan; đối thoại giữa các bên tại Afghanistan và thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn.
Theo giới phân tích, hiện hai bên vẫn đang gặp vướng mắc trong việc giải quyết một số vấn đề trong đó có chia sẻ quyền lực và tương lai của chính quyền hiện nay tại Afghanistan.
Theo Bích Liên (TTXVN)
Mỹ đánh giá tích cực đàm phán về thỏa thuận hòa bình Afghanistan
Ngày 18/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh tiến bộ trong đàm phán thỏa thuận hòa bình tại Afghanistan.
Cho biết các cuộc đối thoại riêng rẽ của giới chức Washiongton với cả phong trào Hồi giáo Taliban và Chính phủ Afghanistan đều diễn ra tốt đẹp.
Quân nhân Mỹ tại tỉnh Helmand, Afghanistan. Ảnh: Reuters
Phát biểu với báo giới tại bang New Jersey, Tổng thống Trump cho biết Washington đang duy trì mọi vấn đề "trong tầm kiểm soát" bất chấp bạo lực liên tiếp xảy ra tại quốc gia Nam Á này và mới đây nhất là vụ đánh bom tại một đám cưới ở thủ đô Kabul ngày 18/8 khiến ít nhất 63 người thiệt mạng và gần 200 người bị thương. Triển vọng về một thỏa thuận hòa bình tại Afghanistan đang ngày càng hiện hữu, theo đó Mỹ sẽ rút quân khỏi chiến trường Afghanistan sau cuộc chiến kéo dài gần 2 thập kỷ tham chiến tại đây.
Cũng trong tuyên bố trên, Tổng thống Trump để ngỏ Mỹ thực hiện rút quân tại Afghanistan theo lộ trình, trước mắt có thể giảm 1.000 quân so với mức 14.000 quân hiện nay và tiếp sau đó, Washington sẽ cân nhắc khả năng tiếp tục hiện diện tại đây. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh quyết định của Mỹ phụ thuộc vào nỗ lực Taliban và Chính phủ Afghanistan trong việc khôi phục hòa bình và ổn định tại quốc gia Nam Á này. Tổng thống Trump cũng cho biết thêm Mỹ sẽ duy trì hoạt động tình báo tại nước này ngay cả khi rút quân để bảo vệ Afghanistan trước các mối đe dọa quân sự tiềm ẩn.
Hiện Mỹ hướng tới việc chấm dứt sự can dự vào chiến trường Afghanistan - nơi là Washington đã tiêu tốn hơn 1.000 tỷ USD kể từ khi triển khai quân đội tới đây hồi năm 2001. Đây là chủ trương của Tổng thống Trump ngay thời điểm ông mới nhậm chức vào tháng 1/2016
Trước đó, ngày 12/8, quan chức Mỹ và đại diện lực lượng Taliban đã kết thúc vòng đàm phán thứ 8 tại Doha (Qatar) về một thỏa thuận hướng tới chấm dứt cuộc chiến tranh tại Afghanistan. Tuy nhiên, bản thân thỏa thuận này - giữa Mỹ và Taliban, không đủ để chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan mà trên thực tế, Taliban cần phải đạt được một thỏa thuận với Chính phủ Afghanistan được Washington hậu thuẫn để chấm dứt cuộc chiến này. Cho đến nay, Taliban vẫn bác bỏ khả năng trực tiếp đàm phán với Chính phủ Afghanistan, bất chấp chính quyền Kabul nhiều lần thể hiện sẵn sàng đàm phán với phiến quân này nhằm đạt được thỏa thuận mang lại hòa bình và ổn định cho Afghanistan.
An ninh bất ổn vẫn là thách thức hiện tại Afghanistan. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2018 là năm đẫm máu nhất tại Afghanistan khi có ít nhất 3.804 dân thường thiệt mạng trong các vụ bạo lực, trong đó có 927 trẻ em. Trong 7 tháng đầu năm 2019, các cuộc giao tranh tại đây đã khiến hơn 217.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, khiến vấn đề cứu trợ nhân đạo trở nên cấp bách trên khắp cả nước.
Theo Lan Phương (TTXVN)
Mỹ và lực lượng Taliban nối lại đàm phán Ngày 3/8, Mỹ và lực lượng Taliban ở Afghanistan đã nối lại các cuộc đàm phán quan trọng tại Doha về một thỏa thuận sẽ mở đường cho việc rút quân đội của Washington khỏi Afghanistan sau 18 năm can thiệp, một lời hứa trong chiến dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một lính Mỹ trong khóa huấn luyện quân sự với...