Mỹ sẽ đối phó TQ ở Biển Đông và Đài Loan ra sao dưới thời ông Biden?
Trong khi phải đối mặt với quá trình chuyển giao quyền lực đầy rắc rối và tiềm ẩn nhiều tranh chấp sau khi được truyền thông xướng tên đắc cử tổng thống Mỹ, chính sách đối ngoại với Trung Quốc có lẽ là điều tiếp theo khiến ông Biden “đau đầu”, theo CNN.
Dưới thời ông Trump, Mỹ từng điều 2 tàu sân bay đến Biển Đông tập trận cùng lúc, thách thức Trung Quốc (ảnh: SCMP)
Nhiều nhà lãnh đạo trên khắp thế giới đã gửi lời chúc mừng chiến thắng bầu cử tổng thống Mỹ của ông Biden và hy vọng nước Mỹ sẽ bớt “khó tính” hơn sau khi ông Trump rời Nhà Trắng.
Tuy nhiên, không quốc gia nào hy vọng cải thiện quan hệ với Mỹ hơn Trung Quốc. Dưới thời ông Trump, quan hệ Mỹ – Trung được cho là ở mức thấp nhất lịch sử sau hàng loạt mâu thuẫn, đặc biệt là do vấn đề Biển Đông và Đài Loan.
Cả chính quyền ông Obama và ông Trump đều theo đuổi chính sách kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Chính quyền Tổng thống Trump thậm chí còn tuyên bố bác bỏ hầu hết các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Dưới thời ông Obama, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Mỹ phản ứng bằng cách điều các tài hải quân đến Biển Đông nhằm “đảm bảo tự do hàng hải”.
Ông Biden chưa đưa ra tuyên bố công khai nào về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy ông muốn đảo ngược chính sách của 2 người tiền nhiệm về Biển Đông. Ông Biden thậm chí còn có thể cứng rắn hơn với Bắc Kinh về vấn đề này.
Năm 2020, đảng Dân chủ đưa ra cảnh báo về “sự uy hiếp rõ ràng của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Video đang HOT
Ông Biden nhiều khả năng sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo CNN (ảnh: CNN)
Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden kể rằng, mình đã nhiều lần thẳng thừng nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu hải quân, máy bay hoạt động ở Biển Đông, bất chấp Bắc Kinh có thiết lập vùng nhận dạng phòng không trái phép hay không.
“Ông Tập bảo máy bay không thể tự do bay qua Biển Đông. Tôi nói Mỹ không quan tâm điều đó, chúng tôi sẽ bay qua”, ông Biden nói.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật bản Suga Yoshihide, dù chưa nhậm chức, ông Biden đã cam kết sẽ giúp Nhật Bản bảo vệ quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Động thái này thể hiện quyết tâm đối phó Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương của ông Biden.
Dưới thời ông Trump, Mỹ tăng cường quan hệ chính thức với Đài Loan. Trong 12 tháng qua, Mỹ bán cho Đài Loan hàng tỷ USD vũ khí hiện đại. Bộ trưởng Y tế Mỹ cũng tới thăm chính thức Đài Loan, khiến Bắc Kinh không khỏi “ nóng mắt”.
Ông Biden từ lâu đã thể hiện sự ủng hộ với Đài Loan, đặc biệt là với bà Thái Anh Văn.
Ông Biden là một trong những người đầu tiên bỏ phiếu thông quan Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 của Mỹ. Đạo luật này cho phép Mỹ duy trì quan hệ với Đài Loan, bán vũ khí cho hòn đảo.
Ông Biden đã gửi lời chúc mừng bà Thái Anh Văn đắc cử lãnh đạo Đài Loan vào tháng 1.2020. Lãnh đạo Đài Loan cũng sớm chúc mừng chiến thắng bầu cử của ông Biden.
Trong chính sách năm 2020, đảng Dân chủ Mỹ không có một từ nào đề cập đến nguyên tắc “Một Trung Quốc”.
Ông Biden cũng không thể hiện bất kỳ đấu hiệu nào cho thấy mình sẽ đảo ngược chính sách của ông Trump về vấn đề Đài Loan. Thái độ của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ đối với Trung Quốc đang ngày càng khắt khe và ông Biden chắc chắn không muốn đi “ngược dòng”, theo CNN.
Hàng loạt bài toán hóc búa cần lời giải của tân tổng thống Mỹ
Nếu ông Trump bất thành trong các vụ kiện về bầu cử năm 2020 thì ông Joe Biden sẽ trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Tuy nhiên, ông Biden sẽ phải đối mặt với nhiều bài toán hóc búa trên tất cả lĩnh vực.
Thách thức đối nội
Thách thức đầu tiên của ông Biden trong những ngày đầu kế nhiệm là sự chia rẽ đảng phái, nguy cơ Tổng thống Donald Trump từ chối chuyển giao quyền lực. Ông Trump có thể yêu cầu kiểm phiếu lại tại các bang thua ông Biden và tiến hành cuộc chiến pháp lý kéo dài. Nhiều khả năng ông Trump không bắt tay hợp tác với đội ngũ của ông Biden để tiến hành chuyển giao quyền lực.
Đảng Cộng hòa hiện vẫn giữ quyền kiểm soát Thượng viện. Trong khi ông Biden nắm ưu thế trước ông Trump, thì nhiều thành viên của đảng Dân chủ không thể nắm ưu thế trong cuộc đua vào Thượng viện. Quốc hội Mỹ nhiều khả năng tiếp tục phân cực mạnh mẽ và hơn 70 triệu người Mỹ bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử càng khiến nhiệm vụ của ông Biden thêm khó khăn. Nhiều đối tác nhận ra rằng ông Biden sẽ chỉ dễ quyết định những việc không phải thông qua Quốc hội.
Cuộc chiến chống Covid-19 của ông Biden có thể gặp nhiều trở ngại, bởi sự thiếu đồng thuận giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy không quá nửa số người Mỹ sẵn sàng tiêm vaccine. Trong đó làn sóng bài vaccine tập trung chủ yếu ở nhóm người Mỹ theo phe Cộng hòa. Nếu như vậy, Mỹ rất khó kiểm soát đại dịch thành công và có thể đối mặt nhiều lần đóng cửa, tác động nghiêm trọng tới cộng đồng và các doanh nghiệp nhỏ.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden đã lên kế hoạch cứu nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng bởi đại dịch, ủng hộ các kế hoạch xóa nợ cho các khoản vay của sinh viên, tăng tiền an sinh xã hội cho những người hưu trí và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ. Ông cũng đưa ra các đề xuất tham vọng hơn như đầu tư 2.000 tỷ USD vào các lĩnh vực năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng và giao thông công cộng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đảng Cộng hòa có khả năng sẽ kiên định hơn trong việc chống lại các đề xuất chi tiêu từ Nhà Trắng của đảng Dân chủ, và điều này sẽ dự báo một cuộc chiến cam go. Liệu ông Biden sẽ tìm kiếm thêm bao nhiêu từ ngân sách cho các kế hoạch này?
Khi tranh cử, ông Biden kêu gọi đảo ngược một số phần của việc cắt giảm thuế năm 2017 do ông Trump ký, hứa hẹn sẽ nâng mức thuế đối với các công ty từ 21% lên 28%, cùng những thay đổi khác. Nhưng bất kỳ nỗ lực tăng lãi suất nào cũng sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt từ đảng Cộng hòa và các nhóm doanh nghiệp, những người cho rằng thuế cao hơn sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.
Vấn đề bất bình đẳng về thu nhập ở Mỹ cũng là bài toán khó đối với ông Biden. Theo một thống kê, hiện ở Mỹ có khoảng 30% lao động có thu nhập thấp hơn tiêu chuẩn đói nghèo của nước này, nhưng không nhận được trợ cấp bởi theo luật, họ không phải là người thất nghiệp.
Báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ là cao nhất trong số 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ đang ngày một lớn khi chênh lệch thu nhập giữa 2 tầng lớp đã tăng hơn 100% trong khoảng 1989-2016.
Kế hoạch chống biến đổi khí hậu của ông Biden được mô tả là tham vọng nhất từng được đưa ra bởi một ứng viên tổng thống Mỹ, bao gồm đầu tư 400 tỷ USD vào nghiên cứu năng lượng tái tạo, thắt chặt các quy định về ô nhiễm ô tô, ngăn chặn các tác nhân gây ô nhiễm trong công ty, xây dựng 500.000 trạm sạc xe chạy điện và loại bỏ ô nhiễm carbon từ các nhà máy điện vào năm 2035. Nhưng đảng Cộng hòa cảnh báo kế hoạch này sẽ "chôn vùi" nền kinh tế Mỹ.
Thách thức đối ngoại
Trong lĩnh vực đối ngoại, với kinh nghiệm dày dặn đã được tích lũy, ông Biden được kỳ vọng đưa nước Mỹ trở lại con đường đối ngoại truyền thống hơn. Tuy nhiên, còn rất nhiều nhiều thử thách phía trước, nhất là vấn đề ứng phó với Trung Quốc và "làm hòa" với các đồng minh lâu năm của Mỹ.
Với Trung Quốc, chính quyền ông Biden có thể hợp tác ở một số lĩnh vực như y tế và biến đổi khí hậu. Nhưng không vì thế mà mối quan hệ đã xuống dốc nhanh chóng dưới thời Tổng thống Trump có khả năng lội ngược dòng, vì những năm gần đây, nước Mỹ nhận ra không có lợi ích thực sự từ mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc.
Theo ông Biden, cách ứng phó hiệu quả nhất là xây dựng một mặt trận thống nhất quy tụ đồng minh và đối tác của Mỹ để đối đầu với Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng cách hợp tác chặt chẽ với đồng minh trong các vấn đề như công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ, Trung Quốc gây hấn trên các vùng biển ở châu Á...
Tuy nhiên, dù được đánh giá cao ở kỹ năng xây dựng và tái hòa nhập liên minh song ông Biden sẽ gặp không ít thử thách sau khi chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump khiến niềm tin của nhiều đồng minh của Mỹ từ châu Á đến châu Âu bị lung lay. Tại châu Á, Nhật Bản lo ngại bị Mỹ bỏ rơi trong vấn đề Triều Tiên, còn Hàn Quốc bất ngờ đối mặt với đòi hỏi tăng chi phí cho quân đội Mỹ đóng quân tại đây.
Ông Biden cũng sẽ không dễ dàng hàn gắn quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) khi người tiền nhiệm Trump đã gây nhiều xích mích trên bình diện thương mại và công nghệ khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, tuyên bố EU cần "đoạn tuyệt với tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ".
Nhiều khả năng EU sẽ thận trọng và chỉ hợp tác với Mỹ trong một số lĩnh vực nhất định; đồng thời cũng "tự lập chiến lược" trong các vấn đề tối quan trọng như an ninh, kinh tế, chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu... Không chỉ có thế, các đồng minh của Mỹ cũng lo ngại Mỹ sẽ lại đổi hướng nếu "một ông Trump khác" xuất hiện trong nhiệm kỳ tổng thống sau 4 năm nữa.
Việc tập hợp các đồng minh Á-Âu trong một mặt trận chung chống Trung Quốc của chính quyền Biden sẽ là một phương trình khó giải, bởi giữa Mỹ và họ không có cùng một mục đích. Washington đối đầu với Bắc Kinh còn là vì gìn giữ ngôi vị số một, trong khi các đồng minh của Mỹ đối phó với Trung Quốc là chỉ để bảo vệ các lợi ích cốt lõi.
Như vậy, ông Biden chuẩn bị bắt đầu một nhiệm kỳ tổng thống với nhiều tinh thần, thông điệp mới, nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là quyết sách có thể đáp ứng được nhu cầu của các bộ phận cử tri khác nhau, đồng thời giải quyết bài toán hóc búa về sự chia rẽ nội bộ, đại dịch, kinh tế, xã hội và đối ngoại.
Biden tập trung vào chính sách kinh tế trong khi Trump theo đuổi kiện tụng Hôm 16/11, trong khi ông Joe Biden tập trung lên kế hoạch phục hồi kinh tế Mỹ thì Tổng thống Donald Trump tuyên bố triển khai các vụ kiện dài hơi. Ông Biden sẽ tham gia một cuộc họp ngắn và phát biểu tại bang Delaware về việc xây dựng lại nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng...