Mỹ sắp trao thêm tàu chiến cho Philippines
Mỹ sẽ sớm bàn giao tàu chiến thứ hai cho Philippines như một phần nỗ lực tăng cường quân sự cho đồng minh giữa bối cảnh Manila có căng thẳng trên biển với Trung Quốc.
Tàu tuần duyên Dallas của Mỹ. Ảnh: AFP
Mỹ năm ngoái đã chuyển giao chiến hạm Hamilton cho Philippines để bổ sung vào hạm đội hải quân đã lỗi thời của đồng minh châu Á. Mới đây, chiến hạm này đã được Philippines triển khai trên Biển Đông.
Trong tuần này, các nghị sĩ Mỹ sẽ hoàn tất các thủ tục để gửi một chiếm hạm khác là tàu tuần duyên Dallas cho Manila, ông Ed Royce, một nghị sĩ đảng Cộng hòa và ông Peter Lavoy, quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết trong một cuộc họp hôm qua.
“Mỹ và Philippines mong muốn hòa bình và ổn định ở khu vực này, đó là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế toàn cầu”, AFP dẫn lời ông Royce nói.
Philippines và các nước Đông Nam Á khác có liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, không đồng tình với các tuyên bố và hành động của Trung Quốc đối với khu vực quần đảo Trường Sa. Philippines cuối tháng trước tuyên bố sẽ thúc đẩy sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại nước này và tăng cường các cuộc tập trận chung giữa hai đồng minh. Điều này khiến báo chí Trung Quốc giận dữ, cho rằng Bắc Kinh cần áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Philippines vì đã bắt tay với Mỹ. Hiện Mỹ có khoảng 600 lính đặc nhiệm ở Philippines, làm nhiệm vụ hỗ trợ quốc đảo chống khủng bố.
Ông Lavoy cho biết Mỹ đang cân nhắc các khả năng quân sự khi giúp Philippines chuyển trọng tâm từ đối phó với những nguy cơ trong nước sang tập trung xử lý các mối đe dọa từ bên ngoài. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng cung cấp các máy bay F-16 cho Philippines hay không, ông Lavoy cho biết Washington cần phải xem xét thêm về khả năng chi trả và nhiều yếu tố khác trước khi đưa ra quyết định.
Video đang HOT
Ông Kurt Campbell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á, cho biết việc hợp tác giữa hai nước phụ thuộc vào vấn đề nhân quyền. Quốc hội Mỹ đã phong tỏa 3 triệu USD vì lo ngại trước những vụ giết người ngoại tụng của quân đội Philippines.
“Dù những vụ giết người này đã được điều tra nhưng việc truy tìm và kết án thủ phạm vẫn là một thử thách lâu dài”, ông Campbell nói. Tuy nhiên, ông Campbell cũng ca ngợi Tổng thống Philippines Benigno Aquino vì đã quan tâm giải quyết vấn đề nhân quyền và những mối lo ngoại của Mỹ, trong đó có nạn buôn người.
Philippines bắt đầu tăng cường hợp tác hải quân với Mỹ sau các vụ đụng độ với Trung Quốc trên Biển Đông năm ngoái. Manila đã tăng cường tập trận chung với Washington, bên cạnh cải thiện năng lực quân sự bằng cách mua thêm soái hạm từ Mỹ. Chính sách này của Philippines phù hợp với chiến lược trở lại và tăng hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama. Mỹ cũng nhiều lần ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông, kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình đồng thời khẳng định sẽ ủng hộ Philippines trong vấn đề chủ quyền.
Theo VNExpress
Soái hạm của Hạm đội Thái Bình Dương
Hạm đội Thái Bình Dương, hạm đội lâu đời nhất của Hải quân Nga, vừa kỷ niệm tròn 280 tuổi đầu tuần này.
Tàu chiến Varyag của Nga. Ảnh: RIA Novosti.
Là một trong hai hạm đội mạnh nhất của Hải quân Nga, Hạm đội Thái Bình Dương được ưu ái trang bị các hệ thống vũ khí hiện đại nhất của Nga hiện nay như: soái hạm tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển Varyag, tàu khu trục chống ngầm hạng nặng lớp Udaloy, tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Sovremenny, tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta-III/IV, Akula, Oscar-II, tàu ngầm tấn công lớp Kilo (636), máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3, Tu-142, tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới hiện nay Mig-31 và các loại máy bay chống ngầm như Ka-27/31, IL-39.
Trong đó nổi bật là tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển Varyag, lớp Slava và đây cũng chính là soái hạm của hạm đội này. Varyag-011 không chỉ là biểu tượng sức mạnh của Hạm đội Thái Bình Dương mà còn là biểu tượng đầy uy lực của Hải quân Nga trên biển.
Tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển Varyag thuộc Project 1164 Atlant, Nato định danh là lớp Slava. Được manh nha thiết kế từ những năm 1960, cùng với sự ra đời của tên lửa chống hạm tầm xa P-500 Bazalt.
Những chiếc tuần dương hạm này được thiết kế để đảm đương vai trò là những chiến hạm hạng nhất trong biên chế của Hải quân Nga. Sự phát triển của dự án gặp nhiều khó khăn và chậm trễ bởi tính phức tạp và yêu cầu rất cao của dự án.
Chiếc tuần dương hạm đầu tiên của lớp Slava được đưa vào sử dụng năm 1983, hiện tại Hải quân Nga có 3 chiếc tuần dương hạm lớp Slava trong biên chế, trong đó có hai chiếc đảm đương nhiệm vụ soái hạm.
Tuần dương hạm Moskva hiện tại là soái hạm của Hạm đội Biển Đen, cùng với chiếc Varyag là soái hạm của Hạm đội Thái Bình Dương, chiếc còn lại mang tên Marshal Ustinov hoạt động trong Hạm đội Biển Bắc.
Tuần dương hạm Varyag lúc đầu được đặt tên là Chervona Ukrayina, sau lần đại tu vào năm 2002, tàu được đổi tên thành Varyag và năm 2008 bắt đầu phục vụ tại Hạm đội Thái Bình Dương với tư cách là soái hạm của hạm đội.
Với tư cách là chiến hạm hạng nhất Varyag được trang bị hệ thống vũ khí cực mạnh và đầy uy lực cho nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Tuần dương hạm Varyag được trang bị 16 tên lửa chống hạm tầm xa P-500 Bazalt cải tiến (NTAO định danh là SS-N-12 Sandbox) tầm bắn lên đến 550km, tên lửa được dẫn đường kết hợp quán tính và radar chủ động. Trong suốt quá trình bay đến mục tiêu, các tham số về mục tiêu được hiệu chỉnh thông qua một kênh liên kết dữ liệu với máy bay Tu-95D hoặc trực thăng Ka-27B.
Không chỉ mạnh về chống hạm, tuần dương hạm Varyag còn được trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm xa hiện đại. 8 bệ phóng với 8 ống phóng thẳng đứng cho mỗi bệ phóng cơ số 64 tên lửa đối không tầm xa S-300F, phiên bản hải quân của hệ thống tên lửa đối không S-300 PMU2 Favorit (NATO định danh là SA-N-6 Grumble).
Hệ thống tên lửa đối không này có tầm tác chiến chống máy bay là 150km, 30km chống tên lửa đạn đạo. Hai hệ thống tên lửa đối không phản ứng nhanh OSA-MA, một hệ thống ở phía trước và một ở phía sau, cơ số 40 quả tên lửa. Tên lửa 9M33M có tầm bắn tối đa là 15km, tầm cao tối đa là 12km.
Tuần dương hạm Varyag được trang bị một pháo hạm đa năng nòng kép AK-130-130mm, tầm bắn tối đa 23km chống lại các mục tiêu mặc nước, 15km chống máy bay, tốc độ bắn trung bình là 40 viên/phút.
6 pháo bắn siêu nhanh AK-630, có thể được thay thế bằng hệ thống phòng thủ tầm cực gần Kashtan, 5 ống phóng ngư lôi kép 533mm, 2 hệ thống phóng rocket chống ngầm RBU-6000.
Đuôi tàu tuần dương hạm Varyag có bãi đáp và nhà chứa cho trực thăng chống ngầm Ka-27.
Hệ thống điện tử của tàu tuần dương hạm Varyag gồm có, radar tìm kiếm mục tiêu tầm xa đa chức năng 3D MR-800 Voshkod. Radar tìm kiếm mục tiêu trên không MR-710 Fregat-MA. Hệ thống kiểm soát bắn Volna/Top Dome, MPZ-301.Sonar phát hiện tàu ngầm gắn ở võ tàu MG-332, hệ thống sonar kéo theo Mare Tail.
Tuần dương hạm Varyag được trang bị hệ thống động cơ đẩy kết hợp tuabin khí COGOG, tổng công suất 120.000 mã lực. Tốc độ tối đa đạt 32 hải lý/giờ, tầm hoạt động 6500 dặm (10400km).
Thông số cơ bản: Dài 186,4m, rộng 20,8m, mớn nước 8,4m, tải trọng tiêu chuẩn 10.000 tấn, đầy tải 12.500 tấn, thủy thủ đoàn từ 476-529 người
Theo VNExpress