Mỹ sẵn sàng ứng phó nếu chủ quyền Philippines bị thách thức
Mỹ hôm thứ Năm tuyên bố sẽ tiếp ứng Philippines “ trong vòng vài tiếng đồng hồ” trong trường hợp chủ quyền của nước này bị thách thức.
Chuẩn Tướng Paul Kennedy (giữa), chỉ huy Lữ đoàn 3 Thủy quân lục chiến Mỹ Viễn chinh, Thiếu Tướng Thủy quân lục chiến Philippines Alexander Balutan (phải), và Đại tá Thủy quân lục chiến Philippines Nathaniel Casem khoác tay sau lễ khai mạc cuộc tập trận
Chuẩn Tướng Paul Kennedy, chỉ huy Lữ đoàn 3 Thủy quân lục chiến Mỹ Viễn chinh, bảo đảm với binh sĩ Philippines về cam kết của Mỹ sẵn sàng hỗ trợ nước này khi đối mặt với những mối đe dọa từ bên ngoài, trong khi tiến hành cuộc Diễn tập Đổ bộ Philippine lần thứ 32 (Phiblex).
Ông nói: “Nếu ai đó thách thức chủ quyền của đất nước này, những người bạn tốt nhất của các bạn trong khu vực này sẽ ứng phó trong vòng chỉ vài giờ. Và đây không phải là lời hứa suông.”
Ông Kennedy cũng bác bỏ những nghi ngờ rằng, binh sĩ Mỹ đang nỗ lực tận dụng những cuộc tập trận chung để có những căn cứ lâu dài tại Philippines.
Thiếu Tướng Alexander Balutan của Thủy quân lục chiến Philippines cho biết cuộc tập trận hàng năm này sẽ tập trung vào huấn luyện trên thực địa và hỗ trợ nhân đạo.
Tổng cộng 748 thủy quân lục chiến Philippine và 868 thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tham gia vào cuộc tập trận Phiblex năm nay, bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 cho đến ngày 9 tháng 10.
Video đang HOT
Philippines hiện đang đối mặt với những tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông với Trung Quốc, nước tuyên bố gần 90% vùng biển có tiềm năng dầu khí lớn ở Đông Nam Á.
MẠNH CƯỜNG
Theo Biz Live
Biển Đông: Mỹ sẽ thách thức ngay trước mũi Trung Quốc
Chỉ huy lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương mới đây đã không ngần ngại tuyên bố, Mỹ nên thách thức đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông của Bắc Kinh bằng cách tiến hành những cuộc tuần tra ngay sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trong khu vực. Tuyên bố này được đưa ra công khai ngay trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Washington vào tuần tới.
Ảnh minh họa
Đô đốc Harry Harris đã phát biểu tại cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày hôm qua (17/9) rằng, việc Trung Quốc xây dựng 3 sân bay trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông và tiếp tục quân sự hóa những cơ sở này là "điều gây quan ngại rất lớn về mặt quân sự" và nó tạo ra mối đe dọa cho toàn bộ các nước trong khu vực.
Bị thúc ép bởi các thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ về việc lực lượng Mỹ có nên thách thức Trung Quốc bằng cách đưa tàu thuyền vào hoạt động trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo, Đô đốc Harris trả lời: "Tôi tin rằng, chúng ta nên thực thi và được phép thực thi quyền tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Đông, ở khu vực những hòn đảo không phải là đảo thực". Phát biểu của ông Harris ám chỉ đến những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã và đang xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Khi được hỏi liệu những gì ông nói có đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ tăng cường hoạt động trong phạm vi 12 hải lý đối với những hòn đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc, vị chỉ huy lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương trả lời: "Điều đó phụ thuộc vào kế hoạch. Việc tiến hành chiến dịch tự do hàng hải kiểu đó là một trong những chiến dịch mà chúng tôi đang cân nhắc".
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ Thượng nghị sĩ kỳ cựu John McCain đã lên tiếng chỉ trích chính quyền của Tổng thống Obama về việc không thách thức Trung Quốc bằng cách đưa tàu thuyền vào khu vực phạm vi 12 hải lý của những đảo nhân tạo. Ông McCain cho rằng, sẽ là một "sai lầm nguy hiểm" nếu không làm điều đó bởi nó đồng nghĩa với việc công nhận trên thực tế đòi hỏi chủ quyền thái quá và phi lý của Bắc Kinh.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear cho rằng, những cuộc tuần tra như trên đã không được thực hiện kể từ năm 2012 nhưng sẽ là một trong "hàng loạt" lựa chọn trong tương lai của Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm kéo dài 1 tuần đến Mỹ vào thứ Hai tuần sau (21/9). Quan ngại của Mỹ về tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông sẽ là một chủ đề được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của Tổng thống Barack Obama khi ông này có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc vào tuần tới.Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ
Thượng nghị sĩ McCain cho rằng, Mỹ vẫn tiếp tục giới hạn các chuyến đi tuần tra thậm chí sau khi Trung Quốc đưa tàu hải quân vào khu vực phạm vi 12 hải lý của đảo Aleutian, ngoài khơi bang Alaska hồi tuần trước.
Theo ông Shear, Trung Quốc vẫn chưa đưa vũ khí hiện đại, tối tân vào các đảo nhân tạo. Vị quan chức Mỹ khẳng định: "Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo đảm Trung Quốc không làm điều đó. Đây sẽ là một nỗ lực lâu dài".
Đô đốc Harris cho hay, Trung Quốc đang xây dựng các đường băng dài 3.000 mét trên các đảo nhân tạo. "Và họ cũng đang xây dựng các cơ sở cảng nước sâu để đưa những chiếc tàu hoạt động ở vùng nước sâu và tàu chiến tới đó. Điều này sẽ giúp họ tăng năng lực", ông Harris cho biết.
Sẽ có một mạng lưới vị trí tên lửa, đường băng, máy bay chiến đấu và các khu vực do thám, giám sát. "Tất cả tạo ra một cơ chế mà thông qua đó Trung Quốc trên thực tế sẽ kiểm soát Biển Đông trong bất kỳ kịch bản chiến tranh nào", vị quan chức quân sự Mỹ cho biết thêm.
Theo lời Đô đốc Harris, Mỹ cũng phát hiện Trung Quốc đang tăng cường triển khai tàu ngầm ở tầm ngày một xa, trong đó có cả khu vực Sừng Châu Phi và Tây Bắc Ấn Độ Dương, đồng thời triển khai tàu ngầm tên lửa đạn đạo ở Thái Bình Dương.
Trung Quốc gần đây đã và đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông. Hoạt động bồi đắp làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông của Trung Quốc hiện nay đang gây ra sự lo ngại, bất bình rất lớn trong khu vực nói riêng và cộng đồng thế giới nói chung. Điều gây quan ngại hơn nữa là những công trình mà Trung Quốc đang cấp tập xây dựng trái phép ở Biển Đông có khả năng được dùng cho mục đích quân sự.
Động thái của Trung Quốc được tin là một bước tiến dài táo tợn để nước này tiến tới tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Việc Trung Quốc rầm rập xây dựng hàng loạt công trình trái phép có khả năng dùng cho mục đích quân sự ở Biển Đông được xem là một bước đi đẩy mọi thứ lên cao trào. Vì thế, Trung Quốc đang phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Mỹ giờ đây đã không còn che giấu ý định quyết liệt chặn bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông. Giới chức Mỹ công khai đưa ra những phát biểu phản đối mạnh mẽ những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đồng thời cũng thể hiện sự sẵn sàng của nước này trong việc ra tay đối phó với Trung Quốc ở vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên này.
Nhiều nước lâu nay vốn chỉ dừng lại ở sự chỉ trích Trung Quốc giờ đã không thể còn ngồi yên đứng nhìn. Họ hiểu rằng, nếu tiếp tục để mọi việc diễn ra như thế này thì Trung Quốc sẽ ngày càng tiến gần sát hơn tới mục tiêu giành quyền kiểm soát ở Biển Đông. Và đến khi họ muốn ra tay thì mọi việc có thể đã quá muộn.
Vân Linh (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Chạy đua quân sự giành Bắc cực Vùng đất quanh năm lạnh giá ở cực bắc trái đất đang ngày càng "nóng" vì cuộc tranh chấp chủ quyền và nguồn tài nguyên ẩn dưới lớp băng. Một tàu phá băng cũ kỹ của tuần duyên Mỹ ở Bắc Băng Dương - Ảnh: NPR Tình trạng băng tan nhanh do biến đổi khí hậu không chỉ gây ra thảm họa sinh...