Mỹ, Philippines sắp “hoành hành” trên biển
Mỹ và Philippines tuần này sẽ khởi động một cuộc tập trận rầm rộ kéo dài ở gần khu vực tranh chấp trên Biển Đông nhằm thể hiện mối quan hệ quân sự ngày càng thắt chặt giữa hai nước. Cuộc tập trận này được cho là có thể khiến quan hệ Trung Quốc-Philippines thêm căng thẳng và khiến Biển Đông thêm một lần “dậy sóng”.
Hình ảnh trong một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines ở Biển Đông gần đây.
Cuộc tập trận Đổ bộ Mỹ-Philippines (Phiblex) sẽ chính thức được khai hoả vào ngày mai (18/9) tại một căn cứ hải quân ở Zambales – một tỉnh nằm trên bờ biển phía tây đảo Luzon, đối diện với Biển Đông.
Khu vực diễn ra cuộc tập trận cách bãi cạn Scarborough chỉ khoảng 220km. Bãi cạn này là nơi chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt và quyết liệt vì tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines trong thời gian gần đây.
Theo quân đội Philippines, cuộc tập trận Phiblex sẽ có sự tham gia của 2.300 lính thuỷ đánh bộ đến từ cả hai nước Mỹ, Philippines cùng với 2 tàu chiến của Mỹ. Trong các bài diễn tập sẽ có màn bắn đạn thật trên mặt đất. Cuộc tập trận sẽ kéo dài trong suốt 3 tuần liền.
Tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cho biết thêm, cuộc tập trận chung lần này nhằm mục đích “tăng cường năng lực tiến hành các chiến dịch an ninh hàng hải và bảo vệ lãnh thổ của hai nước”.
Tuy nhiên, cả Philippines và Mỹ đều không cung cấp thông tin về địa điểm cụ thể diễn ra cuộc tập trận Phiblex.
Cuộc tập trận gần Biển Đông diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Philippines đang đàm phán về việc tăng cường sự hiện diện quân sự cũng như triển khai vũ khí của cường quốc số 1 thế giới trên lãnh thổ Philippines.
Cuộc tập trận Phiblex cũng diễn ra 3 tuần trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến có chuyến thăm đến thủ đô Manila. Đây được xem là một sự kiện lớn ở Philippines bởi nước này đang trông chờ vào sự hậu thuẫn, giúp đỡ của Mỹ trong cuộc tranh chấp chủ quyền nóng bỏng ở Biển Đông với nước láng giềng to lớn Trung Quốc.
“Trung Quốc sẽ coi những cuộc tập trận như thế là một ví dụ thêm nữa về việc Philippines khuấy đảo căng thẳng ở Biển Đông và là một bằng chứng khác về việc Mỹ lợi dụng tình hình để tăng cường sự hiện diện quân sự ở đây”, chuyên gia an ninh khu vực Ian Storey đã nhận định như vậy.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với một loạt nước trong khu vực gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Bắc Kinh khiến các nước láng giềng bất bình và lo ngại khi đòi chủ quyền một cách phi lý và thái quá đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
Video đang HOT
Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp quyết liệt bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Bãi cạn này nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km. Kể từ sau khi xảy ra cuộc chạm trán giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc hồi tháng 4 năm ngoái ở bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh đã cho tàu thuyền phong tỏa nơi này bất chấp sự phản đối quyết liệt qua con đường ngoại giao của phía Manila. Trung Quốc trên thực tế đang nắm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough.
Trong suốt thời gian qua, Manila khiến Bắc Kinh khó chịu nhất khi là nước phản đối mạnh mẽ nhất và tỏ ra cứng rắn nhất với các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Manila đang lấy cuộc tranh chấp ở Biển Đông làm “động lực trung tâm” cho các nỗ lực của họ nhằm củng cố quan hệ liên minh quân sự với cường quốc Mỹ.
Obama đến Philippines củng cố quan hệ liên minh
Nỗ lực của Philippines được cho là đang được đền đáp khi Tổng thống Barack Obama có kế hoạch đến thăm nước này vào tháng tới với mục đích là để mở rộng mối quan hệ liên minh giữa hai nước.
Chuyến thăm của ông Obama là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ đến Philippines trong một thập kỷ qua. Ngoài thăm Manila, ông chủ Nhà Trắng còn dừng chân ở Indonesia, Brunei và Malaysia trong chuyến công du kéo dài từ ngày 6 đến 12/10 này.
Tổng thống Mỹ sẽ ở thăm Philippines từ ngày 11 đến 12/10. Chuyến thăm được chờ đợi từ lâu này sẽ “mang đến động lực mới” cho quan hệ giữa Mỹ và Philippines, Ngoại trưởng Albert del Rosario cho biết. Philippines từng là một nước thuộc địa của Mỹ nhưng hiện giờ đang là một trong những đồng minh thân thiết nhất của siêu cường số 1 thế giới ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Chuyến thăm của ông Obama sẽ giúp Mỹ và Philippines tiến gần hơn đến thoả thuận mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Philippines. Thoả thuận này được cho là sẽ được ký kết trước cuối năm nay.
Thoả thuận trên sẽ cho phép Mỹ đưa thêm nhiều vũ khí và binh lính đến các căn cứ của Philippines. Mỹ từng đóng quân thường trú tại hai căn cứ của Philippines cho đến năm 1992. Các căn cứ này đã bị đóng cửa trước sự phản đối của những thành phần theo chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, gần đây, chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino đã tập hợp được sự ủng hộ cho sự trở lại của quân Mỹ trước mối đe doạ từ nước láng giềng Trung Quốc.
Philippines là nước ủng hộ tích cực hàng đầu cho chiến lược “hướng trọng tâm vào Châu Á” của Mỹ. Chiến lược này được cho là nhằm mục đích để kiềm chế, bao vây Trung Quốc.
“Philippines là một những những nước ủng hộ nhiệt tình nhất cho chính sách tái cân bằng ở Châu Á và Mỹ rất vui mừng vì được đón chào trở lại các căn cứ không quân và hải quân cũ của họ ở Philippines”, ông John Blaxland – nhà phân tích an ninh và quốc phòng của trường Đại học Quốc gia Australia, đã nhận định như vậy.
Theo_VnMedia
Nga, Syria "song kiếm hợp bích", Obama thoái lui
Sau khi Nga đưa ra đề xuất có tính đột phá, theo đó đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế hoặc tiêu hủy hoàn toàn nó, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã nhanh chóng lên tiếng hưởng ứng nhiệt thành lối thoát đầy tính khả thi này.
Tổng thống Obama đã buộc phải thoái lui trong kế hoạch tiến đánh Syria
Đề xuất của Nga cùng với sự nhất trí của Syria đã đón nhận sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế, thậm chí là cả người dân và chính quyền Mỹ, bởi đó là một giải pháp hòa bình có tính khả thi, có thể giúp tháo gỡ tình hình Syria mà không cần dùng đến vũ lực.
Diễn biến trên đã đặt Tổng thống Barack Obama vào tình thế khó có thể tiến lên trong kế hoạch tiến đánh Syria. Có thể nói, Nga và Syria đã "song kiếm hợp bích", tạo ra một "tuyệt chiêu" khiến ông Obama buộc phải thoái lui, lùi bước.
Nga, Syria "song kiếm hợp bích"
Hôm 9/9, Nga đã bất ngờ đưa ra một đề xuất tháo gỡ "mớ bòng bong" đang rối tung lên về tình hình Syria. Theo đó, Nga đề nghị đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế. Đề xuất này nhanh chóng được giới quan chức quốc tế và nhiều nước nhiệt liệt hoanh nghênh bởi họ cho rằng, đó là một hướng đi tích cực và có tính khả thi. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy, cộng đồng quốc tế có thể tìm được một giải pháp ngoại giao cho "cuộc đối đầu" mang tầm quốc tế liên quan đến cuộc nội chiến ở Syria kể từ sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8 khiến hơn 1.400 người chết.
Giới chức ở Mỹ cũng phải lên tiếng thừa nhận tính tính cực và đột phá trong giải pháp của Nga nhưng nước này vẫn chưa chịu từ bỏ ý định tấn công Syria. Một số quan chức Mỹ, trong đó có Tổng thống Obama, đã lên tiếng bày tỏ sự hoài nghi về khả năng chính quyền Syria chịu nộp kho vũ khí hóa học cho quốc tế kiểm soát.
Rõ ràng, đề xuất của Nga đẩy Mỹ vào thế bí, khó có thể ra tay với Syria. Tuy nhiên, chính quyền Obama vẫn cố tìm kẽ hở là sự hợp tác từ phía Tổng thống Assad để có được cái cớ can thiệp vào Syria. Nhưng có vẻ như Mỹ tiếp tục thất bại trong nỗ lực này khi ngày hôm qua (10/9), Ngoại trưởng Syria đã lên tiếng bày tỏ sự sẵn sàng của chính quyền Syria trong việc giao nộp kho vũ khí hóa học cho quốc tế và tham gia vào hiệp ước quốc tế về việc cấm sử dụng vũ khí hóa học.
"Theo sáng kiến của Nga, Syria sẽ từ bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học", Ngoại trưởng Walid Muallem cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình vệ tinh Al-Mayadeen.
Damascus sẽ kê khai và nộp lại toàn bộ các cơ sở vũ khí hóa học đồng thời ngừng sử dụng loại vũ khí này. "Chúng tôi sẵn sàng giao nộp các cơ sở vũ khí hóa học cho đại diện của Nga cùng với các nước khác và Liên Hợp Quốc", ông Muallem khẳng định.
Trong khi đó, Nga đang tích cực triển khai kế hoạch của nước này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga sẽ sớm trình ra một kế hoạch chi tiết có tính "khả thi" để đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế.
Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin cũng lên tiếng cảnh báo, sáng kiến của Nga chỉ có thể thành công nếu Mỹ và các đồng minh cam kết không sử dụng vũ lực.
Rất khó để có thể bắt buộc bất kỳ nước nào, trong đó có Syria, đơn phương giải giáp vũ khí nếu nước khác dùng vũ lực chống lại họ, ông Putin phát biểu đồng thời nói thêm rằng, giới chức Nga sẽ "làm việc với các đối tác Mỹ và Syria". "Tôi nhắc lại lần nữa, tôi hy vọng rằng, đây sẽ là một bước đi tích cực nhằm tiến tới một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng", ông Putin nhấn mạnh.
Obama thoái lui
Trước đề xuất của Nga và sự hưởng ứng nhiệt liệt của Syria, Tổng thống Obama rõ ràng bị đẩy vào tình thế không thể ra tay với chính quyền của Tổng thống Assad.
Ông chủ Nhà Trắng trước đó đã nói rằng, đề xuất của Nga là mang tính tích cực và đột phá. Ông này cũng khẳng định Mỹ ưu tiên giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo nước Mỹ vẫn bày tỏ sự nghi ngờ về việc Syria sẽ sẵn sàng nộp vũ khí hóa học. Với lý do trên, chính quyền của ông Obama vẫn tiếp tục các nỗ lực tập hợp, tìm kiếm sự ủng hộ cho một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria.
Rõ ràng, nếu Syria không chịu giao nộp khu vũ khí hóa học của nước này thì Mỹ vẫn có cớ để tiếp tục thúc đẩy kế hoạch tiến đánh Syria. Tuy nhiên, với sự hưởng ứng của chính quyền Syria với đề xuất của Nga, chính quyền Obama hoàn toàn không thể tiến thêm được bước nào.
Nếu Mỹ không có câu trả lời tích cực cho đề xuất của Nga và thiện chí của chính quyền Syria thì nước này dễ dàng bị lên án bởi giới chức Mỹ thường xuyên tuyên bố ưu tiên cho lựa chọn ngoại giao và hơn nữa họ đã từng tuyên bố nếu chính quyền Syria nộp kho vũ khí hóa học, kế hoạch tiến đánh Syria "chắc chắn" sẽ được dừng lại.
Trước diễn biến mới từ phía chính quyền Syria, Tổng thống Obama hôm qua đã phải kêu gọi các nghị sĩ Mỹ hoãn bỏ phiếu cho kế hoạch tiến đánh Syria. Thay vào đó, Mỹ sẽ xúc tiến các cuộc thảo luận ngoại giao về việc thu giữ và kiểm soát kho vũ khí hóa học của Syria.
Theo các Thượng nghị sĩ Mỹ có cuộc gặp với Tổng thống Obama ngày hôm qua, ông chủ Nhà Trắng đã nói, việc để ngỏ khả năng tiến đánh Syria là điều cần thiết để gây sức ép buộc chính quyền của ông Assad phải từ bỏ vũ khí hóa học. Tuy nhiên, ông này cho biết, cần phải có thêm thời gian cho các cuộc hội đàm giữa Mỹ và Nga về một giải pháp ngoại giao thay thế.
"Tổng thống rõ ràng tin rằng, việc đe dọa dùng vũ lực có hiệu quả trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng và nó đã tạo ra đề xuất mới của phía Nga. Tôi nghĩ, ông ấy lo lắng về việc Quốc hội sẽ làm suy yếu quyền của ông ấy trong việc đe dọa dùng vũ lực bởi nếu ông ấy không nhận được sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện, ông ấy sẽ ít nhiều mất đi uy thế của mình. Đó là cách hiểu của tôi", Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Susan Collins cho biết sau cuộc họp Quốc hội ngày hôm qua.
Đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Obama, Quốc hội Mỹ sẽ không tiến hành cuộc bỏ phiếu về kế hoạch trừng phạt Syria trong tuần này.
Theo_VnMedia
Căng thẳng Philippines-Trung Quốc leo thang Căng thẳng Philippines-Trung Quốc tiếp tục gia tăng trong tuần này, khi Bắc Kinh đặt điều kiện cho việc Tổng thống Benigno Aquino đến thăm Triển lãmTrung Quốc-ASEAN ở Nam Ninh. Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Philippines là nước danh dự tại cuộc Triển lãm Trung Quốc-ASEAN ở Nam Ninh năm nay. Và theo các giới chức Philippines, có truyền thống là cử...