Mỹ phạt tù nữ sinh “khủng bố” 47.000 tin nhắn khiến bạn trai tự tử
Một cựu nữ sinh viên trường cao đẳng Boston, Mỹ đã nhận tội ngộ sát vì nhắn hàng loạt tin nhắn gây khủng hoảng tinh thần bạn trai cũ, khiến anh này tự tử hồi năm 2019.
Inyoung You và bạn trai cũ Alexander Urtula (Ảnh: AP).
AP đưa tin, Inyoung You, 23 tuổi, một nữ sinh người Mỹ gốc Hàn Quốc đã ra hầu tòa thượng thẩm Suffolk, Boston. Tại đây, cựu sinh viên cao đẳng Boston đã nhận tội ngộ sát.
Theo các điều khoản của thỏa thuận nhận tội, You nhận bản án tù treo 2 năm rưỡi và 10 năm quản chế.
Các công tố viên cho biết, You đã gửi cho bạn trai cũ Alexander Urtula, 22 tuổi, tổng cộng 47.000 tin nhắn trong 2 tháng cuối cùng của mối quan hệ, trước khi Urtula tự tử vào tháng 5/2019. Trong số hàng chục nghìn tin nhắn, You thúc giục Urtula “hãy tự tử đi” hoặc “đi chết đi”.
Vụ điều tra kết luận, mối quan hệ tình cảm 18 tháng giữa You và Urtula là “hỗn loạn, không lành mạnh” và You có “hành động rất đáng lo ngại và gây tác động bằng lời nói, thể chất và tâm lý tới Urtula”. Những hành vi này gia tăng trong nhiều ngày và nhiều giờ trước khi Urtula tự tử.
Phía công tố nhấn mạnh, “lời nói cũng gây nên tác động. Ngôn ngữ hạ nhục, chế giễu và lạm dụng bằng lời nói có thể tác động sâu sắc đến người khác”.
Trước đó, You bị cáo buộc đã cô lập Urtula khỏi bạn bè và gia đình dù cô hiểu rõ về chứng trầm cảm mà anh mắc phải cũng như những suy nghĩ của anh về việc tự tử nảy sinh trong khi bị You ngược đãi.
Luật sư của You, Steven Kim, cho biết cô hối hận sâu sắc sau khi sự việc xảy ra.
Vụ việc của You gợi nhắc lại trường hợp của Michelle Carter, một phụ nữ Massachusetts từng bị kết án 15 tháng tù sau khi bị kết tội năm 2017 vì đã sử dụng tin nhắn và các cuộc gọi để thúc giục bạn trai Conrad Roy tự tử năm 2014.
Video đang HOT
Tập đoàn Nhật Bản thừa nhận nhân viên chết vì làm thêm giờ
Đây là lần hiếm hoi gã khổng lồ điện tử Nhật Bản Panasonic nhận trách nhiệm và xin lỗi vì để nhân viên làm việc quá sức dẫn đến tự tử.
Người đàn ông 43 tuổi (đến từ tỉnh Hiroshima) làm việc tại Panasonic từ năm 2003 với tư cách là công nhân nhà máy. Tháng 4/2019, anh được thăng chức phó phòng kỹ thuật và bắt đầu chuỗi ngày làm việc khắc nghiệt.
Nhân viên này thường xuyên làm việc hơn 100 giờ/tuần - vượt 1,5 lần so với mức trung bình là 40 giờ/tuần. Anh ngủ lúc 4-5h sáng và đi làm trước 8h.
Người đàn ông dần rơi vào trầm cảm vì làm việc quá sức. Tháng 10/2019, anh tự sát sau khi để lại bức thư cho gia đình, VICE News đưa tin.
Trong đó, nhân viên này trăng trối: "Bố mệt mỏi lắm. Có quá nhiều việc. Bố không thể tha thứ cho Panasonic. Hãy kể câu chuyện này với giới truyền thông".
Những cái chết vì làm việc quá sức xảy ra nhiều ở Nhật Bản nhưng các công ty thường không thừa nhận trách nhiệm. Ảnh: Yuya Shino/Reuters.
Làm việc quá sức
Hôm 6/12, tức hơn 2 năm sau cái chết của nhân viên, Panasonic mới đưa ra thông báo: "Vào năm 2019, một sự cố thương tâm đã xảy ra tại Panasonic. Mặc dù nhân viên làm việc quá sức và thêm nhiều giờ, tập đoàn đã bỏ bê nhiệm vụ chăm sóc cho sự an toàn của cá nhân này dẫn đến cái chết của anh.
Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới người đã khuất và tang quyến của anh ấy".
Panasonic cũng đưa ra các nguyên tắc cần thiết nhằm ngăn chặn trường hợp tương tự tái diễn, ví như các cuộc họp trực tiếp giữa nhân viên và người quản lý. Tập đoàn cũng cung cấp khoản tiền bồi thường không được tiết lộ cho gia đình người quá cố.
Động thái nhận trách nhiệm của Panasonic diễn ra sau 9 tháng kể từ khi Văn phòng Tiêu chuẩn Lao động của thành phố phát hiện người đàn ông 43 tuổi bị trầm cảm do làm việc quá sức.
Theo Matsumaru - đại diện cho gia đình của nhân viên xấu số, các hướng dẫn lao động hiện tại không hiệu quả trong việc ngăn ngừa trường hợp tử vong do làm việc quá sức.
Một tuần làm việc trung bình ở Nhật Bản là 40 giờ nhưng nhiều công ty ép nhân viên tăng ca. Ảnh: Yoshikazu Tsuno.
"Nhân viên này rời văn phòng trước 20h, nhưng Panasonic không có chính sách tính số giờ anh ấy làm việc ở nhà là làm thêm giờ. Có bằng chứng về thời gian nhân viên đăng nhập vào máy chủ của công ty từ laptop cá nhân ở nhà. Điều này cho thấy anh ấy đã làm việc hơn 100 giờ/tuần trong khi một tuần làm việc bình thường ở Nhật Bản là 40 giờ", anh nói.
Ngoài thời gian làm việc mệt mỏi, người đàn ông phải vật lộn để theo kịp khối lượng công việc.
"Đôi khi, anh ấy có 10 cuộc họp/ngày. Khi ra quyết định thăng chức, Panasonic cũng yêu cầu nhân viên này thực hiện bài kiểm tra năng lực. Anh ấy không có thời gian cho công việc thực tế của mình", Matsumaru nói.
Văn hóa độc hại
Văn hóa làm việc của Nhật Bản nổi tiếng với những giờ làm việc cực đoan và mệt mỏi. Được người dân xứ Phù Tang gọi là "karoshi", hiện tượng người chết do làm việc quá sức đã thu hút sự chú ý của cả nước, đến nỗi chính phủ Nhật Bản buộc phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn.
Năm 2018, các nhà hoạch định chính sách đã thông qua dự luật sửa đổi luật Lao động nhằm cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, ví như giới hạn thời gian làm thêm là 45 giờ/tháng. Tuy nhiên, với việc nhiều công ty lớn vi phạm hướng dẫn và báo cáo thời gian làm việc thấp hơn, các nhà hoạt động lao động và luật sư lo ngại rằng tình hình ít có sự cải thiện.
Mặc dù Nhật Bản giới hạn thời gian làm thêm là 45 giờ/tháng cho một nhân viên, các công ty thường phá vỡ nguyên tắc. Tháng 8, các nhà chức trách Nhật Bản đã khảo sát 24.042 công ty và phát hiện 37% có nhân viên làm việc vượt quá giới hạn.
Những giờ làm việc kéo dài gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản, trong năm 2019, cứ 10 vụ tự tử thì gần một người có lý do liên quan đến công việc.
"Karoshi" là hiện tượng người chết do làm việc quá sức ở Nhật Bản. Ảnh: Coal Miki/Flickr.
Cái chết vì làm việc quá sức của nhân viên 43 tuổi không phải là trường hợp "karoshi" đầu tiên ở Panasonic.
Năm 2016, một nhân viên nhà máy khoảng 40 tuổi cũng chết vì tự tử. Trường hợp này được ghi nhận là cái chết liên quan đến công việc do thời gian kéo dài. Hai năm sau, Panasonic bị truy tố vì vi phạm luật tiêu chuẩn lao động khi ép nhân viên làm thêm giờ vượt quá giới hạn.
Theo phát ngôn viên của gã khổng lồ điện tử, họ đã thực hiện sửa đổi các chính sách về cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
"Từ tháng 4 năm nay, chúng tôi đã cập nhật hệ thống để số giờ nhân viên làm việc ở nhà cũng sẽ được tính", người này nói.
Matsumaru tin rằng trường hợp của thân chủ quá cố đã giúp mở đường cho Panasonic cải thiện điều kiện lao động.
"Tập đoàn đã xin lỗi tang quyến và đưa ra các đề xuất cụ thể về việc quản lý thời gian. Đây là lần đầu tiên họ tuyên bố thời gian làm việc ở nhà cũng được tính vào giờ làm thêm".
Ông nói thêm: "Làm việc quá sức là vấn đề được nhìn thấy ở khắp mọi nơi, bất kể nhà tuyển dụng lớn hay nhỏ. Điều quan trọng là giờ làm việc phải được báo cáo đúng cách, nếu không, các công ty sẽ lách luật bằng những sơ hở".
Lập mưu trả thù suốt 2 năm Ôm mối thù suốt hai năm, Tạ Vượng Tướng lên kế hoạch tỉ mỉ để sát hại cả nhà Hoàng Hỏa Nô nhưng bị lật tẩy vì chuyện một con thỏ. Ngày 11/6/1971, vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra tại làng quê thuộc huyện Thuận Xương, tỉnh Phúc Kiến, nạn nhân là Ngụy Khiên Đệ và con gái Tiểu Nhã (3 tuổi)....