Mỹ phản đối việc chia cắt Dải Gaza
Ngày 8/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phản đối việc phong trào Hồi giáo Hamas tiếp tục kiểm soát Dải Gaza, đồng thời cho rằng cần có một giai đoạn chuyển tiếp hậu xung đột.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị Ngoại trưởng G7 ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 8/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trước báo giới sau khi kết thúc Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Tokyo (Nhật Bản), người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định việc Hamas tiếp tục kiểm soát Dải Gaza sẽ khiến xung đột tái diễn. Theo ông, mặc dù phía Israel đã khẳng định với ông rằng sẽ không kiểm soát dải đất này, song vẫn cần có một giai đoạn chuyển tiếp khi xung đột kết thúc.
Trước đó, tại hội nghị G7, Ngoại trưởng Vương quốc Anh James Cleverly cho rằng động thái hướng tới việc thành lập một chính phủ yêu hòa bình ở Palestine là kết quả đáng mong đợi nhất trong cuộc xung đột Hamas – Israel hiện nay, đồng thời tái khẳng định việc London ủng hộ giải pháp hai nhà nước.
Trong khi đó, báo Hurriyet đưa tin tại cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken ở Ankara hôm 6/11, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã phản đối việc di dời người dân Gaza và kế hoạch chia khu vực này thành hai phần. Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Blinken cũng ủng hộ quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối việc chia cắt Dải Gaza.
Về tình hình xung đột, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, sáng 8/11, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết các cuộc không kích xuyên đêm đã khiến Muhsin Abu Zina – một trong những nhân vật hàng đầu trong bộ phận sản xuất vũ khí, đặc biệt là tên lửa, của Hamas thiệt mạng. Cả IDF và Cơ quan An ninh quốc gia Israel đều xác nhận thông tin trên.
Liên quan đến căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban, đêm 7/11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo sẽ tiếp tục đáp trả bằng hỏa lực mạnh mẽ các vụ tấn công của phong trào này. Tuyên bố được đưa ra sau khi Hezbollah bắn khoảng 20 quả rocket từ miền Nam Liban vào vùng duyên hải phía Tây Bắc của Israel, trong đó có cả khu cảng Haifa.
Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn xung đột ở Dải Gaza lan ra khu vực. Đặc phái viên của Mỹ Amos Hochstein hôm 7/11 đã tới thăm Liban truyền đạt các thông điệp của Nhà Trắng với giới chức Beirut, trong đó có Thủ tướng tạm quyền Najib Mikati.
Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Tổng thống Tayyip Erdogan ngày 26/9 cho hay Quốc hội nước này sẽ giữ lời hứa phê chuẩn đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển nếu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mở đường cho thương vụ bán máy bay tiêm kích F-16 cho Ankara.
Trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters
Phát biểu với báo giới trên chuyến bay về nước từ Azerbaijan, Tổng thống Erdogan xác nhận hồi tuần trước ở thành phố New York (Mỹ), Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã thảo luận về tư cách thành viên của Thụy Điển trong NATO. Theo ông Erdogan, Washington đã liên kết thương vụ bán tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ với việc Ankara phê chuẩn đơn xin gia nhập liên minh quân sự của Thụy Điển.
Trước đó, ngày 12/7, Tổng thống Erdogan thông báo ông sẽ chuyển đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển lên Quốc hội nước này để tiến hành biểu quyết thông qua ngay khi các nhà lập pháp nhóm họp trở lại vào ngày 1/10 tới.
Tổng thống Erdogan nhấn mạnh, Stockholm sẽ cung cấp cho Ankara lộ trình về các bước mà nước này sẽ thực hiện để đối phó với khủng bố theo thỏa thuận mới giữa hai nước.
Thụy Điển cùng với Phần Lan đã xúc tiến các thủ tục gia nhập NATO vào năm ngoái, song vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng hai nước này chứa chấp các thành viên của tổ chức đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị Ankara xem là một nhóm khủng bố, cũng như các thành viên của phong trào Gulen bị cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Để trở thành thành viên của NATO, cần phải được Quốc hội của toàn bộ 30 quốc gia thành viên hiện nay của khối quân sự này phê chuẩn. Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO hồi tháng 4.
Mỹ, Anh kêu gọi 'chấm dứt bạo lực ngay lập tức' tại Sudan Ngày 17/4, Mỹ và Anh đã kêu gọi "chấm dứt bạo lực ngay lập tức" tại Sudan sau khi giao tranh giữa quân đội nước này và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã khiến gần 100 người thiệt mạng. Hình ảnh qua vệ tinh SkySat cho thấy các máy bay bị phá hủy sau giao tranh giữa quân đội Sudan và lực...