Mỹ phản đối máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh ở đá Chữ Thập
Quân đội Mỹ đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cho máy bay quân sự hạ cánh trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hãng tin CNN ngày 19/4 đưa tin cho hay, quân đội Mỹ đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cho máy bay quân sự hạ cánh trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Phản ứng trên được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận nước này đã sử dụng trực thăng quân sự để chở ba người dân bị bệnh nặng trên đảo đến một bệnh viện ở đảo Hải Nam hôm 17/4.
Trung Quốc di tản công nhân trên đá Chữ Thập ra trực thăng quân sự. Ảnh CNN
“Chúng tôi được biết máy bay quân sự Trung Quốc đã hạ cánh ở đá Chữ Thập hôm Chủ nhật (ngày 17/4) để thực hiện hoạt động được mô tả là hỗ trợ nhân đạo sơ tán ba công nhân bị bệnh. Chúng tôi không hiểu tại sao Trung Quốc lại sử dụng máy bay quân sự, thay vì dùng máy bay dân sự”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis nói trong một tuyên bố gửi tới hãng tin CNN.
Mỹ với các nước Đông Nam Á đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ quan ngại về hoạt động bồi lấp (trái phép và phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông, một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới và cách xa đất liền Trung Quốc.
Các mối lo ngại về tình hình ở đá Chữ Thập gia tăng sau khi Trung Quốc xây dựng một đường băng đủ lớn cho các máy bay quân sự hoạt động tại đây.
Video đang HOT
Hiện chưa rõ liệu đây có phải là chuyến đổ bộ đầu tiên của máy bay quân sự Trung Quốc trên đường băng mới dài 3km vừa hoàn thành trong năm nay trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988.
Trước đó, hai máy bay dân sự của Trung Quốc đã thực hiện các chuyến bay thử nghiệm hạ cánh trên đường băng này trong tháng 1/2016. Nhưng đây là lần đầu tiên Bắc Kinh công khai thừa nhận việc hạ cánh máy bay trên đá Chữ Thập, tờ ABC News lưu ý.
Trung Quốc mô tả đợt hạ cánh mới nhất là một sứ mệnh cứu trợ nhân đạo trên cơ sở “truyền thống tốt đẹp” của quân đội nước này. Trung Quốc tuyên bố các hoạt động cải tạo của mình ở Biển Đông là phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, Mỹ và các nước láng giềng trong khu vực bày tỏ quan ngại rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng các đảo nhân tạo để tăng cường sức mạnh quân sự, phá vỡ sự cân bằng và đe dọa an ninh trong khu vực.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tái khẳng định không có kế hoạch để triển khai hoặc luân chuyển máy bay quân sự tại các vị trí tiền tiêu của mình ở Trường Sa, giữ đúng các cam kết trước đó của Trung Quốc”, ông Davis nói trong tuyên bố.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc tiếp tục khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động “tự do hàng hải” gần các đảo do Trung Quốc bồi lấp (trái phép) và chiếm đóng (trái phép).
Tuyên bố mới nhất của Lầu Năm Góc đã góp phần củng cố lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Tuyên bố trong chuyến thăm Philippines tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, khẳng định sẽ tham gia đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.
Hoàng Hải
Theo_Người Đưa Tin
Mỹ phản ứng vụ Trung Quốc đưa máy bay quân sự đến đá Chữ Thập
Bộ Quốc phòng Mỹ phản đối việc Trung Quốc đưa máy bay quân sự trái phép đến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cho rằng hành động này của Bắc Kinh là đáng lo ngại.
Máy bay tuần tra trinh sát biển loại Y-8 của Trung Quốc - Ảnh: Reuters
"Chúng tôi hiểu rằng máy bay quân sự Trung Quốc đã đáp xuống đá Chữ Thập hôm 17.4 và được Trung Quốc giải thích là hoạt động nhân đạo để đưa 3 công nhân bị thương đến bệnh viện", CNN dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis trong một thông cáo ngày 18.4.
"(Tuy nhiên), không rõ tại sao Trung Quốc lại sử dụng máy bay quân sự (cho hoạt động cứu hộ) thay vì máy bay dân sự", Lầu Năm Góc chất vấn.
Máy bay tuần tra biển Y-8 của Trung Quốc đã đưa 3 công nhân được cho là bị thương khi làm việc đến một bệnh viện ở đảo Hải Nam, theo Tân Hoa xã.
Trung Quốc lần đầu tiên chính thức công bố việc sử dụng máy bay quân sự đến đá Chữ Thập. Hồi tháng 1.2016, 2 máy bay dân sự đã hạ xuống đường băng phi pháp Bắc Kinh xây dựng ở đá Chữ Thập, làm dấy lên sự phản đối của nhiều nước.
Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và xây thành đảo nhân tạo phi pháp - Ảnh:AMTI
Bắc Kinh ngang ngược nói rằng việc sử dụng máy bay quân sự phục vụ cứu hộ là "hoạt động thường xuyên" của quân đội Trung Quốc và "không có gì đáng lo ngại cả" (?) vì hoạt động trên "lãnh thổ của Trung Quốc", theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 18.4.
Nhiều nước, bao gồm cả Mỹ, Philippines và Việt Nam lo ngại Trung Quốc muốn biến Trường Sa trở thành tiền đồn quân sự ở Biển Đông để đối phó với các nước trong khu vực và cả Mỹ.
"Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc xác nhận rằng họ không có kế hoạch triển khai hay điều động máy bay quân sự đến những địa điểm ở quần đảo Trường Sa nhằm ý đồ đảm bảo sự chiếm giữ của Trung Quốc ở đây", ông Davis phát biểu trong thông cáo, theo CNN.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Trung Quốc đáp chiến đấu cơ xuống Trường Sa, leo thang căng thẳng Một máy bay quân sự Trung Quốc lần đầu tiên công khai đáp xuống sân bay mới được xây dựng trên đá Chữ Thập. Đường băng dài 3 km được Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam Trước nguy cơ Tòa trọng tài quốc tế sẽ ra phán quyết gây bất lợi...