Mỹ-Nhật tập trận ‘thách thức’ Trung Quốc
Hôm (27/11), quân đội Mỹ-Nhật sẽ triển khai cuộc tập trận chung trên Hoa Đông. Động thái này được tờ USA Today đánh giá là thách thức Trung Quốc, khi nước này tự ý khoanh vùng nhận dạng phòng không, gây bất ổn khu vực.
Tàu sân bay Mỹ USS George Washington. Ảnh: Stripes
Cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của một nhóm tàu sân bay Mỹ gồm: tàu sân bay USS George Washington, tàu tuần dương tên lửa USS Antietam, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur, USS Lassen, USS McCampbell, USS Mustin cùng nhiều tàu tuần tra, máy bay trinh sát, tàu ngầm của cả Mỹ và Nhật Bản.
Hải quân Mỹ chuẩn bị lắp tên lửa AIM-9X vào chiến đấu cơ F/A 18E trên tàu sân bay USS George Washington
Tuy địa điểm cụ thể chưa được tiết lộ, song theo USA Today, tàu sân bay USS George Washington đã di chuyển tới phía đông nam đảo Okinawa trong ngày hôm qua (26/11). Tờ báo còn cho biết, các máy bay của hai bên sẽ tuần tra cả trên mặt đất lẫn trên không – bao gồm cả không phận Nhật Bản lẫn không phận quốc tế – nơi đang bị ADIZ của Trung Quốc chồng lấn. Ngoài ra, trong sự kiện này, quân đội hai nước sẽ phối hợp, và triển khai nhiều cuộc diễn tập phức tạp nhằm đối phó với các lực lượng thù địch, cũng như chuẩn bị cho kịch bản Nhật có thể bị tấn công.
Video đang HOT
Động thái này diễn ra ngay sau khi 2 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ tiến thẳng vào vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc đơn phương thiết lập trên Hoa Đông, hiện đang lấn vào không phận nhiều vùng lãnh thổ mà các quốc gia láng giềng đang quản lý. Lầu Năm Góc cho biết thêm, 2 chiếc B-52 còn bay quanh quần đảo Senkaku – địa điểm cũng bị “lưỡi bò trên không” của Trung Quốc bao trùm.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đe dọa, sẽ dùng biện pháp quân sự để đối phó với các máy bay không tuân thủ yêu sách của nước này tại ADIZ trên Hoa Đông.
Bình luận về tuyên bố của Trung Quốc, tờ USA Today cho rằng: Bắc Kinh đã đi quá xa. Nhận định thêm về điều này, Giám đốc phụ trách nghiên cứu của Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế khẳng định: “Trung Quốc đang đẩy cao các căng thẳng và thách thức Thủ tướng Shinzo Abe. Nhưng sẽ thật sự nguy hiểm nếu PLA can thiệp vào cuộc tập trận lần này của Mỹ-Nhật. Khi đó, biến cố thực sự sẽ xảy đến”.
Làn sóng phản đối ADIZ của Trung Quốc ngày càng lan rộng
Sau Mỹ, Nhật Bản, và Hàn Quốc, ngày 26/11, Úc cũng bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” tới quyết định thành lập vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc. Chính phủ Úc đã triệu Đại sứ Trung Quốc để yêu cầu nước này giải thích về quyết định trên. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho rằng, động thái này không giúp ích gì cho sự ổn định của khu vực vốn đang nóng bỏng vì những tranh chấp biển đảo.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng triệu một nhà ngoại giao Trung Quốc nhằm phản đối động thái đơn phương của Bắc Kinh. Seoul còn đưa ra các bản báo cáo số lần máy bay giám sát biển của Trung Quốc bay gần trạm nghiên cứu hải dương của Hàn Quốc ở dải đá ngầm Ieodo là 37 chuyến từ đầu năm đến nay, cao hơn cả năm 2011 (27 chuyến) và năm 2012 (36 chuyến).
Trong khi, ngày 26/11, Đài Loan cũng đã liên hệ với Mỹ và Nhật Bản về vấn đề trên. Trong buổi điều trần trước Ủy ban Quốc phòng và Các vấn đề đối ngoại của Cơ quan lập pháp đảo này, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan David Lin nhấn mạnh: “Đài Bắc kỳ vọng các bên liên quan sẽ giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại để duy trì hòa bình và ổn định khu vực”. Tuy vậy, tờ Focus Taiwan cho rằng, tiếng nói của Đài Loan vẫn còn nhỏ bé khi không thể hiện dứt khoát quan điểm của mình.
Theo Songmoi
Máy bay ném bom Mỹ "ngang nhiên" bay trên biển Hoa Đông
Như tỏ rõ sự phản đối với Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông(ECSADIZ) do Trung Quốc tự thiết lập, quân đội Mỹ điều hai máy bay ném bom chiến lược B-52 bay qua vùng này và không thông báo cho Bắc Kinh.
Máy bay ném bom B-52 của Mỹ - Ảnh: AFP
AFP dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết 2 chiếc máy bay B-52 xuất phát từ căn cứ không quân Anderson ở Guam và đi vào ECSADIZ do Trung Quốc tự vẽ vào sáng ngày 26.11 (giờ VN).
Chuyến bay này là một phần trong bài tập huấn thường xuyên mang,yêu cầu các máy bay diễn tập trong điều kiện không mang theo vũ khí và không có máy bay hộ tống đi kèm.
Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự chuyến bay lần này khiến nhiều người gắn nó với hành động đơn phương của Trung Quốc khi thiết lập ECSADIZ.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã khẳng định Mỹ không công nhận ECSADIZ, không thực hiện theo các yêu cầu của Trung Quốc như nộp kế hoạch bay, tần số vô tuyến...
Đại tá Steve Warren, người phát ngôn Lầu Năm Góc ngày 25.11 tuyên bố: "Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các chuyến bay quân sự trong khu vực, bao gồm cả các chuyến bay với những đồng minh và đối tác. Chúng tôi sẽ không thay đổi bất kỳ cách thức tiến hành các hoạt động chỉ vì việc Trung Quốc thành lập Vùng nhận dạng phòng không".
"Chúng tôi coi hành động của Trung Quốc là một nỗ lực gây mất ổn định để thay đổi hiện trạng trong khu vực" - Reuters dẫn lời đại tá Warren.
Các quan chức Mỹ cho biết phía Trung Quốc không hề liên lạc với 2 chiếc B-52 khi chúng bay qua ECSADIZ.
"Các chiếc máy bay đã bay qua vùng này mà không hề có sự cố nào" - một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Hai máy bay B-52 đã bay về Guam sau khi hoàn thành huấn luyện.
Theo Một thế giới
Trung Quốc thiết lập "Vùng nhận dạng phòng không" nhằm mục đích gì? Trung Quốc vừa công bố phạm vi Vùng nhận dạng phòng không. trên biển Hoa Đông. Nhật Bản và Mỹ đã lên tiếng phản đối động thái này của Trung Quốc. Vậy Trung Quốc tuyên bố "vùng nhận dạng phòng không" nhằm mục đích gì? Vùng trời Senkaku/ Điếu Ngư đang căng thẳng vì Trung Quốc tuyên bố "vùng nhận dạng phòng không"...