Mỹ-Nga gườm nhau trong cuộc chiến chống khủng bố IS
Sự thỏa thuận phân chia vai trò với Nga trong cuộc chiến chống IS ở Trung Đông có giúp Mỹ lấy lại thể diện sau cục diện Ukraine?
Phân vai tại Hội nghị Paris
Paris một lần nữa được khắc tên vào lịch sử nhân loại của thế kỷ 21, khi tại đây, vào Hội nghị trong hai ngày 15 – 16/9/2014, một liên minh mới của thế giới ra đời với mục tiêu chống lại cái ác, chống lại chủ nghĩa khủng bố với lời thề đuổi cùng giết tận.
Quang cảnh hoan tàn đổ nát của một thành phố ở Iraq khi khủng bố IS tấn công
31 nước đã được xướng tên trong liên minh đầy chính nghĩa ấy với sự dẫn dắt của nước Mỹ. Tuy nhiên, những cái tên được vinh danh dường như thiếu đi phần long trọng khi không có Trung Quốc – đại diện cho sự trỗi dậy của châu Á, hay nước Nga với triều đại của Tổng thống Putin được đề cử giải Nobel Hòa bình.
Nước Nga thực chất đã có mặt ở hội nghị lịch sử ấy, nhưng họ chỉ đến và đi như một cái bóng, với tuyên bố đầy xã giao: làm gì thì làm cũng phải tôn trọng luật pháp quốc tế.
Thái độ của nước Nga khiến những người thần tượng họ có vẻ hụt hẫng. Thực tế, khủng bố là vấn nạn toàn cầu, nước Nga cũng phải đối diện với những phần tử dân tộc cực đoan. Một thế giới không khủng bố có lẽ là giấc mơ mà con người thế kỷ 21 sẽ phải mơ từng ngày. Và khi lời hiệu triệu của Mỹ vang lên, kêu gọi trách nhiệm của mỗi quốc gia, đặc biệt là các cường quốc, thì nước Nga im lặng.
Video đang HOT
Các quan chức ngoại giao của các nước tham gia Hội nghị Paris hôm 15/9 chụp ảnh lưu niệm. (Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đứng ngoài cùng bên trái, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đứng ở trung tâm bức ảnh)
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều góc khuất trong hội nghị này mà chúng ta chưa biết. Một số tờ báo Mỹ có uy tín đã tiết lộ nguồn tin của họ có mặt trong hội nghị tại Paris cho biết đã có sự thỏa thuận phân chia trách nhiệm, vai trò trong cuộc chiến chống khủng bố lần này.
Theo đó, nước Mỹ sẽ phụ trách tiêu diệt các phần tử của Nhà nước Hồi giáo IS tại Iraq, bởi họ có căn cứ quân sự ở Saudi Arabia và Qatar. Còn phần của Nga, Moscow sẽ lĩnh xướng vai trò ở Syria khi họ có căn cứ không quân, hải quân ở Cảng Tartus của quốc gia này. Đồng thời chính quyền Bashar al-Assad không cho phép không lực liên quân được bay vào lãnh thổ của họ, trong khi Moscow có những ưu thế đặc biệt với Damacus.
Đó là những thông tin được tiết lộ, nó cho thấy sự cầu thị của nước Mỹ, nhưng Moscow im lặng. Điều gì đã khiến gấu Nga phải im lặng trước lời đề nghị đầy tính thiện chí này?
Nước Mỹ tiếp tục toan tính
Theo thông tin từ chính Cơ quan tình báo trung ương Mỹ CIA thì Syria là khởi nguồn của Nhà nước Hồi giáo IS và có tới 5 vạn tay súng đang chiến đấu tại đây. Còn Iraq hiện chỉ có 1 vạn chiến binh. Có thể thấy rằng việc phân chia như Mỹ là đã hợp tình hợp lý, nhưng vô hình chung đã đẩy gánh nặng khổng lồ của cuộc chiến cho Nga.
Với lực lượng liên minh hùng hậu của mình, người góp bom, người góp súng, làm suy yếu, thậm chí tiêu diệt toàn bộ phiến quân ở Iraq có lẽ là điều trong tầm tay của Mỹ. Nhưng với Syria, trong một thực thể hỗn loạn gồm quân chính phủ của chính quyền Tổng thống Assad, quân ly khai do Mỹ dựng lên, và quân khủng bố IS, nếu Nga nhận lời chẳng khác gì đưa lưng gánh trời giúp Mỹ.
Điều thứ hai trong toan tính của Nhà Trắng, ai cũng biết Trung Đông từ thời Liên Xô cực thịnh cho đến nay luôn trong tình trạng tranh chấp ảnh hưởng giữa Mỹ và Liên Xô (nay là Nga). Nước Mỹ với những cuộc chiến ở Afghanishtan, Iraq, Lybia, Syria… và những phong trào cách mạng sắc màu nhằm dựng lên một thế lực Hồi giáo cấp tiến đã khiến họ trở thành kẻ bị căm thù nhất trong thế giới Hồi giáo. Phải nói rằng nước Mỹ là kẻ thù lớn nhất trong con mắt của những phần tử Hồi giáo khủng bố hiện nay.
Nếu nhận lời giúp Mỹ để cất quân thảo phạt khủng bố IS, Nga chẳng khác gì chia phần căm thù cho Washington. Nói cách khác, đứng vào hàng ngũ của “liên minh công lý” kia, Nga đang tự mua dây buộc mình, trói vào người thêm rắc rối và kẻ thù.
Tuy nhiên, nếu Nga phản đối chung tay góp sức với Mỹ trong cuộc chiến của nhân loại, xem ra cường quốc Nga đã quên đi trách nhiệm của mình trước cộng đồng quốc tế. Một nước Nga đang mang tiếng khi sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine thành của mình sẽ càng xấu đi.
Nga bị Mỹ đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhận lời Mỹ thì tiền mất tật mang, không nhận lời thì thiên hạ chê cười. Chỉ còn cách mà lẳng lặng giữ mình ở thế trung lập để mà câu giờ chờ thời.
Một mũi tên trúng hai đích
Với cùng một chiêu bài mời liên minh nhằm vào cả Nga và Trung Quốc, phải nói rằng Washington đã nhất tiễn hạ song điêu, rửa được sự mất mặt tại cục diện Ukraine ở châu Âu.
Còn nhớ với cuộc khủng hoảng Ukraine do phương Tây nhào nặn với mộng tưởng có thể gạt Nga ra khỏi bán đảo Crimea, tước đi mái nhà quan trọng của hạm đội Biển Đen thiện chiến nhất của Nga. Tiếp đó đưa Ukraine vào NATO để dỡ cổng nước Nga, mang tên lửa đặt vào trước cửa.
Nhưng Moscow nhanh hơn một nước cờ khi sáp nhập được Crimea một cách chóng vánh vào lãnh thổ của mình, tạo dựng lên một nhà nước ly khai ở miền Đông Ukraine với cái tên “nước Nga mới” – một tấm phên dù nhỏ nhưng vững chắc ngay trước cửa ngõ lãnh thổ.
Ukraine không còn nhiều giá trị lợi dụng, và cần khách quan mà nhìn nhận rằng, phương Tây đã thua Nga trong keo này.
Khủng bố IS tuần hành mừng chiến thắng tại một địa điểm dân cư vừa chiếm đóng
Nhưng tại Trung Đông, Mỹ đã nhanh chóng bày được một keo khác. Với mũi tên mời liên minh được bắn ra, Mỹ đã có thể nhất cử lưỡng tiện. Có thể vẽ ra được vài kịch bản như sau.
Thứ nhất, hoặc Trung Quốc tham gia vào liên minh, Mỹ hoàn thành việc tách hai quốc gia này ra khỏi nhau. Tự khắc Moscow và Bắc Kinh buộc phải nghi kỵ nhau, khi họ vốn chỉ trong một mối quan hệ lợi dụng, bằng mặt mà luôn phải đề phòng trong lòng.
Thứ hai, hoặc Nga nhận lời tham gia vào liên minh với Mỹ, Trung Quốc buộc phải tham chiến. Bởi nếu Nga không kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ gánh nặng chiến phí, thì Bắc Kinh cũng sẽ chủ động tham dự bởi phải dây máu ăn phần. Mỹ nghiễm nhiên một lần nữa khẳng định vị trí đệ nhất của mình bởi tất cả các cường quốc đều dưới trướng.
Với kịch bản này, mối nguy của Mỹ sẽ được san sẻ khi biến tất cả các cường quốc thành kẻ thù của khủng bố IS, và gánh nặng chiến tranh cũng được san sẻ. Đồng thời, Trung Quốc sẽ thêm nhiều khốn đốn khi việc tham chiến là chất xúc tác mạnh nhất khiến những người Hồi giáo Tân Cương đứng vào hàng ngũ của IS. Sẽ có thêm một mặt trận của khủng bố ở khu vực đang đòi ly khai này. Mỹ không cần phá bỗng dưng đổ.
Có thể nói rằng, trong cục diện Trung Đông, việc Mỹ phải tuyên chiến là điều bắt buộc, không thể không làm. Nhưng khi tuyên chiến, Mỹ đã quá khôn khéo giành lấy cho mình vai trò chủ xướng, lãnh đạo và trút gánh nặng chiến phí cho cả đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ.
Theo Đất Việt