Mỹ-NATO: Mọi “viên đạn” đều nhằm thẳng về phía Nga
Truyền thông Nga đồng loạt cho rằng tất cả những gì Mỹ nghĩ, nói và làm đều nhằm mục đích hạ bệ Nga vì không muốn một thế giới đa cực.
Hoa Kỳ không chịu thừa nhận xu thế thế giới đa cực
Hoa Kỳ, nước vào đầu những năm 90 thế kỷ trước được công bố là “siêu cường duy nhất”, nay không đủ sức khẳng định danh hiệu vô địch của mình. Rõ ràng là trong bối cảnh thế giới hiện nay, Washington không thể duy trì trật tự thế giới nếu không chia sẻ trách nhiệm. Về nguyên tắc, đây là lý do gây ra những bất đồng giữa Nga và Mỹ.
Trong khi mất dần sức mạnh của mình, nước Mỹ đã chọn lựa phương pháp xấu nhất để duy trì vai trò lãnh đạo: Áp dụng các biện pháp để làm suy yếu các ông lớn khác. Hoa Kỳ không muốn chú ý và không cam chịu một thực tiễn khách quan là thế giới hiện nay đã “chấm dứt kỷ nguyên đơn cực và chuyển sang xu thế đa cực”.
Phó Giám đốc Viện Mỹ và Canada Pavel Zolotarev cho rằng, thế giới không còn là đơn cực, trên vũ đài chính trị đã xuất hiện những “đấu thủ mới”, nhưng, Nhà Trắng không chịu thừa nhận điều đó, kể cả trong mối quan hệ giữa Washington và Moscow. Đồng thời, “chú Sam” đang cố gắng điều chỉnh toàn thế giới cho hợp với họ”.
Hãy xem các học thuyết của Hoa Kỳ trong vòng 20 năm qua. Ví dụ, trong văn kiện gần đây nhất do các cơ quan tình báo nước này soạn thảo là “Xu hướng toàn cầu” có đoạn nhấn mạnh, đến năm 2030 Hoa Kỳ có mục đích duy nhất là duy trì vai trò lãnh đạo độc tôn thế giới của mình. Tất nhiên, đường lối chính trị của họ sẽ được xây dựng phù hợp với mục đích này.
Trong bối cảnh này, có hai khía cạnh chính trong sự khác biệt giữa điện Kremlin và Nhà Trắng.
Báo Nga cho rằng mọi hành động của Mỹ đều nhằm chống lại Nga
Video đang HOT
Chuyên gia Fedor Voytolovsky – Người đứng đầu Cục nghiên cứu chính sách đối nội và đối ngoại của Hoa Kỳ IMEMO, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết: “Trước hết có những bất đồng về hệ thống hợp tác của Nga với các đối tác trong CIS, kể cả về tương lai của Ukraine, về mô hình mối quan hệ giữa Ukraine và Nga”.
Ông Voytolovsky khẳng định, rất nhiều chính trị gia ở Washington xem xét sự hình thành của bất kỳ cơ chế liên kết nào trên địa bàn Liên Xô cũ như là âm mưu thành lập nước Liên Xô mới, và họ sợ hãi triển vọng này. Sự khác biệt thứ hai giữa Moscow và Washington là quan điểm về trật tự thế giới mới đang nổi, về vị trí của những quốc gia khác nhau trong trật tự mới này, bao gồm cả Nga.
Đường lối chính trị của Hoa Kỳ – “chia để trị” – đã gây ra rất nhiều rắc rối trong những khu vực khác nhau. Tất cả mọi người đều thấy tình hình khủng khiếp ở “Đại Trung Đông”, khu vực bắt đầu chuyển đổi theo “bản thiết kế vụng về” của Mỹ. Bây giờ Ukraine cũng vấp phải những vấn đề tương tự.
Chắc chắn là, Kiev không phải là nạn nhân cuối cùng trong khi Mỹ tập trung nỗ lực để duy trì vai trò lãnh đạo trên thế giới. Tuy nhiên, một chính sách mang lại rất nhiều rắc rối cho toàn thế giới sẽ dẫn đến sự thất bại và trên thực tế, nó đã thất bại nhưng những nhân vật thực thi chính sách này không chịu thừa nhận như vậy.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đưa ra nhận xét NATO cần tạo dựng hình ảnh Moscow như là mối đe dọa để biện minh cho ý nghĩa tồn tại của mình là “để chống lại Nga”. Mục tiêu của phương Tây là bằng bất cứ giá nào làm cho Nga mất cân bằng. Tuy nhiên, NATO đã không ngờ rằng Nga vẫn bình tĩnh.
Trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn ITAR-TASS, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov thẳng thắn cho biết, nếu như không có cuộc “chính biến” trên quảng trường Độc Lập ở Kiev dẫn tới sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga và cuộc xung đột ở đông nam Ukraine, phương Tây sẽ nghĩ ra một cái cớ khác để khiêu khích và tìm mọi cách lôi Nga vào cuộc xung đột.
Ông Lavrov chia sẻ quan điểm rằng phương Tây đặt ra mục tiêu là bằng bất cứ giá nào cũng làm cho Nga mất cân bằng. Để sau này họ có thể trình bày với người nộp thuế rằng “công dân các nước thành viên khối này đã góp rất nhiều tiền không phải để duy trì bộ máy chiến tranh của NATO, mà để trả tiền cho việc bảo đảm an ninh của chính mình”.
NATO sống chết cũng phải dựng lên hình ảnh Nga là “kẻ thù”
Cho dù hiện nay không có ai nghĩ rằng Nga sẽ tấn công xâm lược châu Âu, nhưng sự hùng biện như vậy là cơ hội duy nhất để NATO để biện minh cho sự tồn tại của khối hiện nay. Ông Fedor Voytolovsky, phó Ban chính sách đối nội và đối ngoại Hoa Kỳ của IMEMO, thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga nói:
“Liên minh được thành lập để chống Liên Xô và khối Hiệp ước Warsaw (Liên minh quân sự – chính trị các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, thành lập và tan rã vào năm 1955 và 1991). Sau khi Liên Xô sụp đổi, phong trào Xã hội Chủ nghĩa lâm vào thoái trào, khối Hiệp ước Warsaw không còn nữa.
Đối thủ quân sự và chính trị đã mất, tưởng rằng NATO không còn mục tiêu và động lực để tồn tại. Thế nhưng NATO vẫn không những không giải thể, mà lại còn tiếp tục “phình ra”, bành trướng về hướng đông, như một rào cản quân sự-chính trị ngăn cản sự phát triển thương mại và quan hệ kinh tế, xã hội và văn hóa giữa Nga với các nước trong liên minh.
Sau khi khối Warsaw sụp đổ, NATO vẫn không giải thể, mà lại còn tiếp tục “phình ra”
Khách quan mà nói, chúng ta có thể thấy rằng ngày hôm nay, các nước châu Âu thành viên NATO không muốn đóng góp chi phí quân sự ở mức mà khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương bắt buộc. Washington liên tục chỉ trích các đồng minh châu Âu là họ không sẵn sàng để bảo đảm an ninh của mình.
Vì vậy, có thể nhận ngay ra rằng, lời lẽ hiếu chiến của một số chính trị gia phương Tây chủ yếu tập trung kích thích các nước châu Âu thành viên NATO đóng góp nhiều nhân lực, vật lực hơn nữa, tích cực hơn nữa trong thực hiện các sáng kiến quân sự và chính trị do Washington vạch ra.
Các nước NATO thuộc châu Âu không muốn đóng góp tiền cho chiến tranh thì Washington yêu cầu họ đóng góp nhằm đảm bảo an ninh. Cho nên NATO cần dựng lên hình ảnh nước Nga như một kẻ thù đe dọa an ninh châu Âu, cần thiết phải ngăn chặn. Ông Timofei Bordachev – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và châu Âu của Viện kinh tế cao cấp bình luận:
“Liên minh đã trở nên lỗi thời. Nhưng thay vì xem xét lại toàn bộ hệ thống an ninh tại khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, liên minh lại bắt đầu chuẩn bị cho cuộc xung đột. Nếu không có xung đột thì họ sẽ tìm cách khơi mào mâu thuẫn, châm lửa chiến tranh, làm sao cho nó càng bén gần tới Moscow càng tốt”.
Trong những năm gần đây có thể thấy rõ ràng rằng NATO là khối tấn công tích cực, chứ không hề phòng vệ, minh chứng rõ ràng là những sự kiện tại Nam Tư, Iraq, Afghanistan, Libya…, trong khi làm gì có đối thủ nào dám khiêu khích với 1 khối đồng minh quân sự khổng lồ như vậy? Và bây giờ mối đe dọa Nga được thổi phồng lên để chứng tỏ rằng NATO là liên minh phòng thủ.
NATO đã trở thành một “Liên minh tấn công”
Hiện nay, NATO cáo buộc rằng khi hỗ trợ lực lượng dân quân bảo vệ quyền lợi của mình ở Đông Nam, Nga làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở Ukraine. Một vài năm trước, phương Tây cũng cáo buộc Moscow bảo vệ “nhà độc tài” Bashar al-Assad ở Syria.
Nhưng trong khi phương Tây dành nhiều thời gian và sức lực để chiến đấu với một “kẻ thù ảo” thì “kẻ thù đích thực” đã kịp lớn mạnh. Chỉ đến khi các chiến binh “Nhà nước Hồi giáo” IS chặt đầu nhà báo Mỹ trước ống kính camera, Tổng thống Barack Obama mới thừa nhận đó là những kẻ khủng bố.
Trước đó, nỗ lực của Nga đưa tổ chức này vào danh sách khủng bố của Liên Hiệp Quốc liên tục vấp phải sự phản đối Hoa Kỳ. Và Tổng thống Syria Bashar al Assad đơn thương độc mã chiến đấu chống “Nhà nước Hồi giáo” và thậm chí còn bị phương Tây cáo buộc đã làm trầm trọng thêm sự đau khổ của nhân dân Syria.
Đổ thêm dầu vào cuộc xung đột nội bộ ở Ukraine, các nhà tài trợ phương Tây đã kích động phe dân tộc địa phương ngẩng cao đầu để trở nên khát máu hơn. Và nếu ai đó hy vọng rằng sau này sẽ có thể lật đổ thế lực này một cách dễ dàng thì họ sẽ sai lầm sâu sắc khi nhìn sang Syria và Iraq.
Những kẻ vũ trang cực đoan sẽ tìm ra công việc mới cho mình. Có những thế lực muốn phái chúng đến Nga. Nhưng Mosocw không cho phép họ làm điều đó. Rồi sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu chúng xuất hiện trên lãnh thổ các nước châu Âu thành viên của NATO. Và khi đó NATO sẽ nhận lãnh hậu quả từ chính “đưa con” của mình.
Theo Đất Việt