Mỹ muốn cùng đồng minh châu Á răn đe Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề cao hợp tác quân sự với các đồng minh châu Á nhằm duy trì lợi thế, xây dựng khả năng răn đe Trung Quốc.
“Chuyến đi sẽ tập trung vào quan hệ đồng minh và đối tác, cũng nhằm cải thiện năng lực tác chiến. Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm có năng lực và kế hoạch tác chiến, đủ sức tạo ra khả năng răn đe đáng tin cậy trước Trung Quốc và bất kỳ ai muốn gây hấn với Mỹ”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói hôm 13/3, đề cập đến chuyến thăm loạt nước châu Á của ông và Ngoại trưởng Antony Blinken.
Bộ trưởng Austin thừa nhận lợi thế cạnh tranh của Washington đã suy giảm, cho rằng Trung Quốc đã nhanh chóng hiện đại hóa quân đội trong lúc Mỹ tập trung cho cuộc chiến chống khủng bố và phiến quân ở Trung Đông. “Chúng ta vẫn duy trì lợi thế đó và sẽ tăng cường nó trong thời gian tới”, ông nói thêm.
Bộ trưởng Austin phát biểu tại Nhà Trắng hôm 8/3. Ảnh: AFP .
Bộ trưởng Lloyd và Ngoại trưởng Blinken sẽ cùng xuất hiện tại Tokyo và Seoul. “Một trong những điều chúng tôi muốn làm là bắt đầu củng cố quan hệ đồng minh, tập trung vào lắng nghe và học hỏi, tìm hiểu quan điểm của họ”, người đứng đầu Lầu Năm Góc cho hay.
Mỹ muốn tăng cường quan hệ trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi Trung Quốc áp dụng chính sách đối ngoại ngày càng quyết liệt ở châu Á và nhiều nơi khác. Chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh được đưa ra dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng cho rằng nó sẽ có hiệu quả hơn khi kết hợp cùng tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác.
Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hồi đầu tháng 3 trình lên quốc hội Mỹ báo cáo Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI), cảnh báo “mối nguy hiểm lớn nhất với tương lai của Mỹ vẫn là suy giảm năng lực răn đe thông thường” và đề xuất triển khai mạng lưới tên lửa dẫn đường có độ chính xác và khả năng sống sót cao trên “chuỗi đảo thứ nhất” ở Thái Bình Dương, mở rộng nhiệm vụ của các tổ hợp tên lửa phóng từ mặt đất sử dụng đầu đạn thông thường.
Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng kêu gọi cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa ở “chuỗi đảo thứ hai”, duy trì lực lượng phân tán để duy trì ổn định khu vực và bảo đảm khả năng chiến đấu trong thời gian dài khi cần thiết.
Video đang HOT
“Chuỗi đảo thứ nhất” là thuật ngữ dùng để chỉ khu vực bên trong vành đai nối từ quần đảo Kuril qua Nhật Bản, đảo Okinawa, đảo Đài Loan và tới Philippines. “Chuỗi đảo thứ hai” bắt đầu từ quân cảng Yokosuka ở Nhật đến Indonesia, với trung tâm là đảo Guam của Mỹ.
Bài toán ngân sách với kế hoạch 'chống Trung Quốc' của Mỹ
Kế hoạch chuyển trọng tâm từ Trung Đông sang Trung Quốc của Lầu Năm Góc có thể sớm đối mặt thách thức khi yêu cầu ngân sách lớn từ quốc hội.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang làm những điều khiến các chính trị gia cứng rắn với Trung Quốc cảm thấy hài lòng. Ông tuyên bố với các nghị sĩ rằng chống lại Bắc Kinh là ưu tiên hàng đầu, bổ nhiệm một chuyên gia châu Á nổi tiếng làm cố vấn, thậm chí thành lập lực lượng chuyên trách để đánh giá chiến lược ứng phó Trung Quốc.
Nhưng chiến lược xoay trục khỏi Trung Đông để hướng về Trung Quốc của Lầu Năm Góc, điều mà hai chính quyền tiền nhiệm đã cố gắng làm với mức độ thành công khác nhau, sẽ sớm đối mặt với thách thức lớn đầu tiên, đó là khoản ngân sách khổng lồ mà Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ trình lên quốc hội vào mùa xuân này.
Phil Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, đầu tuần này báo cáo với các lãnh đạo Lầu Năm Góc về kế hoạch yêu cầu quốc hội chi gần 5 tỷ USD vào năm tới để xây dựng kế hoạch chống Trung Quốc trong khu vực, bao gồm các hệ thống phòng thủ tên lửa mới.
"Mối đe dọa lớn nhất mà chúng ta đối mặt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khả năng răn đe thông thường đối với Trung Quốc bị xói mòn. Nếu chúng ta không có khả năng răn đe thuyết phục và hợp lý, Trung Quốc sẽ ngày càng táo bạo", Davidson nói trong mội hội nghị ở Washington hôm 1/3. "Chúng ta phải cho Bắc Kinh hiểu cái giá để đạt mục tiêu bằng vũ lực thường rất cao".
Phil Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, nói chuyện với truyền thông ở Singapore tháng 3/2019. Ảnh: AP.
Báo cáo của Davidson đã nhận được "phản hồi tích cực" từ giới lãnh đạo Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, quốc hội Mỹ mới là bên định đoạt cuối cùng về ngân sách để tăng cường lực lượng tại châu Á.
Nhiều nghị sĩ từng kêu gọi tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực này để chống lại Trung Quốc, nhưng Adam Smith, chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện, nói rằng không chắc liệu yêu cầu của Davidson có phải là câu trả lời đúng cho vấn đề này, hay nó sẽ được phản ánh như thế nào trong dự luật chính sách quốc phòng hàng năm của ủy ban.
Smith, người thường hoài nghi về các yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng và kế hoạch mở rộng lực lượng quân sự, cho biết ông lo ngại Mỹ đang theo đuổi chiến lược nhằm "xây dựng quân đội đủ lớn để lấn át Trung Quốc".
Theo Smith, răn đe quan trọng hơn chiếm ưu thế. Ông sẽ xem xét đề xuất của Davidson, nhưng với quan điểm làm thế nào để Mỹ có năng lực phù hợp để răn đe Trung Quốc tấn công Đài Loan, thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ phi pháp, phong tỏa các tuyến hàng hải.
"Cách bạn tiêu tiền quan trọng hơn nhiều khoản tiền mà bạn có", Smith nói. "Tôi không chấp nhận lập luận rằng chúng tôi phải chi nhiều tiền hơn cho quân sự để răn đe Trung Quốc một cách thỏa đáng".
Davidson đã đệ trình yêu cầu ngân sách 4,7 tỷ USD trong năm tài khóa 2022, gấp đôi ngân sách 2,2 tỷ USD mà quốc hội phân bổ cho khu vực Thái Bình Dương năm ngoái, và khoản bổ sung 22,8 tỷ USD trong 5 năm tiếp theo lên quốc hội hôm 1/2 và sẽ giải trình trước Ủy ban Quân lực Hạ viện vào đầu tuần tới.
Liệu việc chuyển nguồn lực sang Thái Bình Dương có được phản ánh trong đề xuất ngân sách vào đầu tháng 5 hay không là câu hỏi quan trọng, khi giới chức an ninh quốc gia và các nghị sĩ buộc phải cân nhắc giữa một Trung Quốc ngày càng quyết liệt, mối đe dọa thường trực ở Trung Đông và các ưu tiên khác của Lầu Năm Góc như hiện đại hóa vũ khí.
Khi ngân sách quốc phòng có khả năng giữ nguyên sau nhiều năm tăng liên tục dưới thời Donald Trump, yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng của Davidson sẽ buộc Lầu Năm Góc phải đánh đổi các chương trình lớn khác.
Giống nhiều người tiền nhiệm, Bộ trưởng Quốc phòng Austin sẽ phải đối mặt nhiều thách thức để thúc đẩy nguồn lực ở khu vực Thái Bình Dương. Elbridge Colby, cựu quan chức quốc phòng của chính quyền Trump, lưu ý rằng cho tới nay chính quyền Joe Biden chưa có dấu hiệu rút bớt nguồn lực từ Trung Đông, Afghanistan hay châu Âu. Đồng thời, chính quyền mới cũng muốn giao thêm nhiệm vụ cho Lầu Năm Góc, như đối phó đại dịch và biến đổi khí hậu.
"Tập trung vào Trung Quốc và hiện đại hóa lực lượng là đúng đắn. Nhưng việc biến chúng thành hiện thực là những lựa chọn khó khăn", Colby nói.
Một cựu quan chức quốc phòng cho hay giới lãnh đạo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Lầu Năm Góc muốn tăng sức mạnh trong khu vực để trấn an đồng minh và ngăn xung đột tương lai với Trung Quốc. Nhưng các nhà phân tích ngân sách quốc phòng tại Văn phòng Định giá Chi phí và Đánh giá Chương trình (CAPE) cảnh báo cần thận trọng.
Quan chức này nói thêm một số bất đồng về những cải tiến cần thiết đối với hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không ở Guam đã xuất hiện. Danh sách đề xuất của Davidson yêu cầu 350 triệu USD trong năm tài khóa 2022 và bổ sung 1,3 tỷ USD trong giai đoạn 2023 -2027 để biên chế lá chắn Aegis Ashore trên đất liền do Lockheed Martin phát triển. Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng Guam vẫn được bảo vệ tốt với các tàu khu trục được trang bị lá chắn tên lửa đạn đạo và không cần hệ thống phòng thủ tên lửa mới.
Yêu cầu ngân sách của Davidson phản ánh kỳ vọng của Lầu Năm Góc về việc xây dựng hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung ở Tây Thái Bình Dương sau khi Trump rút Mỹ khỏi hiệp ước vũ khí nhiều năm với Nga, từng được triển khai để hạn chế các loại vũ khí như vậy.
Lầu Năm Góc gần đây bày tỏ quan ngại khi Trung Quốc đẩy nhanh xây dựng hệ thống tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, với ước tính kho đầu đạn hạt nhân của Bắc Kinh ít nhất tăng gấp đôi, lên hơn 400 đầu đạn, trong thập kỷ tới.
Bất chấp những bất đồng, nhóm của Austin báo hiệu các chương trình lớn của Bộ Quốc phòng có thể được cắt giảm để dồn nguồn lực ứng phó Trung Quốc. Lầu Năm Góc tháng trước ra lệnh xem xét lại một số chương trình tốn kém, từ tiêm kích F-35 tới tàu chiến và vũ khí hạt nhân. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ xem xét nguồn lực mà Mỹ phân bổ cho Bộ Tư lệnh Trung tâm ở Trung Đông.
Tàu khu trục USS John S. McCain di chuyển qua eo biển Đài Loan hôm 4/2. Ảnh: US Navy .
Ngoài lo ngại của Smith, các nghị sĩ hàng đầu khác đều hoan nghênh yêu cầu ngân sách của Davidson. Jim Inhofe, thành viên Cộng hòa cấp cao ở Ủy ban Quân lực Thượng viện, nói rằng kế hoạch của Davidson đã vạch ra lộ trình về các năng lực cần thiết để duy trì răn đe ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Đương và khởi động Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương.
"So với tổng ngân sách liên bang, đây chỉ là khoản đầu tư nhỏ vào các chương trình mang lại lợi nhuận lớn nhất cho đầu tư của chúng ta để ngăn chặn Trung Quốc, giành lại lợi thế khu vực và tránh chiến tranh ở Thái Bình Dương", Inhofe nói.
Tuy nhiên, biên tập viên Lara Seligman và Connor O'Brien của Politico hoài nghi về khả năng chính quyền Biden có thể thực sự "rút chân" khỏi Trung Đông, nơi đã khiến nhiều đời tổng thống Mỹ "sa lầy" suốt nhiều thập kỷ qua. Dù Biden đã chỉ đạo xem xét lại việc triển khai lính Mỹ trên toàn thế giới, cho tới nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông dự định rút quân Mỹ khỏi các cuộc xung đột ở Afghanistan, Iraq và Syria.
"Bạn hãy nghĩ về các cam kết an ninh khác của chúng ta tại nhiều khu vực, không chỉ ở Thái Bình Dương mà còn ở châu Âu và nơi khác", thượng nghị sĩ Josh Hawley, một người thuộc phe diều hâu với Trung Quốc, nói. "Mối lo ngại của tôi là chúng ta có thể thiếu nguồn lực để hoàn thành tất cả cam kết cùng lúc".
Mỹ có thể điều thêm quân tới Iraq ngăn IS tái xuất Lầu Năm Góc có thể đưa thêm binh sĩ tới Iraq nhằm hỗ trợ lực lượng an ninh nước này và đảm bảo IS không trỗi dậy trở lại. "Mỹ đang tham gia vào quá trình đào tạo lực lượng cho sứ mệnh NATO tại Iraq và sẽ đóng góp công bằng vào nhiệm vụ quan trọng này", trung tá Jessica L. McNulty,...