Mỹ mất 10 triệu USD trong vụ trao đổi tù nhân với Iran
Washington từ bỏ tuyên bố đòi lại khoản tiền 10 triệu USD từ một kỹ sư sinh tại Iran để giúp thả 5 người Mỹ bị nước Cộng hòa Hồi giáo giam.
Nader Modanlo tại căn hộ ở Bethesda, được Mỹ thả hôm 16/1. Ảnh:NewYorkTimes
Nader Modanlo là một trong 7 người được ân xá hoặc giảm hình phạt để đổi lấy sự tự do của 5 công dân Mỹ bị Iran giữ. Modanlo sinh ở miền bắc Iran nhưng đến Mỹ lập nghiệp và trở thành công dân Mỹ. Ông từng lãnh đạo một công ty kinh doanh vũ trụ, được định giá 500 triệu USD. Sau khi công ty bị phá sản vào năm 2001, ông bị một đối tác kiện đã bán công nghệ tên lửa cho Iran, vi phạm luật của Mỹ.
Tòa án ở bang Maryland xác định Modanlo đã nhận 10 triệu USD từ Iran để giúp phóng vệ tinh đầu tiên của nước Cộng hòa Hồi giáo năm 2005. Modanlo tuyên bố ông vay khoản tiền từ một công ty Thụy Sĩ.
Theo Reuters, Modanlo, người có mối quan hệ rộng với chính quyền Iran, ban đầu từ chối việc được thả tự do và cho biết ông muốn đệ đơn kháng án tại tòa hơn. Lời từ chối này khiến Mỹ phải từ bỏ việc đòi khoản tiền 10 triệu USD để thỏa thuận trao đổi tù nhân trở nên thuyết phục hơn.
Wall Street Journal đầu tuần này đưa tin ngay khi Iran thả các tù nhân Mỹ là Jason Rezaian, Amir Hekmati, Saeed Abedini và hai người khác, Mỹ trả một khoản 1,7 tỷ USD cho Iran. Dù Nhà Trắng nhấn mạnh khoản tiền nhằm trả nợ Iran, thời điểm diễn ra sự kiện làm dấy lên quan ngại đây là khoản tiền chuộc.
Trọng Giáp
Theo VNE
Cuộc đàm phán kịch tính đưa tù nhân Mỹ trở về từ Iran
Các tù nhân Mỹ bị Iran bắt đã được trao trả hôm 18/1 sau hơn một năm ròng rã đàm phán, với những diễn biến kịch tính tới tận giờ lên máy bay.
Từ trái qua, Matt Trevithick, Amir Hekmati, Jason Rezaian và Saeed Abedini là 4 tù nhân Mỹ được Iran trao trả để đổi lấy 7 công dân Iran bị Mỹ bắt giữ. Ảnh: NBC
Theo Washington Post, trong quá trình đàm phán với Tehran, các quan chức Mỹ đã luôn cương quyết rằng việc trao trả những tù nhân bị giam giữ, trong đó có phóng viên Jason Rezaian của tờ báo này, phải bao gồm cả việc để vợ và mẹ đẻ của Rezaian rời Iran, bởi họ hiểu rằng Rezaian sẽ không về nếu thiếu hai người phụ nữ ấy.
Video đang HOT
Thế nhưng, hôm 16/1, sau hàng giờ máy bay đợi trên đường băng sân bay quốc tế Imam Khomeini để đón Rezaian cùng hai tù nhân khác, vẫn không ai biết hai người phụ nữ nhà Rezaian ở đâu.
Tại Nhà Trắng, thông tin trên khiến bầu không khí lo lắng mỗi lúc một dâng cao. Họ sợ có chuyện gì không hay xảy đến với thỏa thuận trao trả tù nhân, vốn được thực hiện cùng thời điểm công bố giai đoạn thực thi cuối cùng thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ở Vienna, Áo, nơi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tới để dự lễ công bố thỏa thuận hạt nhân, hai người đã có một cuộc điện đàm căng như dây đàn. Trong khi đó, tại một căn cứ không quân Mỹ đặt ở Đức, địa điểm đón các tù nhân Mỹ trở về, anh trai Rezaian là Ali sốt sắng điện tới Tehran tìm mẹ và vợ của em.
Gia đình cùng đồng nghiệp của Rezaian cũng có chung nỗi lo âu. Họ là những người đã đấu tranh và vận động hành lang để phóng viên này được thả, sau 18 tháng bị giam giữ. Đến khi máy bay cất cánh với tất cả mọi người trên khoang, vẫn không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra. Liệu đó chỉ là hậu quả của những sai lệch trong thông tin liên lạc hay còn có chuyện gì khác nghiêm trọng hơn.
Ngày 22/7/2014, phóng viên Jason Rezaian, khi đó 38 tuổi, cùng vợ là phóng viên người Iran Yeganeh Salehi, bị bắt. Thông tin về vụ bắt giữ được một nguồn tin tại Tehran báo về cho Washington Post, trước khi quan chức tư pháp cấp cao Iran xác nhận vào ba ngày sau.
Tờ báo Mỹ ra thông cáo cho biết họ thấy "bối rối" và "lo ngại sâu sắc" về tình hình của Rezaian. Bộ Ngoại giao nước này cũng bày tỏ "quan ngại" nhưng không có bình luận gì thêm, với lý do đảm bảo "quyền riêng tư".
Tại thời điểm đó, sau nhiều năm đàm phán bế tắc, không đem lại kết quả, Mỹ và các đồng minh phương Tây cuối cùng cũng tham gia vào những cuộc thương thuyết mới, có triển vọng hơn, với Tehran về chương trình hạt nhân của nước này.
Rezaian không phải người Mỹ đầu tiên bị bắt ở Iran. Ít nhất hai trường hợp khác, gồm cựu lính thủy đánh bộ Amir Hekmati và nhà truyền giáo Saeed Abedini cũng bị nhà chức trách Iran bắt và kết tội.
Đàm phán bí mật
Khi thời gian trôi qua mà không có tin tức, nhiều người lo ngại Washington, trong lúc mong muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, đã không gây sức ép đối với trường hợp của Rezaian. Dù liên lạc thường xuyên với các quan chức chính phủ, cả gia đình và cơ quan của phóng viên này vẫn không biết vụ việc tiến triển đến đâu.
Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry (trái) gặp Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại Vienna hôm 16/1 để công bố thực thi thỏa thuận hạt nhân. Ảnh: AP
Tổng biên tập Martin Baron, biên tập viên mảng quốc tế Douglas Jehl của tờ báo, cùng các phóng viên khác đã gặp gỡ nhiều quan chức Nhà Trắng, trong đó có Phó tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Kerry, chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough, cố vấn an ninh quốc gia Susan E. Rice và cả cố vấn chống khủng bố Lisa Monaco.
Nhưng "suốt thời gian đó, chính phủ không muốn chia sẻ bất kỳ chi tiết nào với chúng tôi", Baron kể. Giới chức Mỹ "sợ rằng nếu họ cung cấp thông tin cho chúng tôi, bằng cách nào đó, nó sẽ bị tiết lộ".
Không muốn ngồi chờ, gia đình Rezaian và tờ Washington Post tự có những bước đi của riêng mình nhằm mở các kênh đối thoại với Iran, thông qua chính phủ và công dân nước khác. Mục tiêu là nhằm đảm bảo "thế giới không quên để mắt tới vụ việc của Jason", ông Baron cho biết thêm.
Anh trai Rezaian tiến hành vận động trên mạng Internet. Chính phủ một số nước được đề nghị nêu vấn đề này trong các cuộc gặp với quan chức Iran. Phóng viên của Washington Post cũng đưa ra vấn đề trong các cuộc họp báo và phỏng vấn. Những chiếc ghim có in dòng chữ "trả tự do cho Jason" được phân phát rộng rãi.
Tờ báo Mỹ cũng thuê luật sư Robert M. Kimmitt, cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao, từng phụ trách các vụ giải thoát con tin, tư vấn.
Nhưng tại Iran, sức khỏe của Rezaian xấu đi, tình trạng pháp lý thì trở nên mù mịt hơn. Cuối tháng 9/2014, vợ của Rezaian là Salehi được bảo lãnh tại ngoại. Tháng 12 năm đó, Iran khẳng định sẽ đưa Rezaian ra xét xử kín. Phóng viên này không được phép có người đại diện pháp lý hay bảo lãnh.
Đến tháng 1/2015, một nhánh của Tòa Cách mạng, có liên hệ mật thiết với cơ quan tình báo Iran, tiếp nhận vụ việc. Không lâu sau, thẩm phán có quan điểm cứng rắn Abolghassem Salavati được chọn chủ trì phiên xét xử.
Cáo trạng đưa ra khẳng định Jason Rezaian phạm tội gián điệp cùng nhiều tội khác. Mỗi tội danh đều có khung hình phạt tối đa từ 10 - 20 năm tù. Những phiên xét xử sau đó đều không công khai và diễn ra chóng vánh.
"Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các kênh ngoại giao sẽ không thể giải quyết vấn đề...Một số thành phần thuộc cơ quan an ninh nội địa Iran" sẽ phải tham gia để "thúc đẩy tiến trình", Ali Rezaian cho biết.
Không lâu sau khi Jason Rezaian bị bắt, các nhà đàm phán hạt nhân Tehran vài lần đề cập đến những tù nhân người Iran bị Mỹ bắt giữ. Họ muốn những người này được trả tự do. Nhưng phải tới mùa thu năm 2014, các dấu hiệu về việc Iran muốn trao đổi tù nhân mới trở nên rõ ràng.
Hai bên lúc này chỉ định những nhóm đàm phán riêng, không liên quan đến các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân, để bàn về vấn đề trao trả tù nhân. Nhiều quan chức hai bên được cử tới, trong đó, quan trọng nhất ở phía Iran là đại diện Bộ An ninh Nội địa, cùng những người "có tiếng nói quyết định" khác, không thuộc Bộ Ngoại giao.
Một số quan chức Mỹ nhấn mạnh hai cuộc đàm phán không thể liên quan trực tiếp đến nhau. Đồng thời, phía Mỹ cũng thể hiện rằng họ sẽ không bao giờ thay đổi quan điểm về vấn đề hạt nhân để đổi lại những nhượng bộ trong vấn đề tù nhân.
Ngoại trưởng Kerry trong cuộc phỏng vấn hôm 17/1 cho hay ông từng nói với Ngoại trưởng Iran Zarif rằng: "Chúng tôi tin họ bị bắt giữ trái phép...Quý vị cho rằng họ đã vi phạm quy định nào đó trong hệ thống của quý vị. Được thôi...nhưng việc này có thể tác động sâu sắc tới cách chúng tôi nhìn nhận về đất nước quý vị".
Ông Kerry cũng thêm rằng các cuộc đàm phán về vấn đề tù nhân lúc thăng lúc trầm một phần vì phía Iran muốn mặc cả số lượng công dân của họ sẽ được Mỹ trả tự do.
Sau khi các bên ký thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 7 năm ngoái, tốc độ đàm phán về trao đổi tù nhân mới được đẩy nhanh. Đến tháng 11, lúc ông Zarif xuất hiện tại Vienna trong một cuộc họp về Syria, ông Kerry khi đó đã nghĩ rằng thỏa thuận tù nhân chuẩn bị hoàn tất.
Nhưng một lần nữa trở ngại lại xuất hiện, "một số người thuộc một bộ khác tại Tehran " đã ngăn chặn thỏa thuận, ông Kerry nói nhưng từ chối cung cấp chi tiết.
Đến đầu tháng này, thỏa thuận cuối cùng cũng được ký kết, theo đó, Mỹ trao trả 7 tù nhân Iran. Cùng lúc, ngày thực thi thỏa thuận hạt nhân cũng đến gần. Các quan chức Mỹ khẳng định họ không lập kế hoạch cho sự trùng hợp này song thừa nhận, thành công ngoại giao mà hai thỏa thuận đem lại có một sức hút không thể phủ nhận.
Phóng viên Jason Rezaian (giữa) được các nhà ngoại giao Mỹ đón tại sân bay Thụy Sỹ, trước khi ông bay tới Đức. Ảnh: State Department
Ali Rezaian và luật sư Kimmitt cũng có thể nhìn thấy những dấu hiệu tích cực khi các cuộc thẩm vấn Salehi, vợ Jason Rezaian, diễn ra trong không khí hoàn toàn khác. Đến tuần trước thì họ biết tin thỏa thuận đã cận kề nhưng phải tới hôm 16/1, chính phủ Mỹ mới chính thức thông báo về kế hoạch này.
Ở Vienna, không ồn ào như tại lễ công bố thực thi thỏa thuận hạt nhân, ông Kerry và Zarif ký thỏa thuận trao đổi tù nhân trong bí mật. Ở Washington, Tổng thống Barack Obama ký lệnh ân xá cho các tù nhân Iran. Còn chính phủ Thụy Sĩ thì điều máy bay tới Tehran để đón các tù nhân người Mỹ.
"Chúng tôi làm chính xác như đã hứa", ông Kerry nói. "Chúng tôi muốn chứng minh rằng một khi đã nói ra chúng tôi sẽ thực hiện". Ông Zarif "cũng nêu rõ rằng chúng tôi đã hoàn thành mọi thứ, hoàn thành tốt là đằng khác", Ngoại trưởng Kerry cho biết thêm. Thỏa thuận trao đổi kèm theo cả điều khoản vợ/chồng của tù nhân sẽ được đi cùng.
Vậy nên, họ cứ thế chờ đợi. Nhưng không một ai tại châu Âu hay Mỹ biết vợ của Rezaian, trong buổi sáng chồng mình được phóng thích và chuẩn bị về nước, lại nhận được thông báo từ giới chức Iran rằng cô không thể đi cùng. Nữ phóng viên này cùng mẹ chồng, bà Mary Rezaian, chỉ có thể đến sân bay và nhìn Rezaian rời khỏi Iran từ đằng xa.
Gần như cả ngày hôm đó, hai người bị đưa đến một khu khác ở sân bay và không thể liên lạc với bên ngoài bởi điện thoại của Salehi đã bị tịch thu từ lúc cô bị bắt giữ. Salehi cảm thấy không thoải mái khi sử dụng điện thoại của chính phủ. Đến tối, họ quyết định trở về căn hộ của Salehi ở Tehran.
Ông Kerry đã thực hiện rất nhiều cuộc gọi với người đồng cấp phía Iran. Ông Zarif cho biết bản thân ông cũng không hiểu điều gì đang diễn ra, nhưng cam kết sẽ tìm hiểu và hành động.
Ở Đức, nơi Ali Rezaian tới để đón em trai trở về, ông hối hả gọi điện cho bạn bè khắp nơi tại Tehran để tìm hiểu xem mẹ mình và em dâu ở đâu. Ông cuối cùng cũng nói chuyện được với họ qua điện thoại, thông báo chi tiết tình hình và phối hợp với Bộ Ngoại giao để đảm bảo hai người được đưa tới sân bay. Nhưng đến nơi, rắc rối lại nảy sinh. Bà Mary Rezaian không có tên trong danh sách khách lên máy bay.
Mãi tới 6h58 ngày 18/1 giờ Washington, Bộ ngoại giao Mỹ mới thông báo cho luật sư Kimmitt rằng phi cơ đã lăn bánh cùng toàn bộ những người liên quan.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Mỹ nghi muốn trao đổi tù nhân cứu phóng viên bị giam ở Iran Một quan chức Iran cấp cao nói một số người Mỹ giấu tên đã liên lạc với nước này để thiết lập thỏa thuận trao đổi các tù nhân chưa rõ danh tính lấy phóng viên Jason Rezaian đang ngồi tù ở Iran vì cáo buộc gián điệp. Phóng viên Jason Rezaian. Ảnh: Reuters. "Một số người Mỹ thỉnh thoảng liên lạc với...