Mỹ lo Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc
Giới chuyên gia Mỹ cảnh báo chiến lược xoay trục sang châu Á của nước này đang gặp bất lợi và Trung Quốc sẽ biến Biển Đông thành ao nhà vào năm 2030.
Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc – Ảnh: Reuters
Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ sở hữu nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay đủ để kết hợp với các cơ sở xây dựng phi pháp trên Biển Đông để biến vùng biển chiến lược này thành ao nhà của mình, tờ The Washington Post dẫn lời các chuyên gia Mỹ cảnh báo.
Trong báo cáo mới nhất, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ( CSIS), có trụ sở tại thủ đô Washington D.C của Mỹ, trích lại Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc có đoạn: “Quân đội Trung Quốc (PLA) trong tương lai gần sẽ hoạt động vượt ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất cũng như tiến vào Ấn Độ Dương”.
Chuỗi đảo thứ nhất là khái niệm chỉ vòng cung bao quanh lãnh hải Trung Quốc dài từ quần đảo Kuril ở phía bắc qua Nhật Bản, xuống Đài Loan, Philippines đến tận Indonesia. Lâu nay, Trung Quốc vẫn xem đây là “hàng rào kẽm gai” ngăn chặn nước này tiến ra biển và trở thành một thế lực toàn cầu. Vì thế, ý định chiếm lĩnh Biển Đông và Hoa Đông cũng nhằm một phần để mở đường “chọc thủng” chuỗi đảo thứ nhất. Từ đó, CSIS nhận định: “Hướng mở rộng này của PLA sẽ là mối lo ngại lớn nhất của Mỹ vì sẽ dần dần vươn tầm ảnh hưởng của PLA cũng như tăng cường các hoạt động an ninh phi truyền thống”.
CSIS dự đoán nhằm thực hiện mục tiêu này, Bắc Kinh sẽ đầu tư mạnh vào việc phát triển và triển khai nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay. Điều này cộng với các hành động ngang ngược cấp tập vừa qua có nguy cơ biến Biển Đông “gần như trở thành ao nhà của Trung Quốc vào năm 2030″.
Theo tờ The Washington Post, báo cáo dài 275 trang nói trên được CSIS soạn thảo theo sự ủy nhiệm của Lầu Năm Góc muốn có một bản đánh giá độc lập về chiến lược của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương để trình quốc hội.
Thay đổi cuộc chơi
Video đang HOT
Cuối năm ngoái, giới chức Trung Quốc xác nhận đang đóng tàu sân bay thứ hai và dự kiến có thêm nhiều tàu sân bay nữa trong những năm tới.
Hiện nước này chỉ có một tàu sân bay mang tên Liêu Ninh được cải tiến từ tàu cũ mua của Ukraine. Điều nguy hiểm là theo CSIS, việc triển khai hàng loạt tàu sân bay trong khu vực vào năm 2030 sẽ cho phép Trung Quốc áp đảo các nước khác trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. “Đối với các bên khác tại Biển Đông, đây là một hành động mang tính thay đổi cuộc chơi vì hầu như sẽ luôn có một nhóm tàu sân bay tấn công của Trung Quốc hiện diện tại vùng biển tranh chấp”, báo cáo của CSIS viết.
Chưa hết, 2 năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh xây đắp đảo nhân tạo phi pháp trong quần đảo Trường Sa của VN, dựng lên những công trình bị cho là nhằm phục vụ ý đồ quân sự hóa Biển Đông. Ít nhất 3 đường băng dài khoảng 3 km đã xuất hiện trên 3 bãi đá bị cải tạo thành đảo nhân tạo và giới chuyên gia nhận định đây là những “tàu sân bay không thể chìm”.
Bắc Kinh cũng liên tục có nhiều hành động bất chấp luật pháp, làm ảnh hưởng an ninh, an toàn và tự do lưu thông trong khu vực như triển khai phi pháp máy bay dân sự ra đá Chữ Thập, cảnh báo đe dọa máy bay dân sự của Philippines.
Tất cả đều ảnh hưởng nặng nề đến chiến lược của Mỹ cũng như có thể làm giảm lòng tin của các đồng minh và đối tác đối với cam kết của Washington trong khu vực. Reuters hôm qua dẫn lời Tư lệnh hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi nói thẳng trong cuộc điện đàm với Tư lệnh chiến dịch hải quân Mỹ John Richardson rằng số lượng cơ sở quân sự xây dựng phi pháp ở Trường Sa sẽ “tùy thuộc vào mức độ đe dọa” đối với nước này.
Từ đó, CSIS cảnh báo: “Hành động của một số nước trong khu vực thường xuyên thách thức độ tin cậy trong các cam kết an ninh của Mỹ. Khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ không bắt kịp được với các đối thủ tiềm tàng, khiến cán cân đang dịch chuyển theo hướng bất lợi”.
Để đối phó, báo cáo kêu gọi Mỹ thống nhất một chiến lược nhất quán và rõ ràng đối với châu Á, tăng cường hợp tác cũng như hỗ trợ nâng cao phòng thủ cho các đồng minh và đối tác đồng thời đưa thêm tàu ngầm hạt nhân, tàu chiến cận bờ và cả máy bay đến khu vực.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Sức mạnh quân sự châu Á đang chống lại Mỹ
Cán cân sức mạnh quân sự tại châu Á đang chuyển hướng chống lại Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc có thêm động thái hung hăng xâm chiếm chủ quyền và Triều Tiên tiếp tục theo đuổi phát triển hạt nhân.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, Mỹ nên tăng cường sức mạnh quân sự ở châu Á bằng cách triển khai thêm số lượng tàu ngầm tấn công hạt nhân và phát triển các loại tên lửa tầm xa hiện đại. Bởi chính sách "trục châu Á" ra đời từ năm 2011 của Tổng thống Obama dường như không đáp ứng được "những biến động ngày càng phức tạp" trong bức tranh an ninh quốc tế.
Trong khi đó, các ứng cử viên đảng Cộng hòa tham gia tranh cử chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 2016 liên tiếp cáo buộc ông Obama là một nhà lãnh đạo yếu kém khi đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Nga và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc đang ảnh hưởng không nhỏ tới phạm vi hoạt động của Mỹ tại châu Á.
"Theo thông lệ, hành động của Trung Quốc và Triều Tiên là mối thách thức với những cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ cũng như năng phát triển năng lực của Washington. Nói cách khác, cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực đang chuyển hướng chống lại Mỹ. Tăng chi tiêu quân sự là cách để khôi phục cán cân sức mạnh", tờ The Guardian dẫn báo cáo của CSIS.
Trước đó, Tổng thống Obama từng hy vọng chính sách ngoại giao tại châu Á sẽ khôi phục lại mối quan hệ liên minh, mở rộng cơ hội đầu tư kinh tế trong khu vực và giúp Mỹ tránh xa vòng xoáy chiến tranh Trung Đông. Song mong muốn của ông Obama lại không hề dễ dàng thực hiện. Điển hình, sự lạnh nhạt của Trung Quốc và Nhật Bản là minh chứng cho thấy Washington vẫn chỉ đứng bên lề.
Trong bản nghiên cứu năm 2012, CSIS nhấn mạnh Mỹ nên tiếp tục duy trì 3 lợi ích lịch sử tại châu Á - Thái Bình Dương gồm bảo vệ Mỹ và các quốc gia đồng minh, thúc đẩy thương mại và ủng hộ nền dân chủ.
Tuy nhiên, trong bản nghiên cứu năm nay, CSIS đã vạch ra 4 chiến lược mà Mỹ nên thi hành tại châu Á. Thứ nhất, Washington cần tiếp tục điều chỉnh chiến lược châu Á ngay trong chính quyền Mỹ cùng các đối tác và liên minh của nước này.
Thứ hai, giới lãnh đạo Mỹ nên tăng tốc mở rộng quan hệ đối tác và đồng minh, tăng cường khả năng thích ứng và tương tác.
Thứ ba, Mỹ nên duy trì và mở rộng sự hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương.
"Trung Quốc đang đẩy mạnh các hành động đe dọa và ngang nhiên xây đảo nhân tạo ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông. Còn Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo", CSIS cảnh báo.
"Năng lực chống xâm nhập/chống tiếp cận của quân đội Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng tại chuỗi đảo thứ hai và các khu vực xa hơn, ảnh hưởng tới hoạt động của không chỉ các đồng minh và đối tác của Mỹ mà còn các vùng lãnh thổ của Mỹ như đảo Guam", CSIS nhấn mạnh.
Đây là lý do Mỹ cần tăng số lượng tàu chiến mặt nước, tàu ngầm tấn công hạt nhân tại đảo Guam từ con số 4 lên thành 6 chiếc. Ngoài ra, Washington nên tiếp tục đa dạng hóa vị trí hoạt động của lực lượng không quân, tăng cường sức mạnh phòng thủ tên lửa trong khu vực, tích trữ kho đạn dược tấn công chính xác và tăng cường hoạt động phối hợp tình báo, tuần tra và trinh sát với các đồng minh trong khu vực.
Thứ tư, CSIS kêu gọi Mỹ cải thiện "khoảng cách năng lực trong hai lĩnh vực" bao gồm khả năng phòng thủ trước những mối đe dọa mới nổi ảnh hưởng tới các lực lượng Mỹ như sự xuất hiện ngày càng nhiều tên lửa đạn đạo có thể đánh chìm tàu thuyền và phá hủy căn cứ quân sự của Mỹ cũng như "đề ra cái giá đắt phải trả" đối với những đối thủ trong khu vực.
Bản nghiên cứu của CSIS cũng kêu gọi Mỹ xây dựng lực lượng hành động chung cho khu vực Tây Thái Bình Dương bởi Nhật Bản dù là cường quốc kinh tế lớn thứ 3 thế giới và đồng minh quan trọng của Washington tại châu Á song hai nước lại thiếu khả năng phối hợp để phản ứng trước các cuộc khủng hoảng có diễn biến nhanh.
CSIS còn nhấn mạnh yếu tố địa chính trị trong tiến trình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. "Nếu tầm ảnh hưởng kinh tế, quân sự và địa chính trị của Trung Quốc tiếp tục mở rộng với tốc độ như hiện nay, thế giới sẽ chứng kiến những biến động lớn trong sự phân chia quyền lực so với thời kỳ Mỹ nổi lên là quốc gia số 1 thế giới vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, nếu Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 10 - 15 năm tới, đây sẽ là lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ qua, quốc gia lãnh đạo kinh tế thế giới không phải là một nước nói tiếng Anh, không ở phương Tây và không theo chế độ dân chủ", theo CSIS.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.
MINH THU (lược dịch)
Theo Infonet
Mỹ lo Trung Quốc dùng tàu sân bay độc chiếm Biển Đông Sự xuất hiện của các cụm tàu sân bay chiến đấu trên Biển Đông có thể khiến Bắc Kinh "chơi rắn" và lấn lướt các quốc gia láng giềng trong khu vực. Trung Quốc có thể sẽ lấn lướt trên Biển Đông bằng các cụm tàu sân bay chiến đấu. Ảnh minh họa: USNI Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có trong tay...