Mỹ lên tiếng về cảnh báo hạt nhân của Tổng thống Putin
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc cập nhật học thuyết hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
“Hoàn toàn vô trách nhiệm”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC vào ngày 26/9, đồng thời chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin “làm rung chuyển thanh kiếm hạt nhân”.
Ông Blinken cũng cho rằng những tuyên bố của tổng thống Nga được đưa ra không đúng lúc, khi các nhà lãnh đạo thế giới đang tập trung tại New York, Mỹ để tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tuần này.
Nhà ngoại giao Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế thảo luận về “nhu cầu giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hạt nhân nhiều hơn”.
Trước đó, Tổng thống Putin cảnh báo, theo phiên bản sửa đổi của học thuyết hạt nhân Nga, bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại Nga từ một quốc gia không có vũ khí hạt nhân, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia có vũ khí hạt nhân, đều có thể được coi là “cuộc tấn công chung” và vượt qua ngưỡng hạt nhân.
Sự thay đổi này ngụ ý rằng các quy tắc mới có thể áp dụng cho một cuộc tấn công của Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí tiên tiến do Mỹ, Anh hoặc Pháp cung cấp.
Tổng thống Putin cảnh báo, Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân ngay khi nhận được “thông tin đáng tin cậy” về một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn hoặc cuộc không kích do một quốc gia khác tiến hành nhằm vào Nga.
Video đang HOT
Ông Putin chưa nêu rõ thời điểm những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga sẽ có hiệu lực. Về lý thuyết, học thuyết hạt nhân cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp một quốc gia khác sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Moscow hoặc nếu “sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích rằng, đề xuất cập nhật học thuyết hạt nhân của Tổng thống Putin nhằm cảnh báo các quốc gia phương Tây về việc ủng hộ sự gia tăng hành động gây hấn của Ukraine đối với Nga hoặc đồng minh thân cận của Moscow là Belarus.
“Việc này nên coi là một tín hiệu rõ ràng. Đây là tín hiệu cảnh báo các nước không thân thiện về hậu quả nếu họ tham gia tấn công Nga bằng nhiều phương tiện khác nhau chứ không nhất thiết phải là hạt nhân”, ông Peskov cho biết khi được hỏi về mục đích Moscow sửa đổi học thuyết hạt nhân.
Ông Peskov nhấn mạnh, phương Tây không nên đánh giá thấp tính chất nghiêm túc trong các tuyên bố của Tổng thống Putin.
Moscow từng nhiều lần cảnh báo, nếu phương Tây cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí viện trợ, Nga sẵn sàng đáp trả bằng mọi phương tiện sẵn có, kể cả bằng vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng khẳng định, Nga luôn có cách tiếp cận trách nhiệm cao đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo ông Putin, Nga luôn tìm cách ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân và các thành phần của vũ khí hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Nga từ lâu đã thể hiện lập trường thận trọng về vấn đề vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 6, ông Putin đã bày tỏ hy vọng rằng “sẽ không bao giờ” xảy ra một cuộc đối đầu hạt nhân giữa Moscow và phương Tây.
Chuyên gia đánh giá về việc Liên bang Nga sửa đổi học thuyết hạt nhân
Giới chuyên gia nhận định tuyên bố của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin về việc xem xét lại các nguyên tắc cơ bản hướng dẫn chính sách răn đe hạt nhân của nước này là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Moskva và phương Tây đang căng thẳng.
Thử nghiệm tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân 9M730 Burevestnik, theo định danh của NATO là SSC-X-9 Skyfall. Ảnh: Sputnik/Bộ Quốc phòng Nga
Trong cuộc phỏng vấn với đài Sputnik (Nga) hôm 25/9, ông Dmitry Suslov, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu và Quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp của Nga, cho rằng bản cập nhật chính sách hạt nhân của Nga, do Tổng thống Vladimir Putin công bố, nhằm mục đích giảm ngưỡng hạt nhân và thay đổi cán cân rủi ro đối với phương Tây.
"Phương Tây đang leo thang và thậm chí tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp chống lại Nga. Đồng thời, họ cũng đang thảo luận về việc chuyển đổi cuộc xung đột này thành chiến tranh nóng", ông Suslov, cũng là phó giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, lưu ý.
Theo nhà phân tích này, lý do cơ bản khiến phương Tây hành động như vậy là vì họ tin rằng Nga sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân và thiệt hại đối với phương Tây do thất bại của Ukraine cao hơn nhiều so với thiệt hại do leo thang.
"Vì vậy, giờ đây Nga đang thay đổi cán cân đó và cố gắng thuyết phục phương Tây rằng thiệt hại đối với chính họ sẽ giống như tự sát, tốt hơn là không nên leo thang căng thẳng thêm nữa. Với việc sửa đổi học thuyết hạt nhân, Nga vừa có thể sử dụng vũ khí hạt nhân theo nhiều lựa chọn hơn, vừa có thể đối phó với Ukraine, quốc gia đang hợp tác với các nước phương Tây sở hữu vũ khí hạt nhân", ông Suslov giải thích.
Xét về bối cảnh, thời điểm Nga tuyên bố sửa đổi học thuyết hạt nhân cũng liên quan đến việc Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thảo luận về khả năng phương Tây cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga.
"Quyết định này vẫn chưa được đưa ra. Vì vậy, lý do Tổng thống Putin đề cập đến những thay đổi này trước khi công bố học thuyết hạt nhân là nhằm thay đổi quá trình ra quyết định và thuyết phục Chính quyền ông Biden không thực hiện bước đi đó", ông Suslov lập luận.
Ông Mikael Valtersson - cựu sĩ quan của Lực lượng vũ trang Thụy Điển, cựu chính trị gia quốc phòng kiêm tham mưu trưởng của đảng Dân chủ Thụy Điển - cũng đồng tình với những quan điểm của ông Suslov.
Theo ông, tuyên bố của ông Putin về những thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của Nga phản ánh "mối quan hệ rất căng thẳng giữa phương Tây và Moskva".
"Các nước phương Tây trên thực tế là một phần của cuộc chiến - họ đang tiến hành cuộc chiến ở Ukraine, như một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga", ông Valtersson chỉ ra.
Chính trị gia này cho rằng trước những động thái gần đây của phương Tây, Moskva phải làm gì đó để chứng tỏ họ đang rất nghiêm túc, nếu không phương Tây ngày càng tăng mức độ ủng hộ với Ukraine. Ông Valtersson ám chỉ đến các cuộc tranh luận về khả năng những nước ủng hộ Ukraine "bật đèn xanh" cho Kiev phóng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp vào sâu trong lãnh thổ Nga.
"Tôi tin rằng phương Tây giờ đây sẽ do dự hơn nhiều khi cho phép Ukraine tiến hành cuộc tấn công tầm xa vào Nga", ông nhấn mạnh.
Khi đề cập đến tuyên bố của ông Putin rằng Nga có quyền tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân - nếu bị tấn công bởi một quốc gia phi hạt nhân được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ, ngay cả khi sử dụng vũ khí thông thường, chuyên gia này cho hay rõ ràng điều này có liên quan đến thực tế là Ukraine không thể tấn công các mục tiêu của Nga, nếu không có sự hỗ trợ của phương Tây.
"Điều đó sẽ tạo ra sự do dự giữa các quốc gia phương Tây, bởi Moskva có thể coi họ là một mục tiêu tiềm năng", ông Valtersson kết luận.
Nga thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa tại trung tâm thử nghiệm Plesetsk, Tây Bắc nước Nga. Ảnh: Sputnik
Trước đó, tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Liên bang Nga ngày 25/9, Tổng thống Putin đã công bố loạt đề xuất sửa đổi đối với học thuyết hạt nhân của nước này. Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ những thay đổi này nhằm đáp ứng tình hình quân sự và chính trị đang thay đổi nhanh chóng. Trong đó, một điểm cập nhật chính của học thuyết hạt nhân là việc mở rộng danh sách "những mối đe dọa quân sự" nằm trong phạm vi áp dụng chính sách răn đe hạt nhân của Nga.
Các sửa đổi được đề xuất cũng nêu rõ các điều kiện mà Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, như khi nhận được thông tin đáng tin cậy về một đợt triển khai quy mô lớn các vũ khí tấn công từ trên không hướng về lãnh thổ Nga.
Các đề xuất hiện ở dạng dự thảo và cần được Tổng thống Putin thông qua trước khi có hiệu lực.
Ngày 26/9, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết việc Tổng thống Putin đưa ra những đề xuất sửa đổi đối với học thuyết hạt nhân của nước này là điều cần thiết, nhằm đáp ứng tình hình an ninh hiện nay.
Ông Peskov nêu rõ những đề xuất sửa đổi này liên quan đến tình hình an ninh dọc biên giới đất nước, vì vậy cần điều chỉnh những nền tảng chính sách nhà nước liên quan đến vấn đề răn đe hạt nhân.
Điện Kremlin nêu mục đích cần thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 26/9 cho biết việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra những đề xuất sửa đổi đối với học thuyết hạt nhân của nước này là điều cần thiết, nhằm đáp ứng tình hình an ninh hiện nay. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: IRNA/TTXVN Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông...