Mỹ lên kế hoạch triển khai các cuộc thảo luận về IPEF
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai ngày 6/6 cho biết nước này đang lên kế hoạch triển khai các cuộc thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng ( IPEF), do Mỹ khởi xướng, vào mùa Hè này với sự tham gia của 13 quốc gia.
Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai phát biểu với báo giới tại London, Anh, ngày 26/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại một sự kiện do Hiệp hội thương mại Washington tổ chức, bà Katherine Tai bày tỏ hy vọng vào mùa Hè này, các quốc gia tham gia có thể tiến hành cuộc họp chính thức và tiến hành thảo luận các trụ cột khác nhau. Bà Katherine Tai nêu rõ IPEF tập trung vào bốn trụ cột gồm thương mại bình đẳng, khả năng hồi phục của chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, thuế và chống tham nhũng.
Bà Katherine Tai nhấn mạnh để có thể trở thành thành viên của IPEF, mỗi quốc gia cần tham gia đầy đủ ít nhất một trong bốn trụ cột của sáng kiến này. Do vậy, trong vài tuần tới, các nước tham gia sẽ thảo luận sâu hơn, làm rõ các nội hàm của IPEF, đưa ra chi tiết về tầm nhìn. Bà Katherine Tai cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác trong sáng kiến IPEF.
Video đang HOT
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 5/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố IPEF. Theo Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, IPEF sẽ là một thỏa thuận tập trung vào sự gắn kết hơn nữa của các nền kinh tế tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thông qua việc thiết lập các tiêu chuẩn và quy tắc trong các lĩnh vực mới như nền kinh tế kỹ thuật số.
Tổng thống Mỹ công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Ngày 23/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố "Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" (IPEF), một thỏa thuận đa phương được Washington thiết lập nhằm tăng cường quan hệ thương mại với các nền kinh tế ở châu Á.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) thăm Nhật Bản. Ảnh: NBC News
Phát biểu trước báo giới trong khuôn khổ chuyến công du Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố 12 quốc gia đã đồng ý tham gia hiệp định thương mại mới này.
Nhà Trắng cho hay IPEF sẽ giúp Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn với các nền kinh tế châu Á về hàng loạt vấn đề, trong đó có các chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, năng lượng sạch và cuộc chiến chống tham nhũng.
Ông Biden nói: "Khuôn khổ này là sự cam kết hợp tác với những người bạn và đối tác thân thiết của chúng tôi trong khu vực để ứng phó những thách thức quan trọng nhất đối với việc đảm bảo tính cạnh tranh kinh tế trong thế kỷ 21".
Theo trang mạng NBC News, các nước tham gia IPEF gồm có Mỹ, Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Cùng với Mỹ, các nước thành viên IPEF đóng góp tới 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.
Trong một tuyên bố chung, các nước thành viên IPEF nêu rõ hiệp định thương mại mới này sẽ giúp các nước cùng nhau "chuẩn bị cho tương lai các nền kinh tế của chúng tôi" sau những đứt gãy từ đại dịch COVID-19.
Theo giới chức Mỹ, IPEF sẽ tập trung vào 4 trụ cột, gồm thương mại công bằng và linh hoạt; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch; và thuế và chống tham nhũng. Tuy nhiên, các nước không nhất thiết phải tham gia tất cả các trụ cột và có thể lựa chọn tham gia vào một số trụ cốt nhất định của khuôn khổ này. Theo tuyên bố chung, các nước sẽ bắt đầu "các cuộc thảo luận tập thể hướng tới các cuộc đàm phán trong tương lai" về 4 trụ cột này.
Trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng trong khu vực, trụ cột thương mại sẽ tập trung vào việc theo đuổi các quy tắc tiêu chuẩn cao trong nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm các tiêu chuẩn về các luồng dữ liệu xuyên biên giới và các biện pháp hạn chế dữ liệu, đồng thời giải quyết các quan ngại về quyền riêng tư trên mạng Internet và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách phi đạo đức. Bên cạnh đó, IPEF cũng sẽ tìm cách đạt được "các cam kết đầu tiên về các chuỗi cung ứng" nhằm dự đoán và ngăn chặn tốt hơn sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng.
Đối với trụ cột năng lượng sạch, các thành viên IPEF sẽ tăng cường hợp tác về công nghệ và huy động tài chính, bao gồm cả tài trợ ưu đãi, thông qua việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.
Tuyên bố chung cho biết các nước thành viên của IPEF sẽ thảo luận về "những cách thức khác nhau để tăng cường hợp tác kinh tế" nhằm đạt được các mục tiêu của mỗi trụ cột, đồng thời mời những đối tác có quan tâm khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng tham gia.
Nhà Trắng thông báo ý tưởng xây dựng một khuôn khổ kinh tế như IPEF vào tháng 10/2021.
Trước đó, vào chiều 22/5, Tổng thống Mỹ Biden đã tới Nhật Bản, chặng dừng chân thứ hai sau Hàn Quốc trong chuyến công du châu Á kéo dài 5 ngày. Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, nhà lãnh đạo Mỹ cũng sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ. Giới chức Nhật Bản đặt rất nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm lần này của Tổng thống Biden. Theo kế hoạch, ngày 24/5, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ cùng với các nhà lãnh đạo Australia và Ấn Độ ở thủ đô Tokyo.
Liên hợp quốc thúc đẩy mục tiêu cung cấp năng lượng sạch vào năm 2030 Ngày 4/5, Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố Kế hoạch hành động về năng lượng nhằm hướng đến mục tiêu cung cấp năng lượng sạch và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người vào năm 2030. Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric, cho biết kế hoạch trên đề ra chương trình hành động chung đối...