Mỹ lập trận địa tên lửa tại Hàn Quốc, một mũi tên trúng nhiều đích
Mỹ đang có kế hoạch lập trận địa tên lửa tại quốc gia đồng minh Hàn Quốc nhằm đối phó với hoạt động thử tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc lo ngại đây là chiến lược giúp Mỹ thay đổi cán cân sức mạnh quân sự ở Đông Á.
THAAD là hệ thống phòng thủ trên không chính xác nhất hiện nay
“Mượn dịp” Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa
Ngày 13-2, quân đội Mỹ đã triển khai thêm các hệ thống tên lửa Patriot tới Hàn Quốc, để đối phó với Triều Tiên sau vụ phóng vệ tinh bằng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Trụ sở quân đội Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) cuối tuần qua cho biết, việc triển khai hệ thống tên lửa này là một phần trong bài diễn tập sẵn sàng ứng cứu khẩn cấp sắp diễn ra với quân đội Hàn Quốc. “Việc tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã đi ngược lại ý muốn của cộng đồng quốc tế. Điều này yêu cầu Mỹ – Hàn Quốc phải duy trì khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo một cách hiệu quả. Các bài diễn tập đảm bảo rằng, chúng tôi luôn sẵn sàng chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên” – Trung tướng Thomas Vandal, Chỉ huy trưởng Quân đoàn 8 của USFK cho biết.
Các hệ thống tên lửa Patriot được điều động từ căn cứ quân sự Fort Bliss ở Texas và sẽ được đặt cùng vị trí với những hệ thống PAC-2 và PAC-3 Patriot ở căn cứ không quân Osan, cách Thủ đô Seoul khoảng 55 km về phía Nam. Patriot được sử dụng để đánh chặn máy bay và tên lửa ở phạm vi 96 km.
Việc triển khai hệ thống Patriot diễn ra trong bối cảnh Washington cân nhắc việc triển khai hệ thống phòng không tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc. Thông tin này được đưa ra sau khi Triều Tiên đưa thành công một vệ tinh quan sát lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy hôm 7-2 vì mục đích khoa học. Tuy nhiên, các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng đây là một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo.
Triều Tiên không được phép phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa theo nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Vụ thử nghiệm này dấy lên nhiều quan ngại hơn sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hôm 6-1.
Video đang HOT
Trung Quốc lo đối phó
Kế hoạch triển khai THAAD tới Hàn Quốc của Mỹ vấp phải chỉ trích từ Trung Quốc và Nga. Hai quốc gia này cho rằng, đây là mối đe dọa lớn tới sự cân bằng sức mạnh quân sự ở khu vực. Dù Seoul và Washington khẳng định, THAAD cần thiết để chống lại một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo tiềm tàng từ Bình Nhưỡng, nhưng Bắc Kinh và Matxcơva vẫn nghi ngờ hệ thống này sẽ được sử dụng để đối phó với Trung Quốc và rất có thể là để do thám vùng Viễn Đông
của Nga.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã gặp Đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc Kim Jang-soo để bày tỏ quan điểm rằng, việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc sẽ “gây hại nhiều hơn lợi”. Phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc cũng cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang nếu THAAD được triển khai tại Hàn Quốc, đồng thời tỏ ra lo lắng về một liên minh quân sự lớn mạnh hơn giữa Seoul, Washington và Tokyo.
Nhạc Cương – một Đại tá quân đội Trung Quốc đã về hưu khi trò chuyện với tờ South China Morning Post có trụ sở ở Hồng Kông đã cho rằng: “Nếu THAAD được triển khai tại Hàn Quốc, bước tiếp theo sẽ là liên kết với hệ thống tên lửa phòng thủ tại Nhật Bản. Điều này dẫn tới Hàn Quốc hình thành liên minh quân sự với Mỹ và Nhật Bản, giống như một tổ chức NATO thu nhỏ. Trung Quốc đang cố tránh tình trạng này, bởi mối đe dọa quân sự khi đó sẽ lớn hơn nhiều so với sự xuất hiện của một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo”. Cũng theo cựu sĩ quan nói trên, mục đích triển khai hệ thống THAAD là nhằm thay đổi cán cân an ninh chiến lược ở Đông Á, làm suy yếu lợi thế quân sự của Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Từ Quang Dụ, nhà nghiên cứu cao cấp của Hiệp hội kiểm soát và giải trừ vũ khí Trung Quốc, cho rằng: “Radar băng tần X của THAAD có khả năng theo dõi trong phạm vi 3.000 – 4.000 km, có thể giám sát cả Trung Quốc và Nga. Điều này có nghĩa, mọi cuộc diễn tập trên bộ và trên không đều sẽ bị phát hiện, tần suất và số lượng của các máy bay cũng như vị trí của mọi phi trường quân sự cũng bị phơi bày”.
Trong khi đó, Mỹ đang có các cuộc thảo luận với phía Trung Quốc để giải thích rằng việc lắp đặt hệ thống phòng thủ này không nhằm phá hoại lợi ích an ninh của Trung Quốc, hãng tin Yonhap dẫn một nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết ngày 15-2. Tuy nhiên, Bắc Kinh tỏ ra không quan tâm tới lời giải thích từ phía Washington.
Theo_An ninh thủ đô
Mỹ hụt hơi, đuối sức, các đồng minh hoang mang?
Cán cân sức mạnh quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương đang chuyển sang thế có phần bất lợi cho siêu cường Mỹ khi Trung Quốc và Triều Tiên liên tục thách thức sự đáng tin cậy của những cam kết an ninh của Mỹ và Lầu Năm Góc đang đối mặt với những hạn chế về chi tiêu quân sự. Đây là nội dung của một bản nghiên cứu vừa được công bố ngày hôm qua (19/1).
Ảnh minh hoạ
Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược đã thực hiện một nghiên cứu cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong bản nghiên cứu này, giới nghiên cứu bày tỏ sự "quan ngại" về việc chính sách "tái cân bằng" của Tổng thống Barack Obama ở Châu Á có thể sẽ không đủ để đảm bảo các lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Quốc hội Mỹ đã yêu cầu Bộ Quốc phòng thực hiện nghiên cứu nói trên theo Điều luật Quốc phòng năm 2015.
"Các hành động của Trung Quốc và Triều Tiên đang liên tục thách thức sự đáng tin cậy của các cam kết an ninh của Mỹ đối với khu vực Châu Á và ở tốc độ phát triển năng lực quân sự của Mỹ như hiện nay, cán cân sức mạnh quân sự trong khu vực đang thay đổi theo hướng bất lợi cho Mỹ", nghiên cứu đã chỉ ra như vậy.
Giới lãnh đạo Lầu Năm Góc và những người ủng hộ Bộ Quốc phòng trong Quốc hội cho rằng, những nỗ lực nhằm bắt kịp với tốc độ phát triển quân sự của Trung Quốc cũng như đối phó được với các mối đe doạ an ninh đang vấp phải cản trở từ việc cắt giảm chi tiêu ngân sách mà chính phủ Mỹ đưa ra từ hồi năm 2011 nhằm giải quyết tình trạng thâm hụt lớn ở nước này.
Quốc hội đã thông qua một dự luật chi tiêu đến cuối năm 2016 nhằm giải quyết những quan ngại nói trên nhưng chưa đưa ra được một giải pháp lâu dài.
Bản nghiên cứu vừa được công bố đã đưa ra 4 khuyến nghị:
Thứ nhất, Nhà Trắng nên phát triển một chiến lược tái cân bằng riêng sau khi nhận thấy có những sự bối rối, lúng túng trong bộ máy chính phủ về chiến lược này. Trong số nhiều vấn đề khác, bản nghiên cứu chỉ ra rằng, chính quyền của ông Obama nên tăng cường kết nối với Quốc hội và phối hợp tốt hơn với các đồng minh.
Khuyến nghị thứ hai là Washington nên tăng cường nỗ lực để củng cố sức mạnh cho các đồng minh cũng như đối tác, bao gồm trong lĩnh vực an ninh hàng hải. "Nhiều nước đang vật lộn một cách khó khăn để giảm thiểu các nguy cơ về an ninh khu vực. Những nguy cơ đó trải rộng từ các cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn đến những tranh chấp hàng hải và các mối đe doạ từ tên lửa", bản nghiên cứu phân tích.
Khuyến nghị thứ ba là Mỹ nên duy trì và mở rộng sự hiện diện quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ tư, Mỹ nên tăng cường phát triển các năng lực mới cho lực lượng vũ trang của nước này, như khả năng chống lại các mối đe doạ ngày càng tăng từ tên lửa đạn đạo đối với tàu thuyền và căn cứ của Mỹ.
Thông tin về việc cán cân sức mạnh quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi theo hướng bất lợi đối với Mỹ thực sự khiến các nước đồng minh của họ lo ngại.
Châu Á vốn đang phải chứng kiến nhiều cuộc đối đầu, trong đó nổi bật là những cuộc đối đầu giữa các đồng minh của Mỹ như Philippines, Nhật Bản với Trung Quốc. Cả Philippines và Nhật Bản đều muốn trông chờ vào siêu cường Mỹ để đối phó với một Trung Quốc ngày càng "ghê gớm". Bản thân Washington cũng muốn cùng phối hợp với các đồng minh của mình để tạo thế đối trọng với Trung Quốc, kiềm chế bớt sự nổi lên một cách đáng ngại của cường quốc Châu Á này.
Trong thời gian qua, người ta đã thấy Mỹ liên tục thắt chặt mối quan hệ đồng minh với hai nước thân thiết là Nhật Bản, Philippines đồng thời đẩy mạnh các mối quan hệ đối tác khác trong khu vực. Washington cũng nỗ lực giúp đỡ các nước đồng minh và đối tác trong việc tăng cường sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, những nỗ lực này có vẻ như là chưa đủ, nhất là trong thời điểm Mỹ có nhiều mối bận tâm cũng như bị hạn chế về năng lực tài chính.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Nhật tăng tốc sản xuất tên lửa đối phó Triều Tiên Mỹ và Nhật Bản sẽ sản xuất phiên bản mới của tên lửa đánh chặn SM-3 block IIA nhằm đối phó với mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên. Mỹ và Nhật Bản sẽ sản xuất phiên bản mới của tên lửa đánh chặn SM-3 block IIA nhằm đối phó với mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên. Đài...