Mỹ lại đảo ngược hướng dẫn xét nghiệm Covid-19
Giới chức y tế Mỹ cho biết tất cả người từng tiếp xúc gần với ca nhiễm nCoV đều cần làm xét nghiệm, dù không xuất hiện triệu chứng.
“Do việc lây nhiễm khi không có hoặc chưa có triệu chứng là vấn đề nghiêm trọng, hướng dẫn mới sẽ tăng cường yêu cầu xét nghiệm người không triệu chứng, bao gồm người từng tiếp xúc gần với ca nhiễm nCoV”, thông báo trên trang của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 18/9 có đoạn.
Thay đổi được đưa ra sau khi CDC vấp nhiều chỉ trích về hướng dẫn tháng trước, trong đó nêu rằng người từng tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 không nhất thiết phải làm xét nghiệm nếu không có triệu chứng.
Giới chuyên gia y tế cộng đồng ủng hộ thay đổi của CDC khi cho rằng nghiên cứu chỉ ra người nhiễm không triệu chứng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất lớn.
“Thật tốt khi thấy khoa học và bằng chứng thực tế đóng vai trò quan trọng cho việc thay đổi”, Scott Becker, giám đốc điều hành của Hiệp hội Phòng thí nghiệm Y tế Cộng đồng, nói. “Chúng ta đã mất một vài tuần lộn xộn”.
“Tôi rất vui khi thấy sự thay đổi này và rõ ràng đây là điều cần phải làm”, tiến sĩ Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Brown, nói. Tuy nhiên, ông lo lắng danh tiếng của CDC sẽ bị tổn hại lâu dài do các thay đổi liên tiếp này.
Nhân viên y tế lấy mẫu sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 tại thành phố Wilkes-Barre, bang Pennsylvania đầu tháng này. Ảnh: Bloomberg News.
Hướng dẫn cũ được công bố hôm 24/8 đã dẫn tới làn sóng chỉ trích gay gắt từ cộng đồng khoa học và cả đối tác CDC, gồm Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, cơ quan đã kêu gọi các thành viên của họ tiếp tục xét nghiệm cho người nhiễm nCoV bất chấp hướng dẫn của CDC.
“Việc quay lại cách tiếp cận dựa trên cơ sở khoa học để đưa ra hướng dẫn xét nghiệm của CDC là tin tốt đối với y tế cộng đồng”, tiến sĩ Thomas File, chủ tịch hiệp hội trên nói.
Nhiều nghiên cứu từng chỉ ra mọi người có thể lây nhiễm virus ngay cả khi không có triệu chứng. Một số nghiên cứu thậm chí cho biết thời điểm họ có nguy cơ lây nhiễm cao nhất là một ngày trước khi xuất hiện triệu chứng, khi lượng virus trong cơ thể ở mức cao nhất.
Sau khi vấp phải làn sóng chỉ trích từ cộng đồng khoa học, giám đốc CDC Robert Redfield tháng trước đã cố gắng làm rõ quan điểm của cơ quan khi nói rằng xét nghiệm “có thể được cân nhắc” với người nhiễm không triệu chứng. Tuy nhiên, nhiều người nói rằng hướng dẫn này không rõ ràng, gây hoang mang và khiến vấn đề trở nên rối loạn hơn.
Video đang HOT
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã báo cáo gần 7 triệu ca nhiễm và hơn 203.000 người chết vì Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát. Song tình hình dịch dường như đang cải thiện, khi Đại học Johns Hopkins tuần trước công bố dữ liệu cho thấy số người chết mỗi ngày gần đây thấp hơn so với mức trung bình hồi cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày cũng giảm từ 67.000 xuống 40.000.
Xét nghiệm theo nhóm: Giải pháp tiết kiệm đua tốc độ với COVID-19
Gộp mẫu xét nghiệm RT-PCR vừa nhanh lại tiết kiệm sinh phẩm. Một số nước đã áp dụng thử nghiệm phương pháp này trong xét nghiệm COVID-19.
Dòng người xếp hàng chờ xét nghiệm ở Pháp - Ảnh: AFP
Giả định để xét nghiệm 100 sinh viên, thông thường các phòng xét nghiệm phải làm 100 lần xét nghiệm Realtime RT-PCR để phát hiện kháng nguyên virus SARS-CoV-2.
Phương pháp xét nghiệm từng người rất mất thời gian trong bối cảnh khả năng của các phòng xét nghiệm còn hạn chế.
Để khắc phục, các chuyên gia đề nghị phương pháp gộp mẫu xét nghiệm.
Một lần xét nghiệm cho nguyên nhóm
Nếu gộp mẫu xét nghiệm, 100 sinh viên nêu trên được chia làm 20 nhóm (mỗi nhóm 5 người).
Phòng xét nghiệm lấy mẫu nguyên nhóm rồi trộn một phần của mỗi mẫu bệnh phẩm gộp lại làm xét nghiệm RT-PCR. Phần còn lại của các mẫu sẽ được bảo quản.
Nếu nhóm mẫu cho kết quả âm tính, có nghĩa là các mẫu trong nhóm đều âm tính.
Nếu nhóm mẫu cho kết quả dương tính, sẽ làm lại xét nghiệm riêng rẽ từng mẫu trong nhóm đó để xác định ai là người dương tính.
Kỹ thuật gộp mẫu xét nghiệm đã từng được thử nghiệm từ năm 1943 để phát hiện bệnh giang mai trong quân đội Mỹ.
Hiện nay, một số nước như Mỹ, Đức, Israel, Rwanda đã áp dụng kỹ thuật này trong xét nghiệm COVID-19, kể cả Việt Nam.
Tại Pháp, bà Catherine Hill - chuyên gia dịch tễ học và thống kê sinh học, cho rằng cần phải thực hiện gộp mẫu xét nghiệm vì đây là giải pháp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Chuyên gia dịch tễ học và thống kê sinh học Catherine Hill - Ảnh: INFOLIBRE
Đơn giản, nhanh chóng và tiết kiệm
Tại Pháp, những người đi xét nghiệm COVID-19 phải mất hai tiếng chờ đợi. Các bệnh nhân khác có chỉ định xét nghiệm của bác sĩ cũng phải chật vật để có cuộc hẹn với phòng xét nghiệm.
Kết quả là thời gian trả kết quả xét nghiệm ngày càng chậm hơn.
Cuối cùng kết quả xét nghiệm thường đến tay bệnh nhân khi họ hầu như không còn lây nhiễm nữa bởi lẽ hầu hết trường hợp lây nhiễm xảy ra 4 ngày trước khi có các triệu chứng đầu tiên và từ 5-6 ngày sau đó.
Theo chuyên gia Catherine Hill, giải pháp khắc phục tình trạng trên là gộp mẫu xét nghiệm vì gộp mẫu xét nghiệm giúp sàng lọc quy mô hơn, tiết kiệm thời gian và nhân lực hơn.
Phương pháp này cũng ít tốn kém hơn, tiết kiệm sinh phẩm, tiết kiệm tiền bạc cho cơ quan bảo hiểm y tế và đáng tin cậy không kém xét nghiệm từng người.
Ngoài ra, gộp mẫu xét nghiệm còn có thể nhân rộng năng lực của các phòng xét nghiệm.
Bà đánh giá với phương pháp gộp mẫu xét nghiệm, "chúng ta có thể xét nghiệm 4 triệu người mỗi tuần", ngoài ra còn tầm soát gần như toàn diện tại các khu dân cư trong trường hợp virus lây lan nhanh chóng.
Bà nhấn mạnh: "Đơn giản và nhanh chóng xét nghiệm là các yếu tố quyết định để chiến thắng trong cuộc đua tốc độ chống virus".
Có thể chia nhóm đối với học sinh, sinh viên để gộp mẫu xét nghiệm - Ảnh: LA VOIX DU NORD
Độ nhạy của xét nghiệm có thể kém?
Trả lời tạp chí Challenges rằng liệu có nguy cơ bỏ sót các trường hợp dương tính nếu gộp mẫu xét nghiệm, chuyên gia Catherine Hill khẳng định rằng không.
Bà dẫn chứng nghiên cứu của Bệnh viện Bichat ở Paris chứng minh không có nhiều nguy cơ bỏ sót các trường hợp dương tính trong gộp mẫu xét nghiệm hơn xét nghiệm riêng lẻ nếu trộn không quá 32 mẫu với nhau.
Một nghiên cứu khác của Bệnh viện Đại học Hadassah (Israel) công bố cuối tháng 6-2020 cho thấy gộp mẫu xét nghiệm có thể phát hiện virus trong nhóm tối đa đến 8 người.
Đồng quan điểm với bà Catherine Hill, GS Darius Lakdawalla và PGS Erin Trish ở Đại học Nam California (Mỹ) giải thích: "Gộp mẫu xét nghiệm có nghĩa là bạn có thể kiểm tra nhiều người nhanh hơn với ít lần xét nghiệm hơn và chi phí thấp hơn".
Tuy nhiên tại Pháp, Hội đồng cấp cao về y tế công cộng đã khuyến nghị không áp dụng gộp mẫu xét nghiệm với lý do còn hạn chế về tổ chức và kỹ thuật.
Tiến sĩ sinh học y khoa Lionel Barrand ghi nhận gộp mẫu xét nghiệm vẫn còn là vấn đề tranh luận về sức khỏe cộng đồng.
Ông thừa nhận các ưu điểm của phương pháp gộp mẫu xét nghiệm nhưng ông cho rằng nếu trộn mẫu trước khi xét nghiệm, độ nhạy của xét nghiệm sẽ kém đi, như vậy cho ra nhiều kết quả âm tính giả hơn.
TQ: Thành phố hơn 6 triệu dân tuyên bố "tình trạng thời chiến", xét nghiệm gần 20 vạn người vì Covid-19 Từ ngày 24.7, tất cả các trường mẫu giáo ở Đại Liên - thành phố hơn 6 triệu dân - đều bắt buộc phải đóng cửa. Người dân muốn đi tàu điện ngầm phải trải qua xét nghiệm Covid-19. Chính quyền Đại Liên tuyên bố sẽ xét nghiệm diện rộng, kiểm dịch tại các khu chợ, trung tâm mua sắm và kho hải...