Mỹ khước từ đề nghị của Tổng thống Nga về đối thoại trực tiếp với ông Biden
Bộ Ngoại giao Nga ngày 22/3 thông báo phía Mỹ đã khước từ lời đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin về việc tổ chức đối thoại trực tiếp với người đồng cấp Mỹ Joe Biden trước đó.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik
Hôm 18/3, Tổng thống Putin đề xuất tổ chức một cuộc đối thoại trực tuyến nhanh với Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về một loạt các về các vấn đề song phương và toàn cầu cấp bách.
Theo Đài Sputnik, ông Putin đã đưa ra đề nghị trên một ngày sau khi Tổng thống Biden thể hiện quan điểm đồng tình với mô tả của một phóng viên rằng Tổng thống Nga là “kẻ sát nhân” và “không có linh hồn”. Ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo áp các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vì can thiệp bầu cử Mỹ.
“Chúng tôi lấy làm tiếc khi phải thông báo rằng phía Mỹ đã không ủng hộ đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tổ chức cuộc nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 19 hoặc 22/3 dưới hình thức hội nghị trực tuyến công khai để thảo luận về một số vấn đề nảy sinh giữa hai nước, cũng như bàn về ổn định chiến lược”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Bộ Ngoại giao Nga đánh giá phía Washington đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để tìm ra lối thoát cho sự bế tắc trong quan hệ Nga – Mỹ hiện nay, đồng thời nhấn mạnh rằng trách nhiệm đối với tình hình hiện tại hoàn toàn thuộc về phía Mỹ.
Video đang HOT
Trước đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov xác nhận ông Putin không có bất kỳ cuộc đàm phán nào được lên lịch trước với ông Biden, do phía Washington chưa cho thấy sự sẵn sàng cho các cuộc đàm phán như vậy.
Ngày 19/3, Tổng thống Biden cho biết ông chắc chắn sẽ nói chuyện với ông Putin vào một thời điểm nào đó, song không đưa ra thêm chi tiết về thời điểm hoặc hình thức của cuộc thảo luận. Trước đó một ngày, ông chủ Điện Kremlin tuyên bố đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán trực tuyến công khai với người đồng cấp Mỹ ngay trong ngày 19/3 hoặc 23/3.
Vào tuần trước, quan hệ Nga – Mỹ đã đi xuống mức thấp mới kể từ năm 2014 sau khi ông Biden bày tỏ đồng tình với việc phóng viên của kênh ABC News mô tả ông Putin là “kẻ sát nhân”, cùng với việc đe dọa sẽ khiến ông Putin phải trả giá với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Đáp lại, ông Putin phủ nhận câu chuyện về “kẻ sát nhân”, đồng thời gửi lời chúc sức khỏe đối với ông Biden. Ngoài ra, Moskva đã đáp lại nhận xét của Tổng thống Biden bằng cách triệu hồi đại sứ Nga tại Washington để tham vấn. Động thái từng được thực hiện một lần duy nhất trước đó vào năm 1998, sau vụ Mỹ – Anh ném bom Iraq.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho biết đã nhận được nhiều thư từ những người Mỹ xin lỗi về những bình luận của Tổng thống và bày tỏ hy vọng cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Căng thẳng mới nhất trong quan hệ Nga – Mỹ diễn ra sau những cáo buộc gần đây của tình báo Mỹ rằng Moskva đã cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Các cơ quan tình báo Mỹ đã đưa ra tuyên bố tương tự vào năm 2016, đồng thời tiến hành điều tra cựu Tổng thống Donald Trump về khả năng thông đồng với Nga. Tuy nhiên, các cáo buộc trên đã bị bác bỏ vào năm 2019, sau khi Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra kết luận điều tra không tìm ra bất kỳ bằng chứng nào về mối quan hệ giữa ông Trump và Nga.
Sau đó, Washington tiếp tục cáo buộc Moskva cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử thông qua một chiến dịch truyền thông có hệ thống. Theo các điều tra riêng của các công ty công nghệ của Mỹ như Google, Facebook và Twitter, nỗ lực của Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016 đã bị phóng đại quá mức và gần như không gây ra tác động nào.
Tổng thống Nga Putin quyết định tiêm vaccine COVID-19
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tiêm vaccine COVID-19 vào 23/3.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Tờ Guardian (Anh) đưa tin rằng nhà lãnh đạo Nga không nêu rõ chi tiết loại vaccine COVID-19 ông tiêm. Động thái này diễn ra ở thời điểm chính phủ Nga khuyến khích công dân tiêm vaccine phòng COVID-19.
Hiện nay, vaccine phòng COVID-19 phổ biến nhất tại Nga là Sputnik V. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/8/2020 tuyên bố nước này phê chuẩn vaccine phòng COVID-19 Sputnik V sau gần 2 tháng thử nghiệm trên cơ thể người. Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Putin khẳng định vaccine Sputnik V do Viện Gamaleya sản xuất là an toàn.
Bên cạnh đó, đến nay Moskva cũng thông qua việc sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine COVID-19 khác được điều chế và sản xuất trong nước mang tên EpiVacCorona và CoviVac.
Phát biểu trên truyền hình ngày 22/3, Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Tất nhiên việc tiêm vaccine là quyết định tự nguyện của mỗi người. Đó là quyết định cá nhân. Tôi dự định tiêm vaccine vào ngày mai".
Nhà lãnh đạo Nga cũng nhận định việc tăng cường sản xuất vaccine COVID-19 sản xuất trong nước là cần thiết. Tính đến nay có khoảng 4,3 triệu người Nga đã được tiêm đủ hai liều vaccine COVID-19.
Tổng thống Putin cũng tiết lộ Nga đã ký thỏa thuận cung cấp Sputnik V cho 700 triệu người trên khắp thế giới.
Ông bổ sung: "Chúng ta có thể tự tin và xác nhận qua thực tiễn rằng vaccine Nga hoàn toàn đáng tin tưởng, an toàn. Chưa có vaccine nước nào đạt được mức độ bảo vệ cao đến như vậy".
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí y học uy tín The Lancet ngày 2/2 cho thấy Sputnik V có có hiệu quả phòng ngừa COVID-19 lên tới gần 92%.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, đến 7 giờ ngày 23/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 tại Nga là trên 4,46 triệu trường hợp, trong đó có 95.391 người tử vong.
LB Nga tiến tới sử dụng hộ chiếu điện tử Theo dự thảo sắc lệnh của Tổng thống Nga do Bộ Phát triển kỹ thuật số, Truyền thông và Truyền thông đại chúng LB Nga soạn thảo, đăng tải trên cổng thông tin dự thảo quy định hành vi pháp lý ngày 19/3, hộ chiếu điện tử có thể được cấp cho người dân thủ đô Moskva từ ngày 1/12 tới và trước...