Mỹ không kích IS: Washington bắt đầu phải trả giá?
Khoảng 40 quốc gia đã tham gia liên minh chống IS. Trong khi đó, AlQaeda tấn công rocket nhằm vào đại sứ quán Mỹ ở Yemen để báo thù.
Mở rộng không kích
Ngày 27/9, liên minh quốc tế do Mỹ chỉ huy đã mở rộng chiến dịch không kích chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria trong lúc máy bay chiến đấu Anh thực hiện nhiệm vụ không kích đầu tiên của mình nhằm vào IS tại Iraq, nước láng giềng của Syria.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết 7 mục tiêu của IS tại Syria đã bị tấn công, trong đó có tại thị trấn Ain al-Arab của người Kurd giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang bị phiến quân IS bao vây và tại thị trấn Eupharates, thuộc tỉnh miền Bắc Raqa – nơi IS hồi tháng 6 vừa qua tuyên bố lấy làm tổng hành dinh khi lực lượng này bắt đầu đánh chiếm các khu vực ở Iraq và Syria.
Máy bay tiêm kích Mỹ trở về tàu sân bay USS George H.W. Bush sau khi không kích IS ở vùng Vịnh, ngày 23/9
Trong khi đó, máy bay chiến đấu Tornado GR4 của lực lượng Không quân Hoàng gia Anh đã trở về căn cứ ở Akrotiri, Cyprus, sau khi thực hiện nhiệm vụ đầu tiên tại Iraq. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh cho biết máy bay đã không thả bom dẫn đường bằng lade vì lần này không có mục tiêu nào được xác định là cần không kích ngay.
Bỉ và Đan Mạch cũng đã thông qua kế hoạch cùng với Pháp và Hà Lan tham gia chiến dịch chống IS tại Iraq, cho phép Mỹ tập trung vào chiến dịch chống IS ở Syria. Trong khi đó, nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin Tổng thống nước này Tayyip Erdogan tuyên bố nước này có thể đóng vai trò quân sự trong liên minh chống IS, trong bối cảnh Ankara đang tiến tới đảm nhiệm vị trí tiền tuyến của chiến dịch này.
Trong bình luận được đưa ra trước báo giới Thổ Nhĩ Kỳ trên đường trở về từ Mỹ, ông Erdogan cũng ngầm bày tỏ sự ủng hộ việc sử dụng binh sĩ tác chiến trên bộ tại Syria. Tuyên bố của Tổng thống Erdogan gần như khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến tới đóng vai trò quân sự một khi chính phủ nước này giành được sự phê chuẩn của quốc hội tại cuộc tranh luận vào ngày 2/10.
Hiện tại, có tới 40 quốc gia – bao gồm một số nước Trung Đông – đã tham gia liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu.
Phát biểu tại Lầu Năm Góc, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey, IS tại Syria đang gánh chịu thiệt hại qua các cuộc không kích. Nhưng ông Dempsey cho rằng nếu chỉ không kích sẽ không đủ để đánh bại Nhà nước Hồi giáo mà còn cần thêm bộ binh và giải pháp chính trị.
Ông Dempsey nhẩm tính, phải cần thêm sự trợ giúp của khoảng 15.000 chiến binh phe đối lập Syria mới có thể đánh bại tổ chức này.
Giữa tháng 9 vừa qua, ông Dempsey cũng để ngỏ khả năng Mỹ sẽ dùng bộ binh tấn công IS nếu chiến dịch không kích không mang lại kết quả như mong muốn.
Video đang HOT
Trước đó, Tổng thống Obama đã tuyên bố sẽ không sử dụng lực lượng trên bộ trong kế hoạch tiêu diệt IS ở Iraq và Syria.
Mỹ bắt đầu phải trả giá?
Trong khi liên minh do Mỹ cầm đầu đang mở rộng các cuộc không kích chống IS thì nhóm khủng bố Al-Qaeda tuyên bố sẽ “trừng phạt” liên minh. Trong một đoạn video đăng tải trên mạng, Al-Nusra Front, một tổ chức của Syria Al-Qaeda, tuyên bố các cuộc tấn công vào Syria là “cuộc chiến chống Hồi giáo” và đe dọa sẽ tấn công các lợi ích của các quốc gia tham gia trên toàn thế giới.
Ở một diễn biến có liên quan, nhóm Ansar al-Sharia có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda ngày 27/9 đã nhận trách nhiệm bắn rocket vào gần tòa đại sứ Mỹ ở thủ đô Sanaa của Yemen, ngay sau khi đại sứ quán này cho rằng dường như họ không phải là mục tiêu của vụ tấn công.
Trên trang mạng xã hội Twitter, nhóm thánh chiến trên tuyên bố: “Ansar al-Sharia đã tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Sanaa bằng một quả rốckét LAW… để trả thù cho những trẻ em Hồi giáo bị máy bay không người lái của Mỹ tấn công trong vụ oanh kích tại tỉnh Jawf hôm 26/9″.
Theo nhóm này, một số binh sĩ Yemen canh gác tại tòa đại sứ Mỹ đã bị thương trong vụ tấn công.
Trước đó, đại sứ quán Mỹ nói trên trang Twitter rằng “không có lý do gì để tin rằng Đại sứ quán Mỹ là mục tiêu” của vụ tấn công, đồng thời cho biết văn phòng đại sứ “không bị ảnh hưởng” và nhà chức trách Yemen đang điều tra vụ việc.
Nguyên nhân gây bất ổn và hỗn loạn?
Trong khi đó, phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 27/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích Mỹ “can thiệp quân sự” để bảo vệ các lợi ích của mình.
Ông Lavrov dẫn lại ví dụ về các chiến dịch can thiệp quân sự do Mỹ khởi xướng trước đây tại Nam Tư, Iraq, Libya và Afghanistan, xem đó như nguyên nhân gây ra bất ổn và hỗn loạn.
“Washington đã công khai tuyên bố quyền được đơn phương sử dụng vũ lực tại bất kỳ đâu để bảo vệ các lợi ích của họ. Can thiệp quân sự đã trở thành một chuẩn mực – bất chấp những kết quả tồi tệ của những chiến dịch sử dụng sức mạnh trước đây mà Mỹ đã thực hiện vài năm qua”.
Nga, một đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã gọi chiến dịch không kích mà Mỹ thực hiện nhắm vào các phiến quân IS tại Syria là phi pháp, và cho rằng phương Tây cần phải hợp tác với Damascus trong việc đối phó với các phần tử thánh chiến.
Lavrov cho rằng Mỹ và các đồng minh phương Tây của mình tự cho họ là những người bảo vệ dân chủ, trong khi thực tế là họ “đang cố gắng quyết định điều gì là tốt hay xấu cho tất cả mọi người”.
Nga đã gửi “một lượng lớn vũ khí và thiết bị quân sự” tới Iraq, Syria và các nước khác tại Trung Đông, và sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự.
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, Nga đã cung cấp cho Iraq lô máy bay trực thăng Mi-35 thứ ba được trang bị vũ khí với độ chính xác cao và có vận tốc lớn để giáng trả IS. Số lượng máy bay chuyển giao không được tiết lộ.
Minh Thái
Theo_Báo Đất Việt
Phiến quân IS dùng chiêu của CIA để tra tấn con tin
Nhà báo James Foley nhiều lần bị phiến quân hành hạ bằng hình thức tra tấn từng được CIA sử dụng.
Ngày 28/8, những người từng bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt cóc ở Iraq và Syria tiết lộ rằng nhóm phiến quân này đã áp dụng một hình thức tra tấn từng được CIA sử dụng để hành hạ các con tin, trong đó có nhà báo mới bị hành quyết James Foley, đó là hình thức "trấn nước".
Theo các nguồn tin này, nhà báo James Foley là một trong 4 con tin phương Tây đã nhiều lần bị các chiến binh IS tra tấn bằng hình thức "trấn nước" (warterboarding), một thủ đoạn được CIA sử dụng để thẩm vấn các nghi phạm khủng bố sau vụ 11/9.
Nhà báo James Foley bị phiến quân bắt cóc khi đang tác nghiệp ở Syria năm 2012
Trấn nước là biện pháp tra tấn trong đó kẻ tra tấn trói nạn nhân vào một tấm ván, phủ vải lên mặt rồi đổ nước lạnh lên. Theo tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ về biện pháp trấn nước do CIA áp dụng, tấm vải ngấm nước sẽ đóng vai trò như một hàng rào ngăn không khí đi vào phổi nạn nhân, khiến người bị tra tấn không thể thở nổi và có cảm giác như đang chết đuối.
Một nguồn tin giấu tên biết rõ những gì đã xảy ra với các con tin trong tay phiến quân IS cho biết: "Bọn chúng biết cách áp dụng hình thức tra tấn này như thế nào". Người này tiết lộ thêm rằng các con tin đều bị giam giữ ở Raqqah, thành phố ở miền bắc Syria vốn được coi là thủ đô của vương quốc Hồi giáo do IS tự lập ra.
Hồi tuần trước, phiến quân IS đã chặt đầu nhà báo Foley để trả đũa các vụ không kích mà Mỹ tiến hành ở Iraq, đồng thời đe dọa sẽ tiếp tục hành hình nhà báo Steven Sotloff. Vụ chặt đầu nhà báo Foley đã làm dư luận quốc tế chấn động, gây ra làn sóng phẫn nộ trên khắp toàn cầu.
Một nguồn tin khác từng biết Foley trong thời gian anh bị IS giam giữ xác nhận rằng nhà báo này đã nhiều lần bị bọn cai ngục tra tấn bằng các hình thức khác nhau, trong đó có biện pháp trấn nước.
Người này nói: "Đúng vậy, James là đối tượng bị phiến quân tra tấn nhiều lần bằng hình thức đó. Tôi cho rằng anh ấy đã bị ngược đãi về thể chất rất nhiều".
Trấn nước là biện pháp tra tấn từng được CIA sử dụng phổ biến
Trước thông tin này, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và cả CIA đều "im hơi lặng tiếng" và không có bất cứ bình luận nào, mặc dù FBI là cơ quan phụ trách cuộc điều tra vụ phiến quân IS chặt đầu nhà báo Foley.
Tuy nhiên, một quan chức giấu tên của Mỹ tuyên bố: "IS là nhóm phiến quân thường tra tấn và chặt đầu nạn nhân. Thế nên việc so sánh sự dã man của IS với hành động tra tấn trước đây của CIA là buồn cười và càng có lợi cho chiến dịch tuyên truyền của phiến quân".
Trấn nước là biện pháp thẩm vấn được CIA sử dụng phổ biến để moi thông tin từ các nghi phạm khủng bố, và biện pháp này đã được Bộ Tư pháp Mỹ phê chuẩn trong chiến dịch chống khủng bố toàn cầu của Mỹ.
Ba nghi phạm khủng bố của CIA là Khalid Sheik Mohammed, Abu Zubaida và Abd al-Rahim al-Nashiri đều đã bị trấn nước trong các nhà tù bí mật của CIA, trong đó Mohammed đã bị tra tấn bằng hình thức này tới 183 lần.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Barack Obama đã cấm các lực lượng thực thi pháp luật và tình báo Mỹ sử dụng các biện pháp thẩm vấn bạo lực, trong đó có hình thức trấn nước. Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cũng đánh giá rằng biện pháp tra tấn này không phát huy hiệu quả, và nó có thể được các phần tử khủng bố áp dụng để hành hạ công dân Mỹ.
Theo nhà báo Pháp Didier Francois, người từng bị phiến quân IS nhốt chung với Foley, nhà báo Mỹ này thường xuyên bị bọn cai ngục đánh đập, tra tấn, một phần vì anh là người Mỹ, phần khác là vì chúng phát hiện em trai của Foley đang phục vụ trong không quân Mỹ.
Nhà báo James Foley bị một phiến quân chặt đầu trên sa mạc ở Syria
Trong thời kỳ bị giam giữ, cả Francois lẫn Foley đều bị phiến quân đem ra "hành quyết giả", một thủ đoạn trấn áp tinh thần mà CIA cũng từng sử dụng đối với các nghi phạm al-Qaeda. Bộ Tư pháp Mỹ không cấm CIA sử dụng biện pháp hành quyết giả này.
Mới đây, tình báo Anh và Mỹ tuyên bố họ đã sắp xác định được danh tính của tên sát nhân đã chặt đầu nhà báo Foley. Nếu bị bắt giữ, tên sát nhân này nhiều khả năng sẽ bị đưa tới nhà tù Guantanamo của Mỹ, nơi giam giữ những tên tội phạm khủng bố nguy hiểm nhất.
Hôm qua, phiến quân IS lại tiếp tục công bố một đoạn video mới quay cảnh chặt đầu một trong những tù nhân của chúng, lần này là một chiến binh người Kurk ở Iraq, người đã cùng chiến đấu với quân đội chính phủ Iraq dưới sự cố vấn của chuyên gia Mỹ chống lại chiến dịch tấn công của IS.
Theo Khampha
Tình báo Anh đã xác định được kẻ chặt đầu nhà báo Mỹ Tình báo Anh đã sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói phức tạp để vạch mặt tên sát nhân đã hành quyết nhà báo Foley. Tối ngày Chủ nhật (24/8), các nguồn tin an ninh của Anh tiết lộ tình báo nước này đã xác định được danh tính thật sự của kẻ đã hành quyết dã man nhà báo người Mỹ...