Mỹ kêu gọi NATO chuẩn bị để đối đầu với Nga tới thời hậu Putin
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố Mỹ và NATO đang chuẩn bị về mặt quân sự cho viễn cảnh bất đồng với Nga có thể sẽ kéo dài cho đến thời hậu Putin.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Ashton Carter – Ảnh: Reuters
Tuyên bố trên được đưa ra hôm 21.6, ngay trước chuyến thăm châu Âu kéo dài trong vòng 1 tuần của ông Carter. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nói rằng Mỹ hy vọng Nga sẽ quay lại “đường lối cầu tiến” và hợp tác về mặt ngoại giao với Mỹ, trong đó bao gồm đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran.
Ông Cater nói rằng những thay đổi về đường lối hiện nay của NATO về mặt quân sự, trong đó có mục tiêu ngăn chặn các hành động can thiệp quân sự của Nga, là sự chuẩn bị để đối phó với căng thẳng kéo dài với Nga.
“Sự thay đổi mà tôi đang nói tới là để đề phòng khả năng Nga sẽ không thay đổi dưới thời Vladimir Putin, thậm chí sau đó nữa”, ông Carter tuyên bố trước khi đáp máy bay đến Berlin, bắt đầu chuyến thăm châu Âu.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Putin sẽ có thể thay đổi đường lối hay không, ông Carter trả lời ông hy vọng như thế, nhưng “tôi cũng không chắc”.
Được biết ông Putin được bầu làm tổng thống Nga hồi năm 2012 với nhiệm kỳ kéo dài 6 năm. Theo luật pháp Nga, nguyên thủ quốc gia có thể tại chức trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp, có nghĩa ông Putin sẽ có thể tranh cử trở lại vào năm 2018. Cho tới nay, ở Nga không có một đối thủ chính trị nào đủ sức “đọ” với ông Putin.
Video đang HOT
Trong chuyến thăm châu Âu, ông Carter sẽ chứng kiến những thay đổi của NATO, đầu tiên là đến thăm lực lượng phản ứng nhanh của NATO tại Đức trong ngày hôm nay 22.6. Tại Estonia, ông chủ Lầu Năm Góc sẽ lên một tàu chiến của Mỹ để quan sát tập trận tại biển Baltic.
Ông Carter cũng sẽ bàn bạc với các đối tác tại châu Âu về kế hoạch tái bố trí các khí tài hạng nặng.
Nói về tuyên bố của Nga sẽ tăng cường lực lượng và bổ sung thêm 40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào kho vũ khí hạt nhân của Nga trong năm nay, ông Carter tuyên bố: “Ông Putin không cần thiết phải hành xử như thế. Rõ ràng, tôi không thể giải thích tại sao ông ấy lại làm như thế, nhưng đó là lối hành xử không thích hợp theo quan điểm của tôi”.
Các diễn biến tại Ukraine làm chia rẽ sâu sắc mối quan hệ giữa Nga và phương Tây – Ảnh: AFP
Cách mà Mỹ và Nga dèm pha lẫn nhau theo kiểu này hẳn sẽ làm nhiều người nhớ lại thời Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ tháp tùng chuyến thăm của ông Carter phát biểu với các phóng viên rằng Mỹ sẽ thuyết phục các đồng minh NATO “vứt bỏ các chuẩn mực của thời Chiến tranh lạnh”.
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ nhận xét rằng tình hình Ukraine cho thấy tầm quan trọng của việc chuẩn bị đối đầu với “chiến tranh lai” – sự pha trộn giữa lực lượng quân đội bí mật, tuyên truyền và áp lực kinh tế, mà theo lời các quan chức này là Nga đang sử dụng. Trong khi đó, lịch sử của NATO cho thấy tổ chức này tập trung vào mối đe dọa của chiến tranh truyền thống theo kiểu Chiến tranh lạnh.
“Ông Carter sẽ thúc giục mạnh mẽ liên minh (NATO) suy nghĩ về những mối đe dọa mới, những kỹ thuật mới, thuyết phục họ vứt bỏ các chuẩn mực của thời Chiến tranh lạnh mà nghĩ về những cách thức mới để đối đầu với các mối đe dọa mới”, quan chức quốc phòng kể trên phát biểu.
Giới chức NATO cũng nói rằng Nga không phải là nguyên nhân duy nhất để tổ chức này phải thay đổi, mà còn có những mối đe dọa khác như Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tổ chức cực đoan khác ở Bắc Phi và Trung Đông.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Tổng thống Putin lần đầu lên tiếng về lời chỉ trích của Canada
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đáp lại sự chỉ trích của Thủ tướng Canada Stephen Harper tại Hội nghị G7 bằng giọng điệu chế giễu khi ám chỉ ông này chỉ 'theo đuôi' Mỹ, tờ The Moscow Times của Nga đưa tin.
Ông Putin (phải) đã chế giễu ông Harper về những tuyên bố không cho phép Nga quay lại G7 - Ảnh: AFP
Ông Putin cho rằng ông Harper trên thực tế chỉ mạnh miệng chỉ trích Nga vì nghe theo lời Mỹ, thay vì bày tỏ quan điểm riêng mình.
"Tôi không muốn làm nhục ai, nhưng nếu Mỹ nói sẽ cho Nga quay lại G8, ngài Thủ tướng (của Canada) sẽ thay đổi ý kiến của ông ta", The Moscow Times ngày 21.6 dẫn lời ông Putin nói với truyền thông Canada trong buổi họp mặt với các doanh nghiệp tại St. Petersburg tuần trước.
Trước đó, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã nhiều lần khẳng định ông Putin sẽ không còn đường quay lại G7 (để tái lập G8) sau những hành động đi ngược lại với mong muốn của các nước thành viên.
Hãng tin Canada, The Canadian Press (CP) hôm 21.6 cho rằng các quan chức Nga đã nói rất nhiều về chuyện ông Putin muốn quay lại G7 trong kỳ họp năm tới, sau khi đã liên tiếp vắng mặt 2 lần gần nhất.
Điều này trùng với quan điểm của Nga hồi tháng 3, khi các quan chức cho rằng Moscow vẫn muốn giữ quan hệ với các nước thành viên G7, bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Ý, theo The Moscow Times.
Mối quan hệ giữa Nga với G7 rạn nứt từ sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Phía G7 cho rằng Nga cần chia sẻ các giá trị chung với nhóm bằng cách duy trì hòa bình ở Ukraine, cũng như khẳng định việc sáp nhập Crimea là bất hợp pháp.
Nhưng ông Putin luôn phủ nhận việc Nga đưa quân đến miền đông Ukraine tiếp sức cho nhóm ly khai chống chính quyền Kiev, và cho rằng việc sáp nhập Crimea dựa trên sự tự nguyện của người dân trên bán đảo.
Riêng Nga và Canada, mối quan hệ của hai nước đặc biệt xấu hơn cả. Ngoài những lời lẽ cứng rắn của ông Harper nhằm vào ông Putin, cách đây chưa lâu có tin tàu chiến Nga đã bám đuôi tàu chiến Canada trong lúc tàu này đang chở Thủ tướng Harper trên biển Baltic.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Ớn lạnh viễn cảnh chiến tranh với Trung Quốc Mặc dù Trung Quốc luôn miệng khẳng định sự hiện diện quân sự của họ ở Biển Đông là vì những mục đích dân sự và vì các lý do ổn định nhưng phần lớn người dân Philippines không tin điều này. Họ đều đang hết sức lo ngại về viễn cảnh bùng phát chiến tranh với Trung Quốc. Quân đội Philippines kiểm...