Mỹ, Israel tăng sức ép lên Iran
Trung Quốc thúc giục Mỹ hủy bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Kunlun bị cáo buộc làm ăn với Iran
Mối đe dọa tấn công Iran từ phía Israel là một trong những chủ đề thảo luận hàng đầu tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và giới lãnh đạo Israel ở Jerusalem ngày 1-8. Hãng tin AP nhận định: Chuyến thăm Israel của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ diễn ra vào một thời điểm mang tính quyết định khi Washington đang cân nhắc bước đối phó tiếp theo đối với Tehran trong trường hợp các biện pháp trừng phạt không ngăn được chương trình hạt nhân của nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (trái) gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak (giữa) và Trung tướng Benny Gantz, Tư lệnh Bộ Tổng Tham mưu Israel ở Jerusalem, ngày 1-8. Ảnh: HAARETZ
Video đang HOT
Cân nhắc tấn công Iran
Bộ trưởng Panetta cho biết ông bàn bạc nhiều với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak về mối đe dọa mà hai nước đang phải đối đầu trong chương trình hạt nhân của Iran và về sự chia sẻ thông tin tình báo giữa hai nước. Trước đó, trong chuyến thăm Ai Cập, Bộ trưởng Panetta phủ nhận thông tin ông đã có kế hoạch chia sẻ với Israel chương trình hành động quân sự chống Iran. Ông nhấn mạnh rằng thông tin như thế đã mô tả sai tính chất của vấn đề mà ông và các nhà lãnh đạo Israel dự kiến bàn luận.
Tại trụ sở Bộ Quốc phòng Israel, cả hai vị bộ trưởng đều nhấn mạnh rằng mối quan hệ quốc phòng giữa Israel và Mỹ hiện nay mạnh mẽ hơn và bền chặt hơn bao giờ hết. Ông Panetta khẳng định: “Chúng tôi thảo luận về các tình huống bất ngờ khác nhau và cách đối phó với chúng”. Khi được hỏi các sự việc bất ngờ đó có bao gồm kế hoạch tấn công quân sự chống lại Iran hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ quả quyết: “Chúng tôi tiếp tục làm việc về một số lựa chọn trong phạm vi đó”.
Thủ tướng Israel Netanyahu đã xác nhận các nhà lãnh đạo nước này sẽ có quyết định cuối cùng về việc có tấn công Iran hay không. Ám chỉ rằng Israel có thể hành động một mình bất chấp sự e ngại của người Mỹ, ông Netanyahu tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không đặt niềm tin của mình vào tay người khác”.
Ngân hàng Trung Quốc và Iraq bị vạ lây
Chính quyền Mỹ ngày 31-7 đã thông báo lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Kunlun của Trung Quốc (TQ) và Ngân hàng Elaf của Iraq vì bị cáo buộc làm ăn với Iran. Ông Ben Rhodes, chuyên gia Mỹ về khủng bố và tình báo tài chính, cho biết Mỹ ban hành các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm mục đích buộc Tehran đàm phán nghiêm túc về chương trình hạt nhân của nước này. Đồng thời, theo đài CNN, ông cho biết Mỹ vẫn tiếp tục tìm kiếm các biện pháp nhằm gia tăng ảnh hưởng của lệnh trừng phạt đối với Iran.
Thông báo quyết định trừng phạt liên quan đến hai ngân hàng trên, Bộ Tài chính Mỹ cho biết các biện pháp đó nằm trong nỗ lực cô lập các tổ chức tài chính Iran ủng hộ khủng bố và có liên hệ với việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Tehran. Theo đó, lệnh trừng phạt đối với hai ngân hàng Kunlun và Elaf có tác dụng ngăn ngừa các tổ chức tài chính quốc tế khác làm ăn với Iran.
Theo Tân Hoa Xã, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao TQ Tần Cương ngày 1-8 đã thúc giục Mỹ hủy bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Kunlun và ngưng mọi hành động làm tổn hại mối quan hệ giữa hai nước. Ông này bày tỏ sự thất vọng sâu sắc và quyết liệt phản đối động thái trên của Mỹ. Ông Tần nhấn mạnh: “Khi áp đặt lệnh trừng phạt một tổ chức tài chính TQ theo luật pháp của mình phía Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc quan hệ quốc tế và làm thiệt hại quyền lợi của phía TQ”.
Theo NLD
LHQ, Nga cử quan chức quân đội cấp cao tới Syria
Trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không đạt được đồng thuận về gia hạn sứ mệnh của Phái đoàn quan sát viên Liên hợp quốc tại Syria (UNSMIS), ngày 19/7, Liên hợp quốc đã cử quan chức quân đội cấp cao của mình đến Syria nhằm tiếp quản và chỉ huy UNSMIS.
Quan sát viên Liên hợp quốc tại Syria. (Nguồn: Internet)
Phát biểu trước báo giới, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson cho biết Cố vấn quân sự hàng đầu của Liên hợp quốc - Tướng Barbacar Gaye đã lên đường đến thủ đô Damasus của Syria. Ngoài ra, quan chức phụ trách vấn đề triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, ông Herve Ladsous dự kiến cũng sẽ sớm có mặt tại Syria.Cũng trong ngày 19/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẵn sàng cử 30 quan chức quân đội nước này tới Syria cùng tham gia với UNSMIS.
Trước đó, Anh và Pakistan đã đề xuất hai dự thảo nghị quyết nhằm gia hạn sứ mệnh của UNSMIS, theo đó Anh đề xuất kéo dài thời gian của phái bộ này thêm 30 ngày, trong khi Pakistan đề nghị gia hạn 45 ngày. Dự kiến trong ngày 20/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu để ra quyết định cuối cùng trước khi sứ mệnh kéo dài 90 ngày của UNSMIS chấm dứt. Trong trường hợp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không đạt được đồng thuận, khoảng 300 quan sát viên sẽ nhanh chóng rời khỏi quốc gia Trung Đông này vì 20/7 là ngày kết thúc sứ mệnh của UNSMIS.
Trong khi đó, Mỹ và Anh đã chỉ trích việc Trung Quốc và Nga phủ quyết bản dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Syria, coi đây là "một quyết định hết sức đáng tiếc." Tại Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói rằng việc hậu thuẫn chế độ này là một sai lầm khi chế độ đó "đang bên bờ sụp đổ". Còn Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Mark Lyall Grantcho biết Chính phủ Anh bị "sốc" trước quyết định của Nga và Trung Quốc, đồng thời cảnh báo tình trạng đổ máu tại Syria sẽ ngày càng nghiêm trọng và nước này sẽ rơi vào một cuộc nội chiến.
Phản ứng trước những phát biểu trên, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lý Bảo Đông khẳng định rằng bản dự thảo nghị quyết áp đặt trừng phạt lên chính quyền Syria sẽ chỉ làm tình hình thêm trầm trọng, mà hệ quả có thể khiến bất ổn lan sang các nước khác trong khu vực. Cùng quan điểm này, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin còn cáo buộc phương Tây tìm cách sử dụng Hội đồng Bảo an làm phương tiện để hợp thức hóa một hành động quân sự nhằm vào Syria.
Ông Churkin nói: "Dự thảo nghị quyết của phương Tây về trừng phạt chính quyền của Tổng thống al-Assad cốt để dẫn tới việc can thiệp quân sự vào Syria. Toan tính của họ, là sử dụng Hội đồng Bảo an để Gaye sức ép lên một quốc gia có chủ quyền, sẽ không thành công."
Đây là lần thứ ba trong vòng 9 tháng qua, Nga và Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết với tư cách là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, để phản đối các nghị quyết chống Syria. Một ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrop đã khẳng định "không thể chấp nhận việc áp dụng Chương 7 và phần về trừng phạt"./.
Theo TTXVN
Tổng thống Assad: Phương kế ở thế chân tường? Với một loạt những vụ đào ngũ trong nội bộ chính quyền Syria, bạo lực không ngừng gia tăng cùng sức ép ngày càng quyết liệt từ các cường quốc phương Tây, nhiều người tin rằng, Tổng thống Bashar al-Assad đang bị dồn vào "chân tường". Tổng thống Assad Bên trong rạn nứt... Khác với chính quyền của cố Tổng thống Muammar Gaddafi...