Mỹ hối thúc Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận đối với thương mại và tuân thủ chính sách thị trường
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 22/10 cho biết, cơ quan này đã kêu gọi Trung Quốc triển khai các bước đi nhằm thay đổi cách tiếp cận đối với thương mại và tuân thủ những chính sách thị trường như đã cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới ( WTO).
Quang cảnh cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 26/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Trước đó, ngày 5/10, USTR thông báo sẽ lấy ý kiến dư luận về việc loại bỏ thuế quan với Trung Quốc, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện cho rằng Bắc Kinh không thực thi thỏa thuận thương mại song phương.
Đại diện USTR Katherine Tai thông báo Washington sẽ “đối thoại thẳng thắn” với Bắc Kinh về việc nước này tuân thủ thỏa thuận làm giảm căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới hồi năm 2020, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt thuế quan lên tới 370 tỷ USD với hàng hóa Trung Quốc, với lý do theo Washington là những hoạt động thương mại “không công bằng”.
Australia cáo buộc Trung Quốc "đe dọa nền thương mại toàn cầu"
Australia chỉ trích chính sách của Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh đang gây nên tác động xấu tới nền thương mại toàn cầu và vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Than là một trong những mặt hàng của Australia bị Trung Quốc cấm nhập khi căng thẳng giữa 2 bên leo thang (Ảnh minh họa: Getty).
Ngày 21/10, Australia đã phát đi tuyên bố chỉ trích chính sách thương mại của Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh gây tác động tiêu cực tới WTO và gây cản trở tới những cải cách kinh tế đã cam kết.
Tại Geneva, Thụy Sĩ, phái đoàn Australia cho rằng Trung Quốc dường như đã được hưởng lợi "đáng kể" sau 20 năm từ khi trở thành thành viên WTO.
Australia đồng thời cũng cho rằng, hàng loạt các lệnh trừng phạt Trung Quốc áp lên hàng hóa Canberra trong hơn một năm qua "bị tác động bởi chính trị" và cho thấy "khoảng cách ngày càng lớn giữa lời nói và hành động của Trung Quốc".
Trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã áp các lệnh hạn chế và tăng thuế nhằm vào hàng hóa Australia trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa 2 bên nóng lên. Việc Australia kiên quyết kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc Covid-19 hồi năm ngoái dường như đã khiến Trung Quốc không hài lòng và khiến quan hệ giữa 2 bên leo thang.
"Trung Quốc đặt ra thử thách với các quy tắc và chuẩn mực thương mại toàn cầu thông qua những động thái không phù hợp với những cam kết của họ tại WTO. Bằng việc phá hoại các quy tắc thương mại đã thỏa thuận, Trung Quốc cũng phá hoại hệ thống thương mại đa phương của WTO", Australia cáo buộc.
Tại Geneva, phía Trung Quốc được cho đã cam kết sẽ gia tăng nỗ lực để mở cửa thị trường và thực hiện "chính sách nhập khẩu chủ động hơn". Tuy nhiên, Australia cáo buộc rằng những "các cải cách theo định hướng thị trường của Trung Quốc đã không tiến triển" trong vài năm qua.
Căng thẳng Australia - Trung Quốc tiếp tục leo thang tháng trước khi Canberra ký thỏa thuận hợp tác an ninh đa phương AUKUS với Anh và Mỹ. Thông qua thỏa thuận này, Australia dự kiến sẽ được hỗ trợ để đóng đội 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, động thái khiến Trung Quốc chỉ trích và cho rằng sẽ làm gia tăng chạy đua vũ trang ở khu vực.
Australia khiếu nại lên WTO việc Trung Quốc áp thuế cao rượu vang nhập khẩu Ngày 27/9, Australia đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) việc Trung Quốc áp thuế 218% đối với các nhà sản xuất rượu của nước này, cho rằng Bắc Kinh bỏ qua các quy tắc thương mại toàn cầu. Rượu vang của Australia được bày bán tại một cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN...