Mỹ hỗ trợ 10 triệu USD giúp hải quân Ukraine đối phó Nga
Mỹ sẽ hỗ trợ 10 triệu USD giúp Ukraine nâng cao năng lực hải quân sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Ukraine hồi tháng trước tại eo biển Kerch.
Ba tàu hải quân của Ukraine bị Nga tạm giữ (Ảnh: Reuters)
“Nhằm đối phó với tình hình leo thang nguy hiểm của Nga cũng như vụ tấn công phi lý hôm 25/11 của Nga nhằm vào 3 tàu hải quân Ukraine gần eo biển Kerch, Bộ Ngoại giao Mỹ, với sự chấp thuận của Quốc hội, sẽ hỗ trợ thêm 10 triệu USD theo Chương trình Viện trợ Quân sự Nước ngoài nhằm giúp nâng cao hơn nữa năng lực hải quân của Ukraine”, Sputnik dẫn thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21/12 cho biết.
Theo thông cáo, Mỹ kêu gọi Nga “ngay lập tức trao trả các tàu và thủy thủ Ukraine bị bắt giữ” trong vụ đụng độ xảy ra hồi tháng trước, đồng thời cho phép các tàu Ukraine đi lại tự do qua eo biển Kerch cũng như biển Azov. Eo biển Kerch là tuyến đường nối biển Azov với biển Đen và kiểm soát sự ra vào của hai cảng Ukraine.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino cho biết quyết định viện trợ của Washington được đưa ra đồng nhất với Lithuania và Anh khi hai nước này cũng có kế hoạch tăng cường viện trợ cho quân đội Ukraine.
Trước khi Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo viện trợ, Alexander Turchinov, lãnh đạo Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, cho biết Ukraine có thể sẽ sớm đưa tàu chiến đi qua eo biển Kerch, bất chấp những căng thẳng với Nga. Theo ông Turchinov, nếu Ukraine không duy trì sự hiện diện tại biển Azov, Nga có thể sẽ “hợp thức hóa việc sáp nhập Crimea”.
Video đang HOT
Người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine cũng kêu gọi NATO đưa thêm tàu qua eo biển Kerch.
“Đó là điều hoàn toàn hợp lý khi các tàu của NATO do chúng tôi mời tới thăm các cảng tại biển Azov đảm bảo rằng Nga sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế”, ông Turchinov nói.
Các thượng nghị sĩ Mỹ ngày 19/12 đã đề xuất một dự thảo nghị quyết nhằm ủng hộ ý tưởng của ông Turchinov. Nghị quyết này kêu gọi Tổng thống Donald Trump đáp trả cái gọi là “sự gây hấn của Nga” bằng cách dẫn đầu một “chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải đa quốc gia mạnh mẽ” tại biển Đen nhằm đối phó với “yêu sách chủ quyền quá mức của Nga”.
Bản đồ vùng biển Azov và biển Đen (Ảnh: BBC, AP)
Nghị quyết đề xuất viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine, kêu gọi hủy dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga, áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với Moscow, thậm chí kêu gọi các nước châu Âu không cho tàu hải quân Nga tiếp cận các cảng để tiếp nhiên liệu hoặc hàng hóa.
Quân đội Ukraine đã trông cậy rất lớn vào viện trợ của Mỹ trong những năm gần đây. Kể từ khi Tổng thống Petro Poroshenko lên nắm quyền tại Ukraine từ năm 2014, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 1 tỷ USD viện trợ quân sự. Đầu năm nay, Mỹ đã thông qua thỏa thuận bán 210 tên lửa chống tăng cho Ukraine với giá 47 triệu USD.
Đầu tuần này, Đặc phái viên của chính quyền Trump về Ukraine Kurt Volker cho biết Mỹ đang chuẩn bị một kế hoạch cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine. Theo đó, Washington dự kiến cung cấp cho Kiev lô vũ khí trị giá 250 triệu USD, bao gồm nhiều tổ hợp tên lửa vác vai chống tăng Javelin. Kế hoạch này vẫn cần sự phê chuẩn từ Quốc hội Mỹ và dự kiến sẽ được triển khai trong đầu năm 2019.
Thành Đạt
Theo Dantri/ RT
Quân đội Ukraine "không để yên" sóng gió với Nga tại eo biển Kerch
Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 7/12 đã cảnh báo Nga rằng họ sẽ sớm gửi các tàu hải quân đi qua eo biển Kerch, nơi Nga bắn và bắt giữ ba tàu Ukraine hai tuần trước.
Thông báo này đã dấy lên một tín hiệu nóng tiềm tàng mới trong sự căng thẳng vốn đã âm ỉ giữa Nga và Ukraine từ năm 2014 sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của Nga, và nay đã leo thang thêm nấc mới vào ngày 25/11 khi các lính biên phòng Nga nổ súng và bắt giữ ba tàu hải quân Ukraine di chuyển qua eo biển Kerch gần Crimea.
Căng thẳng Nga - Ukraine tại eo biển Kerch đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. (Nguồn: AP)
Ukraine đáp lại bằng cách ban hành tình trạng chiến tranh trong 30 ngày, một biện pháp Kiev đã không làm ngay cả sau khi Moscow sáp nhập Crimea và trong bối cảnh cuộc xung đột miền đông Ukraine giữa lực lượng li khai thân Nga và chính phủ Ukraine cho tới nay vẫn đang tiếp diễn.
Là một phần của thiết quân luật, Ukraine đã tăng cường lực lượng của mình trên biên giới với Nga và kêu gọi lính dự bị sẵn sàng cho đào tạo.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng đất nước của ông có ý định gửi các tàu hải quân qua sớm đi qua eo biển Kerch, nói rằng "nếu không thì Nga sẽ kiểm soát toàn bộ Biển Azov."
Ukraine có các cảng trên cả Biển Đen và Biển Azov - nơi được nối với nhau bởi eo biển Kerch.
Hơn 140 tàu bị mắc kẹt ở cả hai bên eo biển hôm thứ Sáu do quá trình kiểm tra quá mức và chậm trễ ở phía Nga, cơ quan cảnh sát biên giới Ukraine cho biết, cáo buộc Nga tạo ra một nút cổ chai đối với tàu thuyền Ukraine và ngăn cản họ đi qua.
Phát biểu tại một cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE ở Rome, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã bác bỏ đề nghị phía Nga có thể thả hoặc trao đổi 24 thủy thủ người Ukraine đã bị bắt sau vụ việc vừa rồi. Ông Lavrov cho biết còn quá sớm để nói về bất kỳ lời đề nghị trao đổi tù nhân nào cho đến khi cuộc điều tra của Nga về vụ việc được hoàn thành và những thủy thủ này bị đưa ra xét xử vì vi phạm biên giới Nga.
Ông Lavrov cũng phản ứng với đề xuất của Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas về việc mở rộng sứ mệnh giám sát của OSCE tới Biển Azov, nói rằng Nga "không cần" bất kỳ bên trung gian hoặc giám sát nào trong khu vực.
An Bình
Theo To quoc
Nga bị nghi đưa tàu ngầm "Hố đen" đến eo biển Kerch giữa lúc căng thẳng với Ukraine Mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh cho thấy tàu ngầm Nga dường như đã rời cảng Sevastopol ở Biển Đen, hướng về eo biển Kerch không lâu sau khi Moscow bắt giữ tàu hải quân và các thủy thủ Ukraine. Tàu ngầm Nga được cho là rời cảng Sevastopol hôm 30/11. (Ảnh: Twitter) Hãng tin Daily Star ngày 6/12 dẫn các...