Mỹ giảm nhập khẩu điều của Việt Nam: Đáng lo ngại!
Giá xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2019 giảm tới 21,5% so với cùng kỳ năm 2018, cùng sự thâm hụt sản lượng xuất khẩu ở một số thị trường chính cho thấy, đã đến lúc ngành điều phải cải tổ để nâng cao chất lượng, giữ vững thị phần.
Giá xuất khẩu giảm tới 21,5%
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều tháng 6/2019 đạt 39.200 tấn, trị giá 275,61 triệu USD, giảm 4,6% về lượng và giảm 8,6% về trị giá so với tháng 5/2019, tăng 21,4% về lượng nhưng giảm 6% về trị giá so với tháng 6/2018.
Điều đáng buồn, giá xuất khẩu hạt điều vẫn không được cải thiện trong một thời gian dài, kéo theo lợi nhuận của ngành giảm đáng kể. Giá xuất khẩu hạt điều sang các thị trường đều giảm so với 6 tháng đầu năm 2018. Cụ thể, giá xuất khẩu hạt điều sang thị trường Hongkong giảm 10,8%, Iraq giảm 20,1%, Đức giảm 21,7%, Mỹ giảm tới 22,5%, còn 7.544 USD/tấn.
Xuất khẩu hạt điều sang Mỹ đang bị cạnh tranh gay gắt bởi những thị trường mới. Ảnh: T.L
Cho đến nay, Trung Quốc và Mỹ vẫn là 2 thị trường xuất khẩu hạt điều lớn của Việt Nam. Theo thống kê, tháng 6/2019, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc tăng tới 143,8% về lượng và tăng 104,2% về trị giá so với tháng 6/2018, đạt 6.600 tấn, trị giá 51 triệu USD.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc tăng 53,2% về lượng và tăng 24,8% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2018, đạt 28.200 tấn, trị giá 221,47 triệu USD. Xuất khẩu hạt điều sang Mỹ 6 tháng đầu năm 2019 đạt 63.700 tấn, trị giá 480,68 triệu USD, giảm 4% về lượng và giảm 25,7% về trị giá so với nửa đầu năm 2018.
Cần nâng cao chất lượng
Sự sụt giảm về sản lượng điều xuất khẩu sang thị trường Mỹ cho thấy, đã đến lúc ngành điều phải nghiêm túc nhìn nhận và cải tổ để nâng cao chất lượng nếu không muốn để mất thị trường vào tay những nhà cung cấp khác.
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt mức 8.211 USD/tấn, giảm 19,8% so với 5 tháng đầu năm 2018. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Mỹ từ Việt Nam đạt 8.169USD/tấn, giảm 19,9%; Brazil đạt 8.189USD/tấn, giảm 21,8%; Indonesia đạt mức 7.898USD/tấn, giảm 23,8%; Ấn Độ đạt mức 8.675USD/tấn, giảm 17%.
Video đang HOT
Đáng chú ý, giá nhập khẩu hạt điều của Mỹ từ một số nguồn cung đạt mức cao, gồm: Thái Lan đạt mức 10.869USD/tấn; Bờ Biển Ngà đạt mức 9.262USD/tấn; Nigeria đạt 9.171USD/tấn. Điều đáng lo ngại là, 5 tháng đầu năm 2019, Mỹ giảm nhập khẩu hạt điều từ một số nguồn cung, trong đó có Việt Nam và gia tăng nhập khẩu hạt điều từ các nguồn cung Brazil, Indonesia, Bờ Biển Ngà, Thái Lan.
Việt Nam hiện là 1 trong 3 nước xuất khẩu điều lớn nhất trên thế giới. Dù đứng top 3 về sản xuất điều thô nhưng Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân trong 10 năm liên tiếp. Hàng năm, Việt Nam phải dành khoảng 1 tỷ USD để nhập khẩu điều thô từ Bờ biển Nga, Nigeria, Campuchia và một số nước.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, hai ngành lúa gạo và cà phê đã được hỗ trợ bởi dự án VNSAT do Ngân hàng Thế giới tài trợ. 3 ngành điều, hồ tiêu và cây ăn quả cũng là lĩnh vực quan trọng của ngành nông nghiệp, đã và đang là các sản phẩm có giá trị xuất khẩu, nhưng đang có những hạn chế, tồn tại cần được hỗ trợ vốn, cơ chế chính sách, sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp, HTX và nông dân.
“Nếu dự án được phê duyệt sẽ giải quyết các thách thức đang đặt ra cho các ngành hàng này của nước ta. Đó là vấn đề cung cấp sản phẩm điều, hồ tiêu và cây ăn quả chất lượng cho các nhà máy chế biến với chi phí cạnh tranh. Thứ hai, việc sản xuất điều, hồ tiêu, cây ăn quả có chất lượng cao để xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khó tính. Thứ ba là cải thiện cơ sở hạ tầng cơ bản cho hoạt động nông nghiệp – công nghiệp như tiếp cận với năng lượng, mạng lưới đường và các trung tâm công nghệ” – ông Doanh nói.
Theo Danviet
2 hội nghị lịch sử và chuyện biến điều thành cây "đẻ" ra tỷ đô
Vốn chỉ là một trong nhiều loại cây được khuyến cáo trồng để phủ xanh đất trống đồi trọc, đến nay, điều đã là một cây trồng chủ lực ở nhiều tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung, với giá trị XK đạt trên 3,6 tỷ USD vào năm 2017.
Theo các chuyên gia ngành điều, sự thay đổi số phận cây điều bắt đầu từ hội nghị toàn quốc đầu tiên về cây điều gần 40 năm trước. Còn đại hội thành lập tổ chức của ngành điều năm 1990 đã góp phần quan trọng thúc đẩy mạnh sự phát triển của ngành điều cả về sản xuất điều nguyên liệu và chế biến nhân điều xuất khẩu.
Chế biến nhân điều xuất khẩu
Hội nghị xác định giá trị cây điều
Đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông Phạm Đình Thanh, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam trong 2 nhiệm kỳ đầu tiên, vẫn còn minh mẫn và đầy nhiệt huyết khi nói chuyện về cây điều, hạt điều. Bởi ông đã gắn bó với cây điều trong suốt hơn 40 năm qua, từ khi còn là một nhà khoa học công tác ở Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ NNPTNT).
Từ trước năm 1975, khi còn đang làm việc ở miền Bắc và là Quyền Phân Viện trưởng Phân viện đặc sản rừng, ông Thanh đã bắt đầu nghiên cứu về cây đào lộn hột (điều) trong một đề tài nghiên cứu về các loại cây lâm đặc sản kết hợp trồng rừng và lấy sản phẩm như sa nhân, cánh kiến đỏ, ba kích, thông... Như vậy, dù đã được du nhập vào nước ta từ mấy trăm năm trước, nhưng đến thập niên 1970, điều vẫn chỉ được coi là một cây trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Mãi đến năm 1983, cây điều mới có cơ hội đổi đời. Tất cả là nhờ hội nghị toàn quốc đầu tiên về cây điều với tên gọi khá dài: "Hội nghị chuyên đề nhằm rút các kinh nghiệm trồng cây đào lộn hột và giới thiệu các kết quả chế biến kinh doanh xuất khẩu các sản phẩm đào lộn hột, đồng thời thảo luận phương hướng và các biện pháp kinh tế - kỹ thuật đẩy mạnh phát triển mặt hàng này trong thời gian tới". Hội nghị được tổ chức trong 2 ngày 23 - 24/12/1983 tại Sông Bé (nay là Bình Dương và Bình Phước).
Đã 35 năm trôi qua, nhưng cứ nhắc tới hội nghị ấy, ông Thanh lại không khỏi bồi hồi. Ông chậm rãi mở tập tài liệu, lấy ra một tờ giấy rất cũ, đã xỉn màu, các mép đã quăn, sờn rách. Đó là tờ giấy mời của Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công thương), do Thứ trưởng Nguyễn Tu ký, mời đích danh ông Thanh với tư cách là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu đào lộn hột, tham dự hội nghị nói trên. Chỉ là một tờ giấy mời họp thôi mà ông Thanh còn lưu giữ cẩn thận đến tận bây giờ.
Khi trò chuyện với tôi, ông cứ nhắc nhở về tên tuổi của những người cùng ông tham dự hội nghị đó mà đến giờ đại đa số đã thành người thiên cổ. Những điều ấy đủ cho thấy Hội nghị toàn quốc đầu tiên về cây điều có ý nghĩa như thế nào với vận mệnh của cây điều, với những người là chứng nhân cho sự đổi đời của cây điều trong mấy chục năm qua.
Hội nghị toàn quốc về cây điều năm 1983 đã xác định được tiềm năng của cây điều là một loại cây có thể phát triển thành cây hàng hóa lấy sản phẩm xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước. Chính vì thế, ngay sau khi kết thúc hội nghị, ngành công thương ở nhiều tỉnh đã tích cực hỗ trợ hạt điều giống cho nông dân gieo trồng. Ngày ấy chưa có quy hoạch, quy trình canh tác gì cả, nông dân cứ mạnh ai nấy trồng, chỗ nào còn đất trống thì gieo hạt xuống.
Nhờ vậy, diện tích điều nhanh chóng tăng lên. Nếu như trước Hội nghị điều toàn quốc năm 1983, sản lượng điều thô Việt Nam chỉ khoảng 2.000 tấn, thì theo một số liệu thống kê của nước ngoài, năm 1987, sản lượng điều thô của nước ta là 15.000 tấn. Đến năm 1989 là 30.000 tấn. Với sản lượng điều thô như vậy, trong thập niên 1980, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu điều thô ra nước ngoài và có tên trong danh sách những nước sản xuất điều nguyên liệu.
Cây điều nhờ đó mà thoát ra khỏi thân phận chỉ là một loại cây trồng phủ xanh đất trống đồi trọc kết hợp lấy sản phẩm, để trở thành một cây công nghiệp hàng hóa thực sự. Đây là cơ sở quan trọng để sự quản lý nhà nước về cây điều ở cấp trung ương được chuyển từ Bộ Lâm nghiệp sang Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm (nay là Bộ NN-PTNT).
Nông dân thu hoạch điều
Tổ chức của ngành điều
Cho đến năm 1990, Việt Nam vẫn chỉ xuất khẩu điều thô, chủ yếu là sang Ấn Độ. Điều này khiến cho hạt điều Việt Nam trở nên phụ thuộc vào nhà nhập khẩu, đầu ra rất bấp bênh. Nếu họ tuân thủ đúng theo hợp đồng đã ký thì mọi việc thuận lợi. Nhưng nếu họ bẻ kèo, không mua nữa, thì điều thô không biết bán đi đâu.
Thực tế, trong những năm cuối thập niên 1980, đã xảy ra một lần như vậy. Khách hàng Ấn Độ ký hợp đồng mua điều thô Việt Nam, nhưng rồi không thực hiện hợp đồng, khiến cho các DN cung ứng điều thô Việt Nam và nông dân trồng điều lâm vào tình cảnh khốn đốn vì không tiêu thụ được.
Sự cố năm ấy đã khiến cho các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia ngành điều phải suy nghĩ lại và nhận ra rằng không thể cứ xuất thô mãi được và phải có một tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, nông dân trồng điều Việt Nam.
Đó là nguyên nhân quan trọng đưa tới việc tổ chức đại hội thành lập Hiệp hội Cây Điều Việt Nam (nay là Hiệp hội Điều Việt Nam - Vinacas) năm 1990.
Sự ra đời của Vinacas góp phần không nhỏ thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào chế biến nhân điều xuất khẩu. Năm 1992, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên nhân điều Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài, tới thị trường Trung Quốc.
2 năm sau đó, nhân điều Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường Mỹ, là nơi tiêu thụ nhân điều lớn nhất thế giới. Việc xuất khẩu được vào những thị trường lớn như trên đã thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến điều phát triển mạnh.
Đến năm 1996, Việt Nam đã chấm dứt hẳn việc xuất khẩu điều thô sang Ấn Độ, đồng thời bắt đầu nhập khẩu thêm điều thô từ châu Phi để phục vụ nhu cầu chế biến nhân điều xuất khẩu.
10 năm sau đó, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ, trở thành nước xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới và liên tục duy trì vị trí ấy cho đến tận bây giờ.
Sự ra đời của Vinacas với nhiều thành viên là các doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển dần từ xuất điều thô sang chế biến và xuất khẩu nhân điều, đã tạo được niềm tin lớn cho người trồng điều và ngành nông nghiệp các tỉnh có trồng điều.
Bởi từ nay, hạt điều mà nông dân sản xuất ra, đã có những nguồn tiêu thụ trong nước là các nhà máy chế biến điều. Điều đó đã góp phần không nhỏ làm cho diện tích cũng như sản lượng điều có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa ở từng địa phương và trên cả nước, tạo đà đưa Việt Nam vào danh sách những nước có diện tích và sản lượng điều nguyên liệu hàng đầu thế giới.
Đặc biệt, chất lượng hạt điều Việt Nam, nhất là điều Bình Phước, được đánh giá là tốt nhất thế giới, đã góp phần quan trọng tạo nên giá trị cho nhân điều Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo Sơn Trang (Nông nghiêp Viêt Nam)
Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với thiên tai khốc liệt Hiện nay, tại khu vực Nam Bộ xảy ra 14/21 loại hình thiên tai, đã và đang gây thiệt hại rất lớn cho các địa phương, nguyên nhân là do sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ đầu nguồn sông Cửu Long. Sạt lở khiến 5 căn nhà ở xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đổ sập xuống sông...