Mỹ đưa ra triển vọng về cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
Theo hãng thông tấn Yonhap, ngày 5/11, Phó Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Alex Wong cho biết việc xây dựng cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là một phần không thể thiếu trong tầm nhìn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Triều Tiên.
Vụ thử tên lửa đạn đạo kiểu mới Pukguksong-3 từ tàu ngầm của Triều Tiên ở ngoài khơi Vịnh Wonsan ngày 2/10/2019. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng bế tắc do những bất đồng về mức độ phi hạt nhân hóa của Triều Tiên để đổi lấy việc nới lỏng trừng phạt và các đảm bảo an ninh từ Mỹ. Triều Tiên cảnh báo sẽ chỉ chờ đến cuối năm nay để Mỹ đưa ra một đề xuất có thể chấp nhận được.
Phát biểu tại một sự kiện diễn ra tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Mỹ, ông Wong nhấn mạnh: “Nếu làm được công việc mà chúng ta cần làm trong các cuộc đàm phán thì chúng ta có thể đem lại tương lai ổn định hơn, thịnh vượng hơn và hòa bình hơn cho tất cả người dân trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Video đang HOT
Theo ông Wong, đây là lý do một cơ chế hòa bình ổn định là một trụ cột quan trọng trong tuyên bố chung giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên tại cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên ở Singapore vào tháng 6/2018. Ông Wong cho rằng việc xây dựng một cơ chế hòa bình sẽ là một yếu tố chủ chốt trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên trong tương lai.
Phát biểu của ông Wong được cho là dấu hiệu Mỹ sẵn sàng giải quyết những quan ngại của Triều Tiên về vấn đề an ninh và chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-53).
Tháng 10 vừa qua, Mỹ và Triều Tiên đã tiến hành vòng đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên đầu tiên tại Stockholm (Thụy Điển) kể từ khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai diễn ra tháng 2/2019 tại Việt Nam không đạt kết quả. Tuy nhiên, đàm phán đổ vỡ và Triều Tiên chỉ trích Mỹ không đưa ra đề xuất mới nào.
Nguyễn Hằng
Theo baotintuc.vn
Ý tưởng thành lập ngân hàng phát triển Triều Tiên
Theo Thời báo Hàn Quốc, Hàn Quốc đang xem xét bổ sung nội dung thành lập một ngân hàng phát triển dành riêng cho Triều Tiên vào chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt Hàn Quốc-ASEAN.
Ý tưởng thành lập ngân hàng với số tiền 1.000 tỷ won (835,7 triệu USD) lần đầu tiên được Thị trưởng thành phố Busan Oh Keo-don đề xuất lên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi giữa tháng 2/2019 trong chuyến thăm của ông Moon tới Busan.
Trong ảnh: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phát biểu trong cuộc họp nội các tại Seoul ngày 2/8/2019. Ảnh minh họa: TTXVN
Các nguồn tin từ Phủ Tổng thống, Bộ Ngoại giao và Tòa Thị chính Busan cho biết, Phủ Tổng thống và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc sắp bắt đầu lựa chọn chương trình nghị sự của Hội nghị với sự tư vấn của ASEAN và đang tính đến ý tưởng của ông Oh Keo-don. Tuy nhiên, các nhà phân tích đã hoài nghi về động thái của Chính phủ. Họ lập luận rằng các nỗ lực đối thoại phi hạt nhân hóa đã bị đe dọa kể từ khi ông Oh Keo-don đề xuất ý tưởng trên, như sự thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai hồi cuối tháng 2 vừa qua, Bình Nhưỡng tái diễn các vụ phóng thử tên lửa và rút khỏi các cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Washington vào tuần trước. Hơn nữa, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã không đáp lại lời mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hàn Quốc-ASEAN kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ giữa hai bên.
Tuy nhiên, một nguồn tin cho hay chính quyền Moon Jae-in vẫn lạc quan về ý tưởng của ông Oh Keo-don, bởi nó phù hợp với nền kinh tế "hướng tới hòa bình" của Tổng thống Moon, nhấn mạnh sự hợp tác xuyên biên giới. Chính phủ Hàn Quốc có thể huy động Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Hàn Quốc và các tổ chức tài chính nhà nước khác để gây quỹ cho ngân hàng này. Theo nguồn tin này, "với việc đưa ý tưởng trên vào Hội nghị, Chính phủ Hàn Quốc có thể tìm cách lôi kéo 10 quốc gia thành viên ASEAN và cả các tổ chức tài chính khu vực như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào kế hoạch này".
Một nguồn tin khác suy đoán rằng việc đưa đề xuất của ông Oh Keo-don vào chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Hàn Quốc-ASEAN có thể được coi như một cử chỉ tái khẳng định cam kết của Hàn Quốc trong việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên và nối lại đối thoại. Bình Nhưỡng đã khăng khăng chỉ "nói chuyện" với Washington, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kéo dài của Mỹ bất chấp vai trò "trung gian hòa giải" của ông Moon Jae-in.
Về phần mình, Park Won-gon, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Toàn cầu Handong, đánh giá đề xuất của ông Oh Keo-don là "điều gì đó chỉ có thể được thực hiện khi cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra". Vị Giáo sư này nói: "Bản thân ý tưởng này không tệ khi không thấy có nhiều biện pháp tương ứng mà Mỹ có thể đưa ra để đổi lấy quyết định phi hạt nhân hóa mà Triều Tiên có thể thực hiện". Hơn nữa, ông cũng cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump không muốn nước Mỹ chịu chi phí phát triển nền kinh tế nghèo nàn của Triều Tiên. Bên cạnh đó, Triều Tiên không đáp ứng các điều kiện về nhân quyền theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và ADB (tiêu chí để được vay vốn). Tuy nhiên, vị Giáo sư này cho rằng: "Việc xem xét đề xuất của Oh Keo-don vào thời điểm này là rủi ro bởi nó sẽ khiến Tổng thống Moon như thể đang cầu xin đối thoại với Triều Tiên bất chấp những hành động khiêu khích quân sự mới nhất của nước này".
Yang Moo-jin, Giáo sư trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, bày tỏ quan điểm tương tự với ông Park. Nhà học giả này nói: "Từ trước tới nay, không có trường hợp nào một ngân hàng phát triển được thành lập để nhằm giúp đỡ một quốc gia riêng lẻ. Đây là lý do tại sao ý tưởng thành lập một ngân hàng phát triển chỉ để giúp Triều Tiên không giành được sự ủng hộ quốc tế". Ông đề nghị các tổ chức tín dụng quốc tế cho Triều Tiên vay, nhưng chỉ khi nước này đạt tiến bộ trong phi hạt nhân hóa.
Hội nghị Thượng đỉnh Hàn Quốc-ASEAN dự kiến diễn ra từ ngày 25-26/11 tại Busan. Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh thứ ba giữa hai bên. Năm 2009, sự kiện được tổ chức trên đảo Jeju, còn năm 2014 được tổ chức cũng ở Busan./.
Theo Mạnh Hùng (TTXVN tại Seoul)
Kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên Theo hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới thăm viếng cung Kumsusan ngày 10/10 cùng các ủy viên Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Chủ tịch Kim Jong-un đến viếng Cung Điện Mặt Trời...