Mỹ dồn binh lực tăng sức ép Iran
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã xác nhận tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton về việc Mỹ triển khai tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một lực lượng đặc nhiệm ném bom tới khu vực vùng Vịnh nhằm tăng sức ép với Iran.
Máy bay chiến đấu Mỹ cất cánh từ tàu sân bay USS Abraham Lincoln
Tăng sức ép
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton ngày 6-5 cho rằng nhóm tàu sân bay và một lực lượng đặc nhiệm ném bom đã được đưa đến khu vực vùng Vịnh do “một số dấu hiệu leo thang rắc rối” về sự trả đũa của Iran đối với áp lực lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo AP, ông Bolton tuyên bố “chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ để đối phó với bất kỳ cuộc tấn công nào, cho dù theo ủy quyền hay không của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran”.
Theo truyền hình Iran Press TV, người phát ngôn của Hội đồng Bảo vệ Quốc gia Tối cao Iran (SNSC) Keivan Khosravi cho biết Mỹ đã triển khai nhóm tàu sân bay và tàu tấn công vào Địa Trung Hải từ 3 tuần qua. Ông Khosravi cho rằng tuyên bố của ông Bolton là “một cách sử dụng vụng về một sự kiện lỗi thời phục vụ cho chiến tranh tâm lý”. Người phát ngôn này lập luận rằng ông Bolton “thiếu hiểu biết về quân sự và an ninh và những nhận xét của ông ta thường nhằm thu hút sự chú ý của dư luận”. Theo báo Washington Post, mục tiêu của Mỹ là gây “áp lực tối đa” để thay đổi hành vi của Iran trong khu vực.
Video đang HOT
Ngoại trưởng Iran cảnh báo chiến tranh Iran – Mỹ có thể xảy ra nếu đụng độ nhỏ dẫn đến xung đột quân sự. Tháng trước, Washington tuyên bố sẽ không gia hạn lệnh miễn trừ cho các nước nhập khẩu dầu của Iran sau khi hết hạn vào ngày 2-5. Iran đáp trả bằng cách đe dọa đóng eo biển Hormuz – một đường vận chuyển chiến lược quan trọng với 20% lượng dầu của thế giới được vận chuyển qua nơi này. Iran cũng cảnh báo sẽ trả đũa cuộc tấn công của Mỹ bằng cách tấn công các lực lượng đồng minh của Mỹ ở Trung Đông.
Đổ lỗi cho Iran
Mỹ hiện có hơn 5.000 quân tại Iraq. Thêm 2.000 quân đang ở nước láng giềng Syria, và nhiều lực lượng của Mỹ có trụ sở tại các cơ sở không quân, lục quân và hải quân ở Qatar, Kuwait và Bahrain, cũng như các cơ sở nhỏ hơn ở Saudi Arabia. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Bolton nói rằng Mỹ không “tìm cách gây chiến tranh” với Iran mà chỉ “chuẩn bị đầy đủ để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào từ Iran”.
Một nhà báo hàng đầu của Israel, ông Barak Ravid của kênh truyền hình 13 Israel, cho biết Israel đã chuyển thông tin về một “âm mưu” được cho là của Iran nhằm tấn công các lợi ích của Mỹ ở vùng Vịnh. Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Israel từ chối bình luận về thông tin này.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo Iran về hậu quả khi nước này đóng eo biển Hormuz. Ngoại trưởng Mike Pompeo, trong một chuyến đi tới Phần Lan, cho biết hôm 6-5 rằng “chúng tôi thấy hành động leo thang căng thẳng từ chính người Iran”. Tuần trước, các hình phạt mới của Mỹ siết chặt hơn nhắm vào Iran đã có hiệu lực và các chuyên gia cho rằng điều này đẩy xuất khẩu dầu của Iran giảm từ khoảng 1,1 triệu thùng/ngày xuống còn 200.000 – 300.000 thùng/ngày, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của Iran. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc (IMF) vào tháng 4, lệnh trừng phạt mới của Mỹ đã làm giảm mức tăng trưởng kinh tế, đẩy kinh tế Iran vào suy thoái trầm trọng và đẩy lạm phát lên 40%.
Iran hiện đang kiểm soát eo biển Hormuz, với sự hiện diện quân sự trên biển và dọc theo bờ biển. Về lý thuyết, điều đó mang lại cho các lực lượng quân sự Iran cơ hội gây ảnh hưởng lên một trong những huyết mạch kinh tế quan trọng của thế giới, có khả năng dẫn đến tổn thất kinh tế nặng nề cho các đối thủ trong khu vực như Saudi Arabia, và ngay cả Mỹ. Đó là lý do tại sao Mỹ và các đồng minh khu vực xem eo biển này là “bóng ma ám ảnh” .
KHÁNH MINH tổng hợp
Theo SGGP
Tiếp tục sóng gió trong quan hệ Mỹ - Iran
Mỹ và Ba Lan ngày 14-2 đồng chủ trì hội nghị về Trung Đông tại Warsaw với mong muốn giải quyết một loạt thách thức an ninh và phần lớn tập trung vào Iran. Phía Iran đã lên án Mỹ dùng hội nghị này để lập mặt trận mới chống Iran.
Một cuộc tuần hành ở Tehran kỷ niệm 40 năm Cách mạng Hồi giáo Iran thành công (1979-2019)
Châu Âu không muốn theo Mỹ
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố hội nghị tại Warsaw là quan trọng vì mang lại cho các nước Arab và Israel cơ hội "thúc đẩy lợi ích chung trong cuộc chiến với Iran". Văn phòng Thủ tướng Israel sau đó đã làm dịu đi tuyên bố bằng "cuộc đấu tranh với Iran". Hội nghị quy tụ hơn 50 quốc gia. Mỹ nói với các đồng minh rằng hội nghị sẽ tập trung vào vấn đề Iran với sự tham dự của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo, 2 người từng ủng hộ thay đổi chế độ ở Tehran. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có bài phát biểu tại hội nghị. Bên ngoài địa điểm diễn ra hội nghị, Rudy Giuliani, luật sư cá nhân của Tổng thống Donald Trump, đã tham dự một cuộc biểu tình hôm 13-2 kêu gọi "lật đổ chế độ ở Iran".
Cựu Đại sứ Mỹ tại Thụy Điển Azita Raji cho rằng, Mỹ muốn tăng cường sức ép với Tehran bằng cách tạo ra một liên minh mới châu Âu - Mỹ để chống lại ảnh hưởng của Iran. Tuy nhiên, liên minh như vậy khó thành hiện thực khi châu Âu cho thấy Iran vẫn đang tuân thủ Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA ký năm 2015) và châu Âu đang đẩy lùi các nỗ lực của Mỹ nhằm siết chặt cấm vận Tehran, thiết lập một cơ chế kinh tế đặc biệt cho phép Iran tiếp tục buôn bán hàng hóa được phép theo thỏa thuận quốc tế. Một số nước châu Âu từ chối cử quan chức cấp cao đến hội nghị Warsaw.
Theo CNN, Iran cũng đang gây ra xích mích trong chính phủ Mỹ. Một quan chức quân sự cấp cao Mỹ cho biết quân đội Mỹ đang tìm cách tránh xung đột với Iran và thay vào đó dựa vào áp lực kinh tế và ngoại giao. Tuy nhiên, một số chỉ huy quân sự của Lầu Năm Góc tin rằng ông Bolton muốn cứng rắn hơn và muốn có "hành động" ở vùng Vịnh. Trong một bản tin video của Nhà Trắng hôm 11-2 sau khi Iran kỷ niệm 40 năm thành công cuộc Cách mạng Hồi giáo, ông Bolton đã đáp trả bằng cách nói với Giáo chủ Iran Ayatollah Khamenei rằng: "Tôi không nghĩ ngài sẽ có thêm nhiều ngày kỷ niệm để tận hưởng".
Cáo buộc cũ
Phó Đô đốc James Malloy, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Lực lượng Hải quân Mỹ, nói với các phóng viên ở Bahrain hôm 13-2 rằng, Iran đang sở hữu các hệ thống vũ khí cải tiến nguy hiểm có khả năng đe dọa một số đường thủy quan trọng nhất thế giới. "Họ có khả năng phát triển tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, các hệ thống không người lái, tất cả những thứ mà chúng ta xem là gây khó chịu và gây bất ổn", ông Malloy nói.
Ông Rudy Giuliani, cựu Thị trưởng New York, luật sư cá nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump và là người đại diện nhóm đối lập Iran lưu vong "Tổ chức Nhân dân Mojahedin", cho biết, Iran không tuân thủ các yêu cầu của JCPOA và vì thế Tehran "cần phải bị cô lập vì ảnh hưởng gây bất ổn trong khu vực". Ông bác bỏ các nỗ lực đàm phán với Tehran và nói: "Chúng tôi đã hy vọng điều tốt nhất trong 40 năm và họ đã trả lời chúng tôi bằng khủng bố, áp bức và cái chết".
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã chỉ trích hội nghị về Trung Đông ở Ba Lan và gọi đây là "một nỗ lực khác của Mỹ để đe dọa Iran". Tuy nhiên, ông Zarif cho rằng, hội nghị ở Warsaw kéo dài 2 ngày thực sự "đã chết khi chưa bắt đầu". Hội nghị diễn ra sau khi 20 thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã thiệt mạng trong một vụ tấn công liều chết ở phía Đông Nam nước này. Tại Tehran, giáo chủ Ayatollah Khamenei hôm 13-2 nói rằng, các cuộc đàm phán với Mỹ sẽ "không mang lại điều gì ngoài tổn hại về vật chất và tinh thần".
KHÁNH MINH tổng hợp
Theo SGGP
Lầu Năm Góc bác bỏ thất bại tình báo Mỹ ở Venezuela Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã bác bỏ những lo ngại về sự thất bại tình báo Mỹ ở Venezuela và cho biết Lầu Năm Góc đã có cuộc họp ngày 3/5. Các quan chức Mỹ, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, đã dự đoán sự đào tẩu rộng hơn từ quân đội Venezuela để...