Mỹ dòm ngó các căn cứ quân sự cũ ở Đông Nam Á
Trong lúc chính quyền Obama xây dựng chiến lược hướng trở lại châu Á nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, quân đội Mỹ cũng đang dòm ngó và cân nhắc việc đặt chân trở lại một số căn cứ quen thuộc ở Đông Nam Á trong thế kỷ trước.
Tờ Washington Post số ra hôm nay, 23.6, cho biết trong những tuần qua, Lầu Năm Góc đã tăng cường đàm phán với Thái Lan về việc thành lập một trung tâm cứu trợ thảm họa tại sân bay mà Mỹ xây dựng để chứa máy bay B-52 trong các thập niên 1960, 1970.
Các quan chức Mỹ nói họ cũng muốn tăng thêm các chuyến thăm viếng hải quân đến các cảng biển của Thái Lan và những chuyến bay giám sát chung nhằm theo dõi tuyến đường hàng hải cũng như các chuyển động quân sự.
Lầu Năm Góc cũng tìm kiếm quyền sử dụng rộng rãi hơn nữa tại các căn cứ ở Philippines, bao gồm căn cứ hải quân vịnh Subic và căn cứ không quân Clark, từng một thời là cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ tại châu Á đồng thời là trung tâm hậu cần và sửa chữa của quân đội Mỹ tại khu vực.
Các binh sĩ Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung – Ảnh: AFP
Quân đội Mỹ hoặc đã từ bỏ hoặc bị đẩy ra khỏi các căn cứ ở Đông Nam Á. Song, trước những lo ngại về sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc cũng như những tranh chấp lãnh thổ, một số nước Đông Nam Á đã thận trọng chào mời người Mỹ quay trở lại.
Các lãnh đạo của Lầu Năm Góc đã đổ xô đến khu vực để đẩy nhanh tốc độ đàm phán và củng cố quan hệ. Việc nối lại mối quan hệ cho đến nay chỉ tập trung vào những bước đi giới hạn, như thăm viếng và tập trận chung, song chính quyền Mỹ hy vọng chúng sẽ dẫn đến một sự hiện diện quân sự thường trực và rộng lớn hơn, theo tờ Washington Post.
Video đang HOT
Các quan chức Mỹ nói họ không có mong muốn tái chiếm lĩnh bất kỳ căn cứ lớn nào ở Đông Nam Á. Họ cũng không có tiền của để thành lập những căn cứ mới. Do vậy, họ muốn được phép hoạt động ở những căn cứ quân sự cũ như là những vị khách, chủ yếu trên cơ sở tạm thời.
“Tôi không mang theo một chiếc ba lô chất đầy cờ Mỹ và chạy quanh thế giới để cắm chúng. Chúng tôi muốn hợp tác với những quốc gia ở đó và có sự hiện diện luân phiên vốn cho phép chúng tôi xây dựng những năng lực chung để phục vụ những lợi ích chung” – tướng Martin Dempsey, chỉ huy cấp cao của quân đội Mỹ, Chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân, phát biểu với các phóng viên sau khi trở về từ các chuyến thăm Thái Lan, Philippines và Singapore trong tháng này.
Các lực lượng vũ trang Mỹ đã được phép – ở những mức độ khác nhau – đến thăm hoặc tiến hành tập trận tại những căn cứ cũ trong nhiều năm qua. Song các cuộc đàm phán về việc mở rộng quyền sử dụng đã mang tính cấp bách hơn kể từ tháng 1.2012, khi Tổng thống Barack Obama thông báo chiến lược trở lại châu Á sau một thập niên bận tâm với những cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Chính quyền Mỹ đã phủ nhận rằng mối quan tâm được khơi lại ở châu Á là nhằm kiềm chế Trung Quốc, quốc gia khiến nhiều nước láng giềng cảnh giác bởi những tuyên bố chủ quyền phi lý tại biển Đông.
Các quan chức Mỹ nói mục tiêu hàng đầu của họ ở châu Á là duy trì sự ổn định bằng cách bảo đảm quyền tự do hàng hải và giao thương với những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, gồm cả Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới quan sát nói chiến lược của Mỹ cùng cách sắp xếp căn cứ mới mẻ là cần thiết để trấn an các đồng minh rằng Washington sẽ duy trì các cam kết an ninh châu Á và vẫn là một đối trọng hiệu quả với Trung Quốc, bất chấp những cắt giảm ngân sách quốc phòng, theo tờ Washington Post.
Theo Thanh Niên
Đô đốc Mỹ muốn hợp tác quân sự với Trung Quốc
Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Samule Locklear hôm qua tuyên bố muốn duy trì củng cố quan hệ quân sự Mỹ - Trung nhằm tăng cường an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Samule Locklear
Phát biểu trong cuộc họp báo của Lầu Năm Góc, Đô đốc Locklear nói rằng việc đảm bảo sự hiểu biết lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc khi Trung Quốc trỗi dậy là rất quan trọng, và để tránh trường hợp tính toán sai lầm và có một tác động tích cực lên môi trường an ninh trong khu vực này.
Đô đốc Locklear mới nhậm chức Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương ba tháng trước. Ông cho biết ông mong muốn có các chuyến thăm trao đổi thường xuyên hơn giữa hai bên.
Đô đốc Hải quân Mỹ cũng cho biết: ông sẽ có chuyến thăm tới Trung Quốc trong ba tuần tới, và sẽ có các cuộc đối thoại với các quan chức quân đội Trung Quốc "một cách rất cởi mở và thẳng thắn".
"Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể sẽ có đối thoại hiệu quả trong những tháng và năm tới... bởi vì điều này rất quan trọng đối với an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, để Mỹ và Trung Quốc có khả năng trở thành đối tác hữu ích" - ông Locklear nói.
Đô đốc Hải quân Mỹ nói thêm rằng trong khi Mỹ đang thực hiện chiến lược đặt "châu Á làm trọng tâm", Washington vẫn tiếp tục xây dựng các quan hệ liên minh và đối tác có thể giúp đảm bảo môi trường an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, duy trì hòa bình và thịnh vượng trong tương lai ở cả khu vực rộng lớn này.
"Do đó, chúng tôi sẽ vẫn để tâm tới các đồng minh và tiếp tục củng cố họ. Chúng tôi sẽ để ý tới các đối tác chiến lược và đảm bảo rằng họ đang được quan tâm đúng mực và hợp tác trơn tru".
Hiện nay, Đô đốc Hải quân Locklear đang chịu trách nhiệm điều hành Bộ chỉ huy lớn nhất của Mỹ, với khoảng 320.000 binh sĩ, thủy thủ, phi công và lính thủy đánh bộ.
Về vấn đề tranh cãi liên quan tới chủ quyền biển đảo trong khu vực, Đô đốc Locklear cho rằng các tranh chấp này nên được giải quyết một cách hòa bình, và đôi khi các bên liên quan phải có sự nhượng bộ để tránh xung đột xảy ra.
"Tôi nghĩ là có đầy đủ nguồn lực cho mọi người trên thế giới. Chúng ta chỉ cần chỉ ra làm thế nào để mọi người đều được tiếp cận một cách thỏa đáng" - Đô đốc Locklear nói.
Theo VietNamNet
Thế trận mới của Tokyo Nhật Bản đang thắt chặt quan hệ với các đảo quốc ở Thái Bình Dương, xích lại với Hàn Quốc,hỗ trợ Philippines. Những động thái được cho là phù hợp với chính sách châu Á của Mỹ. Tàu chiến của Nhật trong lần thăm Mỹ ngày 23-5. Các động thái của Nhật gần đây phù hợp với chính sách châu Á của Mỹ...