Mỹ đối mặt với thách thức thuyết phục người dân tiêm vaccine
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ phải đối mặt với cuộc chiến khó khăn trong việc thuyết phục người dân tin tưởng vào các loại vaccine đã được cấp phép hiện nay tại Mỹ để đi chủng ngừa.
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 10/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy những người theo đảng Cộng hòa có khả năng ít muốn tiêm vaccine ngừa COVID-19 hơn những người theo đảng Dân chủ. Kết quả cuộc thăm dò dư luận của PBS Newshour / NPR / Marist được công bố ngày 11/3 cho thấy, 41% thành viên đảng Cộng hòa cho biết sẽ không tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong khi kết của cuộc thăm dò do CBS News thực hiện vào cuối tháng trước cho thấy 34% thành viên viên Cộng hòa nói rằng họ sẽ không tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Sự khác biệt trong quan điểm cho thấy đây là vấn đề nan giải đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong việc thuyết phục những người bảo thủ ủng hộ mạnh mẽ cựu Tổng thống Donald Trump để tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Ngoài những người theo đảng đảng Cộng hòa, nhóm người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha và các cộng đồng người thiểu số cũng cho thấy sự do dự đối với việc tiêm phòng COVID-19. Chính quyền của Tổng thống Biden thể hiện sự cương quyết trong việc phải trấn an nhóm người này về sự an toàn của các loại vaccine hiện nay bởi đây đây là cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Ngoài ra, dữ liệu ban đầu cho thấy các thành viên của quân đội và một số nhân viên y tế đang từ chối tiêm vaccine với một tỷ lệ đáng lo ngại.
Trong bài phát biểu sau khi ký gói hỗ trợ COVID-19 lớn nhất trong lịch sử của Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD, Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo rằng để đánh bại đại dịch COVID-19, cần có một mặt trận thống nhất giữa tất cả người dân Mỹ.
Hiện Nhà Trắng đang hướng tới các nhóm doanh nghiệp và các tổ chức tôn giáo để kêu gọi tiêm phòng vaccine khi tới lượt. Nhà Trắng cũng đã dựa vào một số hiệp hội và tổ chức như Hiệp hội Y tế Nông thôn Quốc gia và Liên minh Nông dân Quốc gia để tiếp cận vào những khu vực bảo thủ truyền thống hơn của đất nước. Cùng với đó, một số quan chức trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để cập nhật thông tin cho người dân về việc tiêm phòng.
Theo các chuyên gia, các bác sĩ gia đình sẽ có vai trò quan trọng, cũng như các nghệ sĩ, vận động viên nổi tiếng với các nhân khẩu học khác nhau có thể giúp khắc phục tình trạng do dự tiêm phòng vaccine của người dân Mỹ.
Đức khẳng định công dụng của vaccine AstraZeneca
Nước Đức sẽ tiếp tục chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID19 của hãng AstraZeneca do chưa có bằng chứng rõ rệt nào về các phản ứng phụ nghiêm trọng từ việc tiêm phòng loại vaccine này.
Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bremen, Đức ngày 26/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn thông báo của Viện Paul Ehrlich (PEI) - cơ quan chuyên trách phê duyệt vaccine của Đức - tối 11/3 khẳng định cho tới nay không có bằng chứng cho thấy ca tử vong ở Đan Mạch có liên quan đến vaccine của AstraZeneca. PEI cho biết, với những kết quả kiểm tra sơ bộ, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đã tái khẳng định những đách giá tích cực đối với loại vaccine này. Việc có 30 người gặp sự cố về huyết khối gây tắc mạch trong số gần 5 triệu người được tiêm vaccine của AstraZeneca chỉ tương đương với tỷ lệ ghi nhận trong dân số khi họ không được tiêm chủng. EMA còn nêu rõ lợi ích của vaccine vẫn cao hơn những nguy cơ mà vaccine có thể đem lại và vaccine vẫn có thể được sử dụng trong thời gian tiếp tục tiến hành các cuộc điều tra liên quan.
Đây cũng là quan điểm của Viện Paul Ehrlich khi cơ quan này đánh giá lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn những rủi ro đã biết trong các trường hợp được báo cáo. Tính đến ngày 26/2, Đức đã có 363.645 người được chủng ngừa bằng vaccine của AstraZeneca, 5,4 triệu người được chủng ngừa bằng vaccine của BioNTech/Pfizer và 168.189 người chủng ngừa bằng vaccine của Moderna.
Đức đưa ra tuyên bố trên sau khi có một số nước trong khu vực như Đan Mạch, Na Uy và Iceland báo cáo về một số trường hợp bị rối loạn đông máu sau khi được tiêm phòng vaccine. Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 13.928 ca nhiễm mới và 310 ca tử vong. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở Đức là 128.300 người.
Chính quyền Los Angeles cho phép trường học mở cửa trở lại Hàng trăm nghìn trẻ em tại thành phố Los Angeles, bang California (Mỹ) có thể quay trở lại trường học từ tháng 4 tới sau gần 1 năm phải chuyển sang học trực tuyến do đại dịch. Biển kêu gọi mở cửa trở lại các trường học ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN Los Angeles, thành phố lớn thứ hai của Mỹ, đang...