Mỹ đổi chiến lược nhằm khuyến khích người dân tiêm vaccine
Ngày 6/8, nhật báo The Washington Post đưa tin chính quyền các bang và doanh nghiệp trên toàn nước Mỹ đang bắt đầu thay đổi chiến lược từ “củ cà rốt” sang “cây gậy” nhằm thúc đẩy việc tiêm vaccine phòng COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc mới tại nước này duy trì trên 100.000 ca/ngày trong nhiều ngày qua và số ca tử vong trong ngày vượt 400 ca.
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Hartford, Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ báo trên, nhiều bang và thành phố trước đó từng khuyến khích người dân đi tiêm vaccine bằng nhiều cách như tặng bia, tặng học bổng, mở xổ số hàng triệu USD, nhưng nay đang gia tăng các yêu cầu hoặc cảnh báo hậu quả do không tiêm vaccine.
Hiện chính quyền Mỹ đang cân nhắc việc giảm nguồn quỹ liên bang cấp cho nhiều thể chế bao gồm cả các cơ quan, viện dưỡng lão, đại học để bắt buộc nhân viên của những thể chế này tiêm vaccine phòng COVID-19. Nếu được thông qua, quyết định này có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ và đánh dấu sự thay đổi lớn trong chiến lược chống COVID-19 tại Mỹ.
Video đang HOT
Cùng ngày, United Airlines đã trở thành hãng hàng không đầu tiên của Mỹ yêu cầu tất cả nhân viên trong nước phải tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Hãng United Airlines nêu rõ các nhân viên sẽ cần trình giấy chứng nhận tiêm vaccine, 5 tuần sau khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ phê duyệt hoàn toàn vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer, Moderna hoặc Johnson & Johnson trước ngày 25/10 tới. Những nhân viên đã được tiêm vaccine trước ngày 20/9 sẽ nhận được thêm một ngày lương.
Các loại vaccine đã chứng tỏ hiệu quả để ngăn các ca nhiễm biến thể Delta trở nặng hoặc tử vong. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu hiệu quả của vaccine trong phòng ngừa biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Thêm nhiều bằng chứng cho thấy tiêm chủng giúp giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2
Sau nhiều nghiên cứu, các chuyên gia Australia khẳng định ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy việc tiêm vaccine phòng COVID-19 không chỉ giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh hay giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh, mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm virus cho người khác.
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, bà Jennifer Juno, Viện Nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty, và ông Adam Wheatley, Khoa Vi sinh và miễn dịch học, Đại học Melbourne, nêu rõ có bằng chứng ban đầu sau thử nghiệm trên động vật cho thấy việc tiêm vaccine phòng COVID-19 có thể ngăn chặn động vật truyền virus gây bệnh. Tuy nhiên, động vật khác với con người và cộng đồng khoa học cần những nghiên cứu ở người để đưa ra kết luận.
Vào tháng 4 năm nay, Cơ y tế Công cộng vùng England (Anh) đã công bố kết quả một nghiên cứu lớn về sự lây truyền của dịch COVID-19 ở hơn 365.000 hộ gia đình có các thành viên được và chưa được tiêm chủng. Nghiên cứu cho thấy việc tiêm vaccine Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca đã làm giảm 40-60% khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Điều này có nghĩa là nếu một người bị mắc bệnh sau khi được chủng ngừa thì khả năng lây bệnh của người này cho người khác chỉ bằng khoảng một nửa so với những người mắc bệnh khi chưa được tiêm vaccine.
Trong khi đó, một nghiên cứu ở Israel, quốc gia dẫn đầu thế giới về tiêm chủng phòng COVID-19, đưa ra một số manh mối lý giải việc dịch bệnh được khống chế tai nước này. Các nhà nghiên cứu đã xác định gần 5.000 trường hợp "lây nhiễm đột phá" (những người đã được tiêm phòng nhưng vẫn mắc bệnh) và tìm hiểu lượng virus có trong miếng gạc lấy dịch từ mũi của những người này. Kết quả cho thấy so với những người không được tiêm phòng, lượng virus thấp hơn nhiều ở những người đã được tiêm phòng. Điều này đồng nghĩa với việc khả năng lây nhiễm cho người khác thấp hơn.
Như vậy, theo các chuyên gia y tế Australia, vaccine phòng COVID-19 giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh và những người được tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân mà còn cả những người xung quanh. Việc phá vỡ các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng và hạn chế nguy cơ lây lan cho người khác có vai trò rất quan trọng trong việc giúp bảo vệ những người có thể đáp ứng kém với vaccine hoặc không thể tiêm chủng, chẳng hạn như trẻ em, một số người lớn tuổi và một số người bị suy giảm miễn dịch.
Điều này cũng làm tăng khả năng miễn dịch cộng đồng ở một mức độ nhất định và giúp dỡ bỏ nhanh hơn các hạn chế xã hội. Tuy nhiên, hai chuyên gia y tế Australia lưu ý khả năng miễn dịch, ngay cả khi được tiêm vaccine, giảm dần theo thời gian và các nhà khoa học đang tích cực theo dõi những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 để tìm hiểu khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu và khi nào thì cần phải tiêm nhắc lại.
Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng đang là vấn đề rất được quan tâm do chúng đặt ra hai thách thức lớn: có thể né tránh khả năng miễn dịch nhờ tiêm chủng và trong một số trường hợp, chúng dễ lây truyền hơn. Tín hiệu tích cực là các nước triển khai tiêm vaccine sớm đang kiểm soát tốt bệnh dịch. Ngoài ra, các công ty bào chế vaccine như Moderna cũng đang nghiên cứu "phiên bản" cập nhật nhắm vào các biến thể mới với kết quả ban đầu tích cực.
Mặc dù hầu hết người được tiêm chủng có ít khả năng lây truyền virus hơn, các chuyên gia y tế Australia khuyến cáo điều quan trọng là phải duy trì các hành vi có trách nhiệm như đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội để bảo vệ những người chưa được tiêm hoặc không thể tiêm chủng.
Đông Nam Á tăng tốc bao phủ vaccine Cơn cuồng phong COVID-19 mang biến thể siêu lây nhiễm Delta đang tấn công khu vực Đông Nam Á, khiến số ca mắc bệnh và tử vong trong những ngày gần đây ở nhiều nước luôn ở mức cao chưa từng thấy. Thực trạng này khiến chính phủ các nước khẩn trương siết chặt nhiều biện pháp để kiểm soát nguồn bệnh lây...