Mỹ dọa trừng phạt các công ty Thổ Nhĩ Kỳ nếu mua HQ-9 Trung Quốc
Một số lượng lớn các công ty quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đang có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt nếu chính phủ của họ quyết định mua hệ thống phòng không FD-2000 Trung Quốc.
Defense News đưa tin Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí chính xác Trung Quốc (CPMIEC) hiện đang nằm trong “danh sách đen” của Mỹ. Vì thế, nếu Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn tập đoàn này là đơn vị thắng thầu trong hợp đồng trị giá 3,44 tỷ USD xây dựng hệ thống phòng không tầm xa và phòng thủ tên lửa, một số lượng lớn các công ty quốc phòng của nước này (thuộc danh sách các nhà thầu phụ trong hợp đồng) sẽ có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt.
“Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được phép sử dụng bất cứ công nghệ hoặc thiết bị nào của Mỹ có liên quan tới chương trình này. Không một thiết bị nào của Mỹ được bán hay ủy quyền sử dụng trong chương trình” – Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ tại Ankara cho biết.
Cũng theo quan chức này, những công ty Thổ Nhĩ Kỳ trong diện trên đang sử dụng sản phẩm hoặc công nghệ Mỹ sẽ trở thành mục tiêu giám sát cao độ hoặc sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt để tạo ra một bức rào chắn giữa công nghệ Mỹ và CPMIEC.
Hệ thống tên lửa phòng không FD-2000 Trung Quốc
Trong một thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra hồi tháng 2 năm nay, CPMIEC bị xếp vào danh sách đen do vi phạm Đạo luật cấm không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Iran, Triều Tiên và Syria.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ngày 26/9 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã gây sốc cho Mỹ và các đồng minh NATO khi cơ quan mua sắm của nước này thông báo họ đã chọn CPMIEC là nhà thầu chính cho dự án xây dựng hệ thống phòng không tầm xa. Hệ thống phòng không FD-2000 (phiên bản xuất khẩu của HQ-9) do CPMIEC sản xuất đã “đánh bại” hệ thống phòng không tiên tiến Patriot (Mỹ), S-300 Nga, SAMP/T Aster 30 của Eurosam (liên doanh Pháp-Ý).
Được biết, hiện nay khoảng hơn một nửa số radar phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ được NATO tài trợ và là một phần trong mạng lưới phòng không mặt đất của NATO. Không có sự hỗ trợ của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể tích hợp dữ liệu của hệ thống phòng không Trung Quốc với các hệ thống hiện có.
Nhằm làm dịu sức ép của Mỹ và NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nếu thỏa thuận với CPMIEC không thành công, họ sẽ chuyển sang đàm phán với Eurosam, tiếp đó sẽ xét tới các nhà thầu Mỹ. Các công ty của Nga đã bị loại. Tuy nhiên, cho tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hết sức dùng dằng trong quyết định của mình.
Theo Tri Thức Trẻ
Mỹ ngăn cản Trung Quốc bán tên lửa cho Thổ Nhĩ Kỳ
Khả năng Mỹ sẽ ngăn Thổ Nhĩ Kỳ mua tổ hợp tên lửa FD-2000 - phiên bản xuất khẩu tên lửa đất đối không HQ-9 của Trung Quốc, tờ Defense News cho biết.
FD-2000 - Phiên bản tổ hợp tên lửa xuất khẩu của hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 do Trung Quốc sản xuất
Hôm 26/9, Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn mua FD-2000 để nâng cấp hệ thống phòng không của nước này, sau quá trình cân nhắc hàng loạt lựa chọn như hệ thống Patriot của Mỹ, S-300 của Nga và Aster 30 của châu Âu.
Theo kế hoạch, lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng tên lửa FD-2000 trong hệ thống phòng không chống tên lửa và phòng không tầm xa nhằm bảo vệ không phận quốc gia. Hiện nay, NATO đang triển khai các tên lửa Patriot nhằm bảo vệ khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ trước cuộc chiến tại Syria.
Tờ Defense News trích lời chuyên gia Burak Ege Bekdil cho rằng Mỹ và các thành viên NATO đang lo ngại khả năng hệ thống tên lửa FD-2000 của Trung Quốc sẽ được tích hợp với hệ thống phòng không Patriot ngay tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngay khi Tập đoàn Xuất nhập khẩu Thiết bị chính xác Trung Quốc được lựa chọn là nhà cung cấp hệ thống phòng không tầm xa đầu tiên cho Ankara, Washington đã lo lắng về việc Bắc Kinh đưa công nghệ hạt nhân vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện nay, Tập đoàn Xuất nhập khẩu Thiết bị chính xác Trung Quốc đặt trụ sở tại Bắc Kinh đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ do vi phạm Luật Cấm phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khi bắt tay giao dịch với Iran, Triều Tiên và Syria.
"Chúng tôi đặc biệt quan ngại về công ty của Trung Quốc dưới vai trò nhà cung cấp công nghệ vũ khí hạt nhân trên thế giới. Đây không phải là hệ thống do NATO cung cấp. Trung Quốc không phải là thành viên của NATO. Do đó, đây thực sự là vấn đề đáng bàn", Francis Ricciardone - đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ trả lời tờ Defense News.
Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên trung thành của NATO, hiện đang bị tổ chức truy vấn do lo ngại việc tích hợp hai hệ thống tên lửa tại khu vực biên giới, có thể khiến những thông tin chi tiết liên quan tới hệ thống tên lửa Patriot rơi vào tay Trung Quốc.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sau khi cân nhắc các yếu tố giá cả, công nghệ, chuyển giao công nghệ, Ankara đã lựa chọn mua tên lửa FD-2000 của Trung Quốc.
"Thiết bị tên lửa của Trung Quốc hoàn toàn phù hợp với mọi điều kiện và giới hạn của chúng tôi. Theo kế hoạch, một công ty quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu trách nhiệm tích hợp hệ thống tên lửa phòng không FD-2000 vào mạng lưới do Không quân Thổ Nhĩ Kỳ điều hành", Giám đốc Cơ quan mua sắm quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ - Murad Bayar cho biết.
Theo ông Bayar, mặc dù sử dụng một vài công nghệ của Trung Quốc song hệ thống tên lửa FD-2000 sẽ được cải tiến thành tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải Trung Quốc.
Giới phân tích và chuyên gia hiện đang đặt câu hỏi liệu tên lửa FD-2000 có được phép tích hợp với các tổ hợp tên lửa quốc phòng khác của NATO. Do đó, khả năng hệ thống FD-2000 sẽ bị cô lập và Mỹ có cớ ngăn chặn bản hợp đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.
Minh Thu
Theo infonet