Mỹ định bỏ hơn 100 tiêm kích F-35 vì phần mềm lỗi thời
Lầu Năm Góc đang xem xét kế hoạch không biên chế 108 tiêm kích F-35 đời cũ vì quá trình nâng cấp quá tốn kém.
Tiêm kích tàng hình F-35 trong quá trình thử nghiệm. Ảnh: Không quân Mỹ.
Trong số 1.763 tiêm kích tàng hình F-35 dự kiến biên chế cho không quân Mỹ, có 108 chiếc đời cũ cần nâng cấp phần mềm từ Block 2B lên Block 3F để sở hữu khả năng chiến đấu hiệu quả. Thay đổi này quá tốn kém và mất thời gian, khiến Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét kế hoạch không biên chế 108 tiêm kích F-35 này, Sputnik ngày 26/9 đưa tin.
Giải pháp hiệu quả nhất là sử dụng những chiếc F-35 Block 2B này cho việc thử nghiệm hoặc huấn luyện chuyển loại phi công. Không quân Mỹ đã tiến hành phân tích để tìm ra phương án hợp lý nhất cho ngân sách. “Đây không phải vấn đề quá lớn. Chúng tôi từng thực hiện kế hoạch tương tự với tiêm kích F-15, F-16 và F-22 từ cách đây khá lâu”, tham mưu trưởng không quân Mỹ David Goldfein tuyên bố.
Lầu Năm Góc từng loại bỏ gần 40 tiêm kích tàng hình F-22 khỏi biên chế chiến đấu khi tới thời hạn nâng cấp, sau đó dùng chúng cho nhiệm vụ huấn luyện. Tướng Goldfein cho biết sẽ thảo luận kế hoạch với người đồng cấp ở hải quân và thủy quân lục chiến, những lực lượng cũng vận hành siêu tiêm kích F-35.
Quân đội Mỹ dự kiến mua 440 chiếc F-35 trong năm 2018 với tổng trị giá từ 35 đến 40 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này sẽ tiếp tục tăng cao do dự án F-35 vẫn trong quá trình phát triển. Chi phí nâng cấp để duy trì ưu thế cho F-35 cũng quá cao, khiến Mỹ đối mặt với nguy cơ có quá nhiều máy bay bị giới hạn khả năng chiến đấu.
Video đang HOT
Sau 25 năm nghiên cứu phát triển, dòng F-35 vẫn chưa hoàn thiện và trở thành dự án vũ khí đắt đỏ nhất lịch sử Mỹ. Quá trình sản xuất hàng loạt loại tiêm kích này dự kiến được khởi động vào năm sau.
Tử Quỳnh
Theo VNE
Lo ngại tiêm kích Mỹ, Trung Quốc vội biên chế máy bay tàng hình J-20
Mối đe dọa từ tiêm kích F-35 Mỹ được coi là nguyên nhân chính buộc Trung Quốc biên chế máy bay J-20, bất chấp nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
Tiêm kích tàng hình J-20 được Trung Quốc biên chế với số lượng nhỏ hôm 10/3. Về cơ bản, loại máy bay này đã có khả năng tác chiến thực tế, nhưng vẫn phải vượt qua nhiều rào cản kỹ thuật trước khi được triển khai với số lượng lớn. Bắc Kinh quyết định biên chế J-20 một cách vội vàng vì mối đe doạ từ tiêm kích tàng hình F-35, theo National Interest.
J-20 chỉ được sử dụng với số lượng rất ít vì Trung Quốc không thể sản xuất hàng loạt động cơ nội địa WS-15. Hầu hết giới phân tích phương Tây tin rằng J-20 đang phải sử dụng động cơ Salyut AL-31FN của Nga, vốn dành cho tiêm kích J-10. Nguồn tin quân sự Trung Quốc cho rằng bản J-20 sản xuất hàng loạt sẽ không dùng mẫu động cơ này.
"Vẫn còn một loạt vấn đề kỹ thuật cần được khắc phục trên J-20, bao gồm độ tin cậy của động cơ WS-15, hệ thống điều khiển máy bay, lớp sơn tàng hình, vật liệu khung thân và cảm biến hồng ngoại", SCMP dẫn nguồn tin không quân Trung Quốc.
Trong khi Bắc Kinh cố gắng đưa J-20 vào biên chế để cạnh tranh với F-35, máy bay của Trung Quốc sẽ không so sánh trực tiếp với bộ đôi F-22 và F-35 Mỹ. J-20 có vẻ như lớn hơn F-22, nhiều khả năng nó được thiết kế để tấn công các hệ thống hỗ trợ duy trì hoạt động của không quân của Mỹ như máy bay tiếp dầu, phi cơ cảnh báo sớm (AWACS) và trinh sát (JSTAR). Trên Thái Bình Dương rộng lớn, nơi nhiên liệu cực kỳ quý giá, việc phá hủy máy bay tiếp dầu được đánh giá mang lại kết quả tương tự bắn hạ tiêm kích đối phương.
Trung Quốc đang phát triển tên lửa PL-15 với động cơ phản lực dòng tĩnh, tầm bắn 192 km. Sự xuất hiện của PL-15 đã gây kinh ngạc trong hàng ngũ không quân Mỹ. Tư lệnh không quân Mỹ Herbert "Hawk" Carlisle khẳng định vũ khí Trung Quốc là một trong những lý do cấp bách buộc Mỹ phát triển sản phẩm thay thế tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM đã cũ kỹ.
Trung Quốc khá vội vàng biên chế tiêm kích J-20. Ảnh: RT.
Trên thực tế, vấn đề không chỉ nằm ở việc PL-15 sẽ vượt tầm bắn của AMRAAM. Khi kết hợp nó với J-20, Trung Quốc có thể tấn công máy bay tiếp dầu và phi cơ do thám - trinh sát (ISR), thành phần tối quan trọng với bất kỳ chiến dịch trên không nào của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Báo cáo của tổ chức nghiên cứu RAND cho biết không quân Mỹ sẽ phải triển khai ít nhất ba chuyến máy bay tiếp dầu mỗi giờ để cung cấp 9,8 triệu lít nhiên liệu nhằm duy trì hoạt động của tiêm kích F-22 tới Đài Loan từ Guam. Điều này khó có khả năng thoát khỏi tầm mắt của Bắc Kinh.
Chưa có nhiều dữ liệu cụ thể về J-20, nhưng nó dường như được tối ưu cho tốc độ cao, tầm bay xa, tàng hình trước radar và trọng tải vũ khí lớn. Sự kết hợp giữa diện tích phản xạ radar nhỏ, tốc độ siêu thanh và tên lửa PL-15 giấu trong thân cho phép J-20 đe doạ máy bay tiếp dầu và ISR của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.
Nghiên cứu của RAND vào năm 2008 cho thấy các biến thể Su-27 do Trung Quốc sản xuất đã tiêu diệt tất cả máy bay tiếp dầu, tuần thám biển, trinh sát, cảnh báo sớm và chỉ huy bằng tên lửa đối không tầm xa trong một đợt mô phỏng.
Không quân Mỹ đã xem xét việc phân tán căn cứ và xây dựng hệ thống hậu cần để tiếp tế cho những sân bay dã chiến, nhằm chống lại chiến lược chống xâm nhập/ngăn chặn tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc tại Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Mỹ chưa phát triển được kế hoạch đầy đủ để bảo vệ các máy bay quý giá khỏi đợt không kích của kẻ thù.
F-35 có ít cơ hội đối đầu trực tiếp với J-20. Ảnh: Boxxspring.
Câu trả lời duy nhất là chúng phải được rút về vùng an toàn, bên ngoài phạm vi đe dọa từ không quân Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó cũng rút ngắn phạm vi tác chiến hiệu quả của tiêm kích chiến thuật tầm ngắn như F-22 và F-35, giảm khả năng tấn công sâu trong lãnh thổ đối phương.
Bộ Tư lệnh không quân Mỹ nhận biết vấn đề này và đang thiết kế máy bay thế hệ 6 (PCA) để thay thế cho F-22 trong các nhiệm vụ ở tầm cực xa.
"Chúng tôi đang phân tích động thái của các đối thủ tiềm tàng, sau đó rõ ràng, chúng ta phải tăng cường khả năng của mình để đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ như mong muốn. Vì vậy, chúng tôi sẽ chuẩn bị để đáp trả", đại tá Tom Coglitore, Tham mưu trưởng Lực lượng chiếm ưu thế trên không (ASCF) thuộc Bộ tư lệnh không quân Mỹ tuyên bố.
Hòa Việt
Theo VNE
Tranh cãi về khả năng không chiến của F-35 trước tiêm kích đời cũ Do tập trung vào công nghệ tàng hình, F-35 không thể cơ động nhanh và mang nhiều vũ khí như Su-35 và Typhoon, khiến khả năng không chiến bị hạn chế. Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Ảnh: USAF Sau một cuộc diễn tập tập kích được thực hiện gần đây ở căn cứ không quân bang Vermont, Mỹ, các phi công...