Mỹ điều thêm 1.200 lính đặc nhiệm đến châu Á-Thái Bình Dương
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã triển khai trên 1.200 lính đặc nhiệm đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương cùng với những khí tài quân sự tối tân để kiềm chế Trung Quốc tăng cường hiện diện trong khu vực, theo trang tin quân sự Trung Quốc Sina Military Network.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan sẽ đến đồn trú tại Nhật Bản mùa thu 2015 – Ảnh: AFP
Trang tin Đài Loan Want China Times ngày 21.6 dẫn nguồn từ mạng quân sự Sina Military Network (Trung Quốc) ngày 21.6 cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cuối tháng 4.2015 phát biểu tại Đại học Stanford (Mỹ) nói Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng Lầu Năm Góc cần duy trì sự hiện diện của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, tái đảm bảo với nhiều nước trong khu vực về vai trò duy trì hòa bình khu vực của Mỹ trong vòng hơn 70 năm qua.
Hồi tháng 2.2015, Lầu Năm Góc công bố chiến lược quân sự, khẳng định Mỹ hiện và sẽ luôn luôn là cường quốc Thái Bình Dương, cùng lúc tăng cường hiện diện quân sự tại châu Á – Thái Bình Dương nhằm đảm bảo an ninh khu vực. Mỹ đang nỗ lực siết chặt quan hệ với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Philippines, đồng thời tìm cách thiết lập quan hệ đối tác với Malaysia, Indonesia và Việt Nam, theo Sina Military Network.
“Mặc dù Washington cũng cố thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh vì lợi ích hai bên, nhưng rõ ràng đối thủ chính của Mỹ trong khu vực là Trung Quốc”, Sina Military Network nhận định. Vì vậy, một mặt Washington cần giải quyết những bất đồng với Trung Quốc bằng những biện pháp ngoại giao và hòa bình, mặt khác sẵn sàng đối mặt với khả năng xảy ra xung đột bất ngờ.
Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ được điều đến châu Á – Thái Bình Dương – Ảnh: AFP
Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ chịu trách nhiệm khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Alaska và Bắc Cực, Ấn Độ Dương và Đông Nam Á. Khu vực mà Bộ tư lệnh này chịu trách nhiệm bao phủ 36 quốc gia và lãnh thổ, chiếm trên 50% dân số thế giới, trong đó có 5 nước sở hữu vũ khí hạt nhân.
Cùng với lực lượng binh sĩ Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Alaska, Hawaii, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương có trên 106.000 lính ở châu Á – Thái Bình Dương, cùng hơn 300 máy bay và trực thăng, và các hạm đội hải quân.
Về không quân, Không lực Mỹ có khoảng 29.000 quân nhân cùng trên 300 máy bay đồn trú tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Alaska, và Hawaii.
Video đang HOT
Trên biển, Hạm đội Thái Bình Dương có Hạm đội 3 phụ trách bờ biển phía tây của Mỹ đến giữa Thái Bình Dương; Hạm đội 5 phụ trách từ vịnh Ba Tư đến phía tây Ấn Độ Dương; Hạm đội 7 đồn trú ở Nhật Bản, chịu trách nhiệm châu Á – Thái Bình Dương. Ba hạm đội này có 41 tàu ngầm, khoảng 200 tàu và trên 600 máy bay, cùng hơn 140.000 lính.
Trong khi đó, 2/3 lính thủy đánh bộ Mỹ, tức khoảng 85.000 lính, đóng quân ở châu Á – Thái Bình Dương.
Và hiện tại có trên 1.200 lính thuộc lực lượng đặc biệt được điều động thêm, bố trí rải rác khắp khu vực cùng những vũ khí tối tân, theo Sina Military Network.
Mạng sina của Trung Quốc nói rằng Mỹ đã điều động hơn 1.200 lính thuộc lực lượng đặc biệt đến châu Á – Thái Bình Dương – Ảnh: Quân đội Mỹ
Lầu Năm Góc lên kế hoạch triển khai trên 60% tàu, máy bay của Hải quân và Không quân Mỹ vào năm 2020, bao gồm các vũ khí và khí tài hiện đại nhất.
Theo Sina Military Network, Mỹ nhận định mối đe dọa an ninh chính ở châu Á – Thái Bình Dương là chủ nghĩa khủng bố, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Cụ thể, sức mạnh và tầm ảnh hưởng toàn cầu của quân đội Trung Quốc được đánh giá là mối nguy hiểm ngày càng gia tăng đối với Mỹ. Tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-5 (DF-5) của Trung Quốc có thể tấn công các mục tiêu cách xa 13.000 km, và những tên lửa đạn đạo bắn từ tàu chiến có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tiêu diệt mục tiệu trong phạm vi bán kính 1.700 km.
Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với nền an ninh của Mỹ nếu Bắc Kinh tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh quân đội với tốc độ nhanh chóng hiện nay, theo Sina Military Network.
Mặc dù một số chuyên gia cho rằng Washington muốn Trung Quốc gia nhập cấu trúc an ninh khu vực hiện tại, nhưng Bắc Kinh sẽ không bao giờ nghe theo mệnh lệnh của Mỹ, Sina Military Network nhận định. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành chiến lược riêng của mình, bao gồm chống lại sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và tăng cường quan hệ quân sự với Nga.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Báo Mỹ: Nên thiết lập 'hòa bình có vũ trang' để kiềm chế Trung Quốc
Trung Quốc đã phớt lờ việc Mỹ yêu cầu chấm dứt hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông, do vậy đã đến lúc Mỹ nên thiết lập một nền "hòa bình có vũ trang" trong khu vực để kiềm chế Trung Quốc, theo tờ The Washington Times (Mỹ).
Trung Quốc đã xây căn cứ quân sự và tháp radar (mái vòm) ở Đá Xu Bi - Ảnh: Mai Thanh Hải
Trong bài viết trên tờ The Washington Times ngày 14.6, ông James A. Lyons, Đô đốc Hải quân Mỹ nghỉ hưu, cựu chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ; và chuyên gia Richard Fisher của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS) nhận định rằng Trung Quốc phớt lờ đề nghị của Mỹ bởi vì Bắc Kinh muốn độc chiếm Biển Đông, bảo vệ căn cứ quân sự quan trọng ở đảo Hải Nam nhằm thực hiện mưu đồ bành trướng quân sự toàn cầu.
Hiện đảo Hải Nam đã trở thành một căn cứ để đẩy mạnh sức mạnh hạt nhân và không gian của Trung Quốc, với đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo có thể gắn đầu đạn hạt nhân.
Hải Nam cũng sẽ là nơi đồn trú một hoặc hai đội tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ lớn của Trung Quốc, giúp bảo vệ các tàu ngầm và đẩy mạnh sức ảnh hưởng của Trung Quốc về mặt quân sự sang Trung Đông và hơn thế nữa, theo ông Lyons và ông Fisher.
"Từ năm 2016, một trung tâm không gian ở đảo Hải Nam sẽ được thiết lập để phóng vệ tinh hay tàu vũ trụ hỗ trợ tham vọng của quân đội Trung Quốc ở quỹ đạo tầng thấp của trái đất, và mặt trăng", theo The Washington Times.
Ông Lyons và ông Fisher cho rằng tất cả những vụ phóng tên lửa này sẽ dễ bị ngăn chặn vì đi qua Biển Đông, nên quân đội Trung Quốc muốn quân sự hóa và độc chiểm Biển Đông để dễ kiểm soát.
Trung Quốc đang tăng cường hoạt động xây dựng trái phép nhằm biến các bãi đá ở Trường Sa thành đảo nhân tạo, bất chấp Mỹ và các nước láng giềng lên tiếng phản đối. Bắc Kinh có khả năng sẽ triển khai đến 30 máy bay quân sự và một đội tàu chiến đến căn cứ quân sự mà nước này xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, theo ông Lyons và ông Fisher.
Một lực lượng quân sự tương tự cũng sẽ được triển khai đến căn cứ quân sự trái phép đặt ở Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa.
"Trung Quốc sẽ bắt đầu kiểm soát quân sự khi nước này có thể và không bị thách thức", các tác giả bài báo trên Washington Times nhận định. Trước đây, Trung Quốc từng đánh chiếm các bãi đá của Việt Nam ở Trường Sa vào năm 1988 và chiếm bãi cạn Scarborough ở Biển Đông từ tay Philippines vào năm 2012.
Tuy nhiên, tham vọng bành trướng của Trung Quốc chỉ có thể trở thành một sai lầm nghiêm trọng về mặt chiến lược, khi và chỉ khi Washington khắc phục sai lầm của các đời Tổng thống trước đây vốn đánh giá thấp vấn đề an ninh và lợi ích của Mỹ ở Biển Đông.
"Trong vòng 30 năm qua, các quan chức Mỹ từ chối bàn về tham vọng của Trung Quốc, một phần là vì chiến lược cường độ thấp của Trung Quốc", theo tác giả Lyons và Fisher.
Đến nay, khi Trung Quốc tăng cường hoạt động bành trướng quân sự, bất chấp sự phản đối của Mỹ thì Washington mới lên tiếng chỉ trích, tuyên bố tăng cường tuần tra trên biển và trên không nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Tàu vận tải đổ bộ 996 của Trung Quốc ngăn chặn các tàu VN tiếp cận Đá Xu Bi - Ảnh: Mai Thanh Hải
"Vẫn còn chưa quá muộn để Washington có thể kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và toàn cầu", theo hai tác giả.
Ông Lyons và ông Fisher cũng đề xuất một kế hoạch để Mỹ kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông: Mỹ nên phối hợp với Philippines xây dựng những căn cứ quân sự mới ở tỉnh đảo Palawan và triển khai khí tài quân sự để phá hủy những căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép.
Đối với tuyến phòng thủ, Manila và Washington có thể xây dựng các căn cứ được trang bị tên lửa ở quần đảo Visayas và đảo Luzon, gần với Palawan. Washington cũng nên nhanh chóng triển khai và cung cấp cho Philippines các chiến đấu cơ đa chức năng và tên lửa.
Theo ước tính của ông Lyons và ông Fisher, với khoảng 300 tên lửa đạn đạo tầm ngắn do hãng Lockheed-Martin (Mỹ) sản xuất có thể phá hủy những căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng, nếu Bắc Kinh động thủ.
"Những hành động của Trung Quốc minh chứng Bắc Kinh xem chiến tranh là phương tiện để đạt được mục tiêu của nước này ở Biển Đông. Chỉ khi Trung Quốc kết luận họ không thể thắng trận thì Bắc Kinh mới cân nhắc những lựa chọn khác. Đối với Washington và các quốc gia Đông Nam Á, thiết lập những điều kiện cho một nền hòa bình có vũ trang là một lựa chọn thay thế cho chiến tranh", ông Lyons và ông Fisher kết luận.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Thần Điêu - máy bay do thám bí ẩn của Trung Quốc Với trần bay cao, cự ly hoạt động rộng, trang bị radar tối tân và có thể là cả tên lửa, máy bay không người lái Thần Điêu được dự đoán sẽ trở thành khí tài quân sự quan trọng, giúp Trung Quốc củng cố kiểm soát trên Thái Bình Dương. Bức ảnh mờ nhạt rò rỉ trên mạng được cho là của...