Mỹ điều luân phiên máy bay ném bom chiến lược tới châu Á – Thái Bình Dương
Không quân Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các máy bay ném bom siêu thanh B-1B Lancer tới đảo Guam ở Thái Bình Dương nhằm duy trì sức mạnh không quân tại khu vực này, theo Diplomat.
Máy bay ném bom B-1 tại căn cứ không quân Ellsworth ở South Dakota, Mỹ (Ảnh: Không quân Mỹ)
Theo Diplomat, tính đến nay, Không quân Mỹ (USAF) đã triển khai bốn máy bay B-1B Lancer đến Andersen, căn cứ không quân trên đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương. Việc triển khai này nhằm hỗ trợ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương trong việc duy trì sức mạnh không quân của Mỹ tại khu vực.
Bốn máy bay ném bom trên của Phi đội đánh bom viễn chinh số 9 (EBS) thuộc Không đoàn máy bay ném bom số 7 của Không quân Mỹ sẽ thay thế Phi đội EBS 34. Trước đó, các máy bay ném bom B-1B và hơn 300 phi công từ Phi đội EBS 34 thuộc Không đoàn máy bay ném bom số 28 đã được triển khai lần đầu tiên tới Guam từ căn cứ không quân Ellsworth, Nam Dakota vào tháng 8/2016. Sự kiện này đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của loại máy bay này tại Guam trong hơn một thập niên. Máy bay siêu thanh B-1B Lancer được điều động thay thế cho một số máy bay ném bom hạng nặng tầm xa B-52H. Từ năm 2004, không quân Mỹ thường xuyên duy trì sự hiện diện của những phi đội ném bom B-1, B-52H và B-2 Spirit trên đảo Guam.
Máy bay B-1B Lancer sẽ tiến hành thường xuyên các cuộc tuần tra, răn đe chiến lược và thực hiện nhiệm vụ đào tạo cùng các đồng minh cũng như quốc gia đối tác; nhằm tăng cường khả năng tương tác và hợp tác trong khu vực. “Mục đích là bảo đảm năng lực tấn công toàn cầu nhanh chóng và đáng kể, cho phép sẵn sàng răn đe, cung cấp sự tin cậy đối với các đồng minh của Mỹ, tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực”, theo thông cáo báo chí của Lầu Năm Góc.
Được phát triển vào thập niên 1970, B-1 tạo thành xương sống của lực lượng máy bay ném bom tầm xa Mỹ. Mặc dù có khả năng mang đến 34.000 kg tải trọng vũ khí nhưng phiên bản B-1B Lancer vẫn có thể đạt tốc độ tối đa hơn 1470 km/h và hoạt động ở độ cao trên 9.100 m.
Vào tháng 9/2016, một chiếc B-1B Lancer được hộ tống bởi máy bay chiến đấu F-16 và F-15K, đã thực hiện chuyến bay ở độ cao thấp gần khu phi quân sự (DMZ) trên bán đảo Triều Tiên và hạ cánh tại căn cứ không quân Osan của Hàn Quốc. Đó là khoảng cách gần nhất mà một chiếc B-1B Lancer đã từng bay đến biên giới liên Triều. Vào tháng 1/2016, không quân Mỹ cũng đã huy động một máy bay B-52H, do 4 máy bay chiến đấu Hàn Quốc hộ tống, đến bán đảo Triều Tiên để đáp trả vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Đáp lại, Bình Nhưỡng khi đó tố cáo Mỹ đang cố gắng khởi động một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu. Tuy nhiên, trên thực tế máy bay B-1B không còn khả năng mang vũ khí hạt nhân nữa do nhiệm vụ tấn công hạt nhân cho loại máy bay ném bom này đã bị Mỹ bãi bỏ vào năm 1994. Việc chuyển đổi chức năng của máy bay B-1 từ máy bay hạt nhân sang thông thường bắt đầu từ năm 2007 và kết thúc vào năm 2011.
Video đang HOT
Tùng Anh
Theo Diplomat
Dàn chiến đấu cơ hùng hậu tham gia tập trận Red Flag 17-1
Cuộc tập trận Red Flag 17-1 có sự tham gia của hàng chục máy bay các loại của không quân Mỹ và các nước đồng minh.
Red Flag là cuộc tập trận không quân quy mô lớn được Mỹ tổ chức đều đặn nhiều lần trong năm trên lãnh thổ nước này. Đợt tập trận Red Flag 17-1 kéo dài từ ngày 24/1 đến 10/2 chứng kiến sự xuất hiện của các loại máy bay hiện đại nhất trong biên chế của Mỹ và đồng minh, Aviationist ngày 9/2 đưa tin.
Siêu tiêm kích F-35A là tâm điểm của đợt tập trận này với thành tích 15:1, tức là chỉ mất một máy bay sau khi hạ 15 chiếc của đối phương. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự đã đặt nghi vấn về thành tích thật sự của loại tiêm kích này.
Máy bay tàng hình F-22 của Phi đoàn tiêm kích số 27 cũng góp mặt với nhiệm vụ kiểm soát bầu trời và tiêu diệt tiêm kích đối phương.
Mỹ đã triển khai các tiêm kích F-15C được trang bị radar mảng pha chủ động (AESA) AN/APG-63V3 từ Phi đoàn tiêm kích số 159. Đây là một trong những phiên bản hiện đại nhất của dòng F-15C.
Hải quân Mỹ triển khai nhiều biên đội máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler để hỗ trợ lực lượng quân xanh (đồng minh) trong bài tập tấn công mục tiêu mặt đất.
Máy bay cảnh báo sớm E-3 đóng vai trò "mắt thần", chuyên phát hiện các mục tiêu của đối phương và điều phối hoạt động chiến đấu của quân xanh.
Những chiếc máy bay tiếp dầu KC-135 bảo đảm khả năng hoạt động liên tục trên không của các biên đội tiêm kích, đồng thời giúp phi công làm quen với quy trình tiếp dầu trên không vốn rất nguy hiểm.
Máy bay RC-135V Rivet Joint của Phi đoàn trinh sát số 38 có khả năng phát hiện, nhận dạng và định vị các tín hiệu thông tin liên lạc từ mặt đất, giúp thu thập thông tin tình báo tín hiệu (SIGINT) và nghe trộm đối phương.
Không quân hoàng gia Anh đã đưa một số tiêm kích Eurofighter Typhoon FGR4 đến Red Flag năm nay.
Máy bay cảnh báo sớm E-7 của không quân Australia cũng nằm trong nhóm hỗ trợ của Red Flag 17-1.
Đối thủ của họ là các tiêm kích F-16C Block 32 đóng vai địch (Aggressor) thuộc Phi đoàn tiêm kích số 64. Các máy bay của phi đoàn này đều được sơn màu, phù hiệu và trang bị giống hệt các đối thủ tiềm tàng của Mỹ và NATO. Mục đích chính là nhằm huấn luyện phi công cho các tình huống chiến đấu trên chiến trường thật sự.
Tử Quỳnh
Ảnh: Flickr
Theo VNE
Mỹ không có tiền mua động cơ mới cho máy bay B-52 Ngân sách của Mỹ không còn khoản nào để mua sắm dòng động cơ mới giúp tiết kiệm nhiên liệu và đơn giản hóa bảo dưỡng cho phi đội B-52. Phó tư lệnh không quân Mỹ Stephen Wilson thừa nhận trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ hôm 7/2 rằng không quân Mỹ không có tiền để mua...