Mỹ đề xuất luật đánh thuế Jeff Bezos 5 tỷ USD/năm
Dự luật Thuế Siêu giàu do các nghị sĩ Dân chủ đề xuất có thể khiến tỷ phú Jeff Bezos phải nộp cho chính phủ Mỹ 5,7 tỷ USD tiền thuế năm 2020.
Một nhóm nghị sĩ Dân chủ ở Thượng viện và Hạ viện cùng thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders hôm 1/3 đề xuất Đạo luật Thuế Siêu giàu, áp thuế đối với những tỷ phú giàu nhất nước Mỹ nhằm giúp ngân sách liên bang tăng thêm hàng nghìn tỷ USD và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang tăng lên trong thời gian đại dịch.
Dự luật đề xuất thu thuế thường niên 2% với những người sở hữu tài sản trên 50 triệu USD và 3% với người có trên 1 tỷ USD. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren cho hay khoản thuế này chỉ ảnh hưởng tới 100.000 gia đình giàu có nhất nước Mỹ và sẽ giúp ngân sách có thêm khoảng 3.000 tỷ USD trong 10 năm.
Tỷ phú Jeff Bezos trong một hội nghị tại Washington hồi tháng 3/2017. Ảnh: Reuters
Bà Warren cho hay số tiền này sẽ dành để chi trả cho chăm sóc trẻ em, nâng cao cơ sở hạ tầng giáo dục và đầu tư năng lượng sạch. Nó giống loại thuế mà Warren từng đề xuất trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, khi khẩu hiệu “hai xu” trở nên nổi tiếng trong những người ủng hộ sắc thuế này.
Warren thường nói rằng mức thuế đề xuất lên giới siêu giàu nên là 2% vì “với khối tài sản trên 50 triệu USD, cứ mỗi đôla chỉ bị đánh thuế hai xu”. Thượng nghị sĩ lập luận rằng mức thuế này càng cấp thiết hơn trong cuộc khủng hoảng Covid-19, vì đại dịch đã bộc lộ và làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở nước Mỹ.
Video đang HOT
“Chúng tôi hiểu rõ mình đang làm gì. Đại dịch đã tạo ra nhiều tỷ phú hơn. Những người ở đỉnh siêu giàu thậm chí không bị ảnh hưởng một chút nào”, Warren nói.
Những người chỉ trích cho rằng đề xuất thuế này là vi hiến và sẽ dễ dàng bị giới siêu giàu né tránh. Đa số các nước châu Âu đã bỏ thuế tài sản vì số tiền thu được thấp hơn dự kiến, bởi các tỷ phú có nhiều phương thức để né thuế.
“Bài học kinh nghiệm từ những quốc gia khác từng thu thuế người giàu là lời cảnh báo cho nước Mỹ rằng chớ nên áp dụng”, Erica York, chuyên gia của Tổ chức Thuế, một cơ quan nghiên cứu bảo thủ về thuế, nói. “Thuế người giàu sẽ gây thách thức hành chính cực lớn và không rõ luật này có giúp Sở Thuế vụ (IRS) thu thuế hiệu quả hơn không, dù được đầu tư nhiều nguồn lực”.
Dự luật đề xuất cấp 100 tỷ USD cho IRS để thực thi các biện pháp thu thuế quyết liệt hơn, cũng như cung cấp công nghệ mới giúp cơ quan này định giá các tài sản khó thẩm định như tác phẩm nghệ thuật hay bất động sản. Dự luật cũng đề xuất áp “thuế rời nước” 40% với những người muốn đổi quốc tịch để tránh thuế.
“Việc triển khai dễ dàng hơn so với chúng ta nghĩ”, Warren nói. “Chúng tôi đã học được từ sai lầm của một số nước châu Âu. Đề xuất thuế này bao trùm mọi tài sản, không cần biết tài sản được lưu trữ trong kho hay trong bất động sản hoặc trường đua. Mọi loại tài sản đều được tính đến, vì vậy không có ích gì khi cố chuyển dịch tài sản. Ngoài ra, nó cũng bao trùm tài sản ở mọi địa điểm, dù là ở Mỹ hay đảo Cayman”.
Theo tính toán của Viện nghiên cứu Chính sách và người Mỹ về Công bằng thuế, tỷ phú Jeff Bezos, người giàu nhất thế giới, sẽ phải trả 5,7 tỷ USD tiền thuế năm 2020 nếu luật thuế này được thông qua. Ông vẫn sở hữu hơn 185 tỷ USD tài sản ròng sau khi bị đánh thuế.
Elon Musk cũng sẽ nợ 4,6 tỷ USD tiền thuế năm 2020 và tài sản ròng vẫn còn hơn 148 tỷ USD vào cuối năm nay. Bill Gates sẽ phải trả 3,6 tỷ USD tiền thuế năm 2020, còn mức thuế của Mark Zuckerberg sẽ là 3 tỷ USD.
“Chỉ riêng thuế tài sản áp với các tỷ phú đã đủ ngân sách cho gần 3/4 gói giải cứu đại dịch trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden, đề xuất đang chờ Thượng viện thông qua”, Chuck Collins, giám đốc Chương trình Bất bình đẳng của Viện nghiên cứu chính sách, nói.
Thượng viện bác đề xuất tăng lương tối thiểu của Biden
Cố vấn của Thượng viện Mỹ quyết định không đưa điều khoản tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ vào dự luật cứu trợ Covid-19 do Biden đề xuất.
Thượng nghị sĩ Elizabeth MacDonough, cố vấn về quy trình và luật lệ của Thượng viện Mỹ, hôm 25/2 tuyên bố Thượng viện không thể đưa điều khoản về tăng lương tối thiểu vào dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden và các nghị sĩ Dân chủ đề xuất.
Phe Dân chủ trước đó mong muốn chèn điều khoản quy định tăng lương tối thiểu của lao động Mỹ lên 15 USD/giờ vào năm 2025 như một biện pháp ứng phó với thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra và bù đắp thiệt hại cho các lao động thu nhập thấp đã chiến đấu ở tuyến đầu suốt nhiều tháng qua, cũng như những người làm công việc thiết yếu.
Ngay cả Tổng thống Biden trong cuộc phỏng vấn đầu tháng này cũng nói rằng ông không kỳ vọng điều khoản tăng lương tối thiểu sẽ được gộp vào dự luật cứu trợ Covid-19. "Việc tăng lương tối thiểu sẽ không xảy ra vì các quy định của Thượng viện. Tôi đưa điều khoản đó vào, nhưng không nghĩ rằng nó sẽ sống sót được", Biden nói, thêm rằng ông sẽ chuẩn bị một dự luật riêng về tăng lương tối thiểu.
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer tuyên bố sẽ "không từ bỏ cuộc chiến tăng lương tối thiểu lên 15 USD để giúp đỡ hàng triệu công nhân Mỹ đang gặp khó khăn và gia đình họ".
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Nhà Trắng hôm 25/2. Ảnh: Reuters .
Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thành viên cấp cao đảng Cộng hòa trong Ủy ban Ngân sách Thượng viện, hoan nghênh quyết định này. "Rất vui khi cố vấn quy trình của Thượng viện phán quyết điều khoản tăng lương tối thiểu là thay đổi chính sách không phù hợp trong việc tìm sự đồng thuận lưỡng đảng", ông đăng Twitter.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden rất thất vọng với quyết định này của cố vấn quy trình Thượng viện. "Tổng thống sẽ làm việc với lãnh đạo quốc hội để xác định con đường tốt nhất vì không ai trong đất nước này đáng phải làm việc toàn thời gian mà chịu cảnh nghèo đói", phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho hay.
Biden và nhiều thành viên đảng Dân chủ muốn tăng lương tối thiểu để giúp giải quyết thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế do Covid-19. Đại dịch hiện khiến hơn 500.000 người Mỹ tử vong và hàng triệu người mất việc làm.
Đảng Dân chủ đang cố thúc đẩy dự luật cứu trợ Covid-19 theo quy trình "điều chỉnh ngân sách" đặc biệt, cho phép họ thông qua nó tại Thượng viện mà không cần sự ủng hộ của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, có những quy tắc giới hạn điều khoản được đưa vào dự luật khi sử dụng quá trình đó, và công việc của cố vấn quy trình Thượng viện là xác định những điều khoản gì có thể được đưa vào.
Phán quyết này không đồng nghĩa ý tưởng tăng lương tối thiểu đã chết. Những người ủng hộ tăng lương tối thiểu có thể tìm cách thông qua một dự luật riêng, nhưng họ cần sự ủng hộ của đảng Cộng hòa. Hai thượng nghị sĩ Cộng hòa là Tom Cotton và Mitt Romney đầu tuần này đề xuất tăng lương tối thiểu lên 10 USD/giờ.
Không phải tất cả nghị sĩ Dân chủ đều ủng hộ mức lương tối thiểu 15 USD/giờ. Thượng nghị sĩ Joe Manchin đề nghị tăng lương lên 11 USD trong hai năm. Mức lương tối thiểu liên bang hiện là 7,25 USD/giờ, được nâng lần cuối vào năm 2009.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết mức lương tối thiểu 15 USD sẽ vẫn được đưa vào dự luật cứu trợ khi nó được Hạ viện thông qua ngày 26/2. Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos cho thấy 59% người Mỹ được hỏi ủng hộ tăng lương tối thiểu lên 15 USD, 34% phản đối.
Người sáng lập Amazon từ chức giám đốc điều hành Tỷ phú Jeff Bezos - người sáng lập Amazon sẽ từ chức giám đốc điều hành (CEO) của công ty. Ông Bezos vẫn sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch điều hành và giao chức CEO cho Andy Jassy - giám đốc điều hành của Amazon Web Services mảng kinh doanh điện toán đám mây. Tin tức được đưa ra khi Amazon công...