Mỹ đẩy Iran ‘ngả vào lòng’ Trung Quốc
Mỹ – Iran liên tục dọa dẫm, trừng phạt, răn đe… lẫn nhau, khiến quan hệ ngày một xấu. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh “trục lợi” thành công khi mua được dầu, bán nhiều hàng hóa, tăng cường ảnh hưởng…
Hy vọng
Sau nhiều lệnh trừng phạt, Mỹ và phương Tây bắt đầu áp dụng các lệnh mạnh mẽ và cứng rắn hơn nhằm “khuất phục” Iran, thay đổi thái độ của nước này đối với chương trình hạt nhân: từ 1/7, các lệnh trừng phạt mới đối với nghành dầu mỏ Iran chính thức có hiệu lực. Phía Mỹ khẳng định: “Các lệnh trừng phạt Iran chưa đủ mạnh để họ hiểu việc bị cô lập là như thế nào”.
“Kiến trúc sư” các lệnh trừng phạt dưới thời Tổng thống Bush là R. Nicholas Burns cũng khẳng định, sự kết hợp của các lệnh trừng phạt mới của Mỹ và châu Âu là “hình thức trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước tới nay. Chúng ta nên chờ một vài tháng để thấy tác động của các lệnh trừng phạt – buộc Iran đàm phán nghiêm túc hơn…”
Mỹ cáo buộc lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei không chịu hợp tác.
Iran chống trả
Chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của phương Mỹ và phương Tây, phía Iran thừa nhận xuất khẩu dầu mỏ năm nay giảm 20 – 30 %. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu của Iran giảm còn 1,5 triệu thùng một ngày từ 2,5 triệu thùng một ngày năm ngoái.
Tuy nhiên, Tehran vẫn khăng khăng tuyên bố họ có quyền tiếp cận công nghệ hạt nhân với mục đích hòa bình và không có ý định tìm kiếm một quả bom nguyên tử và nhấn mạnh đang tiến hành các bước để giảm tác động kinh tế của các lệnh trừng phạt mới.
Video đang HOT
“Chúng tôi đang thực thi các chương trình chống lại các biện pháp trùng phạt. Chúng tôi sẽ đối đầu với các chính sách độc ác này”, Hãng tin Mehr dẫn lời Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Mahmoud Bahmani.
Ngoài ra, ông Bahman cũng cho biết thêm, Iran dự trữ được tới 150 tỷ USD để “bảo vệ “nền kinh tế.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Rostam Qasemi cho hay: “Chính phủ đã lên kế hoạch để chống lại tất cả các biện pháp trừng phạt”; đồng thời cảnh báo chính các nước nhập khẩu dầu mỏ sẽ là kẻ thua cuộc nếu các biện pháp trừng phạt dẫn đến leo thang giá dầu.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Iran Mohammad Reza Rahimi hô hào trên truyền hình quốc gia: “Ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nặng nề nhất và chính phủ kêu gọi người dân ủng hộ chính phủ hết mình trong cuộc chiến này”.
Ông Rahimi cũng nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt có thể gây ra “sự rối loạn không thường xuyên” cho thị trường nhưng sẽ thất bại để ngăn chặn Iran.
Phó Tổng thống Iran Mohammad Reza Rahimi kêu gọi người dân ủng hộ.
Tehran lạc quan cho rằng họ vẫn có thể bán được dầu và các biện pháp trừng phạt mà “kẻ thù đã áp đặt hiện nay” không nhằm nhò gì với Iran “đơn giản bởi chúng cũng chỉ tương tự như các biện pháp trừng phạt trước đó mà thôi và sẽ chẳng có chút ảnh hưởng nào hết”.
“Các nước đang phát triển và các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh không có nguồn cung cấp dầu mỏ thay thế. Rất may, vì đạt chất lượng tốt, tất cả họ đều quan tâm đến việc nhập khẩu dầu mỏ của nước ta”, ông Rostam Ghasemi nói thêm.
Tại sao Iran không sợ trừng phạt kinh tế?
Các lệnh trừng phạt về kinh tế nhằm buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân được khởi động từ thời Tổng thống Bush và nay, Tổng thống Obama là người tăng cường. Tuy nhiên, tác động của chúng đối với Iran chưa thực sự rõ rệt nếu không muốn nói rằng chúng đã (các biện pháp trừng phạt cũ) và sẽ (các biện pháp trừng phạt mới) thất bại.
Tổng thống Mỹ Obama (trái) và Tổng thống Bush (phải) bàn cách “xử” Iran. Ảnh minh họa.
Bất chấp thực tế Iran phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ, có cơ cấu kinh tế yếu, lạm phát cao, tăng trưởng thấp, tỷ lệ thất nghiệp tăng, các lệnh trừng phạt vẫn không thể khiến Tehran “quỵ gối”. Họ không sợ, thậm chí, xem thường các lệnh trừng phạt kinh tế mới dù chúng có khắc nghiệt cỡ nào. Có vài lý do giải thích điều này.
Thứ nhất là quan điểm của giới lãnh đạo Iran, những người “duy ý chí”, coi an ninh và tư tưởng bao trùm, chi phối kinh tế. Họ quan niệm rằng, việc bảo vệ các tư tưởng sáng lập ra nhà nước Hồi giáo chính là bảo về quyền lực của chế độ. Kể từ khi thành lập, chế độ Iran tuyên truyền và nhấn mạnh 3 tư tưởng – Công lý Hồi giáo, Quy tắc thiêng liêng và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc – nhằm duy trì quyền lực và tính hợp pháp của nó. Do đó, trong con mắt của giới lãnh đạo Iran, bất kỳ tổn hại nào cho các tư tưởng này quan trọng hơn hàng tỷ USD.
Thứ 2, trong quan điểm của lãnh đạo tối cao của Iran là Ali Khamenei thì cách đơn giản và hiệu quả nhất để bảo vệ chế độ là tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân.
Ông Khamenei cũng tin rằng, thúc đẩy mô hình Iran lan rộng khắp Trung Đông là chìa khóa cho sự ổn định và bền vững lâu dài của chế độ. Do đó, ông cũng tin Iran có thể vượt qua các áp lực bên ngoài đến từ các lệnh trừng phạt của phương Tây trong tương lai gần.
Tehran cũng tin là họ sớm đủ khả năng để tham gia vào câu lạc bộ hạt nhân – giúp tình thế chuyển thành có lợi cho họ.
Ngoài ra, các hình thức trừng phạt cũng là đòn bẩy cho các nỗ lực củng cố quyền lực của ông Khamenei và bào chữa cho các hành động đàn áp trong nước. Iran có thể xem việc chịu đựng và nỗ lực vượt qua các biện pháp trừng phạt là nhiệm vụ cao cả của kẻ tiên phong trong thế giới Hồi giáo chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
Do đó, đối với Cộng hòa Hồi giáo, các lệnh trừng phạt là sự phong tỏa kinh tế với thiệt hại trước mắt nhưng lại sẽ thu về “món hời” lớn về lâu về dài.
Những điều này chứng tỏ, Iran không buồn tham gia ván cờ mà Mỹ và phương Tây đang bày ra và muốn lôi kéo họ chơi cùng. Với hai cuộc chơi khác nhau mà phương Tây và Iran đang tham gia, một giải pháp hòa bình mà cả đôi bên cùng thỏa mãn trong tương lai gần là thứ hão huyền.
Ngư ông đắc lợi
Chưa rõ lệnh trừng phạt mới hiệu quả ra sao nhưng tới nay, thành công dễ thấy nhất của chính quyền Obama khi sử dụng “quân bài” này là: cắt giảm sản lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran mà vẫn không đẩy giá dầu thế giới leo thang. Ngược lại, nó còn giúp các nhà cung cấp (thân Mỹ) như Saudi Arabia, Libya và Iraq tăng sản lượng.
Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng bắt đầu lộ ra khi một số nhà phân tích cảnh báo các lệnh trừng phạt của Mỹ đang đẩy Iran “ngả vào vòng tay” Trung Quốc khi hai bên thắt chặt thêm quan hệ kinh tế.
Đơn cử như từ năm 2006, để tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc trao đổi thương mại với Iran bằng đồng euro. Tới khi các ngân hàng Iran bị loại khỏi hệ thống tài chính châu Âu, Iran không thể giao thương bằng euro nữa thì họ chuyển thẳng sang nhân dân tệ hoặc vàng.
Theo một báo cáo điều tra mới đây của tờ South China Morning Post: “Các lệnh trừng phạt chống lại Iran đã góp phần giúp thương mại Trung Quốc – Iran tăng 10 lần trong một thập kỷ”. Cụ thể, thương mại Iran – Trung Quốc tăng từ 2,5 tỷ USD năm 2000 tới 29,3 tỷ USD vào năm 2010 và dự kiến đạt 50 tỷ USD năm 2015.
Phương Đăng
Theo Infonet.vn