Mỹ dập tắt cháy trên chiến hạm tỷ đô
Hải quân Mỹ thông báo kiểm soát được đám cháy tàu đổ bộ USS Bonhomme Richard sau 4 ngày, nhưng chưa xác định được mức độ thiệt hại.
“Lực lượng cứu hỏa đã dập tắt mọi đám cháy được xác định trên tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard. Chúng tôi chưa biết nguồn gốc vụ cháy cũng như mức độ thiệt hại. Còn quá sớm để đưa ra nhận định hoặc lời hứa hẹn về tương lai của chiến hạm này”, chuẩn đô đốc Philip Sobeck, chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 3 hải quân Mỹ, cho biết hôm 16/7.
Quan chức Mỹ cho biết 63 người, gồm 40 thủy thủ hải quân Mỹ và 23 lính cứu hỏa liên bang, bị thương nhẹ trong quá trình chữa cháy, không có ai phải nằm viện. “Mọi thủy thủ đều là lính cứu hỏa và chúng tôi đã chứng minh phương châm đó. Tàu Bonhomme Richard cũng cho thấy khả năng sống sót. Nó luôn duy trì ổn định trong suốt những ngày qua”, ông nói thêm.
Thượng tầng bị hư hại của USS Bonhomme Richard hôm 16/7. Ảnh: US Navy.
4 khoang tác chiến bên dưới thân tàu không bị hư hại nặng như dự đoán và cấu trúc bên ngoài của chiến hạm vẫn ổn định. Chuẩn đô đốc Sobeck tin rằng con tàu có thể được sửa chữa và trở lại hoạt động, nhưng nhấn mạnh hải quân Mỹ chưa quyết định có thực hiện công việc tốn kém này không. Nhiều chuyên gia cho rằng phương án này quá tốn kém và Lầu Năm Góc nên loại biên USS Bonhomme Richard.
“Chi phí sửa chữa có thể lên tới hàng trăm triệu USD nếu con tàu không bị phá hủy hoàn toàn, trong khi đóng tàu thay thế sẽ mất nhiều năm và tiêu tốn khoảng nhiều tỷ USD”, Lawrence Brennan, đại tá hải quân Mỹ về hưu, nêu quan điểm.
“Bạn sẽ không thể sửa chữa nó. Con tàu này đã 23 tuổi, tốt nhất là kéo nó ra biển và đánh đắm ở một khu vực nào đó, sau đó bắt đầu đóng mới một tàu đổ bộ lớp America”, đại tá hải quân về hưu Earle Yerger, cựu chỉ huy tàu đổ bộ tấn công USS Bataan, nêu quan điểm.
USS Bonhomme Richard là chiếc thứ sáu trong lớp tàu đổ bộ tấn công Wasp, loại chiến hạm lớn thứ hai trong biên chế hải quân Mỹ, chỉ sau tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tàu được biên chế từ năm 1998, đã tham gia một số hoạt động quân sự trong những năm qua. Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ ước tính USS Bonhomme Richard có giá trị hơn một tỷ USD.
Một số chuyên gia nhận định sự cố này có thể khiến con tàu hỏng hoàn toàn và bị loại biên, ảnh hưởng lớn đến tham vọng biến tàu đổ bộ thành tàu sân bay hạng nhẹ của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc không ngừng gia tăng.
Chiến hạm tỷ đô Mỹ vẫn cháy sau 4 ngày
Tàu đổ bộ USS Bonhomme Richard không còn bốc khói mù mịt, nhưng vẫn có nhiều đám cháy trong khoang sau 4 ngày hỏa hoạn.
Hàng trăm thủy thủ hải quân Mỹ cùng lực lượng cứu hỏa San Diego, bang California đã nỗ lực suốt 4 ngày qua để khống chế đám cháy trên tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard đang neo đậu tại quân cảng ở thành phố. Tuy nhiên, đến tối 15/7, vẫn còn nhiều đám cháy riêng lẻ trong thân tàu, dù khói đen không còn tiếp tục phun ra.
Chuẩn đô đốc Philip Sobeck, chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 3 hải quân Mỹ, cho biết các trực thăng hải quân đã liên tục trút hơn 1.500 thùng nước để làm mát phần thượng tầng và sàn đáp máy bay của tàu, cho phép thủy thủ tiến sâu vào trong khoang để tìm điểm cháy và dập lửa.
Nước được xả từ trực thăng cứu hỏa làm mát thượng tầng USS Bonhomme Richard hôm 15/7. Ảnh: US Navy.
Quan chức Mỹ cho rằng thiết kế của USS Bonhomme Richard khiến ngọn lửa dễ lan rộng và khó kiểm soát. "Phía trên khoang chứa phương tiện cơ giới là nhà chứa máy bay, tức là không gian mở rất rộng. Khi ngọn lửa tiếp cận khu vực này, nó sẽ lan khắp tàu", chuẩn đô đốc Sobeck nói, thêm rằng chưa thể xác định thiệt hại cho đến khi đám cháy được kiểm soát và quá trình đánh giá toàn diện được tiến hành.
4 khoang tác chiến bên dưới thân tàu không bị hư hại nặng như dự đoán và cấu trúc bên ngoài của chiến hạm vẫn ổn định. Nỗ lực phun nước suốt 4 ngày giúp làm mát vỏ tàu, ngăn nguy cơ vỏ thép suy yếu và thủng, có thể khiến gần 4.000 tấn dầu tràn ra môi trường.
"Nhiên liệu được cất trữ ở khoang dưới mớn nước, nguy cơ tràn dầu hoặc phát nổ là rất nhỏ. Tuần duyên Mỹ cũng luôn sẵn sàng triển khai phao ngăn dầu tràn nếu sự cố xảy ra", chuẩn đô đốc Sobeck cho hay.
Vụ cháy xảy ra sáng 12/7 khi tàu Bonhomme Richard neo đậu tại căn cứ hải quân San Diego để bảo trì. Trong những ngày đầu tiên, đám cháy trên tàu tạo ra cột khói đen mù mịt có thể nhìn thấy rõ từ ảnh vệ tinh.
Hơn 400 thủy thủ cùng các nhân viên cứu hỏa liên bang sử dụng nhiều tàu và trực thăng để chữa cháy. Gần 60 người bị thương, trong đó 5 người phải nhập viện rồi được ra sau đó, chủ yếu do hít phải khói hoặc kiệt sức vì hơi nóng.
Nỗ lực khống chế đám cháy trên tàu USS Bonhomme Richard. Video: YouTube/US Navy.
USS Bonhomme Richard là chiếc thứ sáu trong lớp tàu đổ bộ tấn công Wasp, loại chiến hạm lớn thứ hai trong biên chế hải quân Mỹ, chỉ sau tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tàu được biên chế từ năm 1998, đã tham gia một số hoạt động quân sự trong những năm qua. Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ ước tính USS Bonhomme Richard có giá trị hơn một tỷ USD.
Một số chuyên gia nhận định sự cố này có thể khiến con tàu hỏng hoàn toàn và bị loại biên, ảnh hưởng lớn đến tham vọng biến tàu đổ bộ thành tàu sân bay hạng nhẹ của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, các quan chức hải quân Mỹ kỳ vọng vẫn có thể khắc phục được thiệt hại và sớm đưa con tàu trở lại hoạt động.
Tàu đổ bộ Mỹ bốc khói đen kịt trên ảnh vệ tinh Ảnh vệ tinh cho thấy tàu đổ bộ USS Bonhomme Richard tạo ra cột khói đen khổng lồ trên bầu trời San Diego khi đám cháy chưa được kiểm soát. Tài khoản Twitter của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Mỹ đăng bức ảnh do vệ tinh Corpenicus chụp quân cảng San Diego, bang California hôm 13/7, cho thấy đám cháy...