Mỹ ‘đánh rơi’ Pakistan vào tay Nga
Tranh thủ lúc quan hệ Mỹ – Pakistan căng thẳng, đổ vỡ… Moscow “chen chân”, kết thân với Islamabad… bằng nhiều hợp đồng kinh tế.
Cặp đôi mới: Nga – Pakistan
Chuẩn bị cho chuyến thăm Pakistan của Tổng thống Putin vào tháng 9, các phái đoàn Nga gồm nhiều quan chức cấp cao vào các chuyên gia trong nước lần lượt lên đường sang Islamabad. Trong đó, đáng chú ý nhất là chuyến thăm của nhà ngoại giao kỳ cựu Zamir Kabulov, Đại sứ Nga tại Afghanistan. Bằng việc cử ông Kabulov tới Islamabad, Moscow để lộ tham vọng mở rộng, bành trướng tại khu vực Ấn Độ Dương.
Đại sứ Nga tại Afghanistan Zamir Kabulov được cử tới Islamabad.
Công cụ để Moscow thực hiện ý định của mình chính là các đề xuất hay kế hoạch với trọng tâm là hợp tác năng lượng. Các đề nghị này cơ bản dựa trên các ý tưởng của Tổng thống Putin từ năm 2006. Chúng bao gồm:
Nga có thể hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các dự án nhập khẩu năng lượng và khí đốt tự nhiên trị giá nhiều tỷ USD của Pakistan. Đặc biệt, Nga muốn tham gia vào dự án dẫn khí đốt mang tên TAPI (Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ) và IP (Iran-Pakistan). Nga muốn quan hệ hợp tác ở cấp độ chính phủ thông quan đàm phán trực tiếp hơn là đấu thầu.
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Putin cũng từng công khai rằng, “gã khổng lồ năng lượng của nước này Gazprom sẵn sàng tham gia xây dựng hệ thống ống dẫn khí đốt Ấn Độ-Pakistan-Iran. Ông tuyên bố: “Gazprom sẵn sàng tham gia và đóng góp các hỗ trợ về mặt công nghệ và nếu cần thiêt, cả tài chính. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ không giới hạn, đặc biệt đối với một dự án chắc chắn sẽ thành công”.
Nga cũng kiên quyết tham gia dự án Trung Á và Nam Á (CASA) bị bỏ lửng từ năm 2006. Kế hoạch này cung cấp cho Pakistan 1.000-1.300 MW năng lượng từ Tajikistan và Kyrgyzstan vào các tháng mùa hè nhờ hệ thống đường dẫn xuyên qua miền Đông Afghanistan.
Video đang HOT
Chưa dừng lại ở đó, Moscow còn bày tỏ ý định hợp tác với Islamabad trong các dự án khác trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản.
Không có gì lạ khi Islamabad tỏ ra vui mừng với các đề nghị của Nga. Đặc biệt, Pakistan háo hức tham gia đàm phán với các công ty năng lượng quốc doanh Nga trên cấp độ chính phủ và thậm chí còn sẵn sàng điều chỉnh các quy tắc mua bán, trao đổi sao cho phù hợp.
Liên quan tới dự án IP, Pakistan khẳng định Gazprom có thể tham gia và giữa tháng này, họ sẽ chuyển cho Nga dự thảo thỏa thuận hỗ trợ tài chính và công nghệ cho dự án IP.
Nga được gì từ quan hệ với Pakistan?
Các nỗ lực thiết lập các quan hệ mới và tăng cường hợp tác với Pakistan được đánh giá là quyết định khôn ngoan của Moscow. Lý do là, an ninh năng lượng không chỉ quan trọng trong nền kinh tế chính trị Pakistan mà còn mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự ổn định và an ninh lâu dài của khu vực nói chung. Tầm quan trọng của nó thậm chí được xếp ngang hàng với các vấn đề khủng bố.
Đối với Pakistan, năng lượng là yếu tố quan trọng để họ duy trì quyền tự chủ chiến lược như một “tay chơi” đầy quyền lực ở Nam Á. Do đó, bằng cách hợp tác và hỗ trợ Pakistan trong lĩnh vực năng lượng, các lợi ích địa chiến lược của Nga ở khu vực kéo dài từ vịnh Pécxich đến khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc cũng sẽ được đảm bảo.
Putin mang về cho Nga nhiều lợi ích trong quan hệ với Pakistan.
Moscow cũng nhận thấy, tăng cường quan hệ với Pakistan là cầu nối bắt buộc của Nga; bởi sau năm 2014, khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Nga có thể giữ vai trò then chốt trong việc đảm bảo sự ổn định và tương lai cho đất nước và khu vực. Chỉ cần Afghanistan ổn định, Nga bớt đi các gánh lo liên quan đến an ninh của Trung Á, khu vực có nhiều đồng minh truyền thống được Nga “đỡ đầu”. Pakistan còn là đối tác đối thoại giá trị đối với Nga liên quan đến các phong trào và các hoạt động của các chiến binh Hồi giáo cực đoan ở Nam Caucasus.
Bên cạnh đó, hợp tác với Pakistan cũng đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho Nga trong bối cảnh các lãnh đạo Nga chú trọng và đẩy mạnh quá trình tái tạo, đổi mới kinh tế và xây dựng sức mạnh quốc gia.
Chưa hết, quan hệ khăng khít với Pakistan – trong vấn đề năng lượng, nhìn chung có thể tạo ra các nền tảng quan trọng cho các quan hệ chiến lược giữa Nga với các cường quốc khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Saudi Arabia.
Đây là một phần trong kế hoạch lớn của Nga. Trước đó, Tổng thống Nga Putin ấp ủ ý tưởng thành lập “câu lạc bộ” năng lượng với thành viên là các quốc gia sản xuất năng lượng trong khu vực như là Nga, Iran, Saudi Arabia và các nước Trung Á cùng với 3 kẻ tiêu thụ năng lượng khổng lồ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan.
Ý tưởng này lần đầu tiên được đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tháng 6/2006. Theo Tổng thống Putin, trong bối cảnh các nhà xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trong SCO đang cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần tại các thị trường đầy hứa hẹn như Trung Quốc và Ấn Độ, một câu lạc bộ năng lượng là vô cùng cần thiết. Câu lạc bộ này sẽ giúp kết nối các nhà sản xuất năng lượng và 3 nhà tiêu dùng quan trọng của khu vực, từ đó, giúp SCO trở thành một tổ chức mạnh mẽ.
Ai là kẻ thua thiệt?
Sự phát triển mạnh trong quan hệ Nga – Pakistan tạo ra thách thức vô cùng lớn cho chiến lược khu vực của Mỹ ở châu Á và Trung Đông.
Xét về địa chính trị, Pakistan giữ vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược khu vực của Mỹ tại Afghanistan và Trung Á. Không có sự hợp tác của Pakistan, Mỹ không thể đảm bảo thông tin liên lạc trong khu vực. Điều này đe dọa các kế hoạch thiết lập sự hiện diện vĩnh viễn của NATO và Mỹ trong khu vực Á-Âu.
“Sự đào tẩu” của Pakistan khỏi phương Tây cũng giáng đòn chí mạng vào sáng kiến Con đường Tơ lụa Mới của Mỹ (có mục đích là kìm chế ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga tại Trung Á).
Theo đó, giấc mơ ôm trọn quyền khai thác các mỏ tài nguyên, khoáng sản dồi dào của Trung Á và Afghanistan của Mỹ cũng tan vỡ. Không có gì phải tranh cãi khi an ninh năng lượng là “gót chân Achiles” của nền kinh tế chính trị Pakistan. Cũng vì năng lượng, Pakistan mới phụ thuộc vào Mỹ. Nay, với việc bắt tay hợp tác năng lượng với Nga, tính độc lập và khả năng phục hồi của Pakistan sẽ được tăng cường.
Theo kết quả cuộc khảo sát mới nhất của Pew, 74% người Pakistan “ghét” Mỹ và sự tôn trọng đối với Tổng thống Obama tại đây ở mức thấp. Chính trị gia kỳ cựu Imran Khan của Pakistan tuyên bố nước mình nên rút khỏi cuộc chiến ở Afghanistan và yêu cầu quân đội Mỹ “cuốn xéo” khỏi lãnh thổ cùng với các phương tiện chiến tranh của họ.
Mỹ thua thiệt đủ khi Pakistan tăng cường quan hệ với Nga.
Chưa dừng lại, sự hợp tác giữa các quốc gia cung cấp và tiêu thụ năng lượng của châu Á là cơn ác mộng đối với Mỹ. Cường quốc số 1 thế giới lo sợ có thể bị đẩy ra ngoài “ma trận” và không còn kiểm soát được các quan hệ khu vực, bao gồm các quốc gia đầu tàu của khu vực tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế thế giới.
Đã vậy, bước đi chiến lược của Nga ở Pakistan đánh đòn hiểm vào chính sách cô lập Iran của Mỹ. Nếu chiến tranh nổ ra giữa Mỹ và Iran, Washington phải đối mặt với sự cô lập gần như toàn bộ ở khu vực giữa Vịnh Pécxich và eo biển Malacca. Mặt khác, dự án IP (ưu tiên cho Nga và Trung Quốc) sẽ tăng cường sức mạnh chiến lược của Iran, giúp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào eo biển Malacca.
Nguy hiểm hơn cả là, Mỹ không nắm được chiến lược tiếp cận của Ấn Độ đối với sự chuyển đổi địa chính trị (mà Nga đang theo đuổi) sẽ diễn ra như thế nào. Mỹ xem Ấn Độ là nhân tố cốt yếu trong chiến lược châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng sự đáp trả của Ấn Độ đến nay là thái độ hững hờ. Ấn Độ và Nga có quan hệ hữu nghị truyền thống. Delhi cũng không tham gia vào bất cứ chiêu trò chống Trung Quốc nào do Mỹ bày ra mà tập trung vào các nỗ lực bình thường hóa quan hệ với láng giềng quan trọng trong khu vực.
Mới đây, Delhi ký với các công ty năng lượng Trung Quốc bản ghi nhớ không trả bên nào giá cao hơn bên nào cho một đối tác thứ 3, đồng thời cam kết hợp tác toàn diện.
Đối với Iran, Delhi duy trì quan hệ đối tác lâu năm bất chấp các áp lực bởi Mỹ. Quy tắc mấu chốt của họ là không để bị lôi kéo vào căng thẳng hoặc xung đột giữa Mỹ và Iran.
Trong bối cảnh đó, để buộc chặt Delhi, Mỹ khuyến khích tăng cường quan hệ Saudi Arabia – Ấn Độ nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ Iran và kéo Ấn Độ khỏi dự án IP cũng như dự án “câu lạc bộ” năng lượng SCO của Nga. Có điều, liệu Ấn Độ có muốn “ngả” theo Mỹ trong khi có thể độc lập chọn lựa phương pháp để giành được các mục tiêu quốc gia trong một kịch bản khu vực phức tạp hay không là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Theo Infonet