Mỹ đánh giá cao quyết định tăng sản lượng của OPEC+
Ngày 2/12, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ với các nhà sản xuất thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác, còn gọi là OPEC , trong những tuần gần đây và đánh giá cao quyết định tăng sản lượng dầu thô vừa đạt được.
Các bể chứa nhiên liệu tại một trạm của Công ty Colonial Pipeline ở Woodbine, bang Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Bà Psaki nói: “Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ trong những tuần gần đây với các đối tác của chúng tôi – Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các nhà sản xuất khách thuộc OPEC , để giúp giải quyết áp lực về giá. Chúng tôi hoan nghênh quyết định hôm nay tiếp tục tăng (sản lượng) 400.000 thùng/ngày. Cùng với việc chúng tôi phối hợp xuất kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, chúng tôi tin rằng điều đó sẽ giúp tạo điều kiện cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu”.
Trước đó cùng ngày, OPEC đã nhất trí duy trì chính sách xuất khẩu dầu mỏ hiện nay trong tháng 1/2022. Quyết định này đã làm lu mờ những ý kiến cho rằng tổ chức này sẽ hạn chế nguồn cung do quan ngại về biến thể Omicron và việc Mỹ mở kho dầu dự trữ chiến lược.
Mỹ khẳng định việc mở kho dầu dự trữ chiến lược là giải pháp ngắn hạn
Ngày 30/11, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm khẳng định kho dự trữ dầu chiến lược của nước này là công cụ sẵn có để Washington giải quyết tình trạng mất cân bằng cung-cầu bất thường về dầu mỏ trong ngắn hạn trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc chuyển sang các nguồn năng lượng ít biến động hơn.
Các bể trữ dầu của Công ty quản lý hệ thống đường ống dẫn dầu Mỹ Colonial Pipeline ở Woodbine, bang Maryland. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuần trước, Tổng thống Biden thông báo Mỹ sẽ giải phóng 50 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ dầu chiến lược (SPR), đánh dấu lần đầu tiên sau hai thập kỷ, một Tổng thống Mỹ sử dụng kho dự trữ nhằm hạ nhiệt giá dầu. Trong số trên, khoảng 32 triệu thùng sẽ được cấp cho các công ty dầu mỏ dưới dạng khoản vay và những công ty này sẽ hoàn trả lại chính phủ trong tương lai. Số còn lại sẽ được ủy quyền bán theo một đạo luật được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Granholm nhấn mạnh chính phủ có thẩm quyền để thực hiện các hoạt động trao đổi. Theo bà Granholm, Washington không kiểm soát giá dầu mà chỉ nhằm tăng nguồn cung trong ngắn hạn và mục tiêu dài hạn của chính phủ là đầu tư vào năng lượng sạch, nhờ đó Mỹ sẽ không phải phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không ổn định.
Ngoài Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước khác cũng đã mở kho dự trữ dầu chiến lược của mình song với số lượng ít hơn sau khi Chính quyền Tổng thống Biden kêu gọi các nước có nhu cầu năng lượng lớn giải phóng kho dự trữ dầu nhằm hạ nhiệt giá "vàng đen" thế giới. Trước đó, các nước sản xuất dầu mỏ như Saudi Arabia và Nga từ chối lời kêu gọi của Washington về việc tăng sản lượng dầu để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục sau đại dịch COVID-19.
Mỹ mở kho dự trữ dầu vào thời điểm giá dầu ở mức 80 USD/thùng, thấp hơn nhiều mức kỷ lục 147 USD/thùng vào năm 2008, khiến một số nhà phân tích cho rằng điều này có thể ảnh hưởng đến đầu tư vào các dự án khai thác, kể cả tại Mỹ, khi cho thấy rằng 80 USD/thùng sẽ là ngưỡng giá trên của thị trường. Trong khi đó, trong trả lời phỏng vấn kênh CNBC, đặc phái viên về an ninh năng lượng của Tổng thống Biden, ông Amos Hochstein, nhấn mạnh chính phủ sẵn sàng xuất thêm dầu mỏ từ SPR, đồng thời khẳng định đây là công cụ sẵn có của Washington.
Những diễn biến mới xung quanh lời kêu gọi mở kho dự trữ dầu của Mỹ Các nguồn thạo tin mới đây cho hay Trung Quốc chưa đưa ra cam kết về việc mở kho dự trữ dầu theo lời kêu gọi của Mỹ, trong khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không hề xem xét thay đổi chính sách sau động thái mới nhất của Chính phủ Mỹ. Bể chứa dầu tại Cushing, Oklahoma, Mỹ....