Mỹ đã tìm cách chống lại Mig-21 của Việt Nam như thế nào?
Trong chiến tranh Việt Nam, MiG-21 là nỗi khiếp sợ thật sự của các phi công Mỹ khi xâm phạm vùng trời miền Bắc. Mỹ đã phải tìm mọi cách sở hữu loại máy bay này để nghiên cứu cách khắc chế.
Vùng 51 là địa danh nổi tiếng với những chương trình vũ khí hàng không bí mật của quân đội Mỹ, nơi ra đời những mẫu máy bay với công nghệ cách mạng như U-2, SR-71, F-117A.
Tuy nhiên, nó còn có một vai trò khác, ít được biết đến hơn, đó là nơi thử nghiệm, đánh giá những mẫu chiến đấu cơ của Liên Xô. Trong đó, đáng chú ý nhất có lẽ là dự án đánh giá tiêm kích MiG-21 cuối những năm 1960.
Một chiếc Mig-21 mang phù hiệu Không quân Mỹ tại vùng 51.
MiG-21 ban đầu được thiết kế với vai trò phòng thủ, đánh chặn các máy bay ném bom của Mỹ, đặc biệt là những máy bay ném bom siêu âm như B-58 Hustler, trong điều kiện ban ngày. Với vai trò đó, những ưu tiên chính trong thiết kế của MiG-21 là kích thước nhỏ gọn, tốc độ cao, khả năng tăng cao độ nhanh.
Phương án tác chiến chính được dự tính của MiG-21 là bám theo mục tiêu từ phía sau và tiêu diệt, do đó radar không phải là ưu tiên chính. Ngoài ra, do có vai trò phòng thủ, nên tầm hoạt động cũng không phải là yêu cầu quan trọng.
Video đang HOT
Tuy vậy, trên thực tế chiến trường, MiG-21 chủ yếu được dùng trong vai trò tiêm kích cơ, tác chiến trực tiếp chống lại các chiến đấu cơ khác để giành ưu thế trên không.
MiG-21 xung trận lần đầu là trong cuộc chiến tranh Ấn Độ – Pakistan lần thứ 2 năm 1965, trong biên chế không quân Ấn Độ. Đối thủ chính của nó là F-86F của không quân Pakistan, mẫu chiến đấu cơ phản lực thế hệ đầu tiên được Mỹ sử dụng trong chiến tranh Triều Tiên.
Tuy nhiên, nhìn chung trong cả cuộc chiến, MiG-21 không có vụ không chiến đáng kể nào.
Phải đến chiến tranh Việt Nam, MiG-21 mới trở thành mối đe dọa thường trực và khiến Mỹ tìm mọi cách sở hữu nó để nghiên cứu cách khắc chế.
Vào thời điểm cuối năm 1972, không quân Mỹ đánh giá hệ thống phòng không ở miền Bắc Việt Nam là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới, với thời gian thử thách trong thực tế chiến tranh gấp đôi bất kì hệ thống phòng không nào khác trên thế giới.
Mỹ xác định 3 thành tố chủ chốt trong hệ thống này là tên lửa phòng không SA-2, mạng lưới các trạm radar và điều khiển mặt đất, và MiG-21.
Đặc biệt, sự kết hợp giữa những đài điều khiển mặt đất và MiG-21 cho phép tận dụng tối đa ưu điểm về tốc độ ở độ cao lớn của loại tiêm kích này. Những phi đội MiG-21 thường bất ngờ xuất hiện phía sau đội hình máy bay Mỹ, tấn công chớp nhoáng và nhanh chóng rút đi trước khi máy bay Mỹ kịp phản ứng.
Một phi đội F-105 đánh phá miền Bắc.
Chiến đấu cơ chủ lực của phía Mỹ lúc bấy giờ là F-4 Phantom II.
Một phân tích của không quân Mỹ vào tháng 12/1966 đánh giá rằng nếu không chiến xảy ra ở độ cao lớn, trên 6500 m, MiG-21 sẽ giành chiến thắng trước F-4 với tỷ lệ 3 trên 1, do MiG-21 được tối ưu hóa để tác chiến ở độ cao lớn – nơi nó sẽ săn tìm những máy bay ném bom Mỹ.
Tất nhiên, người Mỹ nắm lợi thế lớn về số lượng, trung bình là 6 chọi 1 trong giao chiến. Nhưng chỉ một phi đội 2 chiếc MiG-21, với sự hỗ trợ của radar mặt đất và MiG-17 hoạt động ở tầm thấp, cũng có thể gây rối loạn cho đội hình máy bay ném bom và cường kích có hộ tống của Mỹ bằng cách bắn hạ 2 hoặc 3 chiếc trong số đó với chỉ một lần tấn công bất ngờ và thoát đi ở vận tốc siêu âm.
Theo nghiên cứu của chuyên gia Rob Young tại Trung tâm tình báo hàng không và vũ trụ quốc gia (Mỹ), có một số thời điểm, vào giai đoạn tháng 6 và 7/1972, MiG-21 có thể đạt tỷ lệ giành chiến thắng 9 trên 1.
Một phi đội F-4 được tiếp nhiên liệu trên không trong chiến tranh Việt Nam.
Đại tá John Madden, một trong những phi công săn MiG hàng đầu của không quân Mỹ, đánh giá: “Họ (phi công Việt Nam) là những đối thủ rất sừng sỏ, với rất nhiều ngón nghề và chiêu thức…Họ thường xuyên dựng lên những cái bẫy và chỉ nhờ vào số lượng máy bay mà chúng tôi mới có thể chiếm ưu thế trước họ.”
Mig-21 tại Vùng 51, bang Nevada.
Khi đang lúng túng với MiG-21, người Mỹ bất ngờ nhận được sự giúp đỡ giá trị từ đồng minh Israel, đó là được mượn một chiếc MiG-21 còn nguyên vẹn. Vậy bằng cách nào Israel lại có trong tay MiG-21? Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo: “Israel và chiến dịch kim cương”.
Theo Đại Lộ