Mỹ đã “thua” Nga trong cuộc trừng phạt Syria?
Nga hôm qua (9/9) đã đưa ra một đề xuất mang tính đột phá giúp giải quyết tình trạng bế tắc trong cuộc khủng hoảng ở Syria hiện nay. Đề xuất bất ngờ của Nga đẩy Mỹ vào thế ngày càng khó phát động một cuộc tấn công vào đất nước Trung Đông dựa trên cái cớ ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học. Có vẻ như chưa đánh, Mỹ đã thất bại trước Nga trong “cuộc chiến” ở Syria.
Ảnh minh họa
Báo chí thế giới hôm qua và hôm nay (10/9) đã đăng tải một loạt thông tin về việc Nga vừa đưa ra một đề xuất tích cực, có tính khả thi nhằm “tháo ngòi nổ” cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Cụ thể, Moscow đã đề nghị đặt kho vũ khí hoá học của Syria trong sự kiểm soát của quốc tế.
Đề xuất trên được Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov đưa ra ngày hôm qua ở thủ đô Moscow. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy, cộng đồng quốc tế có thể tìm được một giải pháp ngoại giao cho “cuộc đối đầu” mang tầm quốc tế liên quan đến cuộc nội chiến ở Syria kể từ sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8 khiến hơn 1.400 người chết.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được biết về đề xuất của Nga trước khi nó được công bố bởi ông này đã nhận được một cú điện thoại từ người đồng cấp Sergei Lavrov khoảng hai giờ trước chuyến bay từ London trở về Washington, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. Theo lời ông Lavrov, Nga “sẵn sàng tham gia” vào vấn đề thanh tra, giám sát và thu giữ kho vũ khí hóa học của Syria.
Rõ ràng, việc Moscow đưa ra đề xuất đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát và quản lý của quốc tế đã đặt Washington vào thế bí. Mỹ đang tập hợp sự ủng hộ dựa trên cái cớ trừng phạt chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad về tội sử dụng vũ khí hóa học đồng thời ngăn chặn tình trạng này tái diễn. Trong khi Mỹ chưa ra được những bằng chứng toàn diện đủ sức thuyết phục người dân trong nước và cộng đồng quốc tế về việc ông Assad đã ra lệnh thực hiện cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học thì nước này cũng mất luôn cái cớ đánh Syria để ngăn chặn tình trạng sử dụng vũ khí hóa học tái diễn.
Với đề xuất vừa được Nga đưa ra, cộng đồng quốc tế đã có thể thực hiện được mục tiêu không cho chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. Vậy, câu hỏi được đặt ra lúc này là Mỹ còn đánh Syria làm gì nữa? Hơn nữa, giải pháp của Nga dễ dàng được các nước hoan nghênh nhiệt liệt bởi họ đều không muốn một cuộc tấn công của Mỹ vào Syria sẽ “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến khu vực Trung Đông bất ổn “bùng nổ”.
Video đang HOT
Phản ứng của Mỹ
Giới quan chức Mỹ đã có những câu trả lời mang tính tích cực trước đề xuất của Nga. Trả lời câu hỏi của phóng viên ở thủ đô London rằng liệu có bất kỳ con đường nào có thể giúp ông Assad tránh được một cuộc tấn công từ Mỹ, Ngoại trưởng Kerry cho biết: “Tất nhiên là có. Ông ta có thể nộp toàn bộ kho vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế vào tuần tới”.
Trong khi đó, Tổng thống Obama nhanh chóng khen ngợi đề xuất của Nga là một “diễn biến tích cực, mang tính đột phá”. Ông này cũng bày tỏ mong muốn tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Syria hơn là phát động một cuộc tấn công vào đây.
Những phát biểu của Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry được đưa ra đúng thời điểm chính quyền Mỹ đang thực hiện một chiến dịch mạnh mẽ trên khắp các “mặt trận” nhằm tìm kiếm, tập hợp sự ủng hộ cho một cuộc tấn công nhằm vào Syria. Chỉ trong một buổi chiều, ông Obama đã “chiếm sóng” liên tiếp 6 kênh truyền hình lớn chỉ để nói về vấn đề Syria nhằm thuyết phục người dân Mỹ ủng hộ cho kế hoạch của ông. Trong khi đó, các quan chức khác của chính quyền cũng hối hả, nỗ lực thực hiện một loạt hoạt động khác nhằm vận động sự ủng hộ cho chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria.
Liệu rằng đề xuất của Nga có làm Mỹ thay đổi kế hoạch mà họ tỏ ra rất quyết tâm thực hiện? Xét về cái cớ để đánh Syria lúc nào, chính quyền Mỹ đang ở thế “yếu”. Nếu Mỹ không có câu trả lời tích cực cho đề xuất của Nga thì nước này dễ dàng bị lên án bởi giới chức Mỹ thường xuyên tuyên bố ưu tiên cho lựa chọn ngoại giao. Chính vì thế, cả ông Obama và ông Kerry đều có những phát biểu công khai về việc hủy bỏ kế hoạch tiến đánh Syria nếu nước này từ bỏ vũ khí hóa học. Ông Obama đã nói, nếu chính quyền Syria nộp kho vũ khí hóa học, kế hoạch tiến đánh Syria “chắc chắn” sẽ được dừng lại.
Tuy nhiên, có vẻ như lời nói vẫn chỉ là lời nói. Washington dường như không muốn từ bỏ kế hoạch tấn công Syria bởi các quan chức Mỹ ngay sau khi lên tiếng hoan nghênh đề xuất của Nga đã bày tỏ sự hoài nghi về việc Syria sẽ nộp kho vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế. Như vậy, Mỹ vẫn tìm ra cái cớ để chuẩn bị kế hoạch can thiệp vào Syria.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin NBC, ông chủ Nhà Trắng đã nói rằng, Mỹ sẽ xem xét kỹ đề xuất của Nga nhưng ông vẫn nghi ngờ việc Syria sẽ sẵn sàng nộp vũ khí hóa học. Tổng thống Obama cũng cho biết, Ngoại trưởng Kerry sẽ chịu trách nhiệm phối hợp với phía Nga để tìm hiểu về đề xuất mà Moscow đưa ra. Trước đó, ông Kerry cũng nói rằng, ông này không tin là chính quyền Syria sẽ từ bỏ vũ khí hóa học.
Cùng quan điểm với Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry, phó cố vấn ninh ninh quốc gia Tony Blinken cũng bày tỏ sự nghi ngờ về việc Syria sẵn sàng để cho kho vũ khí hóa học của họ nằm dưới sự quản lý và kiểm soát của cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, đề xuất của Nga chắc chắn sẽ gây cản trở hơn nữa đối với kế hoạch đánh Syria vốn đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ người dân trong nước Mỹ lẫn nhiều nước bên ngoài. Lãnh đạo Đa số của Thượng viện Mỹ – ông Harry Reid đã hoãn cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ về việc có cho phép tiến hành một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria hay không. Cuộc bỏ phiếu này ban đầu dự kiến sẽ diễn ra vào ngày mai (11/9).
Đề xuất của Nga cũng đã ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Ông này cho biết, ông có thể kêu gọi Hội đồng Bảo an “yêu cầu chuyển giao ngay lập tức kho vũ khí hóa học của Syria” cho cộng đồng quốc tế để nó có thể được cất giữ an toàn hoặc bị phá hủy.
Theo_VnMedia
Phe nổi dậy Syria có vũ khí san phẳng đất nước?
Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc hôm qua (8/5) cho biết, chính phủ nước này đã phát hiện ra một kho vũ khí hóa học khổng lồ được cho là do phe nổi dậy để lại. Số lượng vũ khí hủy diệt này đủ để phá hủy một thành phố nếu không nói là toàn bộ đất nước.
(Ảnh minh họa)
Kho vũ khí hóa học được phát hiện ở khu vực tây bắc Syria bao gồm khoảng 280 container chứa đầy những chất độc hại như ethylene glycol, ethanolamine, diethanolamine và triethanolamine, Đại sứ Bashar Ja"afari cho các phóng viên biết ở thành phố New York.
"Số lượng vũ khí hóa học thu được đủ để phá hủy toàn bộ một thành phố nếu không nói là toàn bộ đất nước", ông Ja"afari cho hay nhưng không đề cập đến thời gian họ phát hiện ra kho vũ khí hóa học nói trên là khi nào. "Hiện tại, chính quyền Syria đang mở một cuộc điều tra liên quan đến kho vũ khí hóa học tịch thu được".
Theo Đại sứ Syria, kho vũ khí hóa học mà họ phát hiện được "kiểm soát và giám sát bởi các phe nhóm chống chính phủ có vũ trang".
Tất cả những chất hóa học mà Đại sứ Ja"afari nhắc đến ở trên thực sự đều độc hại cho con người nhưng nó lại được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp. Không có chất hóa học nào trong đó được xem là vũ khí hóa học.
Cả quân chính phủ và phe nổi dậy trong cuộc nội chiến ở Syria thường xuyên đổ lỗi, cáo buộc cho nhau về việc đã dùng vũ khí hóa học trên chiến trường trong những tháng gần đây. Các quan chức chính phủ tố cáo phe nổi dậy đã sử dụng vũ khí hóa học chống quân đội của Tổng thống Assad trong một cuộc tấn công hồi tháng 3 ở bên ngoài thành phố phía bắc Aleppo.
Nhà ngoại giao Ja"afari đã mời một ủy ban Liên Hợp Quốc đến điều tra về tình trạng sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và mời cao ủy về vấn đề giải trừ vũ khí của tổ chức này -Angela Kane, đến để thực hiện một cuộc điều tra riêng rẽ khác.
Tuy nhiên, ông Ja"afari cho biết, các cuộc điều tra chỉ được thực hiện ở Aleppo chứ không được tiến hành ở các khu vực khác của Syria như đề nghị trước đó của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon.
Trong khi chính quyền Syria đổ lỗi cho phe nổi dậy sử dụng vũ khí hóa học thì Mỹ mới đây cũng đưa ra kết luận rằng, quân của ông Assad cũng đã nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến mặc dù ở quy mô nhỏ. Một số tổ chức quốc tế tin rằng, trên thực tế, cả quân chính phủ và phe nổi dậy Syria đều đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua ở đất nước này.
Khoảng 100.000 người được tin là đã mất mạng trong các cuộc giao tranh đẫm máu và ác liệt giữa quân chính phủ và phe nổi dậy kể từ khi cuộc nội dậy ở Syria bùng lên hồi tháng 3 năm 2011.
Theo RIA
Lãnh đạo Thượng viện Mỹ hoãn bỏ phiếu về Syria Ông Harry Reid, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mỹ, hôm 9.9 tuyên bố ông sẽ hoãn một cuộc bỏ phiếu mang tính thủ tục quan trọng về việc cho phép chính phủ nước này can thiệp quân sự vào Syria. Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mỹ Harry Reid - Ảnh: AFP Những nghị sĩ ủng hộ chính...