Mỹ công bố giai đoạn ‘nóng kỷ lục’ của khí hậu toàn cầu
Phóng viên TTXVN tại New York dẫn dữ liệu mà Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương (NOAA) của Mỹ công bố ngày 13/1 cho thấy 9 năm liên tục từ 2013 đến 2021 được ghi nhận có nhiệt độ lên tới mức “ nóng kỷ lục” và tình trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với con người rằng khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu đã rất gần và nghiêm trọng.
Nhiệt độ ngoài trời lên đến 54 độ C tại Furnace Creek, bang California, Mỹ, ngày 17/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo NOAA, trong năm 2021, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 0,84 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20, và là năm có nhiệt độ cao thứ 6 tính từ khi thống kê bắt đầu được tiến hành vào năm 1880. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nồng độ ngày càng cao của các loại khí giữ nhiệt như khí thải carbon dioxide. Các nhà khoa học dự báo gần như chắc chắn rằng 2022 sẽ là năm có nhiệt độ cao thứ 10 trong lịch sử.
Phân tích của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng cho thấy 2021 và 2018 là những năm ở trong danh sách 6 năm có nhiệt độ nóng nhất từ trước tới nay và rằng sự gia tăng lượng khí nhà kính kể từ khi con người tiến hành cách mạng công nghiệp đến nay là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hành tinh nóng lên.
Những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng thấy rõ trong những năm gần đây, trong đó có hàng loạt các vụ cháy rừng xảy ra ở khắp nơi, từ Australia cho tới Siberia, những đợt nắng nóng kéo dài ở Bắc Mỹ và mưa lũ, lụt lội ở châu Á, châu Phi, Mỹ và cả châu Âu.
Tính riêng ở Mỹ, đã có gần 700 người chết trong năm 2021 tại những thời điểm điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Với tốc độ ấm lên như hiện nay, các nhà khoa học cho rằng Trái Đất sẽ nóng thêm 1,5 độ C vào năm 2030.
Những dữ liệu mới công bố của NOAA càng khẳng định thêm sự cấp thiết thế giới phải nỗ lực hơn nữa để có các giải pháp nhằm đảm bảo Trái Đất không nóng lên quá 1,5 độ C nếu như muốn tránh được thiên tai như siêu bão, sóng thần, lụt lội mà hệ quả là sự tàn lụi của thiên nhiên và sự hủy diệt các cộng đồng người sinh sống ven biển.
IAE cảnh báo nhu cầu điện than sẽ tăng lên mức kỷ lục trong năm nay
Ngày 17/12, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo xu hướng gia tăng sử dụng than đá tại Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ có thể khiến nhu cầu sản xuất điện từ nguyên liệu này lên mức cao kỷ lục trong năm nay, qua đó làm suy yếu các nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Khói bốc lên từ nhà máy nhiệt điện ở Adamsville, bang Alabama, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
IEA dự báo sản lượng nhiệt điện than sẽ đạt mức 10.350 TWh trong năm 2021. Nguyên nhân là do đà phục hồi kinh tế nhanh chóng khiến nhu cầu điện tăng mạnh, vượt quá khả năng đáp ứng của các nguồn cung điện sử dụng nguyên liệu có mức phát thải thấp. Dự báo nhu cầu than đá, bao gồm nhu cầu của các ngành sản xuất xi măng và thép, sẽ tăng 6% trong năm nay.
Mặc dù con số này sẽ không vượt mức tiêu thụ kỷ lục của năm 2013 và 2014, song có khả năng sẽ tăng lên mức kỷ lục vào năm tới. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol khẳng định xu hướng này là dấu hiệu đáng quan ngại, cho thấy những nỗ lực nhằm đạt mục tiêu trung hòa khí thải của thế giới đã đi chệch hướng như thế nào.
IEA cho biết Trung Quốc đóng góp tới hơn 50% sản lượng nhiệt điện than trên toàn cầu. Dự báo trong năm 2021, con số này sẽ tăng 9% so với năm 2020. Trong khi đó, sản lượng nhiệt điện than tại Ấn Độ sẽ tăng 12% trong năm nay.
Tháng trước, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Vương quốc Anh), các nước đã nhất trí giảm mức tiêu thụ than đá trong nỗ lực nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Phía Trung Quốc đã cam kết bắt đầu giảm tiêu thụ than đá sau năm 2025, điều này làm dấy lên quan ngại rằng công suất nhiệt điện than của nước này sẽ tiếp tục tăng trong 4 năm tới.
EU sắp công bố phần hai của chính sách chống biến đổi khí hậu Các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/12 sẽ đưa ra phần hai của một loạt đề xuất nhằm cắt giảm lượng khí thải trong nền kinh tế trong thập niên này và đưa khối 27 quốc gia này đi đúng hướng trong việc trung hòa khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050. Khí thải...