Mỹ có thể trả giá đắt vì tàu đổ bộ bị cháy
Mỹ khó sửa chữa tàu USS Bonhomme Richard bị cháy, trong khi chi phí đóng tàu đổ bộ lớp America thay thế có thể lên tới 4 tỷ USD.
Hải quân Mỹ hôm 16/7 thông báo đã kiểm soát được đám cháy trên tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard sau bốn ngày chiến đấu với ngọn lửa. Chuẩn đô đốc Philip Sobeck, chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 3 hải quân Mỹ, tin rằng con tàu có thể được sửa chữa và trở lại hoạt động, nhưng nhấn mạnh hải quân Mỹ chưa quyết định có thực hiện công việc tốn kém này không.
Hải quân Mỹ từng nhiều lần hồi sinh chiến hạm bị hư hại nặng trong chiến đấu, nhưng hiếm khi tàu chiến hư hỏng do đám cháy ngoài tình huống chiến đấu được phục hồi. Ngay cả khi được sửa chữa, Bonhomme Richard sẽ phải nằm cảng thêm nhiều năm trước khi đủ điều kiện ra biển.
USS Bonhomme Richard sau khi đám cháy được kiểm soát hôm 16/7. Ảnh: US Navy.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng phương án này quá tốn kém, không hiệu quả và Lầu Năm Góc nên loại biên USS Bonhomme Richard để đóng tàu mới thay thế. Dù vậy, giải pháp thay thế cũng sẽ tốn nhiều tiền của và thời gian trước khi Washington có thể lấp chỗ trống trong lực lượng tàu đổ bộ tiền phương.
Video đang HOT
“Một con tàu mới sẽ mất nhiều năm chế tạo và tiêu tốn tổng cộng khoảng 4 tỷ USD”, Todd Harrison, chuyên gia ngân sách quốc phòng ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Mỹ hoàn tất chương trình chế tạo tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp từ năm 2006, thời điểm chiếc cuối cùng là USS Makin Island được hạ thủy, khiến nước này không thế đóng thêm một tàu lớp Wasp để thế chỗ USS Bonhomme Richard.
Hải quân Mỹ có thể kích hoạt một trong hai tàu đổ bộ lớp Tarawa đang niêm cất là USS Nassau hoặc USS Peleliu như một phương án tình thế. Dù vậy, cả hai tàu này đều có tuổi thọ quá cao và không được lắp những hệ thống tác chiến hiện đại, nhiều khả năng cũng không thể vận hành tiêm kích tàng hình F-35B như Bonhomme Richard.
Tái kích hoạt tàu chiến cũ thuộc lớp Tarawa cũng tốn không ít ngân sách, trong khi chúng không bảo đảm thời gian hoạt động đủ lâu để thực hiện nhiệm vụ dài hạn.
Giải pháp khả dĩ nhất là đóng mới một tàu đổ bộ tấn công lớp America, do chúng có tính năng và nhiệm vụ tương đồng với USS Bonhomme Richard. Hải quân Mỹ hiện biên chế hai chiếc gồm USS America và USS Tripoli, chiếc thứ ba đang được thi công tại nhà máy Huntington Ingalls Industries nhưng sẽ không thế chỗ USS Bonhomme Richard.
USS America hoạt động trên Thái Bình Dương hồi tháng 2. Ảnh: US Navy.
Dự án đóng tàu đổ bộ lớp America đã tiêu tốn gần 10,1 tỷ USD cho ba chiếc đầu tiên. Mỗi tàu mất khoảng ba năm từ khi khởi đóng đến lúc hạ thủy, sau đó là hai năm chạy thử trên biển.
“Hải quân Mỹ sẽ phải trả giá rất đắt vì sự cố này”, chuyên gia Harrison nhận xét. Hiện nguyên nhân vụ cháy vẫn chưa được xác định và hải quân Mỹ sẽ chưa mở cuộc điều tra cho đến khi các thủy thủ đảm bảo không còn bất kỳ đám cháy nào trong tàu.
Mỹ dập tắt cháy trên chiến hạm tỷ đô
Hải quân Mỹ thông báo kiểm soát được đám cháy tàu đổ bộ USS Bonhomme Richard sau 4 ngày, nhưng chưa xác định được mức độ thiệt hại.
"Lực lượng cứu hỏa đã dập tắt mọi đám cháy được xác định trên tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard. Chúng tôi chưa biết nguồn gốc vụ cháy cũng như mức độ thiệt hại. Còn quá sớm để đưa ra nhận định hoặc lời hứa hẹn về tương lai của chiến hạm này", chuẩn đô đốc Philip Sobeck, chỉ huy Nhóm tác chiến viễn chinh số 3 hải quân Mỹ, cho biết hôm 16/7.
Quan chức Mỹ cho biết 63 người, gồm 40 thủy thủ hải quân Mỹ và 23 lính cứu hỏa liên bang, bị thương nhẹ trong quá trình chữa cháy, không có ai phải nằm viện. "Mọi thủy thủ đều là lính cứu hỏa và chúng tôi đã chứng minh phương châm đó. Tàu Bonhomme Richard cũng cho thấy khả năng sống sót. Nó luôn duy trì ổn định trong suốt những ngày qua", ông nói thêm.
Thượng tầng bị hư hại của USS Bonhomme Richard hôm 16/7. Ảnh: US Navy.
4 khoang tác chiến bên dưới thân tàu không bị hư hại nặng như dự đoán và cấu trúc bên ngoài của chiến hạm vẫn ổn định. Chuẩn đô đốc Sobeck tin rằng con tàu có thể được sửa chữa và trở lại hoạt động, nhưng nhấn mạnh hải quân Mỹ chưa quyết định có thực hiện công việc tốn kém này không. Nhiều chuyên gia cho rằng phương án này quá tốn kém và Lầu Năm Góc nên loại biên USS Bonhomme Richard.
"Chi phí sửa chữa có thể lên tới hàng trăm triệu USD nếu con tàu không bị phá hủy hoàn toàn, trong khi đóng tàu thay thế sẽ mất nhiều năm và tiêu tốn khoảng nhiều tỷ USD", Lawrence Brennan, đại tá hải quân Mỹ về hưu, nêu quan điểm.
"Bạn sẽ không thể sửa chữa nó. Con tàu này đã 23 tuổi, tốt nhất là kéo nó ra biển và đánh đắm ở một khu vực nào đó, sau đó bắt đầu đóng mới một tàu đổ bộ lớp America", đại tá hải quân về hưu Earle Yerger, cựu chỉ huy tàu đổ bộ tấn công USS Bataan, nêu quan điểm.
USS Bonhomme Richard là chiếc thứ sáu trong lớp tàu đổ bộ tấn công Wasp, loại chiến hạm lớn thứ hai trong biên chế hải quân Mỹ, chỉ sau tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tàu được biên chế từ năm 1998, đã tham gia một số hoạt động quân sự trong những năm qua. Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ ước tính USS Bonhomme Richard có giá trị hơn một tỷ USD.
Một số chuyên gia nhận định sự cố này có thể khiến con tàu hỏng hoàn toàn và bị loại biên, ảnh hưởng lớn đến tham vọng biến tàu đổ bộ thành tàu sân bay hạng nhẹ của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc không ngừng gia tăng.
Chiến hạm tỷ đô Mỹ vẫn cháy sau 4 ngày Tàu đổ bộ USS Bonhomme Richard không còn bốc khói mù mịt, nhưng vẫn có nhiều đám cháy trong khoang sau 4 ngày hỏa hoạn. Hàng trăm thủy thủ hải quân Mỹ cùng lực lượng cứu hỏa San Diego, bang California đã nỗ lực suốt 4 ngày qua để khống chế đám cháy trên tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard đang...