Mỹ: Chủng Delta “lan như cháy rừng”, ca Covid-19 vượt mốc 35 triệu
Số ca mắc Covid-19 tại Mỹ đã vượt mốc 35 triệu, khi biến chủng Delta vẫn đang bùng phát mạnh tại nước này.
Số ca mắc Covid-19 tại Mỹ đang có xu hướng tăng trở lại do biến chủng Delta (Ảnh: Getty).
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nước này hiện ghi nhận trung bình khoảng 70.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày. Riêng trong ngày 30/7, Mỹ ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm mới.
Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần này tại Mỹ thấp hơn nhiều so với các đợt trước đó, mặc dù số người chết có xu hướng tăng lên gần đây, lên khoảng 300 trường hợp mỗi ngày. Hồi tháng 1, hơn 3.500 người tử vong vì Covid-19 mỗi ngày tại Mỹ.
Theo phân tích của Reuters , số ca nhiễm mới trung bình được ghi nhận mỗi ngày tại Mỹ đã tăng gần gấp đôi trong 10 ngày qua và số bệnh nhân nhập viện ở nhiều bang đang tăng mạnh.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, số ca mắc Covid-19 tại Mỹ hiện vượt mốc 35 triệu, trong khi số ca tử vong lên tới hơn 629.000 người. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ có sẵn nguồn cung vắc xin Covid-19, đợt bùng phát dịch lần này tại Mỹ có sự khác biệt so với các đợt trước. Cho đến nay, những người chưa được tiêm chủng vẫn có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Trong khi đó, những người đã tiêm vắc xin vẫn có thể mắc Covid-19, song ít có khả năng trở bệnh nghiêm trọng.
Phần lớn các trường hợp nhập viện và tử vong vì Covid-19 xảy ra ở những người chưa được tiêm chủng. Tiến sĩ Gregory Ba Lan, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Mayo Clinic, cho biết đối với những người đã được tiêm vắc xin, nếu mắc Covid-19, họ sẽ chỉ bị bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Các ổ dịch lớn nhất tại Mỹ hiện nay là những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Trong bối cảnh biến chủng Delta với khả năng lây nhiễm cao dẫn đến sự gia tăng số ca nhiễm mới, tỷ lệ tiêm vắc xin tại Mỹ đang bắt đầu tăng trở lại sau khoảng thời gian duy trì ở mức thấp.
“Đây giống như một đám cháy rừng, chứ không còn là đám cháy âm ỉ. Đó là đám lửa đang bùng cháy dữ dội”, Michelle Barron, giám đốc y tế cấp cao về phòng chống và kiểm soát nhiễm trùng tại UCHealth, bang Colorado, Mỹ nhận định về sự bùng phát của biến chủng Delta.
Các bác sĩ tại Mỹ cho biết những bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta dường như trở bệnh nhanh hơn, và trong một số trường hợp có các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với những bệnh nhân trước đây.
Biến chủng Delta bắt nguồn tại Ấn Độ và lần đầu tiên được ghi nhận ở Mỹ vào tháng 3. Biến chủng này sau đó nhanh chóng lấn át các biến chủng khác và lan rộng tại Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ước tính cứ 10 ca nhiễm mới thì có 8 ca nhiễm biến chủng Delta.
Trung bình Mỹ triển khai tiêm khoảng 660.000 liều vắc xin mỗi ngày, tăng so với 500.000 liều mỗi ngày hồi tháng 7. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hơn 3 triệu liều mỗi ngày vào tháng 4.
Các bang có số ca nhiễm mới tính theo đầu người cao nhất tại Mỹ là Louisiana, Florida, Arkansas và Mississippi. Cả 4 bang này đều có tỷ lệ tiêm chủng tương đối thấp.
Hiện vẫn còn tranh cãi về việc áp đặt trở lại quy định đeo khẩu trang tại Mỹ sau khoảng thời gian chứng kiến số ca nhiễm giảm xuống. Tuy nhiên, CDC vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, kể cả những người đã tiêm vắc xin.
Tỷ lệ ca bệnh nặng, đặc biệt là ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, một lần nữa khiến các nhân viên y tế tại Mỹ phải căng mình trên tuyến đầu chống dịch.
Trung Quốc bước vào cuộc chiến căng thẳng với biến chủng Delta
Trung Quốc đang ra sức đối phó đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ đợt bùng phát ở Vũ Hán sau khi biến chủng Delta xuất hiện và lan rộng đến nhiều tỉnh, thành của nước này.
Giới chức Trung Quốc thừa nhận Delta là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát Covid-19 hiện nay ở nước này (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Theo Thời báo Hoàn cầu (Global Times) , chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ giữa tháng 7, biến chủng Delta đã lan ra hơn 30 thành phố ở 19 trong tổng số 32 tỉnh của Trung Quốc. Mặc dù đến nay Trung Quốc mới ghi nhận hơn 300 ca nhiễm trong đợt bùng phát mới nhất này, một con số tương đối nhỏ so với nhiều nơi trên thế giới, nhưng độ phủ của đợt dịch cho thấy biến chủng Delta đã âm thầm len lỏi trong một thời gian trong cộng đồng ở nơi vốn áp dụng những biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt nhất thế giới.
Giới chức y tế địa phương cho biết, đợt bùng phát mới này bắt nguồn từ nhân viên vệ sinh của sân bay quốc tế Lộc Khẩu ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô nhiễm bệnh khi lau dọn trên một máy bay từ Nga. Mầm bệnh sau đó lây lan giữa các nhân viên của sân bay và chỉ 10 ngày sau 9 công nhân vệ sinh ở đây mới được phát hiện nhiễm bệnh.
Dịch nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh, thành của Trung Quốc, lan đến cả những thành phố lớn như Bắc Kinh. Đây có thể coi là thách thức lớn nhất với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ sau đợt bùng phát dịch ở Vũ Hán vào cuối năm 2019.
Từ tháng 3 năm ngoái, Trung Quốc chỉ đối phó với các cụm dịch nhỏ và chủ yếu là các ca nhập khẩu. Các biện pháp chống dịch quyết liệt như xét nghiệm, truy vết diện rộng, cách ly và phong tỏa nghiêm ngặt đã giúp Trung Quốc về cơ bản khống chế được các đợt bùng phát.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Delta đang thách thức cả chiến lược này. Delta len lỏi vào các "thành trì" của Trung Quốc khi người dân ở đây mới bắt đầu nới lỏng các biện pháp như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội vì nhiều nơi ở nước này đã "sạch bóng" Covid-19 trong nhiều tháng. Điều này cùng với tình trạng di chuyển gia tăng trong các tháng hè đã tạo điều kiện cho Delta lây lan. Bloomberg đưa tin ngày 2/8, trong vòng 24h qua, Trung Quốc có thêm 99 ca nhiễm mới, trong đó 44 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng.
Đợt dịch mới bùng phát từ một sân bay quốc tế của Trung Quốc ở Nam Kinh (Ảnh minh họa: VCG).
Để đối phó với làn sóng bùng phát mới, các thành phố của Trung Quốc đang triển khai các biện pháp quyết liệt như xét nghiệm diện rộng, yêu cầu người dân không ra khỏi thành phố.
Tại Nam Kinh, giới chức y tế địa phương đã xét nghiệm 3 đợt cho toàn bộ hơn 9 triệu người dân. Tại Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam, thành phố gần 13 triệu dân này đã lập ra hơn 4.000 điểm lấy mẫu xét nghiệm để hoàn thành mục tiêu xét nghiệm cho người dân toàn thành phố trong vòng 3 ngày bắt đầu từ 1/8. Thành phố Dương Châu ở tỉnh Giang Tô cũng siết các biện pháp ứng phó dịch, tiến hành xét nghiệm quy mô lớn đợt hai từ hôm qua. Thành phố này cũng đã tạm dừng toàn bộ dịch vụ giao thông công cộng.
Tại thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, chính quyền yêu cầu người dân không ra khỏi địa phương sau khi ghi nhận thêm 6 ca nhiễm mới hôm 1/8. Tất cả những người muốn ra khỏi địa phương vì lý do cần thiết buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48h. Đặc biệt, người dân ở 5 quận nơi phát hiện các ca lây nhiễm, người dân được đề nghị ở nhà 3 ngày trừ khi có việc khẩn cấp. Các địa điểm công cộng như các cơ sở giải trí, di tích lịch sử phải đóng cửa, học sinh được nghỉ học. Đến nay, hơn 30 thành phố của Trung Quốc đã đưa ra những quy định tương tự.
COVID-19 tại ASEAN hết 1/8: Vượt 150.000 ca tử vong; Campuchia tiêm trộn vaccine mũi 3 Trong ngày 1/8, các nước ASEAN ghi nhận thêm trên 84.000 ca nhiễm mới và 2.019 ca tử vong, nâng tổng người thiệt mạng vì đại dịch vượt 150.000 ca. Campuchia quyết định tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi và tiêm trộn vaccine mũi 3 cho tuyến đầu. Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhà sư tại Bangkok, Thái Lan, ngày...