Mỹ chỉ trích Trung Quốc vụ chiến đấu cơ áp sát máy bay Nhật
Một phát ngôn viên chính phủ Mỹ ngày 11/6 đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về một vụ việc trong đó hai chiến đấu cơ nước này bay gần bất thường máy bay Nhật Bản trong vùng không phận quốc tế trên Hoa Đông cùng ngày.
Máy bay trinh sát Nhật bay gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
“Bất kỳ nỗ lực nào nhằm cản trở tự do bay trong vùng không quốc tế đều gây ra các căng thẳng trong khu vực và làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm, sự đối đầu và các vụ việc không lường trước được”, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói trong cuộc họp báo hôm qua.
Bà Psaki đã hối thúc Trung Quốc và Nhật Bản thiết lập hệ thống liên lạc khẩn cấp để tránh “các tính toán sai lầm hoặc các vụ việc khác trên biển cũng như trên không”.
Bình luận trên của phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ diễn ra sau khi Tokyo phản đối mạnh mẽ việc các chiến đấu cơ Trung Quốc tiếp cận ở khoảng cách rất gần các máy bay Nhật.
Bộ quốc phòng Nhật cho biết, các chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc đã áp sát các máy bay trinh sát của lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở khoảng cách chỉ 30 m trong khoảng thời gian từ 11-12h sáng ngày 11/6 giờ địa phương.
“Các Su-27 của Trung Quốc bay liều lĩnh tới nỗi phi công của lực lượng phòng vệ Nhật cảm nhận được mối nguy hiểm”, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Itsunori Onodera nói với người đồng cấp Úc David Johnston đang có chuyến thăm Tokyo.
“Hành động nguy hiểm”
Giới chức tại đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh cho biết Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh Hidehisa Horinouchi đã có cuộc điện đàm vào tối ngày 11/6 với ông Khổng Huyễn Hựu, vụ trưởng vụ châu Á của Bộ ngoại giao Trung Quốc, để phản đối về vụ việc.
Video đang HOT
Ông Horinouchi lưu ý rằng các máy bay quân sự Trung Quốc cũng bay gần bất thường các máy bay Nhật hồi tháng trước.
Đại sứ Nhật cho hay rất đáng tiếc khi một vụ việc tương tự lại xảy ra một lần nữa bất chấp sự phản đối mạnh mẽ và yêu cầu của Tokyo rằng Bắc Kinh phải thực hiện các bước đi để tránh những vụ việc tương tự.
Theo ông Horinouchi, hành động nguy hiểm của Trung Quốc có thể dẫn tới một vụ việc bất ngờ. Quan chức này hối thúc giới chức Trung Quốc nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề.
Nhà ngoại giao Nhật cũng kêu gọi Trung Quốc thiết lập cơ chế thông tin khẩn cấp giữa giới chức quốc phòng hai nước.
Hồi tháng 11/2013, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông, vốn chồng chéo một vùng tương tự của Nhật. Vụ việc đã làm gia tăng những lo ngại rằng một sự cố nhỏ có thể nhanh chóng leo thang thành xung đột lớn.
Bộ quốc phòng Nhật hồi tháng 4 cho biết, Nhật đã 415 lần điều máy bay chiến đấu để chặn các máy bay Trung Quốc trong năm qua tính tới hết tháng 3/2014, tăng 36% so với năm trước đó. Đó cũng là số lần xuất kích cao nhất kể từ khi Bộ quốc phòng Nhật bắt đầu công bố các số liệu cụ thể từ năm 2001.
Trong khi đó, tại các vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh ở Hoa Đông, các tàu tuần tra của cả hai nước thường chơi trò “mèo đuổi chuột”, làm gia tăng những lo ngại về một vụ xô xát bất ngờ.
Các lực lượng trên biển, trên không và trên bộ Nhật Bản hồi tháng trước đã tiến hành một cuộc tập trận giả định giành lại đảo bị chiếm đóng, cho thấy những lo ngại của Tokyo đối với an ninh của các hòn đảo.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng đã leo thang ở Biển Đông và Hoa Đông trong những tuần gần đây, sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép một giàn khoan dầu trong vùng lãnh hải của Việt Nam.
Bộ ngoại giao Philippines hồi tháng 5 đã cáo buộc Trung Quốc tiến hành công tác cải tạo đất tại một bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông và dường như đang xây dựng một đường băng ở đó.
Theo Dantri
Vũ điệu nguy hiểm TrungNhật trên biển Hoa Đông Kỳ 1: Ăn miếng, trả miếng
Trung Quốc và Nhật Bản cần phải có một động cơ để hành động và làm giảm căng thẳng trước khi sự việc trở nên tồi tệ.
Tại Đối thoại Shangri La vừa rồi, thủ tướng Nhật Bản ông Shinzo Abe và Trung tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đã có cuộc đấu khẩu về hành vi của mỗi nước trong khu vực. Ông Abe, được cho là ủng hộ các quốc gia ASEAN có xung đột chủ quyền với Trung Quốc, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, gián tiếp chỉ trích cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với những tranh chấp chủ quyền trong khu vực.
Đáp lại, tướng Vương cũng cáo buộc ông Abe đang kích động xung đột. Điều này phản ánh một tình huống nguy hiểm đang diễn ra ở Biển Hoa Đông, có thể dẫn đến những hậu quả trong thế giới thực mà rất khó để giảm leo thang căng thẳng. Nếu như cả hai bên sẵn sàng mạo hiểm cho một cuộc xung đột ngoài ý muốn, thì đã đến lúc Bắc Kinh và Tokyo cần phải thảo luận về các quy tắc chung về sự tương tác giữa lực lượng vũ trang của họ.
Máy bay Trung Quốc áp sát máy bay Nhật Bản trong vùng ADIZ chồng lấn.
Có một vấn đề mới xuất hiện đó là vụ va chạm giữa máy bay quân sự hai nước diễn ra hôm 24/5. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết ngày 24/5, hai máy bay chiến đấu Trung Quốc đã bay sát một cách bất thường các máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trên vùng biển quốc tế thuộc Biển Hoa Đông, nơi các Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hai nước chồng lấn nhau.
Theo phía Nhật Bản, đây là cự li gần nhất mà máy bay chiến đấu Trung Quốc tiếp cận máy bay của SDF. Các máy bay chiến đấu này được xác định là Su-27 phiên bản Trung Quốc. Một trong số đó bay chỉ cách máy bay YS-11EB của Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF) trong phạm vi khoảng 30 mét. Trước đó, khoảng một giờ (tức là hồi 11 giờ theo giờ địa phương), một máy bay khác của Trung Quốc cũng đã bay cách máy bay giám sát OP-3C của Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) 50 mét ở trong cùng không phận. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera chỉ trích các máy bay Trung Quốc đã vượt quá giới hạn, cho rằng đó là "những hành động nguy hiểm như vậy có thể dẫn tới tai nạn".
Tuy nhiên, đó chỉ là cái cớ. Ban đầu Trung Quốc cho rằng máy bay của Nhật Bản đã bay vào khu vực mà Trung Quốc và Nga đang tiến hành diễn tập hải quân chung, do đó buộc Trung Quốc phải cho máy bay cất cánh để tiếp cận máy bay Nhật đang giám sát và ảnh hưởng tới diễn tập chung (bị khiêu khích).
Nhật đã bác bỏ cáo buộc này, cho rằng vụ va chạm không chỉ xảy ra bên ngoài khu vực diễn tập mà họ còn đang tiến hành thu thập thông tin một cách thường xuyên trên khu vực thuộc vùng biển quốc tế, một hoạt động được luật pháp quốc tế cho phép. Sau đó, Trung Quốc đã cường điệu hóa bằng những quan điểm chủ quan, khi cho rằng máy bay của Nhật Bản tiến hành hoạt động trong khu vực mà Trung Quốc tuyên bố ADIZ và họ chỉ đáp trả lại sự khiêu khích của Nhật Bản.
Vậy ai là người có lỗi? Có nhiều quan điểm khác nhau khi xác định hành vi của quốc gia trong vùng biển/vùng trời quốc tế. Thứ nhất, khi xem xét các hoạt động của quân đội mỗi nước. Do vụ va chạm xảy ra ở vùng biển quốc tế, nên theo cách giải thích của luật pháp quốc tế, thì sẽ không có cấm đoán nào đối với việc Nhật Bản tiến hành thu thập thông tin. Cũng tương tự như vậy, không có hạn chế nào đối với việc Trung Quốc và Nga tiến hành tập trận chung. Theo quan điểm này, hành vi của cả hai bên đều được luật pháp quốc tế cho phép.
Tuy nhiên, trong khi không có luật quốc tế nào quy định hành vi liên quan tới việc diễn tập chung trong vùng biển quốc tế, thì sẽ khôn ngoan hơn nếu tránh thu thập thông tin trong khu vực cho tới sau khi kết thúc diễn tập. Nếu Nhật Bản đi vào khu vực mà Trung Quốc và Nga đang tiến hành diễn tập chung, thì Nhật Bản đã mắc lỗi (cho dù không phải về mặt pháp lý), vì rõ ràng Trung Quốc đã đưa ra lưu ý cấm bay trước khi diễn tập. Tuy nhiên, điều này còn phải được bàn nhiều, vì Nhật Bản cương quyết phản đối tuyên bố của Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Abe phát biểu tại Diễn đàn Shangri-La 13, Singapore.
Những lập luận pháp lý mà phù hợp thì thường có tính thuyết phục hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc lại luẩn quẩn với những lập luận rằng họ đang bảo vệ ADIZ của mình. Theo luật pháp quốc tế, không có sự hậu thuẫn pháp lý nào cho chủ quyền của một ADIZ ngoại trừ vùng trời bên trên vùng biển chủ quyền. Theo công ước về luật biển của Liên hiệp quốc (UNCLOS), thì vùng đó là 12 hải lý tính từ đường bờ biển. Và vị trí xảy ra va chạm không thuộc vùng ADIZ mà luật pháp quốc tế công nhận, do vậy Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý quốc tế về vấn đề này.
Bỏ qua những luận điểm với nhiều khác biệt đó, có một điều hiển nhiên đó là các phi công luôn phải duy trì khoảng cách an toàn giữa các máy bay. Ví dụ, các phi công Nhật Bản phải duy trì khoảng cách vải trăm mét giữa các máy bay khi cất cánh. Để gửi cảnh báo nguy hiểm cho máy bay nước ngoài, máy bay của họ thường "đập cánh" hoặc đưa ra cảnh báo bằng radio.
Máy bay Trung Quốc đã "quên" không đưa ra những tín hiệu tương tự; hơn nữa, họ bay ở khoảng cách nguy hiểm, do đó gây nguy hiểm cho cả phi công Trung Quốc và Nhật Bản. Thậm chí các máy bay chiến đấu của Trung Quốc có bay nhanh hơn và cơ động hơn các máy bay cánh quạt của Nhật Bản, thì trách nhiệm về hành vi nguy hiểm vẫn chỉ rơi vào mình phía Trung Quốc.
Một lần nữa điều này lại đưa chúng ta hướng về Trung Quốc. Ông Abe Denmark, chuyên gia phân tích về các vấn đề an ninh quốc tế, đã bình luận trên tờ National Interest rằng thủ đoạn của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông là che giấu những hành động của mình bằng những phản ứng đối với những khiêu khích từ phía Nhật Bản. Trong trường hợp này đó là bảo vệ vùng ADIZ của Trung Quốc trước sự xâm phạm của Nhật Bản. Những gì mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc không nhận ra đó là những hành vi của họ là thất sách. Những hành động của Trung Quốc ở cả Biển Đông và Hoa Đông khiến cho những quốc gia láng giềng quan ngại, do đó, khiến cho những nỗ lực của Thủ tướng Nhật trong việc cứng rắn với Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Tuy nhiên, khuynh hướng này cũng gây nên những lo lắng, bởi vì khi Trung Quốc có nhiều hành động khiêu khích khi luyện tập về các cuộc chiến tranh chớp nhoáng ở Biển Hoa Đông, thì Nhật Bản lại tiếp tục đối đầu với sự khiêu khích này. Thái độ ăn miếng trả miếng này đã đặt chỗ cho những sai lầm mà nếu xảy ra có thể dẫn đến những hậu quả tai hại. Chỉ cần xem xét sự kiện EP-3 năm 2001 là đủ biết.
(còn tiếp)
(Theo Tin Tức)
Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản "đừng đùa với lửa" Trong bài phát biểu tại kỳ họp của Ủy ban hữu nghị Trung - Nhật tại thành phố Nagasaki của Nhật, cựu Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đường Gia Triền đã cảnh báo Nhật Bản "chớ đùa với lửa" trong quan hệ với Bắc Kinh. Quan hệ Trung - Nhật nóng do căng thẳng ở Hoa Đông. Theo tờ "Thương báo" của...