Mỹ chi số tiền ‘khủng’ để phát triển năng lượng sạch
Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) ngày 4/4 thông báo trao khoản tài trợ trị giá 20 tỷ USD cho 8 ngân hàng phát triển cộng đồng và tổ chức phi lợi nhuận để sử dụng cho các dự án chống biến đổi khí hậu ở các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn, cũng như giúp người dân tiết kiệm và giảm lượng khí thải carbon.
Nhà máy điện mặt trời ở bang Maryland, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo EPA, 8 tổ chức trên đã cam kết thực hiện các dự án về giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính, với lượng khí thải được cắt giảm tương đương 40 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Những tổ chức này sẽ cùng nhau hỗ trợ cho các dự án về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch, đặc biệt là trong các cộng đồng có thu nhập thấp và chịu thiệt thòi. EPA cho biết hiện những tổ chức được tài trợ dự định cam kết hỗ trợ hơn 14 tỷ USD cho các cộng đồng có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn, trong đó hơn 4 tỷ USD dành cho các cộng đồng nông thôn và gần 1,5 tỷ USD hỗ trợ các bộ lạc.
Khoản tài trợ trên được huy động dựa trên 2 sáng kiến của Quỹ Giảm Khí thải nhà kính (GGRF), một ngân quỹ được thành lập theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành hồi năm 2022. IRA đã chuyển hàng tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo, giúp thúc đẩy sự bùng nổ sản xuất và tạo ra hàng chục nghìn việc làm trên khắp nước Mỹ.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nêu rõ những tổ chức nhận được khoản tài trợ trên sẽ giúp đảm bảo rằng các gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và những người đứng đầu cộng đồng có quyền tiếp cận nguồn vốn mà họ cần để hiện thực hóa các dự án về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch trong khu vực của họ.
Đây là một trong những khoản đầu tư chống biến đổi khí hậu lớn nhất cho đến nay được chính quyền của Tổng thống Biden công bố. Số tiền này có thể tài trợ cho hàng chục nghìn dự án đủ điều kiện, từ lắp đặt máy bơm nhiệt dân dụng và các cải tiến nhà ở tiết kiệm năng lượng cho đến các dự án quy mô lớn hơn như xây dựng trạm sạc xe điện và trung tâm làm mát cộng đồng.
Cuối tháng 3/2024, Mỹ đã cập nhật các quy định mà nước này cho rằng sẽ giảm sự lãng phí khí đốt tự nhiên. Cục Quản lý đất đai Mỹ (BLM) cho biết, việc điều chỉnh các quy định có từ hơn 40 năm qua sẽ buộc các công ty dầu khí phải chịu trách nhiệm tránh các hoạt động lãng phí nhiên liệu. Khí tự nhiên chủ yếu bao gồm khí methane, nguyên nhân gây ra khoảng 1/3 hiện tượng ấm lên của Trái Đất do khí nhà kính.
BLM cho biết trong một thông cáo báo chí, theo các quy định, các công ty dầu khí sẽ phải chịu trách nhiệm tránh các hoạt động lãng phí và giảm rò rỉ khí đốt tự nhiên, đồng thời lưu ý rằng việc tiết kiệm khí đốt sẽ cung cấp thêm năng lượng cho các gia đình và ngành công nghiệp của Mỹ.
BLM cho biết các hoạt động giải phóng hoặc đốt khí tự nhiên dư thừa đã tăng hơn gấp đôi kể từ những năm 1980 cùng với sự gia tăng sản xuất năng lượng. Cơ quan này nói thêm rằng, từ năm 2010 đến năm 2020, tổng lượng khí tự nhiên bị lãng phí được báo cáo trên toàn nước Mỹ đủ phục vụ nhu cầu của hơn 675.000 ngôi nhà.
Video đang HOT
Giám đốc BLM, Tracy Stone-Manning, cho biết: “Quy tắc này thể hiện một giải pháp hợp lý, công bằng và hợp lý để ngăn chặn tình trạng lãng phí, mang lại một sân chơi bình đẳng cho tất cả các cộng đồng sản xuất năng lượng”.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) mới đây công bố số liệu cho thấy sản lượng dầu và khí đốt của Mỹ đang tiếp tục tăng lên trong khi giá giảm từ các mức rất cao ghi nhận vào giữa năm 2022, sau khi xung đột tại Ukraine (U-crai-na) nổ ra, khiến lượng dầu và khí dự trữ tăng lên.
Về phía dầu, tổng sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ đã tăng từ 376 triệu thùng tháng 12/2022 lên 413 triệu thùng vào tháng 12 năm ngoái tức 13,3 triệu thùng/ngày, tăng 1,2 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó. Tính chung cả năm 2023, sản lượng tăng từ 4,347 tỷ thùng năm 2022 lên 4,721 tỷ thùng, gấp đôi năm 2012.
Trong khi đó, giá dầu thô của Mỹ trung bình ở mức 72 USD/thùng trong tháng 12/2023, giảm từ mức cao gần đây là 121 USD/thùng vào tháng 6/2022.
Số giàn khoan đang hoạt động trung bình là 501 giàn trong tháng 12/2023, giảm từ mức 623 vào tháng 12/2022, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Nhưng lại không có sự sụt giảm tương ứng nào trong sản lượng dầu, vì các giàn khoan đã được nâng cao hiệu suất bằng cách chỉ tập trung vào các địa điểm hứa hẹn. Trong ngắn hạn, ngành dầu của Mỹ đã có thể gia tăng sản lượng ở mức gia thấp hơn và ít giàn khoan hơn.
Còn với khí đốt, sản lượng khí khô đã tăng lên mức cao kỷ lục theo mùa là 3.300 tỷ foot khối (bcf) trong tháng 12/2023, từ mức 3.107 bcf một năm trước đó. Tính chung cả năm nay, sản lượng khí đốt đã chạm mức cao kỷ lục 37.883 bcf, tăng từ mức 36,353 bcf vào năm 2022, và đã tăng gấp đôi kể từ năm 2006 (1 foot khối = 0,0283 m3).
Theo số liệu của công ty phân tích Enverus, các vụ thâu tóm đình đám của các tập đoàn dầu khí đã đưa giá trị các thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng tại Mỹ năm 2023 lên mức kỷ lục 192 tỷ USD, gấp hơn ba lần so với năm 2022.
Các vụ thâu tóm tại lòng chảo dầu đá phiến Permian nằm ở Tây Texas và New Mexico, mỏ dầu lớn nhất của Mỹ, tăng mạnh trong hai năm qua, khi giá dầu cao do nhu cầu mạnh sau xung đột tại Ukraine và các nhà sản xuất tìm kiếm các giếng dầu để đảm bảo nguồn cung trong tương lai.
Thế giới hướng tới những mục tiêu tham vọng về năng lượng tái tạo
Nhằm hướng tới mục tiêu tham vọng về khí hậu, các quốc gia trên thế giới đã đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng sạch và tăng mạnh tỷ trọng nguồn năng lượng này.
Mặc dù đã có những bước tiến lớn về công nghệ giúp chi phí giảm mạnh trong những năm gần đây, quá trình chuyển đổi năng lượng vẫn đối mặt với những rào cản và cần những hỗ trợ về chính sách.
Nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Những mục tiêu tham vọng
Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, ông Sultan Al Jaber đã kêu gọi các nước tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Ông nhấn mạnh cần phải tăng cường hành động trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, phải tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 và tăng gấp đôi vào năm 2040.
Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu đã nhất trí đến năm 2030 sẽ nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ các nguồn như gió và Mặt Trời trong tổng năng lượng khối này sử dụng lên 42,5%, tăng hơn gấp đôi so với mức 22% hiện tại, cũng như vượt mục tiêu đề ra trước đó cho năm 2030 là 32%. Thỏa thuận còn kêu gọi các thành viên nỗ lực hơn nữa để đạt tỷ lệ 45% vào thời điểm nêu trên.
Để đạt được những mục tiêu mới đề ra, châu Âu cần đầu tư quy mô lớn cho các cơ sở năng lượng gió và Mặt Trời, mở rộng quy mô sản xuất khí đốt tái tạo và củng cố mạng lưới điện để có thể tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn.
Ủy ban châu Âu ước tính khối này sẽ cần các khoản đầu tư bổ sung trị giá 113 tỷ euro (123 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và hydro đến năm 2030, nếu các nước thành viên muốn chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu từ Nga.
Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ sản xuất 15 GW điện gió ngoài khơi, đủ để cung cấp điện cho hơn năm triệu hộ gia đình.
Trước đó, trong ạo luật Giảm lạm phát được ban hành hồi tháng 8/2022, Mỹ quyết định dành khoảng 370 tỷ USD để thúc đẩy các sáng kiến chống biến đổi khí hậu và sản xuất năng lượng sạch.
Trung Quốc đặt mục tiêu đưa tỷ trọng năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời lên 28% trong sản lượng điện vào năm 2030 và 81% vào năm 2060, tăng từ mức 13% năm 2022.
Tại Trung Quốc, ba công ty năng lượng quốc doanh lớn là China Petroleum and Chemical, China National Offshore Oil Co. và PetroChina dự định sẽ đầu tư tổng cộng ít nhất 100 tỷ NDT (14,5 tỷ USD) vào năng lượng tái tạo đến hết năm 2025, nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực hướng đến mục tiêu đến năm 2060 lượng khí thải CO2 ròng bằng 0.
Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) cho rằng đầu tư vào công nghệ năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục 1.300 tỷ USD trong năm 2022, nhưng con số đó cần phải tăng lên khoảng 5.000 tỷ USD mỗi năm mới có thể đáp ứng mục tiêu chính của Hiệp định Paris về hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp.
Tổng cộng, thế giới cần khoảng 35.000 tỷ USD cho công nghệ chuyển đổi vào năm 2030, bao gồm nâng cao hiệu quả, điện khí hóa, mở rộng lưới điện và tính linh hoạt.
IRENA cho biết công suất năng lượng tái tạo phải tăng từ khoảng 3.000 GW/năm hiện nay lên hơn 10.000 GW vào năm 2030, đồng thời cho biết thêm rằng cần có sự bình đẳng hơn trong việc phát triển năng lượng tái tạo giữa các nước công nghiệp và các nước đang phát triển.
Các dự án năng lượng tái tạo mới ở Trung Quốc, EU và Mỹ chiếm hơn 70% công suất lắp đặt vào năm 2022, trong khi châu Phi chỉ chiếm 1% công suất tái tạo được lắp đặt.
Và những khuyến nghị chính sách
Nhà máy điện gió ở Eaglesham Moor, Scotland. Ảnh: AFP/TTXVN
Dù đạt một số tiến triển, quá trình chuyển đổi năng lượng vẫn chưa đạt được những kết quả đáng kể. Vẫn có một số rào cản chính đối với quá trình phát triển năng lượng tái tạo, từ những rủi ro về công nghệ và tài chính ở một số thị trường mới đến những thách thức ở các thị trường mà các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục chiếm tỷ lệ cao. Thêm vào đó, dù có những tiến triển lớn đạt được trong lĩnh vực điện, việc sử dụng năng lượng tái tạo trong việc sưởi ấm, làm mát và giao thông diễn ra chậm hơn. Điều cần thiết là thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trong tất cả các lĩnh vực.
Kể từ năm 2018, IRENA đã đánh giá các chính sách trong giai đoạn chuyển đổi, đưa ra các khuyến nghị chính sách toàn diện cho các nhà hoạch định chính sách có thể áp dụng với việc phát triển năng lượng tái tạo trong từng lĩnh vực, bao gồm sản xuất điện và sưởi ấm, làm mát. Các phân tích về chính sách năng lượng tái tạo trong giai đoạn chuyển đổi nhằm vào tình trạng phát triển và lộ trình chuyển đổi dựa trên năng lượng tái tạo trong mỗi lĩnh vực.
Báo cáo chung của IRENA, Cơ quan Năng lượng Quốc tế và Mạng lưới Chính sách Năng lượng Tái tạo trong thế kỷ 21 khuyến nghị các chính sách năng lượng tái tạo phải tập trung vào các lĩnh vực sử dụng cuối cùng, không chỉ là sản xuất điện, sử dụng năng lượng tái tạo cho sưởi ấm và làm mát đòi hỏi sự chú ý lớn hơn về chính sách, trong đó có các mục tiêu riêng, các nhiệm vụ về công nghệ, các sáng kiến về tài chính, thuế carbon và năng lượng, các chính sách về lĩnh vực điện phải phát triển hơn để giải quyết các thách thức mới, các biện pháp hỗ trợ cần tính tới các đặc tính cụ thể của năng lượng Mặt Trời và gió.
Để thúc đẩy năng lượng tái tạo cho phù hợp với tiềm năng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và các mục tiêu về khí hậu đòi hỏi đầu tư lớn hơn nhiều so với dự kiến hiện nay. Trong khi phần lớn các khoản đầu tư sẽ là từ lĩnh vực tư, các nguồn tài trợ công như các tổ chức phát triển quốc gia và quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn vốn tư nhân. Mặc dù các xu hướng đầu tư vào năng lượng tái tạo khá tích cực, có những rào cản thường trực cản trở đầu tư tư nhân trong việc tiếp cận nhiều cơ hội đầu tư.
Các quy định về hợp đồng hiện nay đối với các dự án năng lượng tái tạo là quá phức tạp và vốn dành cho việc sản xuất điện quy mô lớn và yêu cầu cao về kỹ thuật. Các yêu cầu quá nhiều về hồ sơ khiến chi phí giao dịch lớn và thời gian tài trợ cũng như phát triển các dự án kéo dài, cản trở việc tăng mạnh công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu.
Những hạn chế về năng lực để triển khai các dự án và tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo đã gây trở ngại trong việc tăng cường dòng chảy vốn cho các dự án năng lượng tái tạo. IRENA đã thực hiện các chương trình nâng cao năng lực cho các tổ chức tài chính trong việc phát triển và tài trợ dự án dựa trên năng lực trong nước và hợp tác quốc tế, khu vực và quốc gia, nhằm khai thác các kinh nghiệm và thực tiễn tối ưu nhất trên toàn cầu.
Mỹ: Hạ mục tiêu sản xuất và sử dụng xe điện Ngày 20/3, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hạ mục tiêu sử dụng xe điện của nước này từ 67% vào năm 2032 xuống còn 35% sau phản ứng mạnh mẽ của ngành sản xuất ô tô và công nhân trong ngành. Người dân sạc điện cho ô tô tại một trạm sạc của Tesla ở Arlington, Virginia, Mỹ. Ảnh:...