Mỹ chi 1 tỷ USD tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu
Ngay sau khi đặt chân tới Ba Lan trong chuyến công du châu Âu, Tổng thống Mỹ Obama ngày 3/6 đã công bố kế hoạch chi 1 tỷ USD để tăng cường triển khai quân đội Mỹ tới các nước “đồng minh mới” tại châu Âu, ở gần biên giới với Nga.
Kế hoạch trên được ông Obama công bố dành cho khu vực Đông Âu, nhằm xoa dịu những lo ngại về sự gia tăng căng thẳng sau những bất ổn tại Ukraine, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Ông Obama dự định chi 1 tỷ USD để tăng cường hiện diện tại châu Âu
Ông Obama hiện đang có một chuyến thăm một loạt quốc gia châu Âu, khởi đầu tại Ba Lan, nơi ông tham dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày quốc gia này tiến hành cuộc bầu cử tự do đầu tiên, đánh dấu thời điểm Ba Lan cùng một số quốc gia Đông Âu khác tách khỏi quỹ đạo của Mátxcơva.
Nhưng buổi lễ long trọng đã bị phủ bóng đen bởi mối lo ngại của chính những quốc gia này về khả năng điện Kremlin sẽ tái áp đặt “gọng kìm” thời Chiến tranh lạnh của mình đối với một phần lớn châu Âu, sau khi sáp nhập vùng lãnh thổ Crimea của Ukraine hồi tháng 3.
Video đang HOT
“Sự cam kết của chúng tôi đối với an ninh của Ba Lan cũng như với an ninh của các đồng minh tại Trung và Đông Âu là một hòn đá tảng trong an ninh của chính chúng tôi, và điều đó là bất khả xâm phạm”, ông Obama tuyên bố sau khi thị sát một đơn vị hỗn hợp các phi công F-16 của Mỹ và Ba Lan
Ông chủ Nhà Trắng đề xuất một sáng kiến với kinh phí tối đa tới 1 tỷ USD, để triển khai thêm các binh sỹ và khí tài của Mỹ tới các quốc gia “đồng minh mới’ tại Đông Âu.
“Sáng kiến tái cam kết châu Âu” – một kế hoạch lịch sử cần phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn – cũng sẽ xây dựng năng lực quân sự cho các quốc gia không phải thành viên NATO như Ukraine, Gruzia phối hợp với Mỹ và đồng minh Tây Âu để phát triển khả năng phòng thủ của mình.
Có thể tăng cường trừng phạt Nga
Cuộc gặp gỡ quan trọng đầu tiên trong chuyến đi của ông Obama sẽ diễn ra vào ngày mai, khi ông gặp gỡ Tổng thống vừa đắc cử Petro Poroshenko của Ukraine, trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với nguy cơ nội chiến, còn chính quyền mới thân phương Tây đang kêu gọi sự bảo vệ từ Washington.
Cho đến nay, những cuộc đụng độ giữa người ly khai thân Nga tại miền Đông Ukraine đã kéo dài sang tuần thứ 7, trong đó hôm thứ Hai vừa qua, các tay súng ly khai đã có cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay, nhằm vào một căn cứ của lực lượng biên phòng Ukraine trong vùng Lugansk. Không có binh sỹ nào của Kiev thiệt mạng trong khi 5 tay súng ly khai bị tiêu diệt.
Mỹ đã triển khai 150 binh sỹ tới Ba Lan hồi tháng 4
Nhưng thủ tướng của nước cộng hòa nhân dân Lugansk tự phong Vasyl Nikitin thì khẳng định, ít nhất 3 dân thường đã bị thương, trong khi người đứng đầu cơ quan y tế của lực lượng ly khai đã thiệt mạng trong vụ bạo lực.
Sự cam kết của Washington đối với Ukraine sẽ còn được củng cố khi thứ Bảy này, phó Tổng thống Joe Biden sẽ tới dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Poroshenko. Đến nay Kiev vẫn chưa mời đại diện nào từ Mátxcơva, còn Tổng thống Putin vẫn chưa chính thức công nhận kết quả cuộc bầu cử vừa qua.
Ukraine và nhiều đồng minh Đông Âu của nước này như Ba Lan đã không ngừng hối thúc lãnh đạo Washington và EU triển khai những lệnh cấm vận khắc nghiệt hơn với toàn bộ nền kinh tế Nga, để đáp lại việc điện Kremlin được cho là hỗ trợ phe ly khai tại Đông Ukraine.
Ông Obama đã đề cập tới điều này trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp phía Ba Lan Bronislaw Komorowski, với tuyên bố Nga sẽ đối diện thêm các biện pháp trừng phạt, trừ khi nước này gia tăng áp lực với những người ly khai tại Ukraine dừng các vụ bạo loạn.
“Các hành động khiêu khích thêm của Nga sẽ phải đối diện với những tổn thất lớn hơn cho Nga, bao gồm, các lệnh trừng phạt bổ sung nếu cần”, ông Obama tuyên bố.
Sau Ba Lan, ông Obama sẽ tới dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Brussels, Bỉ trong ngày thứ Năm, trước khi tới Pháp một ngày sau đó để dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày quân đồng minh đổ bộ vào Normandy, tham gia Thế chiến II. Sự kiện này sẽ được chú ý hơn cả khi Tổng thống Nga Putin cũng được mời tham dự.
Nhà lãnh đạo nước Mỹ nhiều tháng qua đã cố gắng tìm cách cô lập đối thủ của mình, và trừng phạt những người thân cận với điện Kremlin bằng các lệnh cấm vận do can dự vào Ukraine.
Cả điện Kremlin và Nhà Trắng đều cho biết sẽ không có cuộc gặp gỡ riêng nào giữa ông Obama và Putin.
Theo Dân Trí