Mỹ, châu Âu chia rẽ vì Nga
Diễn biến cuối tuần qua cả về ngoại giao và an ninh đều cho thấy, Mỹ và đồng minh châu Âu đang có rạn nứt nghiêm trọng trong vấn đề quan hệ với Nga và xử lý khủng hoảng Ukraina.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) cho rằng quân sự không phải là giải pháp cho xung đột ở Ukraina (Ảnh: Corbis)
Trong khi lãnh đạo Mỹ và khối Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) vẫn giữ quan điểm hỗ trợ Ukraina về vũ khí, và thái độ &’bài Nga’, thì nhiều lãnh đạo châu Âu lại bác bỏ đề xuất này, thậm chí cho rằng không nhất thiết phải gạt Nga khỏi lối đi chung.
Hội nghị an ninh tại Munich (Đức) và chuyến công du của lãnh đạo Pháp-Đức tới Nga vào thứ Bảy vừa qua là thời điểm mà vết rạn này lộ rõ hơn bao giờ hết.
Phái đoàn Mỹ tham gia hội nghị cho biết, họ không loại trừ khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraina trong tương lai.
Nói với báo giới, chỉ huy lực lượng NATO tại châu Âu – Tướng Philip Breedlove cho hay, dù không nhất thiết gửi quân tới Ukraina, nhưng việc cung cấp vũ khí sát thương và các trang thiết bị quân sự vẫn được tính đến.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Washington muốn có giải pháp hòa bình cho xung đột ở Ukraina, nhưng Kiev có quyền tự vệ trước Nga và rằng, Mỹ sẽ cung cấp cho họ các phương tiện để làm vậy.
“Tổng thống và tôi nhất trí rằng, chúng tôi phải nỗ lực hết sức để cứu các sinh mạng và giải quyết xung đột một cách hòa bình”, ông Joe Biden nói và cho biết thêm, “chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraina về mặt an ninh, không phải để khuyến khích chiến tranh mà là để Ukraina tự vệ”.
Tuy nhiên, quan điểm này của Mỹ lại khác hoàn toàn với quan điểm mà lãnh đạo châu Âu, điển hình là Đức.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, quân sự không phải là giải pháp cho xung đột của Ukraina, và rằng “nhiều vũ khí không đem lại tiến triển mà Ukraina cần”.
Bà Merkel nói thêm, bà “không nhìn thấy bất kỳ tình huống nào mà trong đó, việc trang bị vũ khí nhiều hơn cho Ukraina lại khiến Tổng thống Putin tin rằng ông ấy sẽ thất bại về mặt quân sự”.
Cũng chính vì quan điểm này mà Nghị sĩ Mỹ Lyndsey Graham cho rằng, Đức và châu Âu đang &’quay lưng với nền dân chủ đang gặp nguy khốn’.
Đi tìm giải pháp cho Ukraina, lãnh đạo Pháp và Đức muốn hướng tới việc đạt thỏa thuận hòa bình, thông qua đối thoại, chứ không bằng súng ống, mặc dù vẫn chỉ trích việc Nga hậu thuẫn cho quân ly khai.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Putin cùng với Thủ tướng Đức Merkel ở Moscow, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho hay kết quả đối thoại “tích cực”.
Video đang HOT
Lãnh đạo Pháp tiết lộ rằng, việc thảo luận bao gồm cả việc tạo một vùng đệm phi quân sự giữa Kiev và vùng đất mà quân ly khai kiểm soát. Ông Hollande cũng kêu gọi quyền tự trị “khá mạnh” cho khu vực miền đông Ukraina.
Diễn biến này hẳn đi ngược lại những mong muốn của Washingon và Kiev. Nguyên nhân nằm ở vấn đề lợi ích của các bên chịu thiệt hại khi mà quan hệ với Nga xấu đi.
Liên minh châu Âu (EU) không muốn hy sinh lợi ích của mình vì các chính sách mang tính &’bài Nga’ của Mỹ.
Như cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, một người được coi là có phong cách &’rất Mỹ’, tách bạch: &’lợi ích của Mỹ đối với Nga không phải là lợi ích của châu Âu với Nga’.
Ông Sarkozy nói thêm là Paris không hề muốn có một cuộc chiến tranh Lạnh kiểu mới nữa, và coi Nga với Pháp có chung một lịch sử và lợi ích, giá trị chung lâu đời.
Trong nội dung thông điệp liên bang mới đây mà Tổng thống Mỹ đọc, ông Obama tuyên bố Mỹ và đồng minh sẽ còn trừng phạt và cô lập Nga thêm nữa nếu như diễn biến ở Ukraina không tiến triển.
Nhưng sự thể lúc này cho thấy một điều, phương Tây đang do dự và e ngại làm tổn hại thêm quan hệ với Nga – đứng trên lập trường lợi ích Liên minh châu Âu (EU) và Nga, chứ không phải cứ vì EU là đồng minh của Mỹ.
Nhà phân tích chính trị Lope Vanoost nói rằng, mặc dù không công khai, nhưng &’rõ ràng là có sự chia rẽ rất lớn giữa EU và Mỹ trong toàn bộ vấn đề Ukraina’.
Trong khi phương Tây gánh chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế sau loạt trừng phạt Nga, thì Mỹ vẫn chưa &’hề hấn gì mấy’. Xung đột xảy ra trên đất châu Âu, chứ không phải lục địa Mỹ, nên EU không hề muốn xung đột leo thang thêm.
“Trước hết, EU trực tiếp liên đới nếu xung đột leo thang, mà điều này với Mỹ lại chẳng thành vấn đề. Thứ hai, ở châu Âu người ta đủ thực tế để thấy rằng chính quyền Ukraina rất bất ổn, và họ thậm chí còn không kiểm soát được hết quân đội của mình” – ông Vanoost giải thích.
Với sự chia rẽ này, xung đột tại Ukraina sẽ còn diễn biến phức tạp và rất khó lường.
“Rất khó để biết khi nào cuộc chơi chấm dứt, bởi vì đây không phải là cuộc chơi mở, mà là ở phía hậu trường” – nhà phân tích Bruno Drweski nói.
Theo Lê Thu
Vietnamnet
Xuất hiện "tai mắt" của Nga tại châu Âu
Cuộc khủng hoảng tại Ukraina hiện nay là kết quả của sự tranh giành giữa EU và Nga. Nhưng chẳng phải tất cả 28 nước thành viên đều ủng hộ đường lối chung của khối, thậm chí có nhiều nước còn đứng về phía Nga. Hy Lạp và Hungary là hai "đồng minh" mới nhất của Nga.
Ngày 5/2/215, Tổng thống Nga Putin (phải) đã mời tân thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thăm chính thức nước Nga
Hy Lạp- con ngựa thành Troy của Nga giữa lòng EU?
Những ngày qua, tân chính phủ cánh tả Hy Lạp liên tiếp đưa ra các tuyên bố thân Nga rõ rệt khiến dư luận hoài nghi Athènes sẽ trở thành con ngựa thành Troy của Nga giữa lòng EU. Giới phân tích chính trị thì không khỏi phân vân về khả năng Hy Lạp thay đổi đối sách ngoại giao đi ngược với cả khối.
Tuần trước, Ngoại trưởng Nikos Kotzia đã nhắc đến mối quan hệ lịch sử lâu đời giữa Hy Lạp và Nga, đồng thời ông cũng không ngần ngại chỉ trích chính sách hiện nay của Bruxelles đối với Moskva là cứng nhắc.
Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Tsipras đã thẳng thắn phản đối thông cáo của EU đe dọa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Moskva trên hồ sơ Ukraina và nói rằng Athènes không được tham khảo trước về thông cáo này. Đến lúc này, nhiều nhà bình luận bắt đầu cảm thấy thái độ của chính phủ Hy Lạp không đơn thuần là mối thiện cảm với nước Nga mà còn là những dấu hiệu chuyển hướng ngoại giao đáng quan tâm.
Thái độ thân Nga của Athènes được khẳng định thêm khi trong chuyến thăm đảo Chypre hôm 2/2/2015, ông Tsipras tuyên bố mong muốn Hy Lạp trở thành cầu nối giữa châu Âu và nước Nga.
Dư luận báo chí ở châu Âu bắt đầu tỏ nghi ngại về thái độ thân Nga của Hy Lạp. Tuy nhiên, ông Constantinos Filis, Giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Athènes nhận thấy những động thái như vậy của chính phủ Tsipras chưa thể nói lên rằng trong thời gian tới Hy Lạp sẽ quay ngoắt 180 độ trong chiến lược đối ngoại.
Giới quan sát cũng ghi nhận, đại sứ Nga tại Athènes là người đầu tiên gặp Alexis Tsipras ngay sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 25/1. Điều đáng chú ý nữa là trước đó hồi tháng 5/2014, tức là chỉ hai tháng sau khi Nga sáp nhập Crưm, ông Tsipras đã tới Moskva gặp gỡ nhiều quan chức của chính quyền Kremlin và tại đó ông đã công khai phản đối chủ trương NATO mở rộng về phía đông.
Cũng cần phải hiểu là Hy Lạp có mối liên hệ văn hóa lịch sử lâu dài và nhiều tương đồng với Nga. Không chỉ có chính phủ cánh tả của ông Tsipras mà ngay cả chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Antonis Samaras, được coi là bảo thủ, cũng không bao giờ tỏ thái độ thù hằn với Moskva.
Vấn đề đặt ra là tình cảm của chính phủ Athènes hiện nay giành cho Moskva có tác động đến chính sách đối với Nga của châu Âu trong thời gian tới? Trong khi EU chưa bao giờ là một khối thống nhất hoàn hảo, thì liệu nhân tố Hy Lạp thân Nga có gây thêm chia rẽ?
Theo nhiều nhà phân tích chính trị thì phản ứng chống đối của chính phủ Tsipras đối với thông cáo của EU dọa trừng phạt Nga tuần trước chỉ là một động thái tỏ cho thấy Hy Lạp là một đối tác quan trọng trong liên minh. Giới quan sát hiểu rằng các động thái gần gũi Nga được tung ra trong bối cảnh chuẩn bị cho các cuộc đàm phán nợ sắp tới của Hy Lạp.
Chính phủ mới ở Athènes muốn tìm cho mình một áp lực trở lại với các đối tác châu Âu. Đó cũng có thể là cách để Athènes khẳng định rằng nếu Bruxelles không mềm mại với họ trên vấn đề trả nợ thì Hy Lạp có thể gây ách tắc trên những hồ sơ nhạy cảm của cả khối.
Hungary ủng hộ Nga trong hồ sơ Ukraina
Ngày 2/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có chuyến thăm Hungary. Hiếm khi các vị lãnh đạo lại bày tỏ những bất đồng một cách công khai trong cuộc họp báo chung sau khi đôi bên đã tiến hành đàm phán mà kết quả tới giờ vẫn chưa được công bố cụ thể.
Ngay sau khi chào hỏi và cám ơn theo đúng thông lệ ngoại giao, Thủ tướng Merkel nhận định rằng Hungary và Đức có mối quan hệ hữu nghị, nhưng bà đưa ra ngay một thông điệp cho thấy phía Đức không bằng lòng với sự thất thường trong đường lối của chính quyền Hungary.
Bởi lẽ, theo bà, nền kinh tế Đức khi đầu tư ở bất cứ đâu cũng rất cần sự tin tưởng, và khi đó đầu tư của Đức mới có thể "chung thủy" được với một thị trường. Niềm tin đó, dường như đã không có đối với phía Đức trong các vấn đề mà đôi bên đã trao đổi, nhất là trong vấn đề quan trọng nhất: xung đột quân sự Ukraina - Nga.
Một năm qua, Hungary luôn thể hiện sự "nước đôi" và dè dặt, nhiều khi đi ngược lại quan điểm chung của EU trong vấn đề Ukraina qua một số biểu hiện khá rõ rệt. Đảng cực hữu JOBBIK của Hungary bày tỏ sự ủng hộ Nga và gửi các "quan sát viên" sang tham dự cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm.
Chính quyền Hungary nhiều lần phát biểu không đồng tình với chính sách cấm vận và trừng phạt Nga của phương Tây, Hungary sau thời gian đầu bán khí đốt cho Ukraina thì đột ngột ngừng bán sau chuyến công du Budapest của người đứng đầu tập đoàn năng lượng Nga Gasprom, viện cớ phải giữ khí đốt cho nhu cầu trong nước...
Trong cuộc họp báo với bà Merkel, Thủ tướng Hungary Orbán Viktor cho rằng tình trạng của Ukraina là "quan trọng đặc biệt" với Hungary vì không chỉ là một nước láng giềng, mà còn vì tại Ukraina có một cộng đồng Hungary kiều đông đảo, và khí đốt được chuyển từ Nga qua Hungary cũng theo con đường này. Do đó, Hungary đứng về phía hòa bình và chỉ có thể chấp nhận giải pháp theo hướng hòa bình.
Cạnh đó, Thủ tướng Hungary còn nói thêm, không chỉ Hungary mà các quốc gia châu Âu khác cũng rất phụ thuộc vào khí đốt Nga, do đó theo ông tất cả đều có lợi ích là phải kiến tạo được một mối quan hệ tốt và không thất thường, và Hungary cũng nằm trong số đó.
Để đáp trả, bà Angela Merkel nói rằng người Đức cũng muốn đình chiến tại Ukraina và nước này có một trạng thái ổn định, nhưng bảo toàn được sự toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, bà cho hay Đức nhập 30% khí đốt từ Nga, nghĩa là còn phụ thuộc năng lượng vào Moskva hơn Hungary, và đối với các nước châu Âu khác thì năng lượng Nga vẫn mang tính sống còn.
Tuy nhiên, khi đề cập tới những trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga, Thủ tướng Đức lưu ý người đồng nhiệm Hungary rằng không thể chấp nhận việc Budapest có quan điểm riêng. Điều cần làm là giảm thiểu sự phụ thuộc năng lượng vào Nga bằng cách nối hệ thống dẫn ga ở châu Âu và mở ra hướng Azerbajian.
Sau phần phát biểu của bà Merkel, điều bất ngờ là ông Orbán lại "cướp lời" và giải thích rất dài dòng "để các ký giả nước ngoài cũng hiểu được sự nghiêm trọng của tình hình". Trong năm nay, hợp đồng vận chuyển khí đốt giữa Hungary và Nga hết hạn, đây là một trong những vấn đề lớn nhất của Hungary năm 2015 và như thế, tình trạng kinh tế Hungary cần được đánh giá nghiêm túc với mối liên quan tới Nga.
Như thế, dù không nói ra lời, nhưng báo chí Hungary cho rằng ông Orbán vẫn tiếp tục theo đuổi con đường riêng trong hồ sơ Ukraina.
Cuộc tranh luận gần đây về việc có nên giao vũ khí cho Ukraina hay không cũng đang gây chia rẽ châu Âu. London cũng như Paris và Berlin kịch liệt phản đối. Nhưng Litva xác nhận đã cung cấp trang thiết bị quân sự cho Kiev. Họ cũng không phải là nước duy nhất làm điều đó.
Ngoài ra, còn có cả các đảng phái lớn tại một số nước châu Âu cũng là "đồng minh" của Nga, chẳng hạn tại Pháp có đảng Mặt trận quốc gia (FN) của Jean Marie Le Pen, hay đảng Vlaams Belang (Bỉ), đảng Nhân dân ở Áo, Đảng Tự do (Hà Lan)...
Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes
Nga và các cường quốc dự thảo kế hoạch hòa bình cho Đông Ukraine Lãnh đạo Nga, Đức và Pháp ngày 6/2 đã đạt được thỏa thuận tại Mátxcơva về việc dự thảo một kế hoạch để chấm dứt các cuộc đụng độ giữa Ukraine và phe ly khai, vốn đang leo thang khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Tổng thống Nga Putin (giữa) thảo luận cùng thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Hollande tại...