Mỹ chấm dứt hoạt động của cầu tàu tạm đưa viện trợ vào Gaza
Ngày 17/7, Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Brad Cooper cho biết nhiệm vụ chuyển hàng viện trợ nhân đạo cho người Palestine thông qua cầu tàu nổi do Mỹ lắp đặt tạm thời ngoài khơi bờ biển Gaza đã chấm dứt.
Cầu tàu do Mỹ xây dựng ở ngoài khơi Dải Gaza, ngày 18/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi, phát biểu với báo giới, ông Cooper nêu rõ nhiệm vụ hàng hải liên quan cầu tàu nói trên đã kết thúc nên không cần sử dụng cầu tàu này nữa. Ông đánh giá cầu tàu đã đạt được hiệu quả như mong muốn là tăng lượng hàng viện trợ vào Gaza và đảm bảo hàng viện trợ đến được với người dân tại đây một cách nhanh chóng. Thời gian hoạt động của cầu tàu khoảng 20 ngày và chuyển được khoảng 9.000 tấn hàng viện trợ nhân đạo đến Gaza.
Cầu tàu nói trên được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố vào tháng 3 năm nay và hoạt động vận chuyển hàng viện trợ đến Gaza qua cầu tàu nổi này được thực hiện vào tháng 5. Tuy nhiên, thời tiết xấu và những thách thức về việc phân phối bên trong Gaza đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của cầu tàu mà Mỹ cho là nỗ lực cung cấp viện trợ lớn nhất từ trước đến nay của nước này ở Trung Đông. Bên cạnh đó, hoạt động phân phối hàng viện trợ vận chuyển qua cầu tàu này cũng vấp phải trở ngại về an ninh. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) đã phải tạm dừng hoạt động vận chuyển hàng viện trợ qua cầu tàu tạm này trong tháng trước để đánh giá tình hình an ninh.
Ngày 15/7 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Galant tuyên bố nước này sẽ sớm thay thế cầu tàu tạm của Mỹ bằng cơ sở chuyên dụng đặt tại cảng Ashdod ở miền Nam Israel. Theo ông, dự án cầu tàu “Pier 28″ sẽ góp phần cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza. Tuy nhiên, Bộ trưởng Galant không nói rõ khi nào cầu tàu này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động.
LHQ lâu nay cho rằng việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển không thể thay thế cho đường bộ. Theo LHQ, các tuyến đường bộ phải tiếp tục là trọng tâm của các hoạt động viện trợ tại Gaza, trong bối cảnh một tổ chức giám sát nạn đói toàn cầu hồi tháng trước cảnh báo nguy cơ cao xảy ra nạn đói tại vùng lãnh thổ này. Hiện Gaza cần khoảng 600 xe tải chở hàng viện trợ mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trong khi đó, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) ngày 17/7 cho biết quân đội Israel đã ngăn cản hoạt động viện trợ nhân đạo ở khu vực Wadi Gaza phía Nam Gaza và ngăn hàng trăm nghìn người dân tại đây nhận hàng cứu trợ. Theo OCHA, động thái của Israel khiến các nhân viên nhân đạo không thể nhận hàng viện trợ từ cửa khẩu Erez West ở phía Bắc. Cùng với đó, WFP cũng thông báo phải giảm hơn nữa khẩu phần viện trợ ở thành phố Gaza để đảm bảo phạm vi cung cấp lương thực cho những người di tản mới đến.
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy chỉ 15 trong số 36 bệnh viện ở Gaza hoạt động một phần và chỉ có 1.500 trong tổng số 3.500 giường bệnh có thể sử dụng được, trong đó có 600 giường bệnh thuộc các bệnh viện dã chiến.
Để ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, Trợ lý Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) phụ trách các vấn đề chính trị, bà Lana Nusseibeh ngày 17/7 đã kêu gọi triển khai sứ mệnh quốc tế “tạm thời”.
Trong bài bình luận trên tờ Financial Times, bà Nusseibeh khẳng định ủng hộ nền hòa bình bền vững và công bằng, theo đó kêu gọi triển khai chiến lược chung nhằm phá vỡ chu kỳ xung đột ở Gaza và xây dựng nền tảng cho một tương lai mới của cả Israel và Palestine.
Quan chức ngoại giao UAE cho rằng bước đầu tiên sẽ là triển khai sứ mệnh quốc tế tạm thời để ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo, thiết lập luật pháp và trật tự, đặt nền móng cho chính quyền và mở đường thống nhất Dải Gaza cũng như Bờ Tây bị chiếm đóng dưới sự điều hành của một Chính quyền Palestine hợp pháp duy nhất. Theo bà Nusseibeh, sứ mệnh với 4 ưu tiên này có thể là một phần trung tâm của chiến lược rộng lớn hơn nhằm giúp người Palestine đạt được nguyện vọng về một nhà nước thông qua đàm phán. Tuy nhiên, bà Nusseibeh nêu rõ sứ mệnh như vậy sẽ cần sự ủng hộ đầy đủ và kiên định của tất cả các bên liên quan.
Video đang HOT
Gian nan đường đến Gaza
Mỹ đã xây dựng một bến tàu trị giá 320 triệu USD để viện trợ cho người dân Gaza. Nhưng, chỉ số lượng nhỏ hàng cứu trợ đến được với những người cần cứu giúp.
Nỗ lực của Mỹ nhằm đưa viện trợ vào Gaza thông qua một bến tàu nổi ở Địa Trung Hải đã có khởi đầu chậm chạp và đối mặt với nhiều thách thức hậu cần. Điều này đã cản trở những nỗ lực rộng lớn hơn nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở vùng đất bị bao vây của người Palestine.
Đắt giá mà không hiệu quả
Lầu Năm Góc đã chi 320 triệu USD, huy động 1.000 binh sĩ và thủy thủ để mở một hành lang hàng hải lớn vào tuần trước, thực hiện lời hứa của Tổng thống Biden vào tháng 3 rằng quân đội Mỹ sẽ lắp đặt một bến tàu tạm thời ngoài khơi bờ biển Gaza để các tàu chở hàng dỡ thực phẩm, nước uống và các vật dụng khác. 14 tàu từ Mỹ và các nước khác đang tham gia vào một sứ mệnh được hỗ trợ bởi các nhóm nhân đạo và một số quốc gia, trong đó có Israel.
Hàng viện trợ được phát cho người Palestine ở trung tâm Dải Gaza.
Nhưng, trong tuần đầu tiên của hoạt động, chỉ có 820 tấn hàng viện trợ được chuyển qua bến tàu này, trong đó khoảng 2/3 đến được các điểm phân phối ở Gaza, Lầu Năm Góc cho biết. Con số này tương đương với 71 xe tải - thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu là 90 xe tải mỗi ngày và khoảng 15% nhu cầu tối thiểu hằng ngày ước tính cho dân số hơn 2 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở cấp độ khủng hoảng.
Theo các quan chức Liên hợp quốc, khoảng một chục xe tải từ bến tàu đã không đến được các điểm bên trong Gaza. Họ nói rằng những người dân Gaza tuyệt vọng dọc hành trình đã chặn cướp hàng viện trợ và các xe tải không thể sử dụng những tuyến đường thay thế do các hạn chế của Israel - những vấn đề quen thuộc gây khó khăn cho các hoạt động viện trợ.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Jake Sullivan nói: "Hoạt động viện trợ không diễn ra với tốc độ mà bất kỳ ai trong chúng tôi hài lòng, bởi vì chúng tôi luôn muốn nhiều hơn nữa", đồng thời cho biết thêm, Mỹ đang nỗ lực để có được "các thỏa thuận an ninh cần thiết" nhằm ngăn chặn nạn cướp bóc.
Người dân Gaza tập trung gần bờ với hy vọng nhận được viện trợ chuyển qua bến tàu nổi.
Một bước để cải thiện viện trợ cho Gaza đã diễn ra khi Tổng thống Joe Biden đạt được cam kết từ Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi về việc nối lại các chuyến hàng viện trợ do Liên hợp quốc cung cấp cho dân thường ở phần phía Nam của dải đất.
Viện trợ đó được chuyển qua lãnh thổ Ai Cập tới cửa khẩu Kerem Shalom ở Israel. Ai Cập đã trì hoãn sự hỗ trợ đó để cố gắng gây áp lực buộc Israel chấm dứt chiến dịch bao vây Rafah. Một cửa khẩu biên giới khác ở Rafah vẫn bị đóng cửa.
Các quan chức Mỹ cho biết bến tàu nổi, ngay sau khi đạt được mục tiêu ban đầu, sẽ mở rộng công suất để cho phép 150 xe tải mỗi ngày vào Gaza, hỗ trợ ít nhất 500.000 người mỗi tháng. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan phủ nhận rằng mức độ thấp hơn hiện tại cho thấy việc lập kế hoạch kém, thay vào đó đổ lỗi cho "một môi trường phức tạp".
Khó mở rộng quy mô hoạt động
Bến tàu bắt đầu hoạt động vào thời điểm quan trọng trong cuộc chiến kéo dài gần 8 tháng, với việc quân đội Israel tiến quân vào Rafah cản trở việc đi qua hai cửa khẩu biên giới phía Nam, vốn là đường dẫn cho phần lớn hàng viện trợ vào Dải Gaza.
Hành lang hàng hải - và một chiến dịch thả dù liên tục - nhằm bổ sung cho việc vận chuyển trên mặt đất, rẻ hơn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu tuyến đường biển có thể phát triển và chiến dịch Rafah vẫn bị Israel kéo dài thì bến tàu có khả năng cung cấp huyết mạch quan trọng cho người dân đang phải đối mặt với nạn đói.
Hành lang hàng hải là một hệ thống cồng kềnh tiềm ẩn nhiều nút thắt cổ chai. Thực phẩm, vật tư y tế và các hàng hóa khác từ khắp nơi trên thế giới được gửi bằng đường hàng không hoặc đường biển đến quốc đảo Síp, nơi hàng viện trợ được sàng lọc và đóng gói lên các pallet vận chuyển ở cảng nhỏ Larnaca. Sau đó, một tàu quân sự hoặc thương mại lớn sẽ vận chuyển các pallet đi khoảng 200 dặm qua Địa Trung Hải tới bến tàu nổi do Mỹ xây dựng.
Ở đó, các pallet được đưa vào xe tải, được đưa lên các tàu quân sự nhỏ hơn để chở chúng đi khoảng 6 dặm tới một tuyến đường đắp nổi do Mỹ xây dựng được các kỹ sư quân đội Israel bảo vệ tới bãi biển.
Quá trình vận chuyển và tiếp nhận hàng viện trợ vào Gaza qua bến tàu nổi do Mỹ xây dựng.
Những chiếc xe tải đi khoảng hơn 100m từ con đường ra bãi biển. Trong khu vực được binh lính Israel bảo vệ, các nhân viên cứu trợ chuyển các pallet lên một đội xe tải riêng biệt được các nhóm viện trợ sử dụng để hoàn thành chặng cuối cùng tới các nhà kho và điểm phân phối bên trong Gaza.
Thời tiết đặt ra một mối đe dọa đặc biệt. Các quan chức quân sự cảnh báo, vùng nước đục ngầu ở biển Địa Trung Hải có thể làm hỏng bến tàu và gây mất an toàn cho người dân trên đó. Bão đã trì hoãn việc lắp đặt cầu tàu trong vài ngày và có thể sẽ làm gián đoạn hoạt động. Mùa hè dự kiến sẽ khá yên tĩnh, nhưng nếu bến tàu tồn tại được cho đến tháng 9 thì có thể nó phải ngừng hoạt động vào khoảng thời gian đó và bị dỡ bỏ.
Michelle Struke, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về quan hệ đối tác toàn cầu bao gồm các vấn đề nhân đạo và ứng phó thảm họa, cho biết cầu tàu là một "biện pháp đặc biệt" của Nhà Trắng. Nhưng, bà nói rằng, nó không hiệu quả do các vấn đề phân phối trên thực địa và việc Israel thiếu hệ thống giảm xung đột hiệu quả để bảo vệ các hoạt động viện trợ khỏi các hoạt động quân sự.
Nguy hiểm và thách thức
Hoạt động phức tạp của bến tàu cũng tạo thêm một khía cạnh mới nguy hiểm cho sự tham gia của Washington vào cuộc chiến ở Gaza, bao gồm việc cung cấp cho Israel hàng tỷ USD vũ khí. Trong khi các quan chức Mỹ nói rằng lực lượng Mỹ sẽ không đặt chân tới Gaza thì bến tàu đã đẩy họ đến bờ vực của một chiến trường hỗn loạn. Theo quân đội Israel, công việc kỹ thuật trên bến tàu đã bị tấn công bằng súng cối cách đây một tháng bởi "các tổ chức khủng bố khác nhau".
Hamas cho biết, họ sẽ coi lực lượng Mỹ tại bến tàu như một lực lượng chiếm đóng. Phiến quân Houthi của Yemen, vốn thù địch với Mỹ, đã phóng máy bay không người lái và tên lửa vào các tàu ở Biển Đỏ để đáp trả cuộc chiến ở Gaza, cũng tuyên bố các hệ thống phòng không của họ nhìn nhận bến tàu như một căn cứ quân sự. Cả hai đều là những mối đe dọa tiềm ẩn để tấn công.
Phó Đô đốc Brad Cooper, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho biết đã có 3 binh sĩ Mỹ bị thương trên biển, 2 người trong số họ đã trở lại làm nhiệm vụ và 1 người đang được điều trị tại một cơ sở của Israel. Một quan chức quốc phòng Mỹ mô tả binh sĩ thứ ba bị thương nặng.
Theo Liên hợp quốc, mối nguy hiểm đối với các nhân viên cứu trợ - hơn 260 người trong số họ đã thiệt mạng trong chiến tranh - được nhấn mạnh vào tháng trước khi 7 công nhân của World Central Kitchen, một tổ chức từ thiện do đầu bếp nổi tiếng José Andrés thành lập, đã thiệt mạng vì Israel không kích vào đoàn xe của họ khi đang vận chuyển hàng viện trợ từ một bến tàu tạm thời mà nhóm đã xây dựng để tiếp nhận hàng hóa đường biển.
Nạn đói đe dọa người dân Gaza trong khi viện trợ cho họ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Quân đội Israel kiểm soát các trục đường huyết mạch trên mặt đất và các nhóm viện trợ cho biết đoàn xe của họ thường bị giữ lại tại các trạm kiểm soát hàng giờ mặc dù đã dọn sạch tuyến đường từ trước. Israel cho biết họ đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo viện trợ đến được Gaza.
Việc thiếu cơ quan có thẩm quyền rõ ràng tại hiện trường để đảm bảo việc phân phối viện trợ đặt ra những vấn đề khác. Trong một vụ việc xảy ra hồi tháng 2, hơn 100 người đã thiệt mạng khi lực lượng Israel nổ súng trong lúc người dân chen lấn xô đẩy đi nhận viện trợ từ một đoàn xe. Các nhóm viện trợ đánh giá rằng sự gia tăng viện trợ cung cấp nguồn cung ổn định trong nhiều ngày là cách duy nhất để trấn an những người đang tuyệt vọng và thuyết phục họ cho phép xe tải di chuyển an toàn.
Nhiều tháng giao hàng viện trợ không đủ cho Gaza, sau khi Israel phát động cuộc chiến nhằm đáp trả cuộc tấn công do Hamas lãnh đạo ngày 7/10/2023, đã đẩy một phần Gaza vào nạn đói. Nhiều hàng viện trợ bắt đầu được đưa vào tháng 4 sau khi Mỹ và các chính phủ nước ngoài gây áp lực buộc Israel phải mở các cửa khẩu đường bộ mới và nới lỏng các hạn chế đối với các cửa khẩu hiện có.
Nhưng, sau khi Israel bắt đầu tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào thành phố biên giới Rafah trong tháng này, mức độ vận chuyển viện trợ đã giảm sút. Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) có lúc phải tạm dừng phân phối thực phẩm ở Rafah vì nguồn cung không đủ và tình trạng mất an ninh. Trong bức tranh ấy, một nạn đói nghiêm trọng đối với miền Nam Gaza dường như đang trở thành một viễn cảnh khó tránh khỏi.
Chuyến hàng viện trợ đầu tiên qua cầu tàu mới vào Gaza Ngày 17/5, những chiếc xe tải chở hàng viện trợ thiết yếu đã lăn bánh qua cầu tàu do Mỹ mới xây dựng để tiến vào Dải Gaza trong bối cảnh giao tranh ác liệt cản trợ công tác viện trợ cho người dân tại vùng đất bị bao vây này. Đây là chuyến hàng đầu tiên đi qua cầu tàu này. Binh...