Mỹ cắt nghĩa vì sao chiến hạm Trung Quốc nổi ở Alaska
Các chuyên gia Mỹ đang phân tích việc chiến hạm Trung Quốc hiện diện ở Alaska là nhằm đưa ra tín hiệu gì trước chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình.
Chiến hạm Trung Quốc “diễu võ giương oai” ở gần Alaska
Mới đây, lần đầu tiên trong lịch sử, tàu chiến của hải quân Trung Quốc đã đến bờ biển Alaska ở biển Bering, sau khi “đi qua vùng lãnh hải của Hoa Kỳ” – theo như tin đưa trên báo “Bưu điện Washington” (Washington Post) của Mỹ
Giới quan sát chính trị và các chuyên gia quân sự chú ý đến thực tế rằng, cuộc hành quân trên biển này của tàu chiến Trung Quốc đã diễn ra ngay trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra vào ngày 24 và 25 tháng này.
Các nhà phân tích quân sự quan tâm đến sự kiện tàu chiến không kém gì cuộc duyệt binh hoành tráng tại Bắc Kinh hôm 03 tháng 9. Người ta ngạc nhiên vì sự xuất hiện bất ngờ của tàu chiến Trung Quốc ở biển Bering, cũng như bản chất của chuyện chưa từng có này.
Washington Post giải thích rằng, nhóm tàu chiến Trung Quốc đã “diễu hành” qua khu vực biển ngoài khơi, cách quần đảo Aleutian khoảng trên 12 hải lý. Giới quân sự Mỹ thừa nhận rằng biên đội tàu này không vi phạm điều khoản nào của luật pháp quốc tế, khi hành trình ngoài lãnh hải của Mỹ.
Chiến hạm Trung Quốc đã “diễu binh” sát lãnh hải Hoa Kỳ (Ảnh mninh họa)
Về vấn đề này, giới chức quân sự Bắc Kinh đưa ra tuyên bố, cuộc hành quân trên biển là hoạt động thuộc chương trình huấn luyện chiến đấu thông thường, theo kế hoạch đã định và không nhằm chống lại bất cứ quốc gia nào.
Tuy nhiên, việc các tàu chiến của hải quân nước này hiện diện ở đây trong thời điểm nhạy cảm chính trị còn thể hiện ở thực tế là, ngay trước sự xuất hiện của tàu chiến Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa tiến hành chuyến đi thị sát ở vùng Alaska cuối tháng 8 vừa qua.
Từ lâu, tàu hải quân Trung Quốc hiện diện ở các vùng biển xa xôi, ví dụ như ở eo biển Malacca và thậm chí là tuần tra chống cướp biển ở tận vùng Vịnh Aden. Điều đó phản ánh chiến lược đại dương mới của nước này, trong đó nhấn mạnh đến mở rộng khả năng bảo vệ quyền lợi của đất nước trên khắp các đại dương.
Video đang HOT
Vấn đề này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Quyền lợi kinh tế toàn cầu của mỗi quốc gia luôn song hành với việc mở rộng các mối quan tâm chính trị và xây dựng lực lượng hải quân viễn dương, có tiềm lực hoạt động ở các vùng biển xa, trong một khoảng thời gian dài.
Sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc ở Alaska gửi đến Mỹ nhiều thông điệp
Một số chuyên gia quốc tế nhận định rằng, sự xuất hiện của các tàu chiến Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Alaska cũng thể hiện lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề khai thác nguồn tài nguyên vùng Bắc Cực. Tuy nhiên, họ không đánh giá cao khả năng của Bắc Kinh trong vấn đề này.
Thực chất Trung Quốc muốn gửi thông điệp gì đến Mỹ?
Đa số các chuyên gia phân tích chính trị đều thống nhất nhận định là cuộc hành quân của tàu chiến Trung Quốc đến bờ biển Alaska không chỉ kết nối với chiến lược chung về xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh, mà còn gắn với những rạn nứt bất hòa gần đây giữa Bắc Kinh và Washington trên Biển Đông.
Hoa Kỳ đã chỉ trích kịch liệt hành vi xây dựng đảo nhân tạo của Bắc Kinh nhằm đòi chủ quyền lãnh thổ ở khu vực biển rất quan trọng này, Washington nhấn mạnh về sự vi phạm tự do hàng hải và sự thay đổi hiện trạng Biển Đông một cách trái phép của Trung Quốc.
Hoa Kỳ khẳng định, hải-không quân của nước này sẽ không chấm dứt hoạt động tuần tra của các máy bay P-8A Poseidon, thậm chí có thể sẽ huy động thêm cả tàu sân bay, tàu khu trục và các máy bay trinh sát chiến lược không người lái RQ-4 Global Hawk tham gia tuần tra trên biển Đông.
Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã chỉ thị cho Lầu Năm Góc triển khai thiết kế và lắp đặt hệ thống giám sát điện tử bên trong khu vực 12 hải lý bao quanh khu vực Trung Quốc đang đào đắp trái phép ở các đảo nước này chiếm đóng trái phép của Việt Nam.
Theo thói quen hung hăng của mình, Bắc Kinh có vẻ muốn phát tín hiệu đáp trả với mức độ cao hơn. Hôm 20-5, hải quân Trung Quốc đã 8 lần phát tín hiệu cảnh cáo máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8A của Mỹ khi nó đang bay tuần tra qua khu vực Trung Quốc xây đảo trái phép.
Mỹ tuyên bố không ngừng, thậm chí tăng cường lực lượng tuần tra biển Đông
Trước đó vài ngày, tàu hộ vệ tên lửa “Diêm Thành” (số hiệu 546-Type 054A) của hải quân nước này cũng đã lẵng nhẵng bám đuôi tàu tác chiến ven bờ LCS-3 USS Fort Worth của Mỹ, mang theo máy bay không người lái MQ-8B Fire Scout và trực thăng MH-60 Seahawk, khi nó đang tuần tra trên Biển Đông.
Khi phát hiện “Diêm Thành” đang bám đuổi, USS Fort Worth đã ra tín hiệu nhắc nhở tàu Trung Quốc rằng, chiến hạm của Mỹ đang hoạt động tại vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, chiếc tàu hộ vệ Type 054A này cứ lẵng nhẵng bám đuôi chiếc LCS-3 cho đến khi nó hoàn tất chuyến tuần tra.
Với sự hiện diện của biên đội tàu chiến ở hải quân quốc tế giáp lãnh hải Hoa Kỳ, dường như Trung Quốc muốn gửi thông điệp mạnh mẽ hơn là hải quân nước này sẵn sàng huy động tàu chiến, máy bay chiến đấu và cả máy bay ném bom H-6 hiện diện ở bờ biển nước Mỹ, trong khi vẫn tuân thủ các qui tắc quốc tế.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn đang hướng tới mục đích lớn hơn nữa là cố gắng tăng cường vị thế thương lượng của mình trước hội nghị cấp cao Mỹ-Trung, hy vọng thúc đẩy Washington phải tìm kiếm giải pháp nhân nhượng nào đó có lợi cho Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Thiên Nam
Đất Việt
Mỹ cố ý làm ngơ khi tàu chiến Trung Quốc vào trong phạm vi 12 hải lý?
Mỹ đã không xét nét việc tàu chiến Trung Quốc đi vào trong khoảng cách 12 hải lý của quần đảo Aleutian (Alaska, Mỹ) vì mong muốn có cách cư xử tương ứng trên Biển Đông, theo The Washington Post.
Hai chiến hạm Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC 2014 tại Trân Châu Cảng, Mỹ năm 2014. Mỹ khẳng định 5 tàu chiến Trung Quốc không có gì sai khi tiếp cận đảo của Mỹ ở khoảng cách bên trong 12 hải lý vào cuối tháng 8.2015. Đây có thể là động thái nhắc nhở Bắc Kinh nên cư xử tương tự với tàu các nước trên Biển Đông - Ảnh: Reuters
Nhóm 5 tàu chiến Trung Quốc đã quay về sau khi phía Mỹ phát hiện các tàu này hoạt động ngoài khơi Alaska. Tuy nhiên, câu chuyện này tiếp tục khiến dư luận chú ý.
Một quan chức quân sự Mỹ giấu tên tiết lộ, trên đường về sau khi sang Viễn Đông Nga tập trận chung, các tàu Trung Quốc đã tiếp cận khoảng cách bên trong 12 hải lý của quần đảo Aleutian, bang Alaska của Mỹ. Cách Mỹ xử lý vấn đề này ít nhiều ảnh hưởng tới những cuộc đụng độ tiềm tàng giữa tàu của hai nước trên biển, The Washington Post hôm 4.9 cho biết.
Mỹ đã khẳng định Trung Quốc không hề vi phạm luật quốc tế trên biển khi đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của quần đảo Aleutian. Giải thích về điều này, một quan chức ở Lầu Năm Góc so sánh việc làm của Trung Quốc cũng "vô hại" như cách các tàu chiến Mỹ đang hoạt động ở eo biển Hormuz, ngoài khơi Iran.
Chính vì hành vi "hợp lệ" ấy, Mỹ đã không triển khai tàu hải quân nào ra cảnh báo Trung Quốc trong vụ 5 tàu chiến Bắc Kinh tiếp cận khu vực gần Alaska kể trên. Theo trang tin của Học viện Hải quân Mỹ (USNI), tuy Lầu Năm Góc không nói rõ thời gian các tàu này đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý, nhưng USNI tính toán dựa trên vị trí di chuyển các tàu này thì vụ việc xảy ra vào khoảng đêm thứ tư 2.9 hoặc sáng 3.9.
David Titley, một thiếu tướng hải quân về hưu và là giáo sư tại Đại học bang Pennsylvania, thành viên tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhận xét rằng hành động mềm mỏng của Washington vừa qua cũng có tác dụng cho những gì xảy ra trên Biển Đông trong tương lai.
Thời gian qua, Trung Quốc có nhiều hành động tranh chấp, thái độ hung hăng trong khu vực Biển Đông bằng cách tuyên bố chủ quyền phi lý chiếm gần trọn Biển Đông, xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo ở đây, theo The Washington Post.
Việc này khiến Mỹ dù đã lên tiếng chỉ trích, nhưng sẵn sàng cư xử mềm mỏng miễn Trung Quốc không làm điều gì vượt khỏi vấn đề pháp lý.
"Trung Quốc là một lực lượng hải quân toàn cầu, và chúng tôi khuyến khích họ cũng như các lực lượng hải quân quốc tế khác hoạt động tại vùng biển chung, miễn tất cả tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn, chuyên nghiệp và tôn trọng luật pháp trên biển", theo Trung tá hải quân William Marks, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc.
Trên thực tế, chính Mỹ đã hoạt động tại vùng biển quốc tế ngoài khơi bờ biển Trung Quốc trong nhiều năm qua, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi căng thẳng có thể nổ ra giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, The Washington Post cho biết.
Trong 2 tháng qua, ít nhất 3 tàu chiến Mỹ đã hoạt động ở khu vực này gồm tàu chiến USS Fort Worth, tàu khu trục USS Lassen, tàu đổ bộ USS Germantown. Tàu Fort Worth tham gia tập trận với Malaysia, trong khi USS Lassen phối hợp với Singapore và USS Germantown tập trận cùng với hải quân Indonesia, ông Marks nói.
Có thể thấy, việc Mỹ lên tiếng xác nhận sự hiện diện của 5 tàu chiến Trung Quốc ở ngoài khơi Alaska nhưng khẳng định họ không hề vi phạm lãnh hải Mỹ cũng là dấu hiệu để nhắc nhở Trung Quốc nên cư xử tương tự trên Biển Đông và thúc đẩy tự do trên biển.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
5 tàu chiến Trung Quốc đi qua lãnh hải Mỹ Các tàu hải quân Trung Quốc gần đây đã vào lãnh hải ngoài khơi bang Alaska, đi qua vùng 12 hải lý tính từ bờ biển Mỹ, báo chí Mỹ dẫn lời các quan chức quốc phòng cho biết. Một tàu Trung Quốc tham gia tập trận chung với Nga hồi tháng trước (Ảnh: SCMP) Vụ việc xảy ra hồi tuần trước, đúng...